ba la mat (1)

Ba La Mật

Trong hàng đệ tử của Đức Phật có nhiều vị nhờ ba la mật (pārāmī) đã vun vồi từ bao nhiêu kiếp mà đạt được các phẩm hạnh đặc biệt khác nhau về nhiều mặt và được gọi là bậc đệ nhất. Chẳng hạn như ngài Xá Lợi Phất là bậc đệ nhất trí tuệ, ngài Mục Kiền Liên là đệ nhất thần thông, ngài A Nậu Lâu Đà là đệ nhất nhập thiền… Hiểu được ba la mật là do luật nhân quả thì ta sẽ nỗ lực thực hiện các mục đích mà ta hằng mong muốn ngay trong kiếp sống này. Các hành giả ngồi thiền ở đây không phải là lần đầu tiên mà do đã tập ngồi như vậy từ bao nhiêu kiếp trước, đã gặp Phật Pháp nhiều đời trong quá khứ nên mới có niềm tin và có tâm quyết định hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Mỗi chúng ta đều có ít nhiều ba la mật và nay tiếp tục thực hành giáo pháp để vun bồi thêm ba la mật đó. Trên đường thực hành tìm giải thoát, ai ai cũng ít nhiều gặp trở ngại, thử thách. Tuy cùng thực hành một phương pháp Bát Chánh Đạo giống nhau, nhưng mỗi thiền sinh có mỗi trạng thái hoặc kinh nghiệm khác nhau. Trong kinh có bốn hạng hành giả:

ba la mat (1)
1. Hạng hành khó, giác ngộ chậm
2. Hạng hành khó, nhưng giác ngộ mau
3. Hạng hành dễ, nhưng giác ngộ chậm
4. Hạng hành dễ, giác ngộ mau
Cá nhân Sư thuộc về hạng thứ nhất, trong lúc các bạn đồng tu với Sư tiến bộ rất nhanh, có người chỉ một vài năm đã thành thiền sư. Năm 1980, khi viếng thăm Miến Điện, Sư đến Mandalay và nghỉ ở nhà hai mẹ con một cư sĩ. Bà mẹ là một triệu phú, rủ người con đi hành thiền ở trung tâm Mahasi. Người con hành thiền thoải mái, suông sẻ, kinh nghiệm rất mau, chỉ trong hai tuần đã ghi nhận được các cơn đau mạnh biến tan nhanh chóng. Trong khi đó bà mẹ phải mất đến sáu tuần mới hiểu được điều này qua kinh nghiệm sinh diệt nhanh chóng của các cơn đau. Cả ba trường hợp của
Sư và hai mẹ con thiền sinh trên cho ta thấy mỗi người có ba la mật riêng.

ba la mat (2)

Vào thời Đức Phật, có trường hợp ngài Bahiya đắc đạo quả Bất Lai vô cùng nhanh chóng do quán niệm thấy tất cả các đối tượng đang sanh khởi đều ở ngoài thân. Trước đó, Bahiya là một người lái buôn, một hôm đi thuyền bị chìm, may mắn ôm được khúc cây trôi dạt đến một bãi biển rất xa. Không còn quần áo và quá sợ hãi cái chết, ngài lấy mảnh vỏ cây quấn lại che thân và quyết chí tu hành. Dân chúng trong vùng rất kính mộ phẩm hạnh của ngài, cúng dường ngài như một vị A La Hán, và chính ngài cũng tự nghĩ như vậy. Bấy giờ có một vị chư thiên – trước đó là bà con với Bahiya – thấy vậy liền đến mách bảo rằng ngài chưa đắc A La Hán đâu và nên đi đến thọ giáo với Đức Phật Cồ Đàm để học phương pháp đạt giác ngộ, giải thoát. Nghe vậy Bahiya liền đi suốt một đêm quyết tìm gặp Đức Cồ Đàm – lúc ấy đang trì bình khất thực ở thành Xá Vệ. Ngài Bahiya quỳ xuống ba lần xin Đức Phật dạy giáo pháp, nhưng Đức Phật đều từ chối vì thời gian không thích nghi. Sau cùng, vì quán thấy tuổi thọ của Bahiya không còn bao lâu cho nên Đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy: “Này Bahiya, con nên quán rằng: trong khi thấy chỉ có sự thấy; trong khi nghe chỉ có sự nghe; trong khi ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ, chỉ có sự hay biết về mùi, vị, xúc chạm và suy nghĩ.” Truyền dạy chỉ một câu pháp xong, Đức Phật tiếp tục đi trì bình. Đức Thế Tôn vừa dứt câu pháp ấy, Bahiya liền chứng ngộ đạo quả. Sau đó, khi còn đang nghĩ cách tìm y bát để xin xuất gia, nhập Tăng đoàn, thì bỗng nhiên ngài bị một con bò mẹ – vì muốn bảo vệ cho đứa con – đến húc nên ngài phải chấm dứt thọ mạng. Trên đường khất thực trở về, Đức Phật thấy vậy bèn bảo các vị tỳ kheo đem xác vị đồng phạm hạnh này hỏa táng theo đúng nghi thức một nhà sư. Hoàn tất công việc xong, chư tăng tụ hội lại hỏi Đức Thế Tôn về trường hợp của ngài Bahiya. Đức Phật dạy: “Bahiya là người học và hành đạo mà không hề gây cho Như Lai một chút khó khăn bận tâm nào, chỉ gặp một lần, chỉ nghe một câu rồi thực hành tức khắc mà đắc đạo quả.” Như vậy, Bahiya là bậc đệ nhất về đạt giác ngộ ngay sau một thời pháp ngắn.

ba la mat (4)

Sư sở dĩ tu hành lâu thành vì cứ ôm chấp các đối tượng vào trong, không quán thấy được là chúng đều ở bên ngoài như ngài Bahiya. Thấy, nghe không chịu niệm chỉ là thấy, nghe, mà còn thêm thắt nhiều điều khiến vọng tưởng chất chồng lên vọng tưởng. Do tưởng điên đảo nên kiến điên đảo, vì ta không chịu để đối tượng bên ngoài mà còn đồng hóa nó với ta, của ta. Nhiệm vụ của thiền sinh là niệm, tiếp tục niệm… Niệm chưa xong thì đối tượng đã đi mất rồi. Phải niệm liên tục mới thấy được các đối tượng đều ở bên ngoài, hết sanh rồi diệt. Một khóa thiền thường chưa đủ để vun bồi niềm tin và định lực. Cần cố gắng hành thêm nhiều khóa mới thấy sự tiến bộ. Hành thiền Minh Sát Niệm Xứ là cách vun bồi tất cả mười ba la mật một cách đầy đủ và hữu hiệu nhất. Trong đó tinh tấn ba la mật rất quan trọng, làm tăng trưởng chánh niệm, chánh định, đưa đến chánh tư duy (ly dục – tức ý muốn xuất gia, ly hận và ly hại) và chánh kiến để giải thoát khỏi mọi khổ đau

Vài Làn Hương Pháp (Thiền sư Kim Triệu)