Ví dụ về hành xứ tỉnh giác hay giới vức tỉnh giác

Ví dụ về hành xứ tỉnh giác hay giới vức tỉnh giác

Hỏi: Trong kinh Tứ Niệm Xứ dạy khi đại tiện, tiểu tiện cũng cần tuệ tri, biết rõ. Nghĩa là việc tu tập trong toilet vẫn là cần thiết. Vậy tại sao việc giảng pháp lại cần ở giảng đường sạch đẹp, thanh tịnh và tránh nơi nhơ uế?

Đáp: Khi tu tập Tứ Niệm Xứ thì đối tượng là danh sắc chứ không có ai cả. Còn tại giảng đường thì có người nghe, người giảng và ngôn ngữ chế định được sử dụng. Khi có pháp chế định là có đối tượng cao thượng và hạ liệt, có pháp cao và pháp thấp, có người, có ta. Ví dụ khi ở nhà chúng ta không thể coi cha mẹ là tứ đại “cha mẹ” sinh ra tứ đại “con cái”, hay “cục đất” này sinh ra “cục đất” kia. Khi đảnh lễ, cúng dường cũng không thể quán “cục đất thiền sinh” đảnh lễ, cúng dường cho “cục đất thiền sư”, vv… Nếu quán tưởng như vậy tâm sẽ không hoan hỷ khi thực hiện các pháp thiện như bố thí, trì giới, phục vụ, vv… Ngài Mahasi khuyên dạy thiền sinh không nên lẫn lộn giữa pháp chân đế và tục đế khi thực hành. Đây thuộc về loại tỉnh giác thứ ba trong 4 loại tỉnh giác là giới vức hay hành xứ tỉnh giác. Tỉnh giác này giúp thiền sinh biết rõ đối tượng quan sát là chân đế hay tục đế để ứng xử thích hợp. Nếu thiền sinh muốn thực hành Tứ Niệm Xứ, vị đó nên ở nhà để quán tưởng danh sắc thay vì đi bố thí, cúng dường, nghe pháp,vv… Vì việc thực hành Tứ Niệm Xứ cũng tạo duyên sinh phước Tuệ. Còn khi đi bố thí, cúng dường, nghe pháp thì nên tác ý đến 14 đối tượng chế định, tục đế như Đức Phật Toàn Giác, Đức Phật Độc Giác, A La Hán, A Na Hàm, Tư Đà Hàm, Tu Đà Hoàn, vv… để bố thí, cúng dường từ cao đến thấp như Đức Phật đã dạy để sinh tâm hoan hỷ thì các phước thiện mới thành tựu.

Cho nên việc giảng pháp thường được diễn ra ở giảng đường sạch đẹp, thanh tịnh, tránh nơi nhơ uế để người nghe sinh tâm hoan hỷ và bày tỏ sự kính trọng pháp. Cũng thế khi ở nhà, nếu có thể lựa chọn giữa cởi trần nghe pháp và mặc áo nghe pháp thì mặc áo vẫn giúp bạn sinh tâm hoan hỷ, kính trọng pháp và có nhiều phước thiện hơn.

Còn khi bạn chú tâm hành thiền quán thì mọi hoạt động qua sáu giác quan cần có chánh niệm, nghĩa là chú tâm quan sát sự đụng chạm nơi thân dù là mặc áo hay cởi áo, nghe pháp chỉ là nghe âm thanh sinh diệt nơi căn tai mà không cần hiểu nghĩa của ngôn từ chế định trong việc nghe nữa. Nghĩa là không có “áo”, “người mặc áo”, “người cởi trần”, hay “người” nghe gì cả.

(Tuniemxu.org)