ngón tay chỉ gì

NGÓN TAY CHỈ GÌ ?

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]
 
Bài viết này dựa trên câu nói huyền thoại: “Ngón tay chỉ trăng” khi các bậc giảng sư tâm linh thường dùng câu nói này với ý nghĩa mỗi người phải lìa bỏ ngòn tay chỉ, để thấy được mặt trăng. Nghĩa là đừng nhìn vào ngón tay mà hãy nhìn vào mặt trăng. Mặt trăng ví cho chân lý. Ngón tay ví cho pháp học, pháp hành.
 
Câu hỏi đặt ra là loại pháp học và pháp hành nào sẽ dẫn đến chân lý và loại nào không dẫn đến chân lý?!. Ngón tay nào chỉ đúng hướng và ngón tay nào chỉ sai hướng chân lý?!. Cũng có câu:”Được ý quên lời”. Nhưng nếu lời không rõ ràng, lấp lửng, chơi chữ đoán nghĩa thì ý cũng sẽ bị hiểu tù mù và khó mà đạt tới chân lý.
 
Vào thời Đức Phật còn tại thế có tới 62 tà kiến tương ứng với 62 ngón tay chỉ “trăng” của các ngoại đạo sư trong các tôn giáo khác nhau. Các đệ tử trong các tôn giáo này cũng đều “đạt ý quên lời” vị thầy và theo hướng tay chỉ. Trong đó có 6 giáo phái nổi bật nhất được quần chúng tôn sùng, còn gọi là nhóm Lục Sư ngoại đạo. Chúng ta cùng xem lại ngón tay của các vị ấy ấy chỉ những gì:
 
ngón tay chỉ gì

Ảnh min họa (Nguồn Internet)

 
1-Giáo phái Nigantha Nàtaputta cho rằng còn chấp vào quần áo che thân chính là còn bản ngã, nên chủ trương không mặc quần áo, sống loã thể để chấm dứt bản ngã. Do sống loã thể nên thân thể phải chịu bụi bẩn, nóng ẩm, giá rét nên giáo phái này còn gọi là nhóm Khổ Hạnh.
 
Ngày nay chúng ta cũng thấy có nhóm chấp không lập văn tự gọi là “bất lập văn tự” hay “đọc kinh vô tự khỏi lo âu” để thoát khỏi bản ngã nhưng nhân danh Phật giáo làm cho một số người tin theo.
 
2-Giáo phái Makkhali Góàla cho rằng con người còn chấp vào nỗ lực, sự tinh tấn của bản thân là còn bản ngã vì không chịu thuận theo tự nhiên. Phái này chủ trương khổ vui của con người cũng là tự nhiên. Khi trải qua đủ 8.400.000 kiếp là tự nhiên giải thoát, nên nhóm này gọi là Tự Nhiên Tánh. Nhóm này bị Đức Phật phê phán nhiều nhất và gọi giáo chủ Makkhali của nhóm này là bất hạnh của chư thiên và loài người, là bẫy sập của các loài hữu tình.
 
Ngày nay chúng ta cũng thấy có nhóm tu theo chủ trương “tự nhiên tánh”, tâm rỗng rang, thênh thang như mây trôi, nước chảy, là đạt đạo, nhưng nhân danh Phật giáo nên được một số người tin theo.
 
3-Giáo phái Sanjaya Belatthiputta cho rằng con người bị chi phối bởi không gian, thời gian, hoàn cảnh, phong tục tập quán nên tâm trí con người không có khả năng (bất khả tri) đạt tới chân lý tuyệt đối. Con người chỉ cần sống tuỳ thuận hoàn cảnh, sau khi trải qua vô số kiếp sẽ tự nhiên đắc đạo. Giáo phái này có thể gọi là nhóm Tuỳ Thuận Không Nghi.
 
Ngày nay chúng ta cũng thấy có nhóm tu theo chủ trương tuỳ thuận hoàn cảnh, “tuỳ duyên thuận pháp”, “ung dung trong ràng buộc” là tự do, là thoảt khỏi bản ngã, nhưng nhân danh Phật giáo nên được một số người tin theo.
 
4-Giáo phái Ajita Kéakmabala cho rằng chết là hết, vì thân do tứ đại (đất, nươc, lửa, gió) tạo thành, khi chết tứ đại tan rã, không còn gì cả. Vì thế phủ định nhân quả như không có tội, phước, quá khứ, vị lai, con người chỉ việc hưởng lạc trong hiện tại khi còn sống. Giáo phái có thể gọi là nhóm Tận Hưởng Hiện Tại.
 
Ngày nay chúng ta cũng thấy có nhóm tu theo chủ trương “thực tại hiện tiền”, không có khổ, vì khổ vui tuỳ thuộc vào suy nghĩ chủ quan của con người, nhưng nhân danh Phật giáo nên được một số người tin theo.
 
5-Giáo phái Purana Kassapa cho rằng không có nghiệp báo, thiện ác, những việc đó là do con người bịa đặt để lừa gạt, nên ai muốn làm gì thì làm. Có thể gọi giáo phái này là nhóm Vô Nghiệp Đạo.
 
Ngày nay chúng ta cũng thấy có nhóm tu theo chủ trương Vô Hiệu Nghiệp (Ạhosi) bằng niệm câu Ahosi kèm rảy nước cho là nhân quả và nghiệp sẽ tiêu tan, nhưng nhân danh Phật giáo nên được một số người tin theo.
 
6-Giáo phái Pakudha Kaccana cho rằng con người không thật có mà chỉ là sự tập hợp của 8 yếu tố không sanh không diệt là đất, nước, gió, lửa, không gian, khổ, vui và linh hồn. Sự sống và chết chỉ là hội tụ hay tan ra của 8 yếu tố trên. Kiếp sống và sự khổ vui của con người do cõi trời Tự Tại Thiên tạo ra và quyết định. Có thể gọi giáo phái này là nhóm Định Mệnh Đạo.
 
Ngày nay chúng ta cũng thấy có những nhóm tu theo chủ trương cầu xin ban phúc, biến Phật giáo thành thần quyền, thành cõi Trời cực lạc, nhưng nhân danh Phật giáo nên được một số người tin theo.
 
6 ngón tay chỉ “trăng” của 6 bậc đạo sư ngoại đạo này có đưa đến chân lý Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) hay không? Tất nhiên câu trả lời là không. Để có câu trả lời này, chúng ta vô cùng may mắn khi ra đời gặp giáo pháp của Đức Phật Gotama. Không phải ngẫu nhiên Đức Phật tuyên bố Ngài không có người ngang bằng, và là bậc tối thượng giữa các loài hai chân.
 
Chúng ta cần biết ơn và đền ơn chư Phật đã chỉ ra chân lý diệt khổ. Biết ơn và đền ơn các vị Thánh tăng, thầy Tổ đã hết lòng giữ gìn gần như nguyên vẹn lời dạy của Đức Phật và các bậc Thánh A La Hán hơn 2500 năm qua, với 6 lần tập kết kinh điển cho đến ngày hôm nay. Cùng với sự tinh tấn tu tập pháp Học, pháp Hành để tích luỹ Minh và Hạnh trên con đường chấm dứt mọi khổ như chư Phật và các bậc Thánh đã đi qua và chỉ dạy. Để làm được những việc này, chúng ta cần nhận diện ngón tay nào chỉ đúng và ngón tay nào chỉ sai. Có như vậy thì chúng ta mới có thể chứng ngộ chân lý Tứ Diệu Đế và giúp cho Chánh pháp trường tồn trong thế gian. Để làm được những việc này, việc đầu tiên, cần thiết là chúng ta phải nhận diện, biết rõ đâu là tư tưởng, giáo lý của ngoại đạo đã lẫn vào trong lời dạy của Đức Phật thông qua màu áo của Phật tử, màu áo của chư Tăng, đã bẻ cong theo hướng chỉ của ngoại đạo.
 
“Ví như, này các Tỷ-kheo, trong tất cả loại vải được dệt, mền được dệt bằng tóc được xem là hạ liệt nhất. Mền được dệt bằng tóc, này các Tỷ-kheo, khi trời lạnh thì lạnh, khi trời nóng thì nóng, xấu xí, có mùi hôi, xúc chạm khó chịu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong các chủ thuyết của các Sa-môn ngoại đạo tuyên bố, chủ thuyết của Makkhali được xem là hèn hạ nhất. Này các Tỷ-kheo, Makkhali, kẻ ngu si có thuyết như sau; có kiến như sau: “Không có nghiệp, không có nghiệp quả, không có tinh tấn”….
 
Còn Ta, này các Tỷ-kheo, nay là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác cũng chủ trương có nghiệp, chủ trương có nghiệp quả, chủ trương có tinh tấn. Nhưng này các Tỷ-kheo, chỉ có Makkhali, kẻ ngu si nói phản lại tất cả: “Không có nghiệp, không có nghiệp quả, không có tinh tấn”. (Kinh Mền Bằng Tóc, Kinh Tăng Chi, HT Thích Minh Châu dịch)
 
“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, lại phạm tội lớn, này các Tỷ-kheo, như tà kiến. Tối thắng tà kiến, này các Tỷ-kheo, là phạm tội lớn.
 
Ta không thấy một người nào khác, này các Tỷ-kheo, được tuân theo đưa lại bất hạnh cho đa số, bất lạc cho đa số, thất lợi cho đa số, đem đến bất hạnh, bất lạc cho chư Thiên và loài Người, này các Tỷ-kheo, như kẻ ngu si.
 
Ví như, này các Tỷ-kheo, tại cửa sông có đặt một cái nơm bẫy cá, đem lại bất hạnh đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều cá. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ ngu si Makkhali xuất hiện ở đời, Ta nghĩ rằng như là một cái nơm bẫy cá cho loài Người, đưa đến bất hạnh, bất lạc, bất lợi, đau khổ, tổn thương, tổn hại cho nhiều loại hữu tình.
 
Ai khuyến khích chấp nhận một pháp luật được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo, thời người khuyến khích và người được khuyến khích như vậy tuân hành, tất cả đều đem lại nhiều vô phước. Vì cớ sao? Vì pháp được vụng thuyết, này các Tỷ-kheo”. (Kinh Một Pháp, Kinh Tăng Chi HT Thích Minh Châu dịch)
 
(Thấy Biết, tuniemxu.org)
Visits: 12974