cuc ac va cuc thien

Cực ác và cực thiện

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

cuc ac va cuc thien

Trong tất cả 4 loài chúng sinh trong 31 cõi trong tam giới, thì con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này mà chúng ta đang sống có nhiều điểm đặc biệt mà các chúng sinh trong cõi khác không có như cõi người chúng ta.

Những điểm đặc biệt ấy là những điểm nào?

Tạo ác nghiệp cực ác

Nếu con người tạo ác nghiệp, thì có thể tạo ác nghiệp cực ác như:

Tạo ác nghiệp tà kiến cố định (niyatamicchādiṭṭhi-kamma) là tà kiến hoàn toàn không tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là ác nghiệp cực ác không có ác nghiệp nào ác hơn.

Tạo ác nghiệp vô gián trọng tội (anantariyakamma) là trọng tội giết cha, giết mẹ, giết bậc Thánh Arahán, làm bầm máu bàn chân của Đức Phật, chia rẽ chư Tỳ khưu Tăng, đó là ác nghiệp vô gián cực ác. Sau khi người ấy chết, chắc chắn ác nghiệp vô gián trọng tội này cho quả tái sinh trong thời kỳ tái sinh kiếp sau trong cõi đại địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

Đó là 2 loại ác nghiệp cực ác mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo ác nghiệp cực ác này được. Ngoài ra, các chúng sinh trong các cõi khác không thể tạo ác nghiệp cực ác này được.

Tạo thiện nghiệp cực thiện

Nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 30 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, độc nhất vô nhị trong 10 (mười) ngàn thế giới chúng sinh.

Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Độc Giác thì có khả năng tạo đầy đủ 20 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành Đức Phật Độc Giác (Đức Phật Độc Giác có nhiều Vị ).

Hoặc nếu con người chúng ta là Đức Bồ Tát Thanh Văn thì có khả năng tạo đầy đủ 10 pháp hạnh ba-la-mật, đó là thiện nghiệp cực thiện để trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật (chỉ có 2 vị bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn).

Hoặc …Bậc Thánh Đại Thanh Văn đệ tử v.v…

Đó là những thiện nghiệp cực thiện mà chỉ có con người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu của chúng ta mới có thể tạo được, những pháp hạnh ba-la-mật này là thiện nghiệp cực thiện.

Như vậy, con người có thể tạo ác nghiệp cực ác, sau khi chết chắc chắn ác nghiệp cực ác cho quả tái sinh trong cõi đại địa ngục Avīci chịu quả khổ thiêu đốt suốt nhiều đại kiếp trái đất.

Và con người là chư Bồ Tát có thể tạo thiện nghiệp cực thiện đó là những pháp hạnh ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc trở thành Đức Phật Độc Giác, hoặc trở thành bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác… Khi hết tuổi thọ đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Mỗi chúng sinh trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, chắc chắn đã từng tạo và tích lũy các ác nghiệp lẫn các thiện nghiệp. Đối với những hạng chúng sinh trong các cõi địa ngục chỉ có ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ mà thôi, còn những thiện nghiệp không có cơ hội cho quả an lạc v.v… Đối với những hàng chư thiên, Phạm thiên trong các cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới chỉ có thiện nghiệp cho quả an lạc mà thôi, còn những ác nghiệp không có cơ hội cho quả khổ.

Riêng loài người trong cõi Nam Thiện Bộ Châu này, khi thì thiện nghiệp có cơ hội cho quả an lạc, khi thì ác nghiệp có cơ hội cho quả khổ. Quả an lạc hoặc quả khổ ấy là quả của thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của ta mà chính ta là người đã tạo, đã tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ từ vô thủy, hoặc đã tạo ngay trong kiếp hiện tại này, chứ không phải của ai khác; chắc chắn các thiện nghiệp và các ác nghiệp ấy là của chính ta, thì chính ta là người thừa hưởng quả an lạc của các thiện nghiệp ấy và phải chịu quả khổ của các ác nghiệp ấy.

Người Phật tử phải nên có chánh kiến về nghiệp của mình (kamassakatā sammādiṭṭhi), có trí tuệ thấy đúng, hiểu đúng rằng: “Ta có nghiệp là của riêng, ta là người được thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của ta và phải chịu quả khổ của ác nghiệp của ta. Cho nên nếu khi ta hưởng được mọi quả an lạc của thiện nghiệp thì ta hoan hỷ chấp nhận. Và nếu khi ta phải chịu mọi quả khổ của ác nghiệp thì ta cũng phải nên nhẫn nại chấp nhận. Bởi vì thiện nghiệp, ác nghiệp chỉ là của riêng ta mà thôi”.

Như vậy, người Phật tử có chánh kiến về nghiệp, là người biết sống công bình với chính mình; đồng thời biết sống, biết cư xử công bình với tất cả mọi người, mọi chúng sinh, không tự làm khổ mình, không làm khổ người.

Một số người nếu khi hưởng mọi quả an lạc của các thiện nghiệp thì hoan hỷ chấp nhận, nhưng nếu khi chịu mọi quả khổ của các ác nghiệp, thì không chịu chấp nhận, trách người khác, mà không chịu trách mình đã tạo ác nghiệp ấy. Số người ấy sống như vậy không công bình với chính họ, thì họ sống và cư xử cũng không công bình đối với tất cả mọi người, mọi chúng sinh khác. Số người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người gấp bội mà thôi.

(Nghiệp và Quả Của Nghiệp-Tỳ khưu Hộ Pháp)