phap hoc va phap hanh

Pháp học và pháp hành

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

phap hoc va phap hanh

PHÁP HỌC VÀ PHÁP HÀNH

Hỏi: Pháp học và pháp hành là gì? Sự khác nhau giữa pháp học và pháp hành ra sao?

Đáp: Pháp học là bản đồ. Pháp hành là người đi theo bản dồ. Cảnh trên bản đồ là các ký hiệu không giống với cảnh trên đường đi. Bản đồ thì ai cũng có thể có. Nhưng cảnh trên đường đi thì ai đi người đó mới thấy biết cảnh, cảnh này không có trên bản đồ.

Chúng ta cũng cần biết pháp học hay lý thuyết rất quan trọng. Toàn bộ kinh điển đều là lý thuyết, là pháp học. Ngay như khi Đức Phật nói: “Này các tỳ kheo” cũng là ngôn từ, là khái niệm tục đế. Nhưng nếu không có câu này thì không có đời sống phạm hạnh, không có xuất gia hay tại gia. Cho nên thực hành Tứ Niệm Xứ hay Vipassana dễ nhầm lãn hay rơi vào chấp Không nếu không nắm vững bản đồ hay pháp học. Nhưng không thực hành thì rơi vào chấp thủ, ôm giữ bản đồ là khái niệm hay pháp tục đế. Ví dụ có người nói thực hành Vipassana phải trực ngộ, trực nhận nhưng nếu không cẩn thận cái “trực ngộ, trực nhận” đó cũng là lý thuyết hay khái niệm nếu không hiểu đúng các đề mục trong Tứ Niệm Xứ ở mức danh và sắc (vật chất và tâm). Vì thế khi đến một khoá thiền Vipassana, thiền sinh nên hỏi kỹ thiền sư hướng dẫn nhận ra các đề mục chân đế trong Tứ Niệm Xứ để tập quan sát. Nếu không như vậy thì Đức Phật đã không cần phải dạy kinh Tứ Niệm Xứ và thuyết giảng 45 năm làm gi.

Tất nhiên khi dùng lý thuyết thì phải nói, viết và suy luận, và luôn nhớ rằng đây là pháp Tục Đế. Còn khi thực hành thì chỉ quan sát đề mục chân đế trong im lặng, không suy luận, không phân tích, không chia chẻ. Đây là sự thực hành đúng Vipassana hay Tứ Niệm Xứ.

Hỏi: Xin cho một ví dụ về thực hành.

Đáp: Ví dụ về quan sát hơi thở trong kinh Tứ Niệm Xứ nói rằng có 3 tâm luôn đồng sinh để quan sát đề mục thân, thọ, tâm, pháp trong Tứ Niệm Xứ là nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm: 1-Nhiệt tâm quan sát hơi thở ra vào là tâm sở tinh tấn. 2-Thấy rõ sự đụng chạm của hơi thở là tâm sở chánh niệm. 3-Thấy sự thay đổi liên tục của hơi thở là tâm trí Tuệ còn gọi là tỉnh giác. Như vậy, chỉ cần quan sát hơi thở thì ngay khi thấy hơi thở ra vào mình sẽ có 3 tâm ấy. Đấy là lý thuyết, là pháp học như trong kinh dạy.

Nhưng khi thực hành thì mình chỉ cần quan sát “hơi thở vào biết hơi thở vào”, “hơi thở ra biết hơi thở ra” mà thôi. Nghĩa là lúc ấy mình có chánh niệm. Vì không hiểu mình lại đi tìm tâm chánh niệm là hỏng rồi vì chi cần quan sát duyên sinh duyên diệt của tâm chánh niệm. Tạo duyên cho nó sinh lên là nó có mặt. Duyên sinh chánh niệm là khi thấy biết rõ đề mục chân đế. Ở ví dụ này là hơi thở vào, hơi thở ra trong Tứ Niệm Xứ.

Khi mình quan sát liên tục đề mục trong Tứ Niệm Xứ thì chánh niệm và trí tuệ sinh lên liên tục nên tâm tham và tâm sân không có cơ hội lọt vào. Vì thế kinh Tứ Niệm Xứ mới nói nhờ Tứ Niệm Xứ mà chế ngự tham ưu ở đời. Ai quan sát như vậy trong nhiều tháng nhiều năm sẽ không còn bị tâm tham và tâm sân chi phối nữa. Trong kinh nói người nào không bị tham và sân chi phối thì được gọi là bậc Thánh nhân ở đời. Đó là con đường độc nhất để thoát khỏi tham ưu ở đời được dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ.

(Thấy Biết)

Visits: 4038