
Ý Nghĩa Bồ Tát Tất Đạt Đa (Siddhattha) Đản Sinh Bước Đi 7 Bước
[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]
1- BỒ TÁT AN TRÚ TRONG THAI BÀO.
Khi Bậc Đại sĩ an trú trong thai bào, Tứ Đại vương canh giữ bốn phương nơi Hoàng hậu Māyā trú ngụ, với ý nghĩ “không cho một ai, người hay phi nhân làm hại đấng Đại sĩ”. Tứ đại vương canh giữ bốn phương như thế trọn 10 tháng (tính theo nhân loại).
Khi ấy, do uy lực của bậc Đại sĩ kiếp chót, Hoàng hậu Māyā giữ 5 giới một cách tự nhiên, đồng thời không hề có tư tưởng “tình dục” với bất kỳ nam nhân nào.
Mẹ của Đấng Đại sĩ tận hưởng đầy đủ năm món dục lạc, tâm luôn hoan hỷ, thân luôn an lạc, không hề xuất hiện một chứng bịnh nào, bà nhìn thấy “hài tử” trong thai bào của mình với tất cả chi tiết của mọi bộ phận như mắt, mũi, môi … lẫn chân tay, như người nhìn thấy sợi chỉ màu vàng, màu xanh hay màu đỏ xuyên suốt qua viên bảo ngọc trong suốt không tỳ vết([59]).
Đấng Đại sĩ khi an trú trong thai bào, Ngài ngồi “hai chân gác tréo lên đùi” (pallaṅka), mặt day ra trước bụng mẹ (khác với những ấu nhi thường tình là mặt day vào lưng mẹ), Bồtát có sự ghi nhận hiểu biết rõ, không bị vật nhơ bẩn nào xâm phạm vào Ngài, ví như Ngài ngồi trong bảo điện trong sạch.
2- BỒ TÁT ĐẢN SINH.
Khi mang thai gần 10 tháng, sắp đến ngày sinh nở, theo phong tục thời ấy Hoàng hậu xin phép vua Tịnh Phạn về quê mẹ là Thiên Trì để sinh nở.
Vua Tịnh Phạn cho người trang hoàng con đường từ thành CaTỳLaVệ đến thành Thiên Trì thật bằng phẳng, ven đường trồng chuối, đặt những vại nước và cờ phướn trang trí cho con đường.
Hoàng hậu Māyā ngự trên chiếc kiệu bằng vàng xinh đẹp trở về kinh thành Thiên Trì với đông đảo tùy tùng.
Vào ngày rằm tháng Vesākha([60]), bà đi đến rừng “điềm lành” vì được trồng toàn cây Sālā (Vô ưu), có tên gọi là LâmTỳNi (Lumbini) nằm giữa hai kinh thành Thiên Trì và CaTỳLaVệ.
Bà muốn ngoạn cảnh trong khu lâm viên này, nên cho dừng kiệu vàng, đi vào khu lâm viên, xuống hồ nước tắm rồi đi ngoạn cảnh.
Bấy giờ rừng cây Sālā nở rộ hoa từ gốc cho đến ngọn, trên những cành cây Sālā ríu rít tiếng chim hót như chào mừng đấng Đại sĩ sắp ra đời.
Hoàng hậu Māyā thấy khu rừng xinh đẹp, bà có cảm giác như khu rừng Nandana trong cõi chư thiên nên tâm bà rất vui thích.
Khi đi đến cội Sālā nở rộ hoa, bà nhìn thấy một cánh hoa Sālā xinh đẹp trên nhánh cao đang nở, cành cây cong xuống như đang cúi chào, bà hân hoan đưa bàn tay phải nắm lấy cành cây, nơi cườm tay chiếu sáng với chiếc vòng vàng xinh đẹp, những ngón tay tròn như cọng sen tươi, những chiếc móng tay dài có màu trắng sữa tươi nhuận.
Nơi bà đứng chợt sáng rực như vầng trăng vừa mọc, xua tan sự tối của bóng đêm, như ánh sáng được tỏa ra từ vị thiên nữ trong rừng hoa Hoan Lạc (Nandana).
Và Đấng Đại sĩ duỗi thẳng hai chân ra khỏi thai bào, như vị pháp sư duỗi thẳng hai chân bước xuống pháp tọa, vị Đại sĩ “biết rõ” đang xuất khỏi thai bào.
Những nữ nhân khác khi sinh con phần đông thì nằm, một số thì ngồi, Bồtát ra khỏi thai bào trong khi mẹ Ngài đang đứng.
Những hài nhi khác, một số sinh ra trước 10 tháng, một số ít sinh ra sau 10 tháng, Đấng Đại sĩ ở trong thai bào đúng 10 tháng không hơn không kém.
Khi Bồ tát ra khỏi thai bào, bốn vị Phạm thiên mang chiếc lưới bằng vàng đến đón nhận Bồtát, rồi thưa với Hoàng hậu rằng: “Thưa Hoàng hậu, Hoàng hậu hãy hân hoan đi, vì bà vừa sinh ra một bậc đại nhân”.
Sau đó các Phạm thiên trao Bồ tát cho Tứ đại vương, Tứ đại vương mang chiếc da con sơn dương đen mềm mại, mang ý nghĩa “điềm lành”, đặt Bồ tát trên tấm da con sơn dương đen, mang đến cho Hoàng hậu Māyā, các cung nữ theo hầu Hoàng hậu đã đón nhận Bồtát.
Bồ tát ra khỏi thai bào hoàn toàn trong sạch, không bị nhơ bẩn bởi loại nước nhớt nào, không bị nhơ bẩn bởi loại mủ nào, không bị nhơ bẩn bởi loại máu nào, không bị nhơ bẩn bởi bất cứ loại nước dơ nào.
Từ nơi hư không xuất hiện hai giòng nước ấm và mát, tắm rữa sạch sẽ cho Bồtát và Hoàng hậu Māyā.
Rời khỏi tay các cung nữ, Bồ tát đứng vững trên đất hướng về phương Bắc đi 7 bước rồi dừng lại, nhìn bốn phương nói lên kệ ngôn:
Aggo’haṃ asmi lokassa;
jeṭṭho’haṃ asmi lokassa
Seṭṭho’haṃ asmi lokassa.
Ayaṃ antimā jāti.
N’atthi’ dāni punabbhavoti:
“Ta là bậc cao nhất trên đời; ta là bậc quý nhất trên đời.
Ta là bậc đáng trọng nhất trên đời.
Nay là kiếp cuối cùng
Không còn phải sinh lại ở đời này nữa”
Bản Sớ giải Phật Tông có giải thích:
3- BỒ TÁT ĐI NHƯ THẾ NÀO?
Ngài không đi xuyên qua hư không, Ngài đi trên đất nhưng chân không chạm đất vì có 7 cánh hoa sen nở đón lấy chân Ngài (nhân loại không nhìn thấy, chỉ có chư Thiên và Phạm thiên thấy). Nhưng nhân loại nhìn “tựa như Ngài đi xuyên qua hư không, giữa bầu trời”.
Ngài đi như một đạo sĩ lõa thể, nhưng đại chúng thấy “tựa như Ngài khoác áo choàng xinh đẹp”.
Ngài đi như một hài tử mới sơ sinh, nhưng đại chúng nhìn “tựa như một thanh niên 16 tuổi”.
4- NHÌN KHẮP MỌI PHƯƠNG.
Đến bước thứ 7, Ngài dừng lại nhìn khắp mọi phương, khi Ngài nhìn về hướng Đông, các thế giới ở phương Đông nằm trong tầm mắt Ngài một cách rõ ràng, không bị che khuất, chư thiên ở các thế giới phương Đông đảnh lễ Ngài một cách tôn kính rồi cúng dường hương hoa đến Ngài, bạch rằng:
“Thưa Đấng Đại sĩ, nơi đây không có ai đáng được tôn kính hơn Ngài, người như Ngài không có ở nơi đây”.
Tương tự như thế với các phương Đông nam, Nam, Tây nam, Tây, Tây bắc, Bắc, Đông bắc, hướng trên và hướng dưới.
Khi thấy rõ và hiểu rõ như vậy, Đấng Đại sĩ mới nói lên kệ ngôn trên.
5- ĐẤNG ĐẠI SĨ VỪA SINH RA BIẾT NÓI.
Suốt dòng luân hồi, khi tái sinh làm thân nhân loại, chỉ có ba kiếp “Bồtát vừa sinh ra đã biết nói”, đó là:
*Kiếp Ngài là Bồtát Mahosatha, tu tập hạnh “đại trí tuệ”.
Tương truyền, Bồtát từ cung trời “Ba mươi ba” (Tāvatiṃsadeva)([62]) tái sinh vào lòng bà Trưởng giả Diệu Ý (Sumanā), vợ ông Trưởng giả Sirivaddhana.
Gần đến ngày Bồtát sinh ra, vua trời ĐếThích mang một hòn thuốc đặt vào tay Bồtát. Khi sinh ra khỏi lòng mẹ, Bồtát nắm chặt trong tay hòn thuốc, mẹ Ngài hỏi: “Con cầm vật chi trong tay vậy”?
– Thưa mẹ, đây là thuốc trị bịnh.
Trưởng giả Sirivaddhana mang bịnh đã 7 năm, nhưng chữa trị không hết, bà Trưởng giả mang hòn thuốc mài cho chồng uống, ông Trưởng giả dứt khỏi bịnh.
Do đó, Bồtát có tên là Mahosatha (Đại Dược) (chữ mahosatha =Mahā (đại) + osatha (thuốc trị bịnh).
Từ ấy, nhờ hòn thuốc này, đã trị lành nhiều chứng bịnh cho cư dân trong và quanh vùng của Bồtát([63]).
*Kiếp Ngài là Bồtát Vessantara, tu tập hạnh “đại bố thí”.
Tương truyền vua trời ĐếThích cung thỉnh Bồtát tái sinh vào lòng bà Hoàng hậu Phusatī, con vua Sañjaya.
Bồtát sinh ra giữa phố những người thương buôn, nên Ngài có tên là Vessantara (chữ vessantara = vessa (thương buôn) + antara (ở khoảng giữa).
Bồtát Vessantara khi sinh ra, thân thể không bị ô nhiễm bởi những chất nhơ bẩn như: Nước nhớt, mủ, máu …, Ngài mở mắt ra nhìn mẹ và hỏi:
– Thưa mẹ, con muốn bố thí, mẹ có gì cho con để con bố thí không?
– Này con, con hãy bố thí theo ý muốn.
Hoàng hậu Phusatī đặt vào trong tay hài tử túi tiền 1.000 đồng vàng.
*Kiếp Ngài là Bồtát SĩĐạtTa.
Cả ba kiếp ấy, sau khi nói xong Ngài trở lại trạng thái “sơ sinh” như mọi hài tử khác.
Lại nữa, sự kiện Bồtát kiếp chót sinh ra “nơi biên giới” và đi 7 bước, nói lên kệ ngôn, “đó là thông lệ của chư Phật Chánh giác”.
Chư Phật có 30 thông lệ như sau là:
6- BA MƯƠI THÔNG LỆ CỦA CHƯ PHẬT
1- Có sư ghi nhớ (sati – niệm) cả ba thời kỳ: Nhập thai bào, trú trong thai bào và xuất khỏi thai bào([65]).
2- Khi trú trong thai bào, Ngài “ngồi tréo chân” (kiết già), mặt day ra phía trước bụng mẹ.
3- Bồtát duỗi thằng hai chân như vị pháp sư bước xuống pháp tọa ra khỏi thai bào trong khi mẹ Ngài đang đứng.
4- Ngài sinh ra ở biên giới.
5- Vừa ra khỏi thai bào, Bồ tát mặt hướng về phương Bắc, đi 7 bước nhìn bốn phương, nói lên kệ ngôn:
“Aggo’haṃ asmi lokassa, jeṭṭho’haṃ asmi lokassa,
Seṭṭho’haṃ asmi lokassa.
Ayaṃ antimā jāti,
N’atthi’dāni punabbhavo”:
“Ta là bậc cao nhất trên đời; ta là bậc quý nhất trên đời.
Ta là bậc đáng trọng nhất trên đời.
Nay là đời sống cuối cùng,
không còn phải tái sinh ở đời này nữa”
6- Trước khi xuất gia, Bồtát gặp 4 hiện tượng: Già-bịnh-chết và vị Samôn, đồng thời có được con trai đầu lòng.
7- Bồtát trước khi chứng Phật quả, phải thực hành khổ hạnh ít nhất là 7 ngày, nhiều nhất là 7 năm. Như:
* Trước khi thành Phật Chánh giác, các vị Bồtát: Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Sumana, Anomadassī, Sujāta, Siddhattha, Kakusandha; các Ngài thực hành khổ hạnh là 10 tháng.
* Các vị Bồtát: Maṅgala, Sumedha, Tissa, Sikhī; các Ngài thực hành khổ hạnh khoảng 8 tháng, mới chứng đắc quả Chánh đẳng giác.
* Bồtát Revata khổ hạnh 7 tháng.
* Các vị Bồtát: Piyadassī, Phussa, Vessabhū, Konāgamana; các Ngài thực hành khổ hạnh 6 tháng.
* Bồtát Sobhita khổ hạnh 4 tháng.
* Các vị Bồtát: Paduma, Atthadassī, Vipassī; các Ngài hành khổ hạnh một tháng rưỡi.
* Các vị Bồtát: Nārada, Padumuttara, Dhammadasī, Kassapa: Các Ngài hành khổ hạnh chỉ 7 ngày.
* Bồtát Siddhatha khổ hạnh suốt 6 năm([66]).
Tương truyền Bồtát Metteyya (DiLặc) trong tương lai, Ngài chỉ khổ hạnh 7 ngày.
8- Trước khi đắc Vô thượng Chánh giác, Bồtát thọ dụng cơm sữa.
9- Bồtát phát nguyện, cỏ nhung hóa thành bồ đoàn để Ngài an ngự trên đó.
10- Bồtát thực hành đề mục niệm hơi thở để chứng quả Vô thượng Chánh giác([67]).
11- Chiến thắng Ma vương cùng binh tướng của Ma vương bằng 30 pháp độ, nhất là pháp bố thí([68]).
12- Đắc tam minh rồi chứng quả Vô thượng Chánh Giác
13- Chứng quả Vô thượng Chánh Giác vào rạng sáng và ở gần cội Bồ-đề 7 nơi, mỗi nơi 7 ngày.
14- Thành Phật rồi, Ngài có ý không giảng pháp, vị Đại Phạm thiên cung thỉnh giảng pháp và Đức Phật im lặng nhận lời.
15- Bài pháp đầu tiên được thuyết giảng nơi vườn Lộc Uyển, gọi là “Chuyển pháp luân”.
Trong thời Đức Phật Gotama vùng đất này có tên gọi là “Lộc Uyển”, trong thời chư Phật quá khứ, có thể có tên gọi khác.
Tuy nnhiên, cũng chính tại vùng đất này, 3 vị Phật quá khứ đã giảng bài pháp đầu tiên. Tương truyền “đó là nơi có cụm sen trong thời Sơ kiếp”.
16- Có ít nhất một lần Đại hội Thánh Tăng.
Điều kiện để gọi Đại hội Thánh Tăng là:
-Vào ngày trăng tròn tháng Māgha([69]).
– Tất cả chư Tăng không mời, đồng nhau tụ hội lại.
– Tất cả đều xuất gia bằng cách “ehi bhikkhu” (hãy đến đây, này Tỳkhưu).
– Tất cả chư Tăng đều là ALaHán lục thông.
Tùy theo số lượng chư Tăng có mặt được gọi là “Tăng hội” của Đức Thế Tôn ấy.
Theo Kinh Đại bổn (Mahāpadānasuttanta) trong Trường bộ kinh III thì:
*Đức Thế Tôn Vipassī có 3 Tăng hội: Một Tăng hội có 68 ngàn vị Tỳkhưu, một Tăng hội có 100 ngàn vị Tỳkhưu, một Tăng hội có 70 ngàn vị Tỳkhưu.
*Đức Thế Tôn Sikhī có 3 Tăng hội: 100. ngàn vị Tỳkhưu, 80 ngàn vị Tỳkhưu và 70 ngàn vị Tỳkhưu.
*Đức Thế Tôn Vessabhū có ba Tăng hội: 80 ngàn vị Tỳkhưu, 70 ngàn vị Tỳkhưu, 60 ngàn vị Tỳkhưu.
*Đức Thế Tôn Kakusandha có 1 Tăng hội là 40 ngàn vị Tỳkhưu.
*Đức Thế Tôn Konāgamana có một Tăng hội là 30 ngàn vị Tỳkhưu.
*Đức Thế Tôn Kassapa có một Tăng hội là 20 ngàn vị Tỳkhưu.
*Đức Thế Tôn Gotama có một Tăng hội là 1250 vị Tỳkhưu
17- Chư Phật luôn có ngôi chùa như trú xứ chính (như Đức Thế Tôn Gotama có ngôi Đại tự Jetavanavihāra (Kỳviên tịnh xá).
18- Chư Phật có một lần thể hiện Song thông lực để hàng phục ngoại đạo.
19- Chư Phật luôn đền đáp công ân thân mẫu (trong kiếp chót ấy) bằng Tạng Thắng pháp (Abhidhamma).
20- Thuyết xong Tạng Thắng Pháp, Đức Phật ngự về nhân giới bằng chiếc thang ngọc.
21- Mỗi đêm Đức Chánh giác đều an trú tâm trong thiền tịnh (vào đầu canh 2 của đêm)([70]).
22- Và0 lúc gần sáng (cuối canh ba) quán xét duyên lành của chúng sinh 2 lần: Lần 1 quán xét về duyên lành, lần 2 quán xét về cơ tánh của chúng sinh ấy.
23- Khi có nguyên nhân chính đáng, mới chế định học giới.
24- Thuyết lên Bổn sự khi thích hợp.
25- Khi thân tộc tụ hội đầy đủ, Đức Chánh Giác thuyết lên Phật tông (Buddhavaṃsa).
26- Luôn sách tấn, khích lệ đệ tử từ phương xa về, bằng pháp thoại thích hợp.
27- Khi được cung thỉnh an cư mùa mưa, chưa từ giả thí chủ thì chưa ra đi.
28- Không xao lảng 5 phận sự thường nhật, là:
– Buổi sáng đi trì bình khất thực (pubbaṇhe piṇḍapātaṃ).
– Xế chiều thuyết pháp đến hàng tại gia (sāyaṇhe dhammadesanaṃ).
– Chiều tối ban huấn từ đến chư Tỳkhưu (padose bhikkhu ovādaṃ).
– Nửa đêm trả lời các câu hỏi của chư thiên (aḍḍharatte devapañhānaṃ).
– Gần sáng quán xét chúng sinh có duyên lành, Ngài ngự đi tế độ (paccūseva gate kāle bhabbābhabbe)([71]).
27- Trước khi viên tịch, dùng bữa cơm thịt.
30 – Trước khi viên tịch, nhập xuôi ngược 2 triệu bốn trăn ngàn lần thiền([72]).
Đây là 30 thông lệ của chư Phật Chánh giác.
7- BA MƯƠI HAI ĐIỀU KỲ DIỆU.
Bản Sớ giải Phật tông có giải thích “khi Bồtát ra khỏi thai bào, có 32 điều kỳ diệu phát sinh” như sau:
– Sự chấn động 10 ngàn thế giới, là điềm báo hiệu Bồtát chứng đạt Toàn giác trí (sabbaññāṇa).
– Chư thiên cùng tụ hội lại vào lúc Bồtát ra khỏi thai bào, cũng như vào lúc Đức Phật khai giảng “pháp luân”; là điềm báo “sự lãnh hội pháp bất tử”.
– Phạm thiên – chư thiên đón nhận Bồtát trước tiên, là điềm báo Ngài chứng đắc bốn tầng thiền Sắc giới.
– Nhân loại đón nhận Bồtát, là điềm báo Ngài chứng đắc bốn tầng thiền Vô sắc.
– Trống lớn, trống nhỏ, cùng tự động vang lên, là điềm báo “sự xuất hiện tiếng trống chánh pháp”.
– Các loại đàn, cùng tự động khảy lên, là điềm báo “sự tăng trưởng trong thiền tịnh”.
– Các gông cùm, xiềng xích tự mở ra, là sự phá tan “ngã mạn”.
– Nhân loại tự nhiên hết bịnh, là điềm báo “đạt được Tứ diệu đế”.
– Người mù chợt thấy, là điềm báo đắc được “thiên nhãn minh”.
– Người điếc chợt nghe những âm thanh, là điềm báo đắc “Thiên nhĩ thông”.
– Người đần độn bẩm sinh chợt hiểu biết, là điềm báo “chánh niệm” sinh khởi, hay những pháp làm duyên cho “chánh niệm” khởi lên.
– Người què đi được, là báo hiệu đắc pháp “tứ như ý”.
– Tất cả thuyền đều vào bến cảng, là điềm báo đắc “tứ tuệ phân tích”.
– Tất cả những viên ngọc ở trên đất hay trong hư không, tự phát sáng, là báo hiệu “Chánh pháp rực sáng”.
-Lửa trong địa ngục chợt tắt, là điềm báo “diệt tắt mười một loại lửa khổ”. Đó là: Lửa khát ái (rāga), lửa sân (dosa), lửa si (moha), lửa sinh (jāti), lửa già (jarā), lửa chết (maraṇa), lửa sầu (soka), lửa than khóc (parideva), lửa khổ (dukkha), lửa phiền muộn (domanassa) và lửa uất ức (upāyāsa)([73]).
– Nước trong các giòng sông ngừng chảy, là điềm báo đắc “bốn vô sở úy”.
– Ánh sáng chiếu vào “địa ngục không gian”, là điềm báo “tuệ nhãn” sinh lên để diệt trừ vô minh.
– Nước biển chợt có vị ngọt, là điềm báo đắc “Nípbàn”, là hương vị độc nhất.
– Gió ngừng thổi, là báo hiệu phá tan “62 tà kiến”.
– Các cây nở rộ hoa, là báo hiệu “sự giải thoát lan tỏa”.
– Mặt trăng chiếu sáng, là báo hiệu “tế độ chúng sinh”.
– Mặt trời rạng rở không bị mây che và mát dịu, là báo hiệu “thân – tâm an lạc”.
-Tất cả loài chim cùng đậu xuống đất, là báo hiệu “chúng sinh sau khi nghe pháp sẽ nương nhờ Tam bảo”.
– Mưa từ những đám mây lớn rơi xuống, báo hiệu “Chánh pháp lan rộng khắp nhân thiên”.
– Chư thiên hoan hỷ ca múa, là báo hiện “xuất hiện kệ khải hoàn khi Ngài chứng đắc quả Vô thượng Chánh giác”.
– Những cánh cửa tự mở ra, báo hiệu “Bát chánh đạo xuất hiện”.
– Chúng sinh (nhất là ngạ quỷ) khi ấy không cảm thấy đói, báo hiệu “chứng đắc pháp bất tử từ niệm thân”.
– Chúng sinh không thấy khát, là báo hiệu sự “an lạc tâm giải thoát” xuất hiện.
– Những chúng sinh có thù hận nhau, chợt có tâm hòa ái với nhau (như quạ vui đùa với diều; những con rắn độc vui đùa với những con chồn hương …), là điềm báo đắc “bốn vô lượng tâm”.
– Cờ chư thiên tung bay, là báo hiệu xuất hiện “chánh pháp” lan rộng đến tận cõi Phạm thiên.
Ngoài ra còn một số điều, báo hiệu sự chứng đắc các đặc tính của vị Phật như:
“Nhân loại có tâm hân hoan, nói chuyện với nhau thân ái, các con ngựa đồng hí lên, các con voi cùng rống lên, hương thơm từ không trung rơi xuống, hoa chư thiên rơi xuống”([74]).
Tin Hoàng hậu Māyā sinh ra một vị Thái tử mang lại niềm vui cho Hoàng tộc cùng vương quốc ThíchCa, sự ra đời của đấng Đại sĩ mang lại niềm vui cho nhân loại và chư thiên, nên gọi là “đản sinh”.
Ngay sau đó, Hoàng hậu Māyā cùng đoàn tùy tùng, trở về kinh thành CaTỳLaVệ, 7 ngày sau bà mệnh chung, tái sinh về cõi trời ĐẩuSuất là thiên tử Māyādevaputta.
Một số sách cho là bà tái sinh về cõi “Ba mươi ba” (Tāvatiṃsa), nhưng theo Sớ giải Phật Tông và Sớ giải kinh Pháp cú([75]) thì bà Hoàng Māyā tái sinh về cõi ĐẩuSuất.
Một số Giáo thọ sư cho rằng “nếu Hoàng hậu Māyā không mệnh chung, có lẽ Đức Phật sẽ dễ dàng hơn khi cho nữ nhân xuất gia trong Giáo pháp này”.
Ngài Dhammapāla không tán đồng ý kiến này, theo quy luật của chư Phật “nữ nhân được xuất gia trong giáo pháp này, nhưng hạn chế và chịu “nhiều ràng buộc về giới luật” hơn chư Tỳkhưu.
Và mẩu thân của vị Bồtát kiếp chót phải mệnh chung, vì bà sẽ không còn làm “vợ một nam nhân nào nữa”, không còn phải mang thai bào nữa”.
8- VỀ NHÓM 7 ĐỒNG SINH VỚI BỒTÁT.
Trong ngày Bồtát đản sinh, có nhóm 7 đồng sinh với Bồtát (satta sahājātāni) là:
– Bốn hầm châu báu (catassa nidhikumbhiyo).
– Cây Assattha (sau này được gọi là Bodhi (Bồđề) hay mahābodhi (đại giác)).
– Ngựa KiềnTrắc (Kaṇṭhaka).
– Người hầu SaNặc (Channa).
– Công tử Kāḷudāyi.
– Vương tử Ānanda (con ông Hoàng Amitodana).
– Công nương DaDuĐàLa (Yasodharā)([93]).
Trong bản Sớ giải Phật Tông không nêu tên bốn hầm báu vật này, chỉ nêu là “eko gāvutappamāṇo eko aḍḍhayojanappamāṇo eko tigāvutappamāṇo eko yojanappamāṇo:
“Một hầm cở một gāvuta (= 4km), một hầm cở nửa dotuần (yojana), một hầm cở 3 gāvuta, một cở một dotuần”([94]).
*Do tuần (yojana). Đây là đơn vị đo lường chiều dài của người Ấn cổ.
Dân Ấn đa phần sống về “nghề làm ruộng”, để có đơn vị đo chiều dài, Đức vua đi du ngoạn thoải mái từ sáng sớm đến chiều, khoảng đường Đức vua đi được trong ngày gọi là yojana (dotuần) tương đương 16 km, 4 gāvuta = 1 dotuần.
Phải hiểu “hầm châu báu có kích thước 4km” như thế nào?
Gọi là rộng 4km, nghĩa là “từ Đông sang Tây = 4km; từ Nam sang Bắc = 4km” (như kinh thành Thiện Kiến (Sudassana) ở cõi trời “Ba mươi ba” (Tāvatiṃsa) rộng 10 ngàn dotuần, là từ Đông sang Tây = 10 ngàn dotuần; từ Nam sang Bắc = 10 ngàn dotuần) .
Nếu miệng hầm là hình vuông thì diện tích là 16km2; 1km2 = 100 mẫu. Như vậy hầm nhỏ nhất có diện tích là 1.600 mẫu đất.
Nếu miệng hầm hình tròn thì diện tích là 12,56 km2 = 1.256 mẫu đất.
Một hầm có kích thước nhỏ nhất mà như thế, 3 hầm còn lại dĩ nhiên phải rộng hơn nhiều.
Xem ra bốn hầm châu báu này không thể rộng như thế.
Quanh tòa lâu đài của Trưởng giả Jotika cũng có 4 hầm châu báu như thế, như vậy “vùng đất quanh lâu đài”của trưởng giả Jotika như thế nào? Chẳng lẽ “bốn hầm châu báu” này là “chướng ngại vật” tự nhiên để bảo vệ “lâu đài” của trưởng giả Jotika? Thật khó giải thích.
Trước khi Bồtát sinh ra, vùng đất ấy phải có dân cư sinh sống, nếu như đất sụp để có “kho tàng” thì sinh mạng của chúng sinh ở vùng đất ấy ra sao? Bồtát sinh ra để “mang an lạc đến cho chúng sinh kia mà”?
Có hợp lý chăng, nếu xem 4km, 8 km, 12 km và 16 km là chiều sâu của hầm?. Tức là “rộng” ở đây chỉ cho “chiều sâu”.
Theo sách Buddhapparivatta thì 4 hầm này có tên là([95]):
* Hầm “Vỏ ốc” (Saṅkhanidhi) rộng 1 gāvuta (= 4km).
* Hầm “trái đậu” (Elanidhi) rộng 2 gāvuta.
* Hầm “Sen hồng” (Uppalanidhi) rộng 3 gāvuta.
* Hầm “Sen trắng” (Puṇḍarikanidhi) rộng 1 do tuần (yojana =16km).
Và “sâu đến tận đáy trái đất”([96]).
Nếu đúng như thế thì 4 hầm châu báu này “xem như những miệng núi lửa” rất lớn và “kho tàng”nằm sâu trong “lòng núi lửa”.
Chung quanh kinh thành hoặc lâu đài có “bốn miệng núi lửa” rộng lớn như thế, xem ra rất bất ổn.
Do đâu “những hầm trên có tên gọi như thế”? Có khả năng: “Do miệng hầm có hình dạng giống như “vỏ ốc”, nên hầm có tên “hầm vỏ ốc”(saṅkhanidhi). Các hầm còn lại cũng hiểu tương tự”.
9- NHỮNG CHI TIẾT KHÁC BIỆT VỀ NHÓM BẢY ĐỒNG SINH.
Theo nhà nghiên cứu Phật học I.B Horner([97]), số 7 được xem là “tượng trưng cho sự linh thiêng và hoàn mỹ” của người Ấn cổ.
Như Vua Chuyển luân có 7 báu là: Xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc báu, nữ báu, tướng quân báu và cư sĩ báu([98]).
Hoặc trong bổn sanh Suruci([99]), Đức vua Suruci sau khi làm lễ phong vương cho Hoàng tử Mahāpadāda, đã tổ chức lễ hội suốt 7 năm (chỉ vì Đức vua Mahāpanāda không cười nên lễ hội kéo dài như thế), để làm cho Đức vua Mahāpanāda vui, hàng ngàn người diễn trò đã chia nhau thành 7 nhóm.
Hay trong Bổn sanh Vessantara, Bồtát Vessantara đã thực hiện 7 cuộc đại thí, mỗi cuộc cho 700 người, và quả địa cầu chấn động 7 lần.
a- Về 4 hầm châu báu([100]).
Dường như đây là biểu tượng cho những vị đại phước, như trưởng giả Jotika cũng có 4 hầm châu báu như trên([101]), nhưng kích thước những hầm châu báu này vì sao lớn như vậy?
Bản Sớ giải kinh Trường bộ giải thích “mỗi hầm đều có Long vương canh giữ” nên hầm có kích thước rộng như thế, nhưng còn chiều sâu như thế nào? Không thấy bản Sớ giải giải thích và ông I.B Horner cho rằng “đưa chúng ta vào thế giới huyền thoại”.
Tập Sớ giải Mahāvastu (Đại sự) cho biết “tên của bốn hầm chỉ cho bốn địa danh khác nhau và mỗi địa danh đó là lãnh địa của một vị Đại đế”.
Và bốn hầm châu báu này không hiển lộ, bốn hầm châu báu này chỉ hiển lộ khi Bồtát trở thành vua Chuyển Luân, khi Bồtát SĩĐạtTa xuất gia thì cả bốn hầm đều biến mất.
Tương tự như khi trưởng giả Jotika xuất gia thì tòa lâu đài cùng bốn hầm châu báu đều biến mất.
b- Về cây Bồđề (cây Assattha).
Đây là loại cây có thật, và loại cây này có tuổi thọ rất lâu.
Cây Bồđề do bà Saṅghamittā con gái vua ADục (273-232 tTl), chiết một nhánh từ cây Bồđề mẹ, mang sang Tích Lan trồng, hiện vẫn còn sống ở thiền viện Mahāvihāra (Đại tự viện) trong thành phố Anurādhapura.
Và đây là “cây lịch sử lâu đời nhất”.
Vào khoảng thế kỷ thứ 11-12 sTl, Hồi giáo xâm lấn Ấn Độ, họ đã tàn phá cây Bồđề.
Nhưng một rễ phụ đã vươn chồi hình thành cây Bồđề mới, hiện nay vẫn còn tồn tại nơi Bồđề đạo tràng (Bodhigāya).
Ô. I.B Horner có nêu ra câu hỏi “bằng cách nào ta có thể khẳng định được, cây này xuất hiện đồng thời với Bồtát?”.
Câu trả lời rất khó xác định, vì nhóm bảy đồng sinh này chỉ được ghi nhận trong Bản Sớ giải Phật Tông, ngoài ra trong Chánh tạng không tìm thấy, ngay cả Kinh Hy hữu vị Tằng hữu trong Trung bộ kinh, hay trong bản Kinh Phật Tông (Buddhavaṃsa).
c- Về ngựa vương KiềnTrắc(Kaṇṭhaka).
Trong Sớ giải Thiên cung sự ([102]), có lần Tôn giả MụcKiềnLiên viếng thăm cung trời “Ba mươi ba”.
Tôn giả MụcKiềnLiên đi đến tòa thiên cung của thiên tử Kaṇṭhaka (hậu thân của ngựa KiềnTrắc), khi được hỏi về thiện nghiệp của mình, thiên tử Kaṇṭhaka cho biết.
“Ahaṃ kapilavatthusmiṃ, sākiyānaṃ puruttame.
Suddhodanassa puttassa kaṇḍako sahajāto ahaṃ” (1185).
“Tôi ở kinh thành CaTỳLaVệ, người ThíchCa dũng mãnh.
Tôi là Kaṇḍaka (KiềnTrắc), sinh ra với con vua Tịnh Phạn” (chỉ cho Bồtát SĩĐạtTa).
Năm 29 tuổi, Bồtát SĩĐạtTa lìa bỏ kinh thành CaTỳLaVệ đi xuất gia([103]), ngựa KiềnTrắc đã vượt chặng đường là 30 dotuần, xuyên qua 3 quốc độ: Sākya, Koliya và Malla([104]).
Hừng sáng, Bồtát, SaNặc và ngựa KiềnTrắc đến dòng sông Anomā (Cao thượng) và ngựa KiềnTrắc đưa Bồtát cùng SaNặc vượt qua sông Anomā.
Sau khi Bồtát cắt bỏ râu, tóc để xuất gia, Ngài truyền người hầu SaNặc quay về Hoàng cung để báo tin cho hoàng tộc biết, rồi Ngài cất bước ra đi.
Khi khuất tầm mắt vị chủ thân yêu, ngựa KiềnTrắc thương nhớ người chủ đã vỡ tim chết, tái sinh về cõi “Ba mươi ba”, là thiên tử Kaṇḍaka.
Như vậy, ngựa KiềnTrắc sống được 29 năm, với loài ngựa quý có tuổi thọ như thế cũng không có gì đáng bàn cải.
d- Về SaNặc (Channa).
Theo Bản Sớ giải Tương ưng kinh([105]), có đoạn mô tả ngắn về Ngài SaNặc như sau:
“Tathāgatena saddhiṃ ekadivase jāto:
Được sinh ra cùng ngày với Đấng Như Lai”.
Ngài SaNặc khi xuất gia trong Giáo đoàn của Đức Phật, Ngài tỏ ra “bướng bỉnh, khó bảo”, nên trước khi viên tịch Đức Thế Tôn dạy Đức Ānanda phạt “Phạmđàn” (brahmadaṇḍa) đối với Ngài SaNặc([106]).
Hình phạt này là “không tiếp xúc, không nói chuyện với người bị phạt”, nghe bị phạt “Phạmđàn”, Ngài SaNặc đã bật khóc.
Thế rồi, Ngài SaNặc nỗ lực hành pháp, chẳng bao lâu Ngài chứng quả ALaHán và nghi thức giải trừ “hình phạt phạmđàn” đã không thực hiện, cho đến nay nghi thức “giải trừ hình phạt phạmđàn” không hề thấy, đồng thời trong Luật cũng không thấy “Đức Phật chỉ dạy nghi thức giải trừ tội Phạmđàn”.
Có khả năng “Đức Phật biết được Ngài SaNặc sẽ chứng quả ALaHán rồi viên tịch sau đó, nên “giải trừ tội Phạmđàn là không cần thiết, nên Đức Thế Tôn im lặng”.
Một số Giáo thọ sư kinh Trường bộ cho rằng “Ngài SaNặc sống được 120 tuổi”, nhưng điều này không chắc lắm, dường như Ngài qua đời sau Đức Phật không lâu.
Vì rằng “nếu Ngài sống thêm 40 năm như Ngài Ānanda, lại là bậc ALaHán, hẳn các vị Thánh ALaHán sẽ hội lại, tiến hành nghi thức “giải trừ hình phạt Phạmđàn” cho Ngài, trong khi Đức Upāli vị “đệ nhất về Luật” vẫn còn sống.
Cách giải thích có lẽ hợp lý nhất cho việc “nghi thức giải trừ hình phạt phạm đàn” không xuất hiện là “sau khi chứng quả ALaHán, Ngài SaNặc viên tịch, ở độ tuổi 80”.
Cách giải thích thứ hai: “Không có nghi thức giải trừ tội Phạm đàn” là: Vì Đức Thế Tôn không ban hành nghi thức này, nên các Đức Trưởng lảo không dám tự chuyên”, nên “tuy biết Đức SaNặc là bậc ALaHán, các Ngài cũng đành chịu”.
Nhưng nếu như thế thì Đức SaNặc sớm viên tịch càng dễ dàng xảy ra, vì rằng: Với tuổi già 80 lại bị tách ly, Ngài SaNặc chọn giải pháp tốt nhất là “viên tịch”.
e- Về Công tử Kāḷudāyi.
Ngài là con của một vị đại thần của vua TịnhPhạn, Ngài có tên là Udāyi vì sinh ra vào ngày đại chúng vui mừng, chính là ngày Bồtát SĩĐạtTa sinh ra, như trong tập Apadāna có ghi nhận:
“Yadā ajāyi siddhattho ramme lumbinikānane.
Hitāya sabbalokassa sukhāya ca narāsabho.
Khi đấng Bất tử Siddhattha sinh ra ở vườn Lumbini đáng yêu,
vì lợi ích và vì sự an lạc của tất cả thế gian.
Tadaheva ahaṃ jato saha teneva vaḍḍhito
Tôi đã được sinh ra đúng vào ngày hôm ấy([107]).
Và vì Ngài có nước da đen, nên gọi là Kāḷudāyi, Ngài là bạn thân của Bồtát SĩĐạtTa khi tuổi còn ấu thơ.
Khi Bồtát đi xuất gia, Ngài được vua Tịnh Phạn cử làm một trong những cố vấn đại thần tin cẩn.
Chính Ngài đã cung thỉnh được Đức Thế Tôn ngự về kinh thành CaTỳLaVệ sau 7 năm xa cách và đã đắc quả ALaHán trước khi cung thỉnh Đức Phật ngự về kinh thành CaTỳ LaVệ.
Khi Đức Phật ngự về kinh thành CaTỳLaVệ, dân chúng hân hoan và có niềm tin nơi Ngài Kāḷudāyi.
Do nhân này, Ngài được Đức Thế Tôn ban cho địa vị “tối thắng về hạnh làm cho các gia đình hoan hỷ”([108]).
Nhưng rồi, Ngài ít được nhắc đến, rất ít chi tiết về Ngài được ghi nhận, không một chi tiết nào để biết được Ngài viên tịch tại nơi nào? Vào lúc bao nhiêu tuổi?.
f- Về Ngài Ānanda.
Trong Sớ giải Phật tông Miến Điện, Ngài được ghi nhận như “người sanh ra cùng một ngày với Bồtát SĩĐạtTa”, nhưng trong bản Sớ giải Phật Tông Tích Lan thì voi chúa Ājāniya thay thế vào vị trí của Ngài, khiến các nhà nghiên cứu Phật học hoài nghi về “ngày sinh” của Ngài, “có thật Đức Ānanda cùng sinh trong ngày với Đức Bồtát chăng?”
Mặt khác, theo truyền thống Phật giáo Miến Điện thì “Đức Ānanda là con của vương tử Amitodana”, theo truyền thống Phật giáo Ceylon (Tích Lan) thì “Đức Ānanda là con của vương tử Sukhodana”([109]).
Được biết Đức Ānanda sống được 120 tuổi([110]) và xem như Ngài thành bậc ALaHán được 40 năm thì viên tịch, nhưng trong Sớ giải kinh Trường bộ ghi nhận: “Đức Ānanda, Đức Mahākassapa, Đức Anuruddha sống 150 tuổi” ([111]).
Một số sách Hậu Sớ giải sau này cho rằng “Ngài Ānanda viên tịch trong hậu cung của vương tử Amitodana, nơi ngài sinh ra”.
Theo truyền thống Phật giáo Miến Điện thì “Đức Ānanda viên tịch giữa giòng sông Rohinī và Ngài nguyện Xálợi của Ngài rơi xuống 2 bên bờ sông Rohinī cho họ nội và họ ngoại của Ngài”.
g-Về bà DaDuĐàLa.
Trong hai bản văn “Sớ giải Phật Tông” của Miến Điện và Ceylon đều thống nhất “bà DaDuĐàLa” sinh ra cùng ngày với Đức Bồtát.
Ngoại trừ văn bản này, không thấy nơi nào ghi nhận “bà sinh ra cùng ngày với Bồtát”.
Trong tập Apadāna có ghi nhận bà “viên tịch” ở tuổi 78, và bà có “Túc mạng minh” nhớ suốt 4 Atăngkỳ và 100 ngàn đại kiếp, bà nhớ được tiền nghiệp của mình vào thời Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) cho đến hiện kiếp này.
Kappe satasahasse ca caturo ca asaṅkheyye,
Dīpaṅkaro mahāvīro uppajji lokanāyako …..
“Cách nay bốn atăngkỳ và 100 ngàn kiếp,
Bậc Đại hùng “Nhiên Đăng” xuất hiện trong thế gian ….
Tena kālen’ ahaṃ āsiṃ kaññā brāhmanassambhavā,
Sumittā nāma nāmena upagañchiṃ samāgamaṃ.
Vào thời ấy con là thiếu nữ Bàlamôn.
Tên con là Sumittā,con đi đến nơi lễ hội …” ([112]).
Nhưng không thấy ghi nhận “bà sinh ra cùng ngày với Bồtát SĩĐạtTa”, khác với trường hợp Ngài Kāḷudāyi, Ngài Kāḷudāyi xác định “mình sinh ra cùng ngày với Bồtát”.
Do vậy, sự kiện bà DaDuĐàLa sinh ra cùng ngày với Bồtát là vấn đề còn “tồn nghi”. Người ta cho rằng “bà sinh ra trước hay sau Bồtát một tuần” và Thái tử Rāhula (LaHầuLa) cũng sinh ra trước khi Bồtát xuất gia một tuần.
Bà là một trong 4 vị Đại đệ tử của Đức Phật có “Túc mạng minh” cao tột, ba vị Đại trưởng lão kia là: Trưởng lão XáLợiPhất, Trưởng lão MụcKiềnLiên và Trưởng lão Bakula.
Nguồn bài viết: Đức Phật và 45 năm Hoằng Pháp Độ Sinh – Tỳ kheo Chánh Minh (Chùa Bồ Đề, Vũng Tàu)
You must be logged in to post a comment.