Thế nào là người đạo đức

THẾ NÀO LÀ NGƯỜI ĐẠO ĐỨC?

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

Hỏi: Xin cho hỏi một người tốt (người đạo đức) gồm những yếu tố nào ?

Đáp: Khi ngài A Nan hỏi Đức Phật về lời dạy của chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai như thế nào, có giống và khác nhau không. Đức Phật đã trả lời bằng 4 câu kệ:

“Không làm mọi điều ác.

Thành tựu các hạnh lành,

Tâm ý giữ trong sạch,

Chính lời chư Phật dạy.”

(Pháp Cú 183)

 1-Không làm mọi điều ác: Không làm hại mình, hại người, hại cả hai. Đây là tiêu chuẩn đạo đức cơ bản. Người giữ 5 giới cơ bản (cố ý tránh xa sự sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say) được gọi là một người có đạo đức. Ví dụ trong dịch bệnh Covid, hành động tuân thủ giãn cách xã hội, đeo khẩu trang là tránh làm hại mình và không làm hại đến người khác là hành động đạo đức.

2-Thành tựu các hạnh lành: Đó là thực hành 10 phước nghiệp (bố thí, trì giới, hành thiền, cung kính, phục vụ, hồi hướng, tùy hỷ, nghe chánh pháp, giảng dạy chánh pháp, chánh kiến). Người thành tựu 10 phước nghiệp không những không làm hại mình, hại người mà còn đem lại sự an vui cho mình và cho người. Ví dụ các bác sĩ hết lòng cứu chữa người bệnh là bố thí sự không sợ hãi, đem lại sự an vui cho người bệnh. Những người đóng góp hiện vật hay sự phục vụ cộng đồng cũng là những người làm các hạnh lành.

Thế nào là người đạo đức

Ảnh minh họa (nguồn Intenet)

3-Tâm ý giữ trong sạch: Sau khi thực hiện các hạnh lành, không làm các việc ác, thì tiếp theo là việc thực hành chánh niệm và tỉnh giác trong 4 niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp) để không tạo tác các nghiệp. Mọi ý nghĩ, lời nói, hành động trong chánh niệm và tỉnh giác đều không làm khổ mình và khổ người, đem lại sự an vui cho mình và cho người bởi ra khỏi các điều kiện hữu vi (tạo tác nghiệp mới). Ví dụ trong 10 phước nghiệp (hạnh lành) muốn bố thí hiện vật thì phải có hiện vật, nếu không có hiện vật thì không bố thí được, nên còn bị điều kiện. Hoặc có hiện vật thì cần tìm đối tượng thích hợp để bố thí tức là vẫn cần điều kiện để bố thí. Nghĩa là vẫn bị khổ (dukkha) vì vô thường chi phối.

*KẾT LUẬN:

 1-Với thế gian thì người giữ 5 giới (không hại mình, không hại người) là đạo đức.

2-Với người hành 10 phước nghiệp thì đem lại lợi ích cho mình và người mới là đạo đức.

3-Với người hành thiền Tứ Niệm Xứ thì không tạo nhân của khổ (Tập đế hay tạo nghiệp mới) mới là đạo đức.

Đây cũng là lời dạy chung không khác của chư Phật trong cả ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thấy Biết

(www.tuniemxu.org)