Duy Nga Doc Ton

Duy Ngã Độc Tôn

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

Duy Ngã Độc Tôn

Duy Nga Doc Ton

DUY NGÃ ĐỘC TÔN
Sơ đồ tạo bởi thayvabiet.com

Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Vô lượng sinh tử
Ư kim tận hỷ”

Có nghĩa là:

Trên trời, dưới trời
Ta là người duy nhất
Kiếp này là kiếp cuối cùng của Ta
Vì không còn sinh tử nữa.

Chúng ta có thể hiểu các câu kệ ”Thiên thương thiên hạ. Duy ngã độ độc tôn. Vô lượng sinh tử. Ư kim tân hỷ” với 3 ý nghĩa mà Đức Phật đã giảng giải như sau:

1. Ý nghĩa thứ nhất là trong thế gian này bị chi phối bởi cái tôi, cái của tôi.  Cái tôi, cái của tôi mới tạo ra thế gian này.

Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Tự ngã đối mọi người
Quá thân ái như vậy
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người

(Tương Ưng Bộ Kinh)

2.  Ý nghĩa thứ hai là nếu muốn thoát khỏi thé gian này thì cũng đồng nghĩa với việc thoát khỏi cái tôi, cái của tôi. Với ba cảnh dục giới , sắc giới, vô sắc giới tái sinh kiểu gì cũng vì nguyên nhân cái tôi và của tôi.

Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.

Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Người không làm nhà nữa.
Ðòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.

(Kinh Pháp Cú)

“Con tôi, tài sản tôi”,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?

(Kinh Pháp Cú)

3. Ý nghĩa thứ ba là người nào chỉ ra, phát hiện ra con đường thoát khỏi cái tôi và của tôi, đồng thời tự mình thực hành, tự mình thành tựu con đường thì đó là người duy nhất không bị trói buộc bởi cái tôi, cái của tôi và là người thoát ra khỏi cảnh luân hồi trong thế gian này.

Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Một người này, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người, không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương trợ, không có đối phần, không có người ngang hàng, không có ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc Tối thượng giữa các loài hai chân.

Như vậy:

* Ý nghĩa thứ nhất được áp dụng cho đa số phàm phu sống trong thế gian.
** Ý nghĩa thứ hai được áp dụng cho đa số các vị hữu học đang mong mỏi tầm cầu con đường để thoát ra mọi khổ ách của thế gian.
*** Ý nghĩa thứ ba được áp dụng cho vị Phật Toàn Giác, người đã phát hiện ra con đường, thực hành con đường, thành tựu con đường và chỉ dạy lại cho người khác con đường thoát khỏi thế gian.

viết bởi Thấy và Biết

—————————————————————————

Xin đọc tiếp: trích từ Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca của Lê Sỹ Minh Tùng.

 Tương truyền rằng vì thấy vườn hoa tươi đẹp nên Hoàng Hậu Ma-da rảo bước ngắm hoa. Trông thấy nhánh hoa “vô ưu” mới nở vừa thơm vừa đẹp và cành lá sum suê nên Hoàng Hậu bèn lại gần và với tay bên phải để hái hoa thì Thái Tử bỗng đâu từ trong hông phải của bà chun ra. Khi đó bỗng nhiên từ dưới đất mọc lên một đóa hoa sen Thất Bảo lớn như bánh xe mà đỡ cho Ngài. Thái tử vừa giáng sinh thì bước đi bảy bước có bảy đóa sen đỡ chân. Một tay Ngài chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng:”

Thiên thượng thiên hạ

Duy ngã độc tôn

Vô lượng sinh tử

Ư kim tận hỷ”

*Có nghĩa là:

Trên trời, dưới trời

Ta là người duy nhất

Kiếp này là kiếp cuối cùng của Ta

Vì không còn sinh tử nữa.

“Ngã” ở đây là chấp ngã nghĩa là chấp thân, tâm này thật sự là “ Ta” và “Cái Của Ta”. Đức Phật không phủ nhận thân này là ta hay những vật sở hữu mà chúng ta dày công gầy dựng là của ta, nhưng Ngài chỉ nhắc nhở rằng cái Ta hay cái của Ta chỉ là dựa trên quy ước, trên danh nghĩa của cuộc đời thế thôi. Nếu con người chấp cứng vào nó thì đây là những sợi dây vô hình cột chặt con người vào cảnh khổ, không có lối thoát từ kiếp sống này và đến biết bao kiếp sau nữa. Tại sao? Bởi vì khi còn chấp là còn dính mắc, còn bị ràng buộc trong thế gian. Từ chấp ngã mà gốc rễ tham, sân, si mới có cơ hội phát tác. Tùy theo cường độ tham sân si nhiều hay ít, nặng hay nhẹ mà thọ sanh nơi các cõi trời (thiên thượng) hay đọa ở các cõi địa ngục (thiên hạ). Từ đó, câu “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” có thể hiểu rằng: “Ta từ vô lượng kiếp đến nay, nhiều khi sanh lên các cõi trời, lắm lần đọa vào các địa ngục, đầu dây mối nhợ không do đâu khác hơn là tham, sân, si đẩy đưa đến ngã chấp mà không thấy rõ bản chất “vô ngã, duyên sanh” từ thân, tâm đến hoàn cảnh chung quanh”. Ðó là lời khai thị và cũng là lời cảnh cáo ngay từ buổi bình minh của đời Ngài.

Trong khi đó, Phật giáo Đại thừa giải thích câu: “Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn” là “Trên trời dưới trời, chỉ có ta là tôn quý nhất”. Nhưng tại sao lại là đấng tôn quý nhất? Bởi vì chữ “Ngã” trong câu này có nghĩa là “Chân Ngã” tức là “Phật tánh”. Vì là Phật tánh cho nên trên trời, dưới đất không có gì quý bằng.

Bây giờ, hãy lắng nghe Đức Phật diễn tả lại cuộc hành trình đó trong kinh Pháp Cú câu 154:

“Ta đi lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà chưa gặp kẻ làm nhà. Nay ta đã gặp ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà thêm được nữa, những đòn tay, những cột kèo, những rui mè… của ngươi đã bị mục rã cả rồi…” .

Kẻ làm nhà ở đây là tham lam ái dục, là độc đầu tiên trong tam độc tham, sân, si. Nhà là tấm thân do ngũ uẩn giả hợp. Cột kèo… là những phiền não nhiễm ô. Mục rã rồi nghĩa là Đức Phật đã chinh phục, đã vượt lên trên, đã đứng ngoài sự chi phối của chúng. Nói rõ hơn là Ngài đã thành tựu tuệ giác siêu việt nên không còn bị nghiệp lực đẩy đưa đây đó, lên xuống trong ba cõi sáu đường. Do vậy Ngài tuyên bố câu:

“Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” nghĩa là vì chưa tìm ra nguyên nhân, nên trải qua vô số kiếp ta phải chịu sanh tử luân hồi. Nay đã thấy rõ nguyên nhân và nhất là đã có phương pháp diệt trừ thì sanh tử luân hồi không còn chi phối ta được nữa. Vì vậy muốn liễu sanh thoát tử thì bắt buộc phải thực chứng chân lý “Vô Ngã”.

Tuy nhiên, kinh điển Nguyên thủy Pali không hề nói đến việc Thái tử sinh ra từ hông phải của Hoàng hậu Ma-da. Trong Trường Bộ Kinh Tập 1, Kinh Đại Bổn 14 có câu:”Này các Tỳ kheo! Pháp nhĩ là như vậy. Khi vị Bồ-tát Tất Đạt Đa từ bụng mẹ sanh ra, chư thiên đỡ lấy Ngài trước, sau mới đến loài người. Pháp nhĩ là như vậy”. Như thế theo kinh tạng Nguyên thủy, sự đản sanh của Đức Phật là một con người bình thường, Hoàng hậu Ma-da cũng hoài thai như muôn ngàn thiếu phụ khác. Đến ngày khai hoa nở nhụy, Thái tử Tất Đạt Đa cũng chào đời qua lòng mẹ như mọi đứa trẻ khác trên thế gian này.

Đây là ngày mồng tám tháng tư (624 năm trước Tây lịch). Thái Tử được đặt tên là Tất-Đạt-Đa (Siddhartha) và cũng theo tục lệ của Ấn Độ thì người con phải lấy họ mẹ là Thích Ca. Hoàng Hậu Ma-da tạ thế sau khi sanh Thái tử được bảy ngày. Mặc dầu chết sớm, nhưng Hoàng Hậu rất vui mừng vì đã sanh ra được một quý nhơn và bà nghĩ rằng mình đã làm tròn nhiệm vụ cao quý đó cũng như đã rửa sạch những nghiệp báo trên đời này. Vua Tịnh Phạn giao Thái tử cho em gái của Hoàng hậu là bà Ma-ha-Bà-xà-ba (Mahaprajapati) nuôi dưỡng cho đến khi khôn lớn.

Ngày đản sanh Thái tử, khắp nơi trong thành Ca-tỳ-la-vệ đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cỏ đều đơm hoa kết trái, trên không thì chim chóc múa ca và hào quang chiếu sáng cả mười phương.

trích từ Cuộc Đời Đức Phật Thích Ca của Lê Sỹ Minh Tùng.

nguồn: http://www.nigioingaynay.com/Phat-hoc/6374/cuoc-doi-cua-duc-phat-thich-ca.html