
Tránh né để không bị phát khởi tâm sân
Trong kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật nói lên tám nỗi khổ ở đời với bốn khổ thân và bốn khổ tâm. Trong khổ tâm có nỗi khổ là gặp gỡ, sống chung với người không ưa thích là khổ. Không ưa thích là trạng thái tâm sân. Nếu không có đối tượng không ưa thích thì tâm sân không sinh lên. Vì vậy, hàng ngày chúng ta phải hết sức lưu ý là chúng ta sẽ phải gặp bao nhiêu hoàn cảnh không ưa thích để né tránh và phòng hộ. Điều này Đức Phật lại dặn dò và nhấn mạnh trong kinh Tất Cả Các Lậu Hoặc (kinh số 2 Trung Bộ Kinh).
(Các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ)
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỷ-kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.
Nếu ta chưa đủ từ bi và trí tuệ, chưa đủ định lực để ‘’thõng tay vào chợ’’ thì hết sức cẩn trọng để né tránh những đối tượng và hoàn cảnh sinh lên tâm sân trong ta. Vì tâm sân cũng đi từ thô đến vi tế, nên tương ứng với chúng cũng có rất nhiều đối tượng làm chúng ta phát khởi tâm sân từ thô đến vi tế tức là từ thân hành, khẩu hành và ý hành của đối tượng. Điều này là điều cần nhận diện trong cuộc sống hàng ngày. Có người mới thoạt nhìn qua cử chỉ, dáng điệu của người đó mà ta đó có mặc cảm, không ưa thích. Nếu tiếp xúc lâu ngày mà ta vẫn không bỏ được thành kiến này thì chính ta nên tránh nế để tâm khó chịu của ta với đối đối tượng không sinh khởi. Có người khẩu hành hay khắc khẩu với ta vì cứ nói chuyện, tâm sự, trao đổi thì y như rằng là có chuyện bất đồng, mẫu thuẫn, không ưa thích sinh lên. Nếu thường xuyên thì ta cũng nên lưu ý việc né tránh. Có người vì ý hành luôn làm ta khó chịu như câu nói ‘’bằng mặt nhưng không bằng lòng’’ thì ta cùng tác ý lên đối tượng để né tránh phòng hộ khi tiếp xúc. Đây là điều rất cơ bản nhưng phần lớn ta lại hay bỏ qua khi có công việc chung gặp gỡ hay khi liên hoan, tiệc tùng…rất dễ nảy sinh cãi cọ do tâm sân sinh lên. Sau khi xác định được đối tượng sẽ sinh phiên não với tâm sân thì ta rất dễ dàng áp dụng chánh niệm khi cần phải gặp gỡ và tiếp xúc (khi không thể tránh né được) bằng biện pháp sau:
- Chuẩn bị chỉ nói những gì cần nói
- Xác định nói trong bao nhiêu lâu
- Neo tâm trên điểm xúc chạm hơi thở hay phùng xẹp ở bụng khi nói
- Kham nhẫn rời khỏi đối tượng càng nhanh càng tốt.
viết bởi Thấy và Biết
You must be logged in to post a comment.