thế à!

Thế à!

”Nếu ai đó ca tụng bạn thì một ngày nào đó họ cũng có thể dè bỉu bạn. Sự ca tụng hay dè bỉu, khen hay chê không phải là ta nhưng tâm luôn có thói quen dính mắc vào sự hài lòng và phản ứng với sự bất toại nguyện. Sống an nhiên tự tại vượt qua được khen chê là con đường rất dài và chông gai trên con đường tâm linh.”

thế à!

Tranh vẽ Bồ tát Di Lặc nhìn những con chuột của thiền sư Hakuin

Một cô gái trong làng có mang. Người cha nghiêm khắc của cô ta ép buộc cô nói tên người yêu, và cuối cùng nghĩ rằng phải nói thế nào để thoát khỏi trừng phạt, cô bèn nói với cha:

  • Đó là thiền sư Bạch Ẩn.

Người cha không thốt thêm một lời, nhưng khi đứa bé ra đời, ông lập tức bế đến và quăng xuống cho Ngài:

  • Hình như đây là con ông.

Và ông ta nhục mạ Ngài tới tấp, đoạn cười khinh bỉ vào sự nhục nhã này. Thiền sư Bạch Ẩn chỉ nói:

  • Ồ! Thế à!

Và ẵm đứa bé lên tay.

Sau đó, trong những ngày mưa gió và những đêm bão bùng, Ngài đi xin sữa ở nhà hàng xóm. Đi đâu ông cũng mang đứa bé, bọc nó trong tay áo tả tơi của mình. Trước đây được xem như vị Phật sống, tôn kính như Thích-ca Mâu-ni, nay Ngài bị hạ bệ thật sự. Nhiều môn đệ từng lũ lượt kéo đến Ngài, nay trở lại chống đối rời bỏ Ngài. Vị thầy vẫn không nói một lời. Trong lúc ấy, người mẹ đứa bé thấy rằng không thể chịu đựng nỗi khổ phải xa con, và hơn nữa bắt đầu sợ hãi hậu quả đến kiếp sau về việc mình đã làm. Bà ta thú nhận tên người cha đứa bé. Cha của bà gắt gao trong quan niệm về đức hạnh, giận điên lên vì sợ. Ông đi gấp đến Bạch Ẩn, cúi mình xuống van xin tha lỗi. Lần này Thiền sư cũng chỉ nói:

  • Thế à!

Và trao đứa bé cho ông ta.

Đến lúc sự thật được biết đến, danh tiếng của Ngài càng cao gấp trăm lần hơn trước.

nguồn Intenet: Thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin Ekaku)


Vài dòng chia sẻ (thayvabiet):

Nếu ai đó ca tụng bạn thì một ngày nào đó họ cũng có thể dè bỉu bạn. Sự ca tụng hay dè bỉu, khen hay chê không phải là ta nhưng tâm luôn có thói quen dính mắc vào sự hài lòng và phản ứng với sự bất toại nguyện. Sống an nhiên tự tại vượt qua được khen chê là con đường rất dài và chông gai trên con đường tâm linh.

Pháp  Học làm cho chúng ta hiểu biết nhưng lại dính mắc sâu vào chúng gọi là ”sở tri chướng”.

Pháp Hành làm chúng ta gạt bỏ bớt chướng ngại của sự hiểu biết pháp học nhưng vô tình tạo ra chướng ngại có tên là ”sở đắc”.

Pháp Thành làm chúng ta xả bỏ ”sở đắc”, tức là sống an nhiên tự tại với các pháp thuận nghịch với tâm mà không sầu không sợ hãi.

Tuy nhiên để biết được ta có Pháp Thành hay không, không phải tự ta hay thầy ta xác chứng mà chính những hoàn cảnh khốc liệt, bất thình lình, ngoài ý muốn, chưa từng có đến với ta để xác chứng cho ta như mỗi bài thi lên lớp như trong trường hợp của thiền sư Bạch Ẩn (Ngài còn được gọi với tên trìu mến là thiền sư THẾ À)

Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động. (Pháp Cú 81)