Nhận Biết Định Vắng Lặng (Samatha) Và Chánh Định (Sammā-samādhi) Trong Thực Hành Thiền Tứ Niệm Xứ

Nhận Biết Định Vắng Lặng (Samatha) Và Chánh Định (Sammā-samādhi) Trong Thực Hành Thiền Tứ Niệm Xứ

1-HỎI: Trong Tứ Niệm Xứ, Đức Phật có dạy trong phần quán Thân trên Thân bằng cách nhập các tầng thiền định không?

ĐÁP: Chúng ta sẽ không thể tìm thấy lời dạy của Đức Phật trong bài kinh Tứ Niệm Xứ và Đại Niệm Xứ về việc nhập vào các tầng thiền định để chánh niệm về thân hay còn gọi là quán thân trên thân.
Quán Thân gồm 14 đối tượng:
1-Hơi thở vào hơi thở ra
2-Tứ oai nghi
3-Các oai nghi phụ
4-Quán tứ đại
5-Quán 32 thể trược
6-14: Chín giai đoạn của từ thi
 
Trong Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy quán các đối tượng này một cách trực tiếp để thấy sự sinh diệt và uế trược (nếu có) của các đối tượng. Các tầng thiền định không được nói đến ở phần quán thân này. Vì trong khi nhập định trong các tầng thiền, các chi thiền định là các tâm tầm, tứ, hỷ, lạc, xả sẽ nổi bật thay vì sự nổi bật là các đề mục về thân để quán.
 
Phần nhập các tầng thiền trong Chánh Định chỉ được dạy sau cùng của bài kinh Đại Niệm Xứ, khi hành giả đã tu tập đủ các nền tảng để thiết lập chânh niệm là thân, thọ, tâm và pháp. Đúng như lời Đức Phật dạy: “Chánh định do chánh niệm được khởi lên.” (Đại Kinh Bốn Mươi). Nghĩa là nếu hành giả không thiết lập chánh niệm thì không thể có chánh định. Đó là lý do chánh định được dạy cuối cùng của bài kinh Đại Niệm Xứ sau khi chánh niệm đã được đảm bảo thiết lập vững chắc trên thân, thọ, tâm, pháp.
 
Nhận Biết Định Vắng Lặng (Samatha) Và Chánh Định (Sammā-samādhi) Trong Thực Hành Thiền Tứ Niệm Xứ
 
2-HỎI: Hành giả có thể vào thẳng Chánh định sau đó xuất định rồi mới quán thân, thọ, tâm, pháp không?
 
ĐÁP: Có 2 cách để thiết lập chánh niệm. Cách một là tuần tự theo bài kinh Đại Niệm Xứ là quán thân, thọ, tâm, pháp. Cách này Đức Phật dạy là con đường duy nhất.
Cách hai là nhập định với đối tượng là 1 trong 40 đề mục chế định thiền hữu sắc và vô sắc, rồi xuất định quán các chi thiền hay các đối tượng thân, thọ. tâm, pháp để thiết lập chánh niệm theo lộ trình của Tứ Niệm Xứ như cách 1. Vì đối tượng của chánh niệm trong Tứ Niệm Xứ là gồm chân đế và tục đế. Còn đối tượng của thiền định vắng lặng đối tượng là tục đế và chánh định cũng có đối tượng là tục đế và thêm Niết bàn nếu hành giả đã là bậc Thánh nhân.
Nhưng chúng ta sẽ thật khó biết mình nhập định vắng lặng (samatha) hay chánh định (sammā-samādhi) một khi chưa thuần thục chánh niệm hay lấy chánh niệm làm nền tảng để sinh chánh định. Nghĩa là hành giả không thể có chánh định khi không có chánh niệm, mà chỉ là định vắng lặng (samatha)
 
Trong khi chánh định (sammā-samādhi) trong bát chánh đạo phải có chánh niệm làm nền tảng để sinh lên chánh định. Vì trong chánh định phải có chánh niệm mới được gọi là chánh định như câu : “Tỷ kheo ấy ly hỷ trú xả, CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú….. như vậy gọi là Chánh định”. (Kinh Đại Niệm Xứ). Nghĩa là trong các tầng thiền cần phải có chánh niệm, tỉnh giác để thiền đó trở thành chánh định. Hay nói cách khác là bất cứ sự chú tâm, nhất tâm nào có chánh niệm đi cùng thì mới được gọi là chánh định.
 
Hoặc câu: “Chánh định do chánh niệm được khởi lên.” (Đại Kinh Bốn Mươi)

Hoặc câu: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và các tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỷ-kheo, phàm có nhất tâm nào (ekaggata) được tư trợ với bảy chi phần này, này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và các tư trợ.” (Đại Kinh Bốn Mươi).

 
Đoạn kinh này nhấn mạnh ngay cả với bậc Thánh, nhất tâm (định) nào không có bảy chi phần bát chánh đạo đi trước làm cận duyên và tư trợ thì định đó không gọi là chánh định hay Thánh chánh định.
 
Nghĩa là chúng ta thấy có sự khác biệt rất lớn giữa một người nhập chánh định (sammā-samādhi) khác với một người nhập thiền vắng lặng (samatha) chính là chánh định luôn có bảy chi phần bát chánh đạo đi trước với chánh niệm là nhân gần để khởi sinh chánh định.
Điều này có thể dễ thấy rõ khi Đức Bồ Tát chưa thành đạo đã nhập sơ thiền vắng lặng lúc 7 tuổi vào Lễ Hạ Điền, và sau này nhập định vắng lặng vô sở hữu xứ và phi phi tưởng xứ với hai vị thầy Bà La Môn trong khi vẫn chưa có 7 chi phần bát chánh đạo, mà cụ thể là chưa có chánh niệm làm nhân gần nên định đó không thể gọi là chánh định của bát chánh đạo.
 
Đây cũng là lý do Đức Phật dạy 4 nền tảng thiết lập chánh niệm (satipatthana) hay Tứ Niệm Xứ và gọi là con đường độc nhất diệt trừ khổ ưu, chứng ngộ Niết bàn. Nghĩa là không có con đường nào khác ngoài Tứ Niệm Xứ từ thứ lớp cho đến tuần tự của thân, thọ, tâm, pháp. Có thể hiểu chánh định là Quả và bảy chi phần bát chánh đạo là Nhân để hành giả hoàn tất con đường Tứ Niệm Xứ.
 
Khi hoàn tất con đường Tứ Niệm Xứ, các bậc Thánh thường lấy Niết bàn làm đối tượng để nhập sơ thiền đến tứ thiền (xem thêm tâm siêu thế biểu đồ Vi Diệu Pháp) với đủ tám chi phần của bát chánh đạo.
 
“Ở đây, này các Tỷ-kheo chánh kiến đi hàng đầu. Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là chánh kiến đi hàng đầu? Chánh tư duy, này các Tỷ-kheo, do chánh kiến, được khởi lên. Chánh ngữ do chánh tư duy được khởi lên. Chánh nghiệp do chánh ngữ được khởi lên. Chánh mạng do chánh nghiệp được khởi lên. Chánh tinh tấn do chánh mạng được khởi lên. Chánh niệm do chánh tinh tấn được khởi lên. Chánh định do chánh niệm được khởi lên. Chánh trí do chánh định được khởi lên. Chánh giải thoát do chánh trí được khởi lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần.” (Đại Kinh Bốn Mươi)
 
Như vậy, có thể trả lời câu hỏi của bạn là rất khó có thể nói một người nhập Chánh định rồi lại xuất ra để quán Chánh niệm vì sẽ làm ngược với kinh Đại Niệm Xứ và ngược với tuần tự duyên sinh các chi phần trong Bát Chánh Đạo, trừ khi vị ấy là bậc Thánh nhân đã chứng ngộ Niết bàn. Cho nên khả năng người đó nhập định vắng lặng (samatha) chứ không phải là nhập Chánh định (sammā-samādhi) sau đó xuât định rồi mới quán thân, thọ, tâm, pháp.
TUNIEMXU.ORG