khi lòng tin bị bám víu chấp thủ

Khi lòng tin bị bám víu, chấp thủ (Ái duyên Thủ)

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

Trong bài kinh Kalama nói lên 10 điều đừng tin một khi chúng bị chấp thủ (upadana) tức là gây khổ đau cho mình và cho người với tham, sân, si. Sự chấp thủ xảy ra khi 10 đối tượng được bám víu để gây dựng lòng tin như truyền thống, kinh điển, lý luận siêu hình, lập trường, định kiến, uy quyền, vị thầy… Một khi lòng tin bị bám víu, chấp thủ, thì sẽ đồng hoá vị thầy là của ta, kinh điển là của ta, truyến thống là của ta, lý luận siêu hình là của ta, pháp tu là của ta…. Chấp thủ là bất thiện pháp, nghĩa là Khổ đế có mặt. Và khi có ai đó chạm đến, làm lung lay các tượng đài này của ta thì ta sẽ… đối phó, xoay sở, chiến đấu bằng mọi cách. Tức là Khổ đế được gia tăng thành Khổ Khổ.

Có thể coi bản kinh Kalama là bản tuyên ngôn về sự phi tôn giáo của Đạo Phật khi giải phóng con người khỏi những lòng tin mù quáng dù nó nấp dưới bất cứ hình thức hay tên gọi đẹp đẽ nào đi chăng nữa, một khi nó còn gây ra khổ đau bằng sự bám víu, chấp thủ. Đức Phật không dạy đệ tử của Ngài thành các chiến binh bảo vệ pháo đài của tín ngưỡng, của lòng tin gây nên hận thù, khổ đau khi bị bám víu. Ngài dạy lòng tin đích thực chỉ có được khi chúng ta biết sống tỉnh thức không chỉ vào lúc được ca tụng, tán thán, kính ngưỡng, mà cả vào lúc bị chạm vào những tượng đài được cho là thiêng liêng nhất.

Câu chuyện về sư Ajahn Brahm. Khi có người phóng viên đến hỏi là sư sẽ làm gì nếu có người bỏ cuốn kinh Phật vào bồn cầu rồi giật nước cho nó trôi đi ? Sư trả lời là việc trước tiên sư làm là gọi thợ chuyên thông cống. Câu chuyện này là ví dụ điển hình về lòng tin không bị chấp thủ được trải nghiệm qua thử thách để không gây khổ mình, khổ người, tức là không có điều bất thiện nào xảy ra vì lòng tin đó cả. Ngược lại, chúng ta thử xem việc gì sẽ xảy ra nếu sư nổi giận với người phóng viên nói câu nói đó. Khi đó hẳn sự kính trọng về những gì tốt đẹp ở sư của người phóng viên cũng sẽ trôi vào bồn cầu.

Khi vua Lương Vũ Đế hỏi ngài Bồ Đề Đạt Ma rằng: “Trẫm một đời cất chùa, độ tăng, bố thí, cúng dường, đúc chuông, tạo tượng, ấn tống kinh sách, như vậy có được công đức gì chăng?”. Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma đáp rằng: “Những việc làm ấy thực không có công đức gì!”.

Ngài Bồ Đề Đạt Ma đã giúp nhà vua cơ hội lớn để cắt đứt sự chấp thủ và tham ái, tránh rơi vào lực hút của kho nghiệp hữu lậu mà nhà vua tích lũy (Hạnh), để dành cho sự tái sinh trong luân hồi. Tiếc thay, có thể phước vô lậu (Minh) của nhà vua chưa đủ lớn để Bồ Đề Đạt Ma có thế “đốn ngộ” giúp nhà vua tỉnh thức ra khỏi lực hút của phước hữu lậu trong vòng tái sinh.

Trong các phước thiện được chia làm ba nhóm: phước vật, phước đức và phước trí. Phước vật và phước đức gọi là Hạnh. Phước trí gọi là Minh. Hạnh giúp hành giả tái sinh dài dài để hưởng phúc. Nghĩa là Hạnh tạo ra nhân quả lành khi còn tái sinh, và là động cơ tái sinh khi bị chấp thủ, bám víu. Còn Minh giúp hành giả chấm dứt vô minh và tham ái để chấm dứt đau khổ trong luân hồi tức là cắt đứt sự tái sinh. Nếu việc tích lũy Minh còn thiếu, thì dù Đức Phật ở trước mặt cũng không giúp gì được, huống chi là người bình thường.

Chúng ta cùng xem thêm một câu truyện nữa được kể trong tích truyện kinh Pháp Cú 320. Khi bà hoàng hậu Màgandiyà thuê đám đông đi theo chửi mắng. Ngài A Nan thấy vậy khuyên Đức Phật nên đi nơi khác:

“Bạch Thế Tôn, dân cư nơi này chửi mắng chúng ta, xin hãy đi nơi khác.
– Chúng ta sẽ đi đâu, A-nan?
– Đi đến thành phố khác, bạch Thế Tôn.
– Nếu như dân ở thành phố đó cũng chửi mắng ta?
– Thì chúng ta lại đi đến thành phố khác, bạch Thế Tôn.
– Nếu như đến nơi kia cũng bị mắng chửi?
– Đi đến chỗ khác nữa, bạch Thế Tôn.
– Này A-nan! Chúng ta không nên làm như thế. Bất cứ nơi nào có rắc rối, phiền não nổi lên, chúng ta nên ở lại đó cho đến khi chúng lắng dịu hẳn, và chỉ khi đó chúng ta mới nên đi nơi khác.” (Tích truyện kinh Pháp Cú 320)

Cho nên khi chúng ta có gì trái ý bất mãn vì sự bám víu, chấp thủ, thì hãy tập nhìn thẳng vào tâm mình, đừng nhìn vào những gì ta đang bám víu bị lung lay. Đức Phật dạy rằng Khổ Đế cần phải được thấy, Tập Đế (tham ái) cần phải diệt trừ. Đây là lúc trí tuệ trong Đạo Đế sinh khởi để có thể đi đến bờ bên kia (Diệt Đế).

khi lòng tin bị bám víu chấp thủ

“Chư Tỷ-kheo, các Ông cần hiểu ví dụ cái bè. Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống nữa là phi pháp” (Kinh Trung Bộ).

Thấy Biết
www.tuniemxu.org