thien nhien 4

Thiên Nhiên

Hành thiền là cách sống tự nhiên với luật thiên nhiên. Chẳng hạn như khi ngồi thiền ta hay biết hết các đối tượng đang diễn ra lúc bấy giờ, đến rồi đi. Chỉ nhìn chúng một cách tự nhiên như người ngồi bên bờ sông nhìn nước sông trôi qua, mắt chỉ nhìn mà không dính mắc vào dòng nước đang thay đổi trong từng giây từng phút.

thien nhien

Công thức về căn trần trong Vi Diệu Pháp được sắp xếp rất rõ. Tại sao có thứ tự mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý? Đó cũng là theo thiên nhiên. Bắt đầu là mắt, thường thấy rất xa, có thể đến cuối chân trời. Tai cũng nghe được các tiếng động từ rất xa, đến khi không còn bắt âm thanh được nữa, nhưng xa không bằng mắt. Mũi đánh được hơi, bắt được mùi từ xa nhờ có gió thuận chiều, nếu gió ngược chiều thì chỉ ngửi được các mùi rất gần mũi. Lưỡi phải có vật thực thật gần, phải qua nhai, có nước miếng mới nếm được vị. Thân phải thật sát với vật đụng mới có cảm giác xúc chạm. Còn tâm thì ở khắp năm căn trần trên: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đâu cũng có tâm. Nhưng ta phải ghi nhận sáu căn trần tiếp xúc nhau ngay giây phút hiện tại mới thấy rõ được bản chất chúng, mới thấy chúng là vô thường, khổ, vô ngã.

thien nhien 2
Khi chánh niệm và chánh định được vững mạnh, ta sẽ nhận rõ được tính cánh thiên nhiên của các đối tượng. Thí dụ ta thấy được yếu tố gió không những chỉ ở trong chuyển động phồng xẹp của bụng mà còn ở các nơi khác trong toàn thân. Theo Vi Diệu Pháp có sáu loại gió trong thân:

1. Gió lên: khi nấc cục, nhảy mũi, ho v.v….

2. Gió xuống: khi tiểu tiện, đại tiện

3. Gió ngoài ruột, bao tử

4. Gió trong ruột, bao tử (khi đầy hơi…)

5. Gió do tim đập đưa máu huyết lưu thông khắp cả cơ thể

6. Gió vào ra (nơi mũi, phồng xẹp)

Hành giả khi theo dõi thuần thục gió phồng xẹp (loại gió thứ 6 trên) sẽ cảm nhận rõ ràng được loại gió thứ 5 lưu chuyển khắp toàn thân gọi là gió xuyên thấu. Trong kinh nói rõ là người nào kinh nghiệm được sự sanh diệt của các đối tượng thân tâm thì các bệnh nhẹ tự nhiên hết. Còn nếu đạt được tuệ xả hành thì một số các bịnh nặng sẽ được tiêu trừ, vì tất cả cơ quan nội tạng làm việc nhịp nhàng thông suốt như một guồng máy nhờ sức rung động của gió xuyên thấu. Mắt mở nhắm, miệng nói chuyện, tim đập… tất cả đều là tứ đại làm việc – nhất là gió – nhưng con người lại thường cho rằng do tôi hay do mắt, miệng, tim của tôi làm việc. Đất, nước, gió, lửa, tâm hay biết… đều là pháp bảo hợp thành sự sống. Sống là hay biết.

thien nhien 4

Đức Phật chỉ cho ta cách hay biết mà không vướng tham sân si, để vượt ra sanh tử luân hồi. Đó là quán lục căn, lục trần, để pháp bảo làm việc. Khi thân này còn thọ mạng thì phải săn sóc nó để cái tâm được nương vào nó, nhưng không ghét, không thương nó thái quá. Khi thân hoại, mạng chung thì không sân hận, tiếc nuối vì sân hận tiếc nuối thân, nó sẽ trở lại tái sinh với ta. Không phải chờ đợi đến lúc chết mới thành một vị giác ngộ giải thoát mà một giây phút thấy rõ được sự thật là ta đang sống giải thoát. Rồi hai, ba, bốn, năm… giây phút ấy được liên tiếp là ta sống không quên. Tâm không quên nên không mệt, không đau vì bị vi trùng tham sân si tấn công chi phối mình. Nhờ không quên, ta sống vui hòa cùng với thiên nhiên

Vài Làn Hương Pháp (Thiền sư Kim Triệu)