Ý NGHĨA CHỮ BHIKKHU (tỳ-khưu)

Ý NGHĨA CHỮ BHIKKHU (tỳ-khưu)

Ý NGHĨA CHỮ BHIKKHU (tỳ-khưu)

Hôm nay tôi sẽ giải thích tóm lược cho các bạn về Kinh Ðại Niệm Xứ. Các bạn đã thực hành Thiền Minh Sát nhiều năm nên cần phải hiểu rõ Kinh Ðại Niệm Xứ. Ðể các bạn hiểu rõ Kinh Ðại Niệm Xứ nên mỗi buổi sáng trong các khóa thiền minh sát tôi thường cho các bạn đọc lại đoạn tóm lược về Kinh Ðại Niệm Xứ trên. Ðây là một đoạn kinh được trích từ Kinh Ðại Niệm Xứ. Mặc dầu đây chỉ là đoạn tóm lược Kinh Ðại Niệm Xứ, nhưng đoạn kinh này rất quan trọng đối với các thiền sinh hành Thiền Minh Sát. Có hiểu rõ ràng, chính xác Kinh Ðại Niệm Xứ thiền sinh mới có thể hành thiền đúng đắn và có kết quả tốt đẹp. Nếu không hiểu rõ Kinh Ðại Niệm Xứ, thiền sinh sẽ không biết cách hành thiền, do đó sẽ hành thiền sai lạc và không đạt kết quả.

Ý NGHĨA CHỮ BHIKKHU (tỳ-khưu)

Chúng ta đã biết phương pháp hành Thiền Minh Sát hay Thiền Tứ Niệm Xứ là phương pháp hành thiền do chính Ðức Phật khám phá ra. Ðức Phật đã tự mình thực hành Tứ Niệm Xứ, và sau khi đạt được kết quả tốt đẹp, Ngài đã đem phương pháp này ra dạy dỗ trong suốt bốn mươi lăm năm. Trong suốt bốn mươi lăm năm này Ðức Phật đã giảng giải Kinh Ðại Niệm Xứ nhiều lần. Sau khi Ðức Phật niết bàn, phương pháp hành Thiền Minh Sát đã được chư tăng đọc tụng lại và sau đó đã được ghi lại bằng chữ viết và xếp vào Tạng Kinh. Những người hành Thiền Minh Sát một cách nghiêm túc phải dựa trên căn bản của đoạn kinh này hay dựa trên toàn thể Kinh Ðại Niệm Xứ để thực hành.

Ðọan kinh trên được trích từ Kinh Ðại Niệm Xứ. Tiếng Pàli gọi tên bài kinh này là Maha Satipatthana Sutta (Ðại Niệm Xứ), có nghĩa là:”Bài pháp bàn về căn bản của sự chánh niệm” hay”Bài pháp bàn về sự thiết lập chánh niệm”. Trong bài kinh Maha Satipatthana Sutta (Ðại Niệm Xứ) này, Ðức Phật dạy cách thực hành Thiền Tứ Niệm Xứ hay Thiền Minh Sát. Theo lời dạy trong kinh, có bốn căn bản, hay bốn lãnh vực, hoặc bốn nơi để thiết lập chánh niệm. Chữ sati được định nghĩa và giải thích trong chú giải có nghĩa là: Chánh niệm được thiết lập một cách vững chắc. Chánh niệm mạnh mẽ đi vào đối tượng, bao trùm đối tượng và thiết lập trên đối tượng một cách vững chắc. Ðặc tính của chánh niệm là không hời hợt, trôi nổi trên bề mặt mà phải chìm sâu vào đối tượng. Chú giải giải thích là chánh niệm không phải chỉ hời hợt trên bề mặt như một vật nhẹ nổi trên mặt nước mà phải chìm sâu vào đối tượng như một viên sỏi chìm sâu trong nước. Khi thực tập Thiền Minh Sát, chúng ta phải thiết lập chánh niệm vững chắc trên đề mục chánh hay trên đề mục nổi bật trong hiện tại.

Ta hãy xét từng câu của đoạn kinh này:

Ý nghĩa chữ Bhikkhu (tỳ-khưu)

Ðức Phật thường gọi các tu sĩ là Bhikkhu (tỳ-khưu). Bhikkhu có nhiều nghĩa trong đó có một nghĩa là khất sĩ, là những người xin ăn. Nhưng xin ăn ở đây không có nghĩa như xin ăn thông thường. Lúc đi khất thực thầy tỳ-khưu đứng trước nhà thí chủ và không hỏi xin gì cả. Người thí chủ có tâm thành tự nguyện đem thực phẩm cúng dường cho vị khất sĩ để tạo duyên lớnh. Như vậy Bhikkhu là vị khất sĩ cao thượng hay vị khất sĩ thánh thiện chứ không phải là người xin ăn thông thường. Chữ tỳ-khưu còn có nghĩa là những người thấy rõ hiểm nguy trong sanh tử luân hồi. Căn cứ trên định nghĩa này thì không phải chỉ có nhà sư mới được gọi là tỳ-khưu mà bất kỳ người cư sĩ nào thấy rõ hiểm nguy của sanh tử luân hồi đều được gọi là tỳ-khưu. Bởi vậy, trong khi giảng giải Kinh Ðại Niệm Xứ tôi thường dùng chữ tỳ-khưu mà không dùng chữ Nhà Sư; bởi vì nếu tôi dùng chữ Nhà Sư để dịch chữ Bhikkhu thì một số người sẽ nghĩ rằng kinh này chỉ dành riêng cho Nhà Sư mà thôi. Tại sao Ðức Phật thường dùng chữ Bhikkhu trong các bài giảng của Ngài? Bởi vì Ðức Phật sống trong tu viện với các Thầy tỳ-khưu nên mỗi khi dạy đạo, Ngài gọi các thầy là Bhikkhu. Dĩ nhiên lúc Ngài dạy đạo, trong chùa cũng có một số cư sĩ, nhưng phần lớn vẫn là các tỳ-khưu tu tập dưới sự hướng dẫn của Ngài. Ðó là lý do tại sao Ðức Phật thường dùng chữ Bhikkhu. Có lúc Ðức Phật cũng dùng chữ Bhikkhave.

Kinh Ðại Niệm Xứ được thuyết tại xứ Kuru, một xứ gần New Delhi, Ấn Ðộ ngày nay. Lúc kinh được thuyết ra, có rất nhiều cư sĩ nghe và hành theo. Theo chú giải thì dân chúng trong Xứ Kuru tinh tấn thực hành Tứ Niệm Xứ. Khi gặp nhau họ thường hỏi: Trong bốn pháp chánh niệm của Tứ Niệm Xứ, bạn thực hành pháp nào? Nếu người được hỏi trả lời không, thì dân xứ đó sẽ khiển trách và bắt đầu dạy họ cách hành thiền. Nhưng nếu họ trả lời rằng họ đã quán sát thân, quán sát thọ… như thế này, thế này… thì họ sẽ được mọi người khen ngợi: “Lành thay! Lành thay! Ðời sống bạn thật nhiều phúc lạc, thật giá trị. Bạn đã sử dụng tốt đẹp kiếp sống làm người của mình. Chính vì những người như bạn mà Ðức Phật đã xuất hiện trên thế gian này”. Như vậy, khi dùng chữ Bhikkhu không có nghĩa là Ðức Phật không nói đến những người không phải là tu sĩ. Bất kỳ ai chấp nhận và thực hành những lời dạy của Ðức Phật đều được gọi là Bhikkhu. Bởi vậy, khi Ðức Phật nói: “Này các thầy tỳ-khưu” thì phải được hiểu là cả tăng, ni và người tại gia cư sĩ đều được nói đến.

Nguồn: Giới Thiệu Kinh Đại Niệm Xứ
Tác giả: Hòa thượng Silananda
Dịch giả: Tỳ khưu Khánh Hỷ