Phá Chấp Hay Phá Nhà

Phá Chấp Hay Phá “Nhà”

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

Cần nói ngay đầu bài viết về chữ “Nhà” ở đây theo nghĩa chân đế là ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) mà không có bản ngã tôi, ta nào cả. Và theo nghĩa tục đế là nhà cửa, tài sản, gia đình, công việc với người tại gia (con tôi, tài sản tôi), và là chùa chiền, kinh kệ, đệ tử, giới hạnh của người xuất gia (chùa tôi, đệ tử tôi, giới hạnh của tôi).

Phá Chấp Hay Phá Nhà
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Khi một người theo tư tưởng phá chấp của Thiền Tông (nay không còn truyền thừa nữa) là “truyền ngoài giáo lý” thì người đó sẽ thực hành theo đường lối “Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ” (gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ), nên theo nghĩa thông thường gọi là đường lối “phá chấp” thành “phá nhà”. Người đó cần “giết” tất cả những gì bên ngoài mình khi “gặp” để thấy được “tánh” bên trong, gọi là “kiến tánh” để “thành Phật”.

Thiền Tông không phải là pháp hành trung đạo của Đức Phật Gotama, mà được ra đời để “đánh phá”, “cởi trói” cho Phật Giáo Trung Hoa vào thời đó. Ngày mà ngài Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa chỉ gặp người đọc tục kinh kệ, niệm Phật cầu vãng sang. Ngài đã phá chấp bằng câu nói” Kinh thì chữ đen, giấy thì trắng, lấy cái trắng tụng hay cái đen tụng”, và tuyên ngôn “Bất lập văn tự” của Thiền Tông cũng ra đời từ đó. Do pháp hành không phải trung đạo nên ngài Bồ Đề Đạt Ma thọ ký truyền trong 6 đời (đến Lục Tổ Huệ Năng) là chấm dứt sự truyền thừa của Thiền Tông. Người đời sau tu hành theo lối phá chấp này sẽ không có thực chứng và rơi vào chấp không. Nghĩa là chấp không có văn tự, không có giáo lý, không có truyền thừa, không có tôi, ta…. chỉ đơn giản cho rằng sống bằng “kiến tánh” hay “thấy tánh” là giác ngộ.

Ngài Nam Tuyền giảng cho đệ tử là ngài Triệu Châu về “tâm bình thường là đạo” như: “Tâm lặng lẽ sáng suốt đó là đạo”. “Tánh thấy tánh nghe… có sẵn nơi mỗi người vốn không động, không giới hạn; bởi không động, không giới hạn nên nó rỗng rang thênh thang.” (trích từ Tâm bình thường là đạo, HT Thích Thanh Từ). Nói thì hay như vậy nhưng hành thì ngược lại, ngài Nam Tuyền không ngần ngại cầm dao chém chết con mèo trước đại chúng để “đốn ngộ” tăng sinh, vậy tâm ngài lúc đó có bình thường thật chăng? Phá giới (phạm giới sát sinh) để phá chấp vào văn tự, giáo lý thì có phải phá vào phẩm hạnh của một tu sĩ Phật giáo mà ngài đang hướng tới.

Để sửa chữa những lối phá chấp cực đoan này, Thiền Tông ra đời hàng loạt câu kệ như: “Lìa tứ cú, tuyệt bách phi”, hay “Thà chấp có như núi Tu di, còn hơn chấp không như hạt cải” để tránh cho người tu hành không phá giới (phá “nhà”) khi phá chấp. Khi cho rằng không có chúng sinh nào ngoài ngũ uẩn nên không có chúng sinh bị sát hại là chấp không, nên không việc ác gì không dám làm. Trong khi thân, khẩu, ý luôn tạo các nghiệp thiện ác trong từng khoảnh khắc là thật, luân hồi là thật, mà bảo không có gì ngoài ngũ uẩn. Ngài Nam Tuyền dạy ngài Triệu Châu “tâm lặng lẽ sáng suốt là đạo” nhưng khi chém mèo phá chấp thì tâm ngài có còn ‘lặng lẽ sáng suốt” thật không. Ngài có thấy ác nghiệp ngài đã tạo ra không? Hay ngài tự cho mình là bậc A La Hán nên làm gì cũng không tạo nghiệp ?! Kể cả sát sinh!? Trong khi Đức Phật dạy:

” Còn sát hại sinh linh,
Ðâu được gọi Hiền thánh.
Không hại mọi hữu tình,
Mới được gọi Hiền Thánh.”
(Kinh Pháp Cú 270)

Nếu không có giáo lý Đức Phật thì ngay cả khi tạo nghiệp sát sinh mà người ta cũng coi đó là “chánh pháp”, là “đốn ngộ”. Đó là chưa kể nếu không biết quán 16 loại Tâm trong Tam Giới theo kinh Đại Niệm Xứ thì không thể biết tâm như thế nào là “tâm bình thường”.

Bát Chánh Đạo có Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng là để đảm bảo chắc chắn rằng một người tu hành có là bậc phạm hạnh, là bậc Thánh nhân hay không nếu một khi không thực hành được ba Chánh thuộc về Giới Uẩn này. Còn về Định Uẩn (Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định) và Tuệ uẩn (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy) thì chỉ có cá nhân người đó tự biết. Nhưng riêng Giới uẩn thì người khác có thể biết qua tiếp xúc. Khi một người không thực hành đúng Pháp và Luật (Giới Luật) của Đức Phật Gotama thì rất khó có thể nói vị ấy tu hành đúng theo pháp hành Trung Đạo và đảm bảo có “tâm bình thường” thật sự trong pháp hành Giới, pháp hành Định và pháp hành Tuệ.

(Thấy Biết)
tuniemxu.org

Visits: 6712