Tại Sao Ngũ Uẩn Thủ Là Khổ

Tại Sao Ngũ Uẩn Thủ Là Khổ?

Hỏi: Ngũ uẩn thủ là Khổ đế trong kinh Chuyển Pháp Luân. Làm sao tôi có thể hiểu thật đơn giản để áp dụng đoạn trừ thủ này trong đời sống hàng ngày?

Đáp: Ngài Ajahn Chah có dạy Khổ đế có 2 loại là khổ tự nhiên (sinh, lão, bệnh, tử) là khổ. Và khổ nhân tạo là ngũ uẩn chấp thủ là khổ. Khổ này do tâm chấp thủ về ngũ uẩn bên trong và bên ngoài là ta và của ta nên khổ. Khi thủ này bị diệt từng phần đến toàn phần trong các bậc Thánh, thì Khổ đế về tâm chấp thủ này không còn nữa, nhưng khổ tự nhiên về thân (sinh, lão, bệnh, tử) vẫn còn cho đến khi nhập Vô Dư Niết Bàn của bậc A La Hán.

Thủ trong đời sống rất nhiều. Ví dụ thủ như ai đó hứa hẹn với mình một điều gì đó. Nhưng họ không làm, thậm chí làm sai, mình sẽ tức giận. Sự tức giận đến từ chấp thủ họ đã hứa với “tôi”, nay họ không làm điều đó. Khi biết chánh kiến về nhân quả, hiểu rằng mình bị bội hứa là do nhân quả của chính mình vì mình là chủ nhân, là thừa nghiệp trong nhiều kiếp sống nên mình không còn tức giận nữa. .

Một ví dụ nữa là một người chồng trở về nhà rất tức giận khi người vợ không nấu cơm đúng giờ. Bởi vì vợ anh ta luôn chu đáo và đúng giờ. Thấy người vợ đang ngồi bên nhà hàng xóm nói chuyện. Anh ta sẽ rất tức giận. Đây là sự chấp thủ về quy ước mặc định do chính người vợ đã tạo ra để đem lại hạnh phúc cho người chồng, nhưng bất cứ cái gì lâu ngày nó cũng sẽ mọc rễ (thủ) trong tiềm thức, thói quen của những người trong cuộc. Khi có cái gì đó lệch ra khỏi quy ước thực chất là sự chấp thủ, những người trong cuộc sẽ đau khổ.

Tại Sao Ngũ Uẩn Thủ Là Khổ

Một ví dụ nữa là một người bán hàng ăn chuyên làm từ thiện bằng cách chở xe bánh mì đến cửa hàng ông ấy phát cho những người nghèo vào mỗi sáng chủ nhật. Sự việc kéo dài hơn một năm. Rồi một sáng chủ nhật, xe bánh mỳ chở đến bị lật trên đường, không đến kịp. Nhưng người chờ đợi để được phát chẩn xông vào quán cướp phá vì không thấy được pháp bánh mì như mọi lần.

Một ví dụ nữa là một người thanh niên hảo tâm thương người. Mỗi lần lĩnh lương tháng, anh ấy dành 10 đô la để cho người ăn mày sống cuối phố. Sau ba năm, anh cưới vợ nên chỉ dành 5 đô la cho người ăn mày khi lĩnh lương. Người ăn mày khi nhận 5 đô la từ người thanh niên liên tức giận hỏi thế 5 đô la còn lại của tôi đâu? Từ lúc nào sự mọc rễ trong tiềm thức của người ăn mày 10 đô la là lương của anh ta.

Một ví dụ nữa nó đến với chính tôi. Cách dây 5 năm, tôi tham dự một khóa thiền Tứ Niệm Xứ. Thiền sư là vị sư người nước ngoài nổi tiếng. Nhưng vị ấy vừa giảng pháp vừa ngủ gật liên tục và nhiều việc khó nói khác. Tôi rất lấy làm phiền lòng và tiếc thời gian đã đến khóa thiền này. Sau đó gặp chính một vị sư cũng là thiền sinh trong khóa thiền, vị ấy nói con nên lấy thân tâm con làm đối tượng trong khóa thiền Tứ Niệm Xứ mới là đúng. Đừng lấy cảnh bên ngoài, con sẽ rơi vào quy ước, có quy ước là có chấp thủ vị thiền sư phải là thế này, thế khác, khóa thiền là để luyện tâm dù bất cứ điều gì xảy ra. Tôi lập tức tỉnh ngộ và tiếp tục hành thiền. Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ liên lạc với vị sư ấy dù ở khoảng cách rất xa.

Một ví dụ nữa, khi một người chấp thủ vào danh chế định chính là quy ước như Nam hay Bắc, Đông hay Tây, xanh vàng tím đỏ, tốt hay xấu quy ước, người ấy sẽ rất khó ra khỏi chấp thủ tức đoạn trừ khổ sinh khởi bởi các phiền não cũng như đoạn trừ thân kiến thuộc kiến thủ trong tứ thủ (dục thủ, kiến thủ, ngã luận thủ, giới cấm thủ). Sống trong hơi thở hay mỗi khoảng khắc của thân, thọ, tâm, pháp, đó là con đường Đức Phật tuyên bố là ĐỘC NHÂT, trong khi tác ý và thực hành thì sẽ không có Nam, Bắc, Đông, Tây, xanh, đỏ, tím, vàng, vv…. Đó chính là CON ĐƯỜNG cho sự trong sạch và THANH TỊNH của mọi chúng sinh dù mang tên gì, là ai (chế định).

Tuniemxu.org