Trả Lời Các Câu Hỏi Về Tánh Thấy Tánh Biết Của Ý Thức

Trả Lời Các Câu Hỏi Về Tánh Thấy Tánh Biết Của Ý Thức

HỎI:

1-Duyên khởi tánh thấy tánh biết của ý thức là gì? Tánh thấy tánh biết này có làm duyên cho khổ có mặt không?

2-Sự thấy ra biết ra của ý thức đó có nên là sự thấy ra của ta hay ta thấy ra không? Sự thấy ra này có thường hằng bất biến không?

3-Khi nghe một vị trưởng lão nổi tiếng giảng nên lựa chọn cách tin theo ra sao?

ĐÁP: Các câu hỏi của bạn đã có sẵn trong kinh Sáu Sáu, kinh Phạm Võng, kinh Vị Giữ Giới và kinh Đại Bát Niết Bàn, xin trích dẫn lại thay cho câu trả lời:

1-Duyên khởi tánh thấy tánh biết của ý thức là gì? Tánh thấy tánh biết này có làm duyên cho khổ có mặt không?

Trích dẫn  Kinh Sáu Sáu:

Này các Tỷ-kheo, do duyên ý và do duyên các pháp, khởi lên ý thức. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc, khởi lên lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy do cảm xúc lạc thọ, mà hoan hỷ, tán thán, trú ở ái trước; tham tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc khổ thọ mà sầu muốn, than van, than khóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh; sân tùy miên của vị ấy tùy tăng. Vị ấy do cảm xúc bất khổ bất lạc thọ, mà không như thật biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly khỏi cảm thọ ấy; vô minh tùy miên của vị ấy tùy tăng. Này các Tỷ-kheo, vị ấy chính do không đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, do không tẩy trừ sân tùy miên đối với khổ thọ, do không nhổ lên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ, không đoạn tận vô minh, không làm cho minh khởi lên, có thể ngay trong hiện tại là người chấm dứt đau khổ, sự kiện như vậy không xảy ra. (Kinh Sáu Sáu)

Trả Lời Các Câu Hỏi Về Tánh Thấy Tánh Biết Của Ý Thức (3)  

2a-Sự thấy ra biết ra của ý thức đó có nên là sự thấy ra của ta hay ta thấy ra không? Sự thấy ra này có thường hằng bất biến không?

Trích dẫn  Kinh Sáu Sáu:

“Này các Tỷ-kheo, nhưng đây là con đường đưa đến sự tập khởi của thân kiến. Ai quán mắt là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Ai quán các sắc… Ai quán nhãn thức… Ai quán nhãn xúc… Ai quán thọ… Ai quán ái… Ai quán tai… Ai quán mũi… Ai quán lưỡi… Ai quán thân… Ai quán ý… Ai quán các pháp… Ai quán ý thức… Ai quán ý xúc… Ai quán ái: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. (Kinh Sáu Sáu).

2b-Sự thấy ra này có thường hằng bất biến không?

Trích dẫn kinh Vị Giữ Giới:

—Này Hiền giả Kotthika, Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Hiền giả Kotthika, vị Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

Trích dẫn Kinh Phạm Võng:

“Trường hợp thứ tư, lại có những Sa-môn, Bà-la-môn, y chỉ gì, căn cứ gì chủ trương một phần Thường trú luận, một phần Vô thường luận, chấp bản ngã và thế giới là thường còn đối với một hạng hữu tình và vô thường đối với một hạng hữu tình khác.

Này các Tỷ-kheo, có Sa-môn, hay Bà-la-môn là nhà suy luận, là nhà thẩm sát. Do sự chia chẻ biện bác của suy luận và sự tùy thuộc theo thẩm sát, vị này tuyên bố như thế này: “Cái gọi là mắt, là tai, là mũi, là lưỡi, là thân, cái bản ngã ấy vô thường, không kiên cố, không thường trú, bị chuyển biến. Cái gọi là tâm, là ý, là thức, cái bản ngã ấy là thường còn, bất biến, thường trú, không bị chuyển biến, thường hằng như vậy mãi mãi”.

Trả Lời Các Câu Hỏi Về Tánh Thấy Tánh Biết Của Ý Thức (4)

3-Khi nghe một vị trưởng lão nổi tiếng giảng nên lựa chọn cách tin theo ra sao?

Trích dẫn kinh Đại Bát Niết Bàn:

Này các Tỷ-kheo, có thể có Tỷ-kheo nói: “Tại trú xứ kia, có một vị Thượng tọa, vị này là bậc đa văn, gìn giữ truyền thống, trì pháp, trì luật, trì pháp yếu. Tôi tự thân nghe từ Thượng tọa, tự thân lãnh thọ; như vậy là Pháp, như vậy là Luật, như vậy là lời dạy của vị Ðạo Sư”. Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, và nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời của Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ-kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. Khi đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật, nếu chúng phù hợp với Kinh, tương ứng với Luật, thời các ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời ấy phải là lời dạy của Thế Tôn và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo chơn chánh”. Này các Tỷ-kheo, như vậy là Ðại giáo pháp thứ tư, các Ngươi hãy thọ trì.”

Trả Lời Các Câu Hỏi Về Tánh Thấy Tánh Biết Của Ý Thức (5)

(Các bài kinh được trích dẫn từ bản dịch của hòa thượng Thích Minh Châu.)