tieu sanh tam

Tiếu Sanh Tâm ở bậc A La Hán

Do đặc điểm tâm Tham luôn đi liền với tâm sở thọ Hỷ nên có thể suy ngược lại là có tâm Hỷ hay tâm vui vẻ với đối tượng hay cảnh là có tâm Tham với đối tượng hay cảnh đó. (Xem thêm tâm Tham thì thọ Hỷ) Câu hỏi đặt ra là một vị A La Hán khi vui cười thì tâm đó là tâm thọ Hỷ vậy có đồng sinh với tâm Tham hay không ?! vì một vị A La Hán đã đạt tới vô Tham nghĩa là không có tham, mà không có tham thì làm sao có tâm thọ Hỷ đồng sinh vì khi thọ Hỷ có mặt đồng nghĩa với tâm Tham cũng có mặt. Trong Vi Diệu Pháp có một đoạn viết giải đáp về việc này gọi là Tiếu Sanh Tâm hay tâm Tiếu Sanh (Hasituppāda). Đây là loại tâm đặc biệt chi có ở các bậc A La Hán, Phật Độc Giác, Phật Toàn Giác còn gọi là tâm cười không có tham hay tâm Hỷ không có tâm Tham hay không có tâm tạo nghiệp nữa.

Trích dẫn:

Là một loại tâm riêng biệt của chư vị A La Hán. Nguyên nhân của sự mĩm cười là một thọ Hỷ. Tùy tâm tánh mỗi người, mười ba loại tâm có thể làm mĩm cười. Một phàm nhân tầm thường (puthujjana) có thể cười với một trong bốn loại tâm bắt nguồn từ căn Tham đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, hay một trong bốn loại tâm Kusala Citta, Thiện, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ.

Chư vị Nhập Lưu (Sotāpanna), Nhứt Lai (Sakadā- gāmi), và Bất Lai (Anāgāmi) có thể mĩm cười với một trong hai loại tâm bất thiện không liên hợp với tà kiến, đồng phát sanh cùng thọ Hỷ, hoặc một trong bốn tâm Thiện (Kusala Cittas).

Chư vị A La Hán và chư Phật Ðộc Giác (Pacceka Buddha) có thể mĩm cười với một trong bốn loại tâm Hành Ðẹp (Sobhana Kiriya Citta, Duy Tác Tịnh Quang Tâm) hoặc Hasituppāda (Tiếu Sanh Tâm), tâm làm mĩm cười.

Chư Phật Chánh Giác (Sammā Sambuddho) mĩm cười với một trong hai tâm Hành Ðẹp (Sobhana Kiriya Citta, Duy Tác Tịnh Quang Tâm) đồng phát sanh cùng Trí Tuệ và thọ Hỷ. Trong Hasituppāda (Tiếu Sanh Tâm, hay tâm làm mĩm cười) chỉ có niềm vui suông.

 

tieu sanh tam
Sách Compendium of Philosophy viết rằng kinh điển Phật Giáo có ghi nhận sáu phân hạng cười:

  1. Sita, một nụ cười mĩm, biểu hiện nhẹ nhàng trên vẻ mặt.
  2. Hasita, một nụ cười chỉ nhích môi vừa đủ hé cho người ta thấy chót răng.
  3. Vihasita, nụ cười khẽ phát ra một tiếng động nhỏ.
  4. Upahasita, một nụ cười làm chuyển động đầu vai và tay.
  5. Apahasita, một nụ cười làm chảy nước mắt.
  6. Atihasita, bật cười lớn tiếng, ngả nghiêng ngả ngửa làm chuyển động cả thân mình, từ đầu đến chân.
    Vậy, cười là một hình thức diễn đạt của thân (kāyaviññatti) có thể, hay không, phát sanh cùng với tiếng động (vacīviññatti). Người có văn hóa giáo dục cười với hai hạng đầu. Người thường với hai hạng giữa, và hạng chúng sanh thấp kém có hai lối cười xếp hạng sau cùng.

nguồn: Vi Diệu Pháp Toát Yếu – Nārada Mahā Thera (Phạm Kim Khánh dịch)

 

Visits: 2579