lưỡi cưa với thân cây gỗ như hơi thở với đầu mũi 1

TÌM HIỂU ĐÚNG VỀ NIMITA TRONG VIỆC CHỨNG BỐN TẦNG THIỀN SẮC GIỚI ĐƯỢC GIỚI THIỆU TRONG KINH ĐIỂN

1/ Nimita trong Vi Diệu Pháp được mô tả qua mắt hay nhãn tưởng:

Những Ấn Chứng (Nimita) Của Công Trình Luyện Tâm

Trong ba ấn chứng, hình ảnh sơ khởi và hình ảnh trừu tượng thông thường có thể được chứng nghiệm trong mọi trường hợp, tùy đề mục. Nhưng hình ảnh khái niệm thì được thành tựu do những đề mục “Kasiṇa”, “Bất Tịnh”, Những Phần Của Thân” và pháp Niệm Hơi Thở”.

Chính nhờ hình ảnh khái niệm mà hành giả phát triển trạng thái cận định và đắc Thiền.

Bằng cách nào?

Bất luận đề mục nào trong những vật thể kasiṇas đất v.v…, mà hành giả sơ cơ dùng để gom tâm, thì đó là đề mục sơ khởi, và pháp hành thiền ấy được gọi là pháp luyện tâm sơ khởi. Khi ấn chứng ấy được cảm nhận và nhập vào tâm hành giả qua ý môn như một vật được thấy xuyên qua mắt (thịt) thì được gọi là hình ảnh trừu tượng. Công trình hành thiền như vậy trở nên vững chắc kiên cố.

Cùng thế ấy, khi hình ảnh hình dung phát sanh do công trình hành thiền mất đi những khuyết điểm (20) (như tỳ vết hay lồi lõm) và được cảm nhận như một khái niệm, vững vàng và chắc chắn trong tâm của vị hành giả đã hoàn toàn nắm vững pháp hành của mình, đã kiên cố an trụ tâm vào đề mục sơ khởi và hình ảnh trừu tượng, vào lúc ấy hình ảnh khái niệm khởi phát.

Thiền Sắc Giới

Sau giai đoạn “cận định”, không còn bị những trở ngại thuộc về Dục Giới khởi sanh, hành giả dùng tâm “cận định”phát triển hình ảnh khái niệm và chứng đắc tầng thiền đầu tiên thuộc Sắc Giới (sơ thiền Sắc Giới).

Kể từ đó, chăm chú gom tâm vào sơ thiền bằng năm pháp để thuần thục nắm vững (tầng thiền nầy) (21) — tức chăm chú gom tâm định, nhập thiền, an trú trong thiền, xuất thiền và quán sát ôn duyệt — vị hành giả chuyên cần tinh tấn từ từ phát triển những chi thiền vi tế như “Tứ” v.v.. tùy trường hợp, và chứng đắc nhị thiền, tam thiền v.v.. bằng cách vượt qua những chi thiền thô thiển như “Tầm”, “Tứ” v.v .. .

Vậy, với hai mươi hai đề mục hành thiền như vật thể kasiṇa v.v.. hành giả thành tựu hình ảnh khái niệm. Nhưng trong những đề mục luyện tâm còn lại (mười tám) bốn tâm “Vô Lượng” tùy thuộc liên quan nơi chúng sanh.

(Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-vdp-ty/vdpty09.htm)

 

2/ Nimita trong Thanh Tịnh Đạo được dạy qua việc quan sát Kasina đất bằng mắt

Khởi Sự Quán Tưởng

  1. Nếu mở mắt quá lớn, mắt sẽ thấm mệt, và cái đĩa đất trở thành quá rõ, làm cho Sơ tướng hiện ra. Nếu mở mắt quá hẹp thì cái đĩa không rõ, tâm hành giả đâm ra lừ đừ, buồn ngủ, cũng làm cho sơ tướng khó xuất hiện. Vị ấy nên tu tập bằng cách quán tướng tức Kasina đất, trong khi mở mắt vừa phải, như thể đang nhìn phản ảnh gương mắt mình trên một tấm gương soi.
  2. Màu sắc không nên xem kỹ. Ðặc tính không nên lưu ý. “Màu bình minh của kasina không nên nghĩ tới, mặc dù không thể chối cãi rằng nó được nhận biết nhờ nhãn thức. Bởi thế, mà thay vì nói “không nên nhìn” luận chủ nói “không nên nghĩ” bằng cách hồi tưởng. Cũng thể, đắc tính cứng của địa đại, mặc dù vẫn có ở đấy, mà không nên lưu ý, vì sự quán tưởng phải làm qua nhãn môn. Và sau khi nói ” trong khi không bỏ quên màu sắc” luận chủ bảo “đưa màu sắc xuống địa vị đặc tính; chứng tỏ rằng sự chú ý không phải để ở màu sắc hay đất mà cả 2 đều được nâng lên ngang nhau bởi một nền tảng vật lý là cái đĩa, chú tâm ở danhxem như tâm pháp trổi nhứt và lặp đi lặp lại: “đất, đất”, hay bất cứ một danh từ nào chỉ đất, theo Pàli ngữ như mahì, medinì…”. Ðúng hơn, trong khi vẫn không bỏ qua màu sắc, sự chú ý nên đặt trên khái niệm danh từ. Cần chú tâm đến kasina khi thì với mắt mở, khi thì với mắt nhắm, cho đến khi sơ tướng hiện ra.
  3. Ðến một lúc mà hành giả có thể thấy tướng, ấy dù nhắm mắt hay mở mắt, tức là sơ tướng đã phát sinh. Khi ấy hành giả không nên ngồi đó nữa mà trở về trú xứ và tiếp tục tu tập như thế. Ðể tránh sự chậm trể do rửa chân, nên sắm một đôi dép và một chiếc gậy chống, nếu định tan biến vì một chạm xúc không thích đáng thì hành giả mang dép, chống gậy đến chỗ cũ mà quán lại tướng bằng tầm tư duy.

Tợ Tướng

  1. Khi làm như vậy, những triền cái được dập tắt, cấu nhiễm lắng xuống, tâm trở nên tập trung với định cận hành và tợ tướng xuất hiện. Sự khác nhau giữa sơ tướng và tợ tướng như sau: Trong sơ tướng, bất cứ lỗi nào ở kasina đều hiện rõ, nhưng tợ tướng xuất hiện như thế tách rời khỏi sơ tướng và trăm ngàn lần trong sạch hơn, như cái gương vừa được rút ra khỏi hộp, như cái đĩa bằng ngọc trai được rửa sạch, như mặt trăng vừa ra khỏi mây, như nhưng con hạc trắng nổi bật giữa vừng mầy sấm chớp. Nhưng nó không màu sắc hình dáng vì nếu có, nó có thể nhìn được bằng mắt, sẽ thô và in dấu 3 đặc tính (của hữu vi, là sinh trú diệt hoặc 3 đặc tính vô thường, khổ, vô ngã). Nhưng nó không phải vậy. Vì nó chỉ sinh từ tưởng nơi người đã đắc định và chỉ là một giả tướng. Nhưng vừa khi nó xuất hiện thì những triền cái dập tắt, cấu nhiễm lắng xuống, tâm trở nên định tỉnh với định cận hành.

(Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-thanhtinh-dao/ttd-04a.htm )

* Ghi chú bởi người đọc: Tưởng phát sinh nimita là Nhãn tưởng hay Sắc tưởng là loại tưởng phát sinh từ nhãn môn khi tiếp xúc với sắc trần. Tưởng có 6 loại phát sinh nơi 6 căn môn như thanh tưởng, nơi nhĩ môn với nhĩ trần, xúc tưởng với thân môn với thân trần…. mà phát sinh loại tưởng tương ứng).

 

 

3/ Không có Nimita bằng mắt hay Nhãn Tưởng trong việc mô tả đắc 4 tầng thiền Sắc giới trong Kinh Trung Bộ

 (Bốn tầng thiền-na)

Sau khi đã đoạn trừ năm triền cái này, những triền cái làm ô nhiễm tâm tư, làm yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly ác, bất thiện pháp chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không có hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, như một người hầu tắm lão luyện, hay đệ tử người hầu tắm, sau khi rắc bột tắm trong thau bằng đồng, liền nhồi bột ấy với nước, cục bột tắm ấy được thấm nhuần nước ướt, nhào trộn với nước ướt, thấm ướt cả trong lẫn ngoài với nước, nhưng không chảy thành giọt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do ly dục sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do ly dục sanh ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với hỷ lạc do định sanh, không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như một hồ nước, nước từ trong dâng lên, phương Ðông không có lỗ nước chảy ra, phương Tây không có lỗ nước chảy ra, phương Bắc không có lỗ nước chảy ra, phương Nam không có lỗ nước chảy ra, và thỉnh thoảng trời mưa lớn. Suối nước mát từ hồ nước ấy phun ra, thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy hồ nước ấy, với nước mát lạnh, không một chỗ nào của hồ nước ấy không được nước mát lạnh thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân mình với hỷ lạc do định sanh không một chỗ nào trên toàn thân không được hỷ lạc do định sanh thấm nhuần.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là “xả niệm lạc trú”, chứng và trú Thiền thứ ba. Vị ấy thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, có những sen xanh, sen hồng hay sen trắng. Những bông sen ấy sanh trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước, nuôi sống dưới nước, từ đầu ngọn cho đến gốc rễ đều thấm nhuần, tẩm ướt, tràn đầy thấu suốt bởi nước mát lạnh ấy, không một chỗ nào của toàn thể sen xanh, sen hồng hay sen trắng không được nước mát lạnh ấy thấm nhuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấm nhuần, tẩm ướt, làm cho sung mãn, tràn đầy thân này với lạc thọ không có hỷ ấy, không một chỗ nào trên toàn thân không được lạc thọ không có hỷ ấy thấm nhuần.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Vị ấy thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần. Này các Tỷ-kheo, ví như một người ngồi, dùng tấm vải trắng trùm đầu, không một chỗ nào trên toàn thân không được vải trắng ấy che thấu. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị ấy ngồi thấm nhuần toàn thân mình với tâm thuần tịnh trong sáng, không một chỗ nào trên toàn thân không được tâm thuần tịnh trong sáng ấy thấm nhuần.
(Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung39.htm)

*Ghi chú bởi người đọc: Theo như lời Đức Phật dạy như trên thì cả bốn tầng thiền đầu, hành giả chứng đắc đều nhờ thân xúc hay thân tưởng (tâm Tưởng phát sinh nơi thân, không phải nơi mắt hay nơi nhãn tưởng. Tưởng nơi mắt là tưởng liên hệ đến anh sáng. Tưởng nơi thân là tưởng đến sự xúc chạm). Không có lời dạy nào liên quan đến nimita trong việc chứng đắc các tầng thiền Sắc giới cả.

 

4/ Nimita hơi thở duy nhất được mô tả bằng thân xúc hay thân tưởng qua ví dụ lưỡi cưa trong Đạo Vô Ngại Giải

Nimita hơi thở không tìm thấy trong kinh điển ngoài ví dụ về lưỡi cưa trong Đạo Vô Ngại Giải (xếp vào Tiểu Bộ Kinh). Nimita này được quan sát bằng thân xúc khi hơi thở tiếp xúc nơi mũi giống như lưỡi cưa cọ sát vào thân cây. Vì hơi thở không màu, không mùi, không vị nên hơi thở không phải là đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi mà hơi thở là đối tượng của thân nên Đạo Vô Ngại Giải đã giải thích rất rõ Nimita (dấu hiệu) hơi thở được nhận ra bởi sự đụng chạm nơi thân. Tâm biết hơi thở vào khác với tâm biết hơi thở ra nên hơi thở vào và hơi thở ra không phải là đối tượng của một tâm duy nhất. Chúng ta đều biết tâm đồng sinh với cảnh vì đặc tính của tâm là thấy biết cảnh. Hơi thở vào là một cảnh. Hơi thở ra là một cảnh. Vì thế hai cảnh sẽ đương nhiên có hai tâm tương ứng thấy biết cảnh đó chứ không phải là một tâm duy nhất. Kinh nghiệm hay Tưởng nơi thân là sự đụng chạm, không phải là ánh sáng, màu sắc như kinh nghiệm nơi mắt hay nhãn tưởng.

lưỡi cưa với thân cây gỗ như hơi thở với đầu mũi 1

[Tỷ dụ Lưỡi Cưa]

169.

Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người không biết ba điều này
Tu không tăng tiến. [171]
Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người biết rõ ba điều này
Tu có thể tăng tiến.

  1. Thế nào là nói ba điều này không phải là đối tượng của một tâm duy nhất?, tuy chúng không phải là không được biết tới?, tâm không bị phân tán, vị tỳ kheo thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt?

Giả thử có một thân cây đặt nằm trên mặt đất bằng, một người dùng cưa cắt nó. Quán niệm của người ấy được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng ấy di chuyển tới lui; và người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

Khi thân cây ấy được đặt nằm trên mặt đất bằng thì dấu hiệu buộc quán niệm [8] cũng thế. Các răng cưa như thế nào, các hơi thở vào và hơi thở ra cũng thế. Vì quán niệm của người được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng cưa ấy di chuyển tới lui; và như vậy người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt, cũng thế, vị tỳ kheo ngồi, sau khi lập quán niệm ở đỉnh mũi hay môi trên xong, không chú ý tới sự di chuyển vào ra của các hơi thở vào và hơi thở ra, cho dù các hơi thở ấy không phải là không được tỳ kheo biết tới khi các hơi thở vào ra; và như vậy vị ấy thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.

(Nguồn: https://www.budsas.org/uni/u-kinh-vng/vng03.htm)

 

5/ Ánh Sáng của Nimita không phải là ánh sáng của trí tuệ. Khi hành giả thấy Nimita của một Kasina đất phát sinh nơi nhãn tưởng thì hành giả an trú vào đó là một đề muc khái niệm. Không phải là trí tuệ thấy Vô thường, Khổ, Vô Ngã.

Trong kinh về Ánh Sáng, Đức Phật nói trong Tăng Chi Bộ Kinh chỉ có 4 loại ánh sáng

  • Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng. Thế nào là bốn?

Ánh sáng mặt trăng, ánh sáng mặt trời, ánh sáng ngọn lửa, ánh sáng trí tuệ.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ánh sáng này. Và này các Tỷ-kheo, loại tối thượng trong bốn loại ánh sáng là ánh sáng trí tuệ.

Trong Tương Ưng Chư Thiên, Đức Phật giảng rõ:

Ánh Sáng

Vật gì chiếu sáng đời,

Do chúng, đời chói sáng?

Con đến hỏi Thế Tôn,

Muốn biết lời giải đáp.

(Thế Tôn):

Bốn vật chiếu sáng đời,

Thứ năm, đây không có.

Ngày, mặt trời sáng chói,

Ðêm, mặt trăng tỏ rạng,

Lửa cháy đỏ đêm ngày,

Chói sáng khắp mọi nơi.

Chánh giác sáng tối thắng,

Sáng này, sáng vô thượng.

 

*****HẾT*****