Chỗ Cong Của Lời Nói

Chỗ cong của lời nói và tiền nghiệp của hai dạ xoa

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

Tương truyền rằng: Trong thời giáo pháp của Đức Phật Kassapa, có hai vị Trưởng lão tinh thông tam tạng. Bấy giờ, trong tự viện có hai vị Tỳ khưu tranh luận nhau một vấn đề về Pháp luật, không ai chấp nhận ai. Cả hai quyết định sẽ tìm đến hai vị Đại Trưởng lão để nhở hai Ngài phân xử, nếu ai nói sai pháp luật phải lìa bỏ tự viện.

Một vị Tỳ khưu nhận thức được “mình là người nói sai pháp luật”, nên tìm đến hai vị Trưởng lão trước, dâng lễ vật và thỉnh cầu hai Ngài là thầy nương nhờ (nissayācariya) của mình. Sau đó, vị ấy trình bày lại cuộc tranh luận của mình cùng vị Tỳ khưu bạn, rồi bạch hỏi rằng:
– Bạch Ngài! Giữa con và vị Tỳ khưu ấy, ai là người nói đúng pháp luật trong Giáo pháp này?.
– Này Tỳ khưu! Ngươi là người nói sai pháp – luật, vị Tỳ khưu kia nói đúng pháp – luật.
– Bạch hai Ngài ! Nay con đã biết mình là người nói sai pháp luật. Bạch hai Ngài, xin hai Ngài ban cho con đặc ân là: Khi vị Tỳ khưu bạn của con đến hỏi “ai là người nói sai pháp luật?”, xin hai Ngài hãy im lặng.

Hai vị Trưởng lão đã rơi vào pháp tư vị vì thương nên nhận lời. Khi vị Tỳ khưu bạn tìm đến yết kiến hai vị Trưởng lão, bạch hỏi:
– Bạch hai Ngài! Giữa con và vị Tỳ khưu này ai là người nói đúng pháp đúng luật?.
Cả ba lần, hai vị Trưởng lão đều im lặng. Và vị Tỳ khưu (nói sai Pháp – Luật) đã nói với vị Tỳ khưu bạn rằng:
“Này Hiền giả ! Hai Ngài đã im lặng, vậy hiền giả nên hiểu biết câu trả lời là như thế nào đi?”.
Vị Tỳ khưu (nói đúng Pháp – Luật) buồn tủi, bạch với hai vị Trưởng lão rằng:
– Bạch hai Ngài! Con ngỡ hai Ngài vì pháp quên người, không ngờ hai Ngài vì người quên pháp.

Rúng động trước câu nói của vị Tỳ khưu trẻ, hai vị Trưởng lão ray rứt vì sự im lặng của mình. Tuy tu hành tốt đẹp cả 10 ngàn năm, khi mệnh chung hai vị tái sinh làm hai Dạ xoa đại thần lực là Sātāgiri và Hemavata.

Trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:

Na monena mayā hoti. Muḷharūpo aviddasu
Yo ca tulaṃ’va paggajha. Varaṃ ādāya paṇḍito
“Im lặng nhưng ngu si. Đâu được gọi ẩn sĩ
Như người cầm cán cân. Bậc trí chọn điều lành”

Như vậy im lặng trước một vấn đề hợp pháp, không tỏ bày ý kiến do tư vị vì thương, tư vị vì ghét, tư vị vì sợ và tư vị vì si mê, là chỗ cong của lời nói. Lại nữa, đối với một vấn đề đúng pháp lại tránh né, trả lời sang hướng khác cũng là chổ cong của lời nói.

Chỗ Cong Của Lời Nói

Tuy lánh xa bốn ngữ ác hạnh: Không nói dối, không nói đâm thọc, không nói ác, không nói nhãm nhí. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ, mà còn phài trung thực, không quanh co trong lời nói:

“Diṭṭhe diṭṭhavādī hoti, sutte suttavādī hoti, mutte muttavādī hoti, viññāte viññātavādī hoti.”
“Có thấy nói thấy, có nghe nói nghe, có cảm giác nói cảm giác, có thức tri nói thức tri.

“Adiṭṭhe adiṭṭhavādī hoti, asutte asutavādī hoti, amutte amutavādī hoti, aviññate aviññatavādī.”

“Không thấy nói không thấy, không nghe nói không nghe, không cảm giác nói không cảm giác, không thức tri nói không thức tri”.

Lại nữa, tuy không rơi vào bốn ngữ ác, nhưng đối với các vấn đề cần nói lên lại im lặng, đó là chỗ khuyết của lời nói, hoặc tránh né một vấn đề đúng pháp là chỗ cong của lời nói.

(Nguồn: Luận Giải Kinh Chánh Tri Kiến, Tỳ khưu Chánh Minh)

Visits: 3038