
PHÁP (DHAMMA) SẼ BẢO VỆ NGƯỜI THỰC HÀNH PHÁP
Khi thực hành Tứ Niệm có ba tâm luôn đồng sinh trên các đề mục Tứ Niệm Xứ là: TINH TẤN, CHÁNH NIỆM, TỈNH GIÁC trong đó TINH TẤN luôn dẫn đầu. Tinh tấn ví như sự duy trì liên tục mũi khoan quay tròn và áp sát vào chỗ đánh dấu để khoan. Chánh Niệm giống như mùi khoan không bị chệch chỗ đánh dấu. Tỉnh giác giống như sự di chuyển mũi khoan đi sâu vào chiều sâu cần khoan.
Tinh tấn được định nghĩa là nỗ lực làm việc khó làm được dạy trong Tứ Chánh Cần gồm 4 việc cần nỗ lực:
- Tinh tấn chế phục hoặc loại trừ những hành động bất thiện đã khởi sanh, hoặc đang trên đà phát sanh.
2. Tinh tấn xa lánh (chẳng những trong kiếp sống hiện tiền mà luôn cả trong những kiếp về sau), ngăn ngừa những hành động bất thiện chưa phát sanh, không để cho nó khởi sanh;
3. Tinh tấn làm phát sanh những hành động thiện chưa khởi sanh;
4. Tinh tấn tăng trưởng và duy trì bền lâu những hành động thiện đã khởi sanh hoặc trên đà phát sanh.
Bất thiện pháp là gì? Những gì gây ra khổ thân, khổ tâm trong hiện tại và tương lai cho dù nó mang tên gọi gì, hình dáng gì, hoàn cảnh gì đi chăng nữa.
Thiện pháp là gì? Những gì làm cho thân và tâm được an vui trong hiện tại và tương lai cho dù nó mang tên gọi gì, hình dáng gì, hoàn cảnh gì đi chăng nữa.
Như vậy để chấm dứt bất thiện pháp và có được thiện pháp đều cần TINH TẤN. Tức là làm việc KHÓ LÀM chứ không phải là dễ. Nếu trước đây chúng ta chưa biết đến Vipassana hay Tứ Niệm Xứ thì tâm không biết giữa thiện và bất thiện một cách trực giác và rõ ràng. Bây giờ tâm đã biết, nó mau lẹ hơn, nó rung chuông cho mình biết để mình bảo vệ cho sự bình an của tâm. Ngài Ajahn Chah nói:” Pháp (Dhamma) sẽ bảo vệ người thực hành pháp”. Chúng ta thực hành pháp đến đâu thì sẽ được bảo vệ đến đó. Vấn đề là chúng ta có thực hành hay không mà thôi. Mỗi người đến với vipassana đều sẽ phải cọ sát và thi qua bài học với những điều này. Tiền có thể mua được căn nhà nhưng không mua được tổ ấm. Lựa chọn căn nhà hay tổ ấm là ở mình, khi mình chưa đủ duyên hay phước để lựa chọn căn nhà và tổ ấm cùng là một chỗ.
Xin trích câu truyện trong Đại Niệm Xứ giảng giải của ngài thiền sư U Silananda:
“Trong A.t.thasaalinii có nói đến hai câu chuyện về tự chế do cơ hội và tự chế do giới luật:
Ở Tích Lan có một cư sĩ tên là Cakkana. Lúc còn trẻ, mẹ Cakkana đau một loại bệnh mà thầy thuốc bắt phải ăn thịt thỏ tươi. Người anh bảo Cakkana ra đồng bắt thỏ. Cakkana đi thẳng đến cánh đồng. Một con thỏ đang ăn thấy Cakkana vội bỏ chạy và dính vào một bụi dây leo, kêu la sợ hãi. Cakkana theo tiếng kêu và bắt được thỏ. Cầm thỏ trên tay Cakkana nghĩ: “Ta đã có thuốc cho mẹ rồi”. Nhưng Cakkana lại nghĩ: “Lấy sinh mạng của một chúng sanh khác để cứu sinh mạng mẹ mình thì chẳng phải là phương cách tốt đẹp”. Thế là Cakkana thả thỏ ra và nói: “Thỏ ơi, hãy đi ăn cỏ và uống nước thoải mái với các bạn khác trong rừng”. Trở về nhà tay không, Cakkana gặp anh. Người anh hỏi:
– Em bắt được thỏ không?
Cakkana thuật lại mọi chuyện. Người anh mắng cậu bé một trận nhưng Cakkana vẫn không giận dữ. Cakkana đến gần bên mẹ với lòng thành thật nói rằng: “Từ lúc sinh ra đến nay con chưa giết hại một sinh vật nào. Với lời thành thật này cầu mong mẹ lành bệnh”. Do năng lực của lời nói thành thật đó, mẹ Cakkana lành bệnh.
Câu chuyện thứ hai nói đến một cư sĩ sống ở núi Uttara-vaddhamara.
Sau khi xin giới từ trưởng lão Pingalabuddharakhita ở chùa Ambariya, cư sĩ ra đồng làm việc. Anh ta chăm lo cày bừa thửa ruộng của mình. Trưa hôm ấy, sau khi ăn cơm xong anh nằm nghỉ. Lúc thức dậy không thấy con bò đâu nữa, anh bèn chạy đi tìm. Anh vào núi Uttaravaddhhamra thì bị một con trăn quấn chặt. Sẵn rìu trong tay anh ta nghĩ: “Ta sẽ cắt đầu con trăn bằng cái rìu bén này”. Nhưng anh lại nghĩ tiếp: “Ta mới xin giới sáng nay, ta không nên có ý nghĩ sát hại đó”. Sau khi suy nghĩ ba lần, anh ta tự nhủ: “Ta phải giữ giới và chịu chết”. Sợ còn giữ rìu trong tay, khi đau quá, có thể thay đổi ý định nên anh vất rìu ra thật xa. Ngay khi đó, trăn nới lỏng mình và bò đi nơi khác”
Nguồn: thayvabiet.com
You must be logged in to post a comment.