buddhist01

Tứ Thánh Đế trong giáo pháp của Đức Phật

Tỳ kheo Hộ Pháp

1511534 646302818749301 1262059775 n
Tứ Thánh Đế là chân lý của chư bậc Thánh, là nền tảng căn bản, là pháp cốt lõi, trọng yếu trong giáo pháp của Chư Phật thời quá khứ, Đức Phật thời hiện tại và Chư Phật thời vị lai. Tứ Thánh Đế đó là:

1- Khổ Thánh Đế đó là ngũ uẩn chấp thủ, hay danh pháp, sắc pháp trong tam giới. Trong giáo pháp của Đức Phật, thì tất cả mọi danh pháp, sắc pháp cõi dục giới, cõi sắc giới và danh pháp cõi vô sắc giới, đúng theo chân lý đều là khổ đế (dukkhasacca), không phải lạc đế. Tuy có thọ lạc, nhưng thọ lạc cũng sinh rồi diệt, luôn luôn hành hạ, nên chỉ có khổ đế mà thôi.

Trong tam giới không có pháp nào gọi là “lạc đế”, mà chỉ có “lạc đảo điên” (sukhavipallāsa) [1] , do quan niệmtâm đảo điên (cittavipallāsa), tà kiến đảo điên (ditthivipallāsa), tưởng đảo điên (sannāvipallāsa).

Đúng theo chân lý thì chỉ có khổ đế mà thôi. Dầu có thọ lạc (sukhavedanā), nhưng thọ lạc cũng bị vô thường biến đổi, nên cũng chỉ là khổ đế mà thôi.

Như Đại đức Tỳ khưu ni Vajirā dạy rằng:

“Chỉ có khổ đế sanh, khổ đế trụ, khổ đế diệt.

Ngoài khổ đế ra, không có gì sanh, không có gì trụ, không có gì diệt…” [2] .

Do đó, ngũ uẩn chấp thủ, hay danh pháp, sắc pháp trong tam giới đều là khổ đế.

2- Nhân sinh Khổ Thánh Đế đó là tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh Đế

Tâm tham ái là Nhân sinh khổ trong kiếp hiện tại.

Nếu tâm tham không được thỏa mãn, thì tâm sân phát sinh, không vừa lòng, làm khổ tâm.

Nếu tâm tham mà được thỏa mãn, thì phát sinh tâm tham chấp thủ, cho là của ta, cũng làm nhân phát sinh tâm sânsầu não, lo sợ cũng làm khổ tâm.

Như Đức Phật dạy trong Pháp Cú kệ rằng:

“Tanhāya jāyatī soko
Tanhāya jāyatī bhayam
Tanhāya vippamuttassa
Natthi soko kuto bhayam?” [3]

“Sự sầu não phát sinh do tham ái
Sự lo sợ phát sinh do tham ái
Bậc Thánh Arahán không tham ái
Không sầu não, từ đâu có lo sợ?”.

Tâm tham ái là nhân dẫn dắt đi tái sinh khổ trong kiếp sau. Ngoại trừ bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tham ái ra, còn lại tất cả mọi chúng sinh: Nhân loại, chư thiên, phạm thiên và gồm cả 3 bậc Thánh hữu học (Thánh Nhập Lưu, Thánh Nhất Lai, Thánh Bất Lai) còn tham ái, nên còn phải tái sinh khổ trong kiếp sau.

Chúng sinh có ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn) trong cõi dục giới và sắc giới, hay chúng sinh có tứ uẩn (thọ, tưởng, hành và thức uẩn) ở cõi vô sắc giới, hay chúng sinh chỉ có nhất uẩn (sắc uẩn) trong cõi sắc giới Vô Tưởng Thiên, cũng đều phải chịu khổ đế. Chỉ khác nhau là khổ nhiều, khổ ít mà thôi.

Do đó tâm tham ái là Nhân sinh Khổ Đế.

3- Diệt Khổ Thánh Đế đó là Niết Bàn là pháp diệt đoạn tuyệt được tham ái, Nhân sinh Khổ Thánh Đế, cũng là pháp diệt quả Khổ Thánh Đế.

  • Niết Bàn là pháp diệt đoạn tuyệt tham ái

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo Tuệ, có đối tượngNiết Bàn, Thánh Đạo Tuệ nào có khả năng diệt đoạn tuyệt được tâm tham ái nào rồi tâm tham ái ấy vĩnh viễn không bao giờ phát sinh trở lại nữa, gọi là “Phiền Não Niết Bàn” (Kilesaparinibbāna). Loại phiền não nào đã bị diệt đoạn tuyệt do Thánh Đạo Tuệ rồi, loại phiền não ấy vĩnh viễn không còn sanh trở lại.

Trường hợp Đức Phật Gotama chứng ngộ Phiền Não Niết Bàn tại Đại cội Bồ đề.

  • Niết Bàn là pháp tịch diệt ngũ uẩn

Bậc Thánh Arahán đã diệt đoạn tuyệt tất cả mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót, đến khi hết tuổi thọ, tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, gọi là Ngũ uẩn Niết Bàn(Khandhaparinibbāna). Ngũ uẩn của bậc Thánh Arahán khi tịch diệt Niết Bàn rồi, không còn tái sinh kiếp sau nữa, như ngọn đèn tắt.

Trường hợp Đức Phật Gotama tịch diệt Ngũ uẩn Niết Bàn tại khu rừng Kusinārā.

Do đó, Niết Bàn là pháp diệt Khổ Thánh Đế.

4- Đạo Thánh Đế đó là Bát Chánh Đạo, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt khổ Thánh Đế.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, đến khi chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, có đối tượng Niết Bàn. Khi ấy, Thánh Đạo Tâm hợp đủ 8 chánh: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, đồng sanh với Thánh Đạo Tâm đã hoàn thành xong 4 phận sự:

Khổ Thánh Đế là pháp nên biết, thì Thánh Đạo Tuệ đã biết xong.

Nhân sinh khổ Thánh Đế là pháp nên diệt, thì Thánh Đạo Tuệ đã diệt xong.

Diệt Khổ Thánh Đế là pháp nên chứng ngộ, thì Thánh Đạo Tuệ đã chứng ngộ xong.

Pháp hành diệt khổ Thánh Đế là pháp nên tiến hành, thì Bát Chánh Đạo hợp đủ 8 chánh đã tiến hành xong.

Do đó, Bát Chánh Đạo là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt khổ Thánh Đế.

Tứ Thánh Đế là nền tảng, là cốt lõi chính yếu trong giáo pháp của Chư Phật. Vì vậy, hành giả tiến hành thiền tuệ, dầu có những đối tượng thiền tuệ khác nhau như thân, thọ, tâm, pháp, ngũ uẩn, 12 xứ, 18 giới, danh pháp, sắc pháp,… đến giai đoạn cuối cùng đều đạt đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, mới chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết Bàn.

Nhân quả liên quan của Tứ Thánh Đế

Chân lý Tứ Thánh Đế có nhân quả liên quan với nhau như sau:

Khổ Thánh Đế: Đó là Ngũ uẩn chấp thủ, hay danh pháp, sắc pháp trong tam giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), là quả của Nhân sinh Khổ Thánh Đế.

Nhân sinh khổ Thánh Đế đó là tham ái là Nhân sinh Khổ Thánh Đế cũng là nhân dẫn dắt tái sinh kiếp sau(tanhā ponobbhavikā).

Diệt khổ Thánh Đế đó là Niết Bàn không thuộc quả của một nhân nào. Vì Niết Bàn là Pháp Vô vi(Asaṅkhatadhamma), là pháp hoàn toàn không do một nhân duyên nào cấu tạo.

Pháp hành diệt khổ Thánh Đế đó là Bát Chánh Đạo, là pháp hành dẫn đến chứng ngộ Niết Bàn diệt khổ Thánh Đế.

Như vậy, Bát Chánh Đạo là nhân đạt đến Niết Bàn (Diệt khổ Thánh Đế) không phải là nhân sinh Niết Bàn (Diệt khổ Thánh Đế), và Diệt khổ Thánh Đế cũng không phải là quả của Pháp hành diệt khổ Thánh Đế, mà chỉ là đối tượng Siêu tam giới của Pháp hành diệt khổ Thánh Đế mà thôi.

Ví dụ: Con đường dẫn đến kinh đô.

Con đường ví như Bát Chánh Đạo là Pháp hành diệt khổ Thánh Đế.

Kinh đô ví như Niết Bàn là pháp Diệt khổ Thánh Đế.

Con đường dẫn đến kinh đô, chứ không phải là nhân sinh kinh đô.

Cũng như vậy, Pháp hành diệt khổ Thánh Đế không phải nhân sinh Niết Bàn Diệt khổ Thánh Đế, mà chỉ là nhân đạt đến Niết Bàn Diệt khổ Thánh Đế mà thôi.

Trong Phật giáo có hai pháp hành: Pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ, mà mỗi pháp hành có mục đích cuối cùng hoàn toàn khác nhau.

Hành giả tiến hành thiền định, để đạt đến định tâm trong một đối tượng thiền định, tâm được an lạc, để chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, các bậc thiền vô sắc. Hành giả nhập thiền (jhānasamāpatti) hưởng sự an lạc trong thiền. Sau khi chết, sắc giới thiện nghiệp, hoặc vô sắc giới thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi sắc giới, hoặc cõi vô sắc giới, tùy theo bậc thiền sở đắc của mình, hưởng sự an lạc trong cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, rồi lại tái sinh kiếp khác tùy theo nghiệp của mình.

Hành giả tiến hành thiền tuệ, để phát sinh trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ Khổ đế trong các danh pháp, các sắc pháp, gọi là chánh kiến thiền tuệ (vipassanāsammādiṭṭhi) dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo – Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán. Bậc Thánh có thể nhập Thánh Quả (phalasamāpatti) hưởng an lạc Niết Bàn. Đến khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.

Như vậy, hành giả đang tiến hành thiền định, mà tâm được an lạc trong đối tượng thiền định là hành đúng; còn hành giả đang tiến hành thiền tuệ, mà trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ Khổ đế trong đối tượng thiền tuệ là hành đúng.

  • Pháp hành thiền định có trong Phật giáo và ngoài Phật giáo.
  • Pháp hành thiền tuệ chỉ có trong Phật giáo mà thôi, không có ngoài Phật giáo.

Chú thích

[1] Vipallāsa nghĩa là đảo điên trong 3 pháp:

  • Diṭṭhivipallāsa: Tà kiến đảo điên thấy các pháp đảo điên rằng: thường, lạc, ngã, tịnh.
  • Cittavipallāsa: Tâm đảo điên biết các pháp đảo điên rằng: thường, lạc, ngã, tịnh.
  • Saññāvipallāsa: Tưởng đảo điên tưởng các pháp đảo điên rằng: thường, lạc, ngã, tịnh.
    Nhưng thực tánh của các pháp có trạng thái vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh.

[2] Bộ Samyuttanikāya, Sagathavagga, kinh Vajirāsutta.

[3] Bộ Dhammapadagāthā.

Theo: Nền tảng Phật giáo