THIỀN VÀ SỰ PHÓNG TÂM

THIỀN VÀ SỰ PHÓNG TÂM

 

Thiền là gì? Thiền có nhiều định nghĩa dựa vào phương pháp thực hành hay kết quả của thiền. Dựa vào phương pháp thực hành có thiền khí công, thiền yoga, thiền ánh sáng, thiền hơi thở, thiền quán thân bất tịnh, thiền niệm Phật, vv…. Dựa vào kết quả của thiền thì có an lạc, tĩnh lặng, hiện tại lạc trú, chánh niệm, trí tuệ, các năng lực thần thông,vv….

Trở lại thiền Tứ Niệm Xứ là thiền do Đức Phật dạy trực tiếp qua 2 bài kinh nổi tiếng của Phật giáo là Đại Niệm Xứ (Bài số 22 Kinh Trường Bộ) và Tứ Niệm Xứ (Bài số 10 Kinh Trung Bộ). Ngoài ra có rất nhiều doạn ngắn mô ta hay ca ngợi về Tứ Niệm Xứ trong nhiều bài kinh khác. Trong Kinh Tương Ưng có riêng phần gọi là Tương Ưng Niệm Xứ để làm rõ hơn vị trí và vai trò quan trọng của Tứ Niệm Xứ trong cuộc sống và con đường giải thoát.

Tứ Niệm Xứ là gì? Là bốn xứ bao gồm thân, thọ, tâm, pháp để thiết lập nền tảng của chánh niệm. Chánh niệm là gì? Chánh niệm chính là quan sát sự vật hiện tượng trên thân, khẩu, ý ở đây và bây giờ, như nó đang là, mà không phán xét, không phản ứng. Quan sát, ghi nhận được tất cả những gì xảy ra ở đây và bây giờ trên thân, khẩu, ý được phân chia ra làm bốn xứ là thân, thọ, tâm, pháp thì gọi là thực hành chánh niệm.

Việc quan sát hơi thở vào ra nơi đầu mũi hay ở bụng, bên trong hay bên ngoài, khi hơi thở đi vào và đi ra được gọi là quán niệm hơi thở và là một phần của quán thân trên thân. Khi quan sát như vậy, sẽ có các trạng thái phóng tâm xuất hiện, nghĩa là hành giả không thể quan sát được hơi thở liên tục. Khi hết phóng tâm hay nhận ra mình phóng tâm thì hành giả lại trở về quan sát hơi thở.

Sự phóng tâm khi quan sát hơi thở cũng là trạng thái diễn biến của tâm ở đây và bây giờ. Như vậy nhờ quan sát hơi thở mà hành giả biết được có trạng thái tâm phóng ra khỏi sự quan sát. Đây là phiền não (tham, sân, si) ngủ ngầm ở bất cứ hành giả nào, trừ khi vị hành giả đó có kết quả hành thiền là đạt tới đạo quả bậc A La Hán thì sự phóng tâm mới chấm dứt. Trong 10 kiết sử hay phiền não trói buộc chúng sinh trong vòng luân hồi thì phóng tâm là một kiết sử thuộc thượng phần kiết sử, tức là phải đến quả vị bậc Thánh cao nhất là A La Hán mới diệt được. Nghĩa là các phiền não ngủ ngầm phải diệt xong thì mới hết phóng tâm.

Phiền não ngủ ngầm của chúng ta là những tâm tham muốn và ghét bỏ đồng sinh với tâm si. Phiền não này luôn trôi chảy trong dòng tâm thức (tâm hữu phần) trong đời sống mỗi chúng sinh. Hàng ngày con người luôn có những tham muốn và ghét bỏ liên tục sinh lên và mất đi, nhưng thực tế nó chìm vào cùng dòng tâm hữu phần (dòng tâm thức của mỗi chúng sinh có tâm). Khi gặp cảnh tương ứng thì nó sẽ sinh lên. Cảnh đó là cảnh qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) gọi là ngoại cảnh. Cảnh đó không qua 5 giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) mà qua căn ý gọi là nội cảnh. Khi hành giả ngồi thiền quan sát hơi thở, các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, tạm thời đóng lại, còn căn thân và căn ý là hai giác quan để quan sát hơi thở. Hiện tượng phóng tâm xảy ra ở nơi căn ý tức là các cảnh do ý sinh lên liên tục để chen vào cảnh quan sát hơi thở. Vì vậy khi quan sát hơi thở bao giờ hành giả cũng có 2 cảnh hay 2 đề mục đề quan sát là đề mục hơi thở và sự phóng tâm. Hơi thở là đề mục chính và sự phóng tâm là đề mục phụ. Khi quan sát hơi thở được rõ ràng thì đề mục phụ mờ nhạt, không có mặt, khi sự phóng tâm xuất hiện thì sự quan sát hơi thở mờ nhạt và không có mặt.

Để hiểu thêm về phiền não gây ra sự phóng tâm, chúng ta có thể thấy trong đời sống hàng ngày chúng ta thường nói chuyện phiếm còn gọi là tán chuyện hay buôn “dưa lê”. Việc nói chuyện phiếm chính là do tâm tham hoặc tâm sân thúc đẩy chúng ta nói chuyện phiếm. Khi hành thiền hơi thở một thời gian, chúng ta sẽ thấy rõ sự thúc đẩy ý muốn tán chuyện trước khi nói. Bởi khi hành thiền hơi thở, chúng ta đã quan sát được sự phóng tâm này. Như vậy nhờ sự quán hơi thở mà chúng ta có kết quả là biết được sự phóng tâm. Nhờ biết được sự phóng tâm này mà chúng ta “chế ngự được tham ưu ở đời” đúng như lời kinh Đại Niệm Xứ đã dạy. Đức Phật nói nếu ai sống chánh niệm như vậy từ 7 ngày đến 7 năm sẽ trở thành bậc Thánh nhân A La Hán hoặc ít nhất là bậc Thánh A Na Hàm trong đời. Nếu là A La hán vị đó đã đặt hoàn toàn gánh nặng phiền não xuống và chấm dứt sự tái sinh. Nếu là bậc A Na Hàm thì vị đó không còn quay lại cảnh Dục giới và chỉ còn 1 kiếp cuối cùng tái sinh ở cõi Ngũ Tịnh Cư, là cõi Tứ Thiền chỉ dành cho các bậc Thánh A Na Hàm, nghĩa là cõi mà mức độ phiền não còn ít nhất trong mọi cảnh giới tái sinh.

(Tuniemxu.Org)

 
Visits: 1313