Thế nào là pháp bất thiện làm duyên sinh pháp thiện?

1-Hỏi: Thế nào là pháp bất thiện làm duyên sinh pháp thiện?

Đáp: Kinh điển dạy rằng pháp bất thiện là pháp gây khổ đau cho mình và người. Và pháp thiện là pháp không gây đau khổ cho mình và người.

Trường hợp pháp bất thiện làm duyên sinh pháp thiện ví như vì có người bệnh mà duyên đơn thuốc được làm ra. Đơn thuốc ví như pháp thiện để chữa đau khổ cho người bệnh. Chúng ta có thể kể một vài ví dụ ở đây:

· Bồ tát Tất Đạt Đa thấy 4 cảnh khổ (pháp bất thiện) mà khởi tâm xuất gia đi tìm đạo giải thoát. (pháp thiện).

· Các cảnh khổ (pháp bất thiện) sinh lên trong đời sống làm con người sợ hãi mà muốn làm những điều tốt đẹp (pháp thiện).

· Người hành thiền Tứ Niệm Xứ quán thấy tâm bất thiện (tham, sân, si) khởi lên làm sinh khởi chánh niệm (pháp thiện) trong quán Tâm do tâm bất thiện làm cảnh.

· Một số vị tỳ kheo ở trong những trú xứ không thích hợp ví dụ như những ngôi chùa xây dựng chưa được cấp phép, những cánh rừng lâm nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì không được làm chùa, trú xứ không được phép đi khất thực vv… Nhưng các ngài vẫn từ bi, kham nhẫn, và trí tuệ hướng dẫn quần chúng tu tập theo Chánh pháp (pháp thiện) như tam quy ngũ giới, bố thí cúng dường, hành thiền, phục vụ, tùy hỷ, giảng dạy chánh pháp, ấn tống kinh sách, thực hiện các lễ nghi theo truyền thống,vv… dể duy trì giáo pháp trong thế gian, nhất là ở những nơi thiếu vắng Chánh pháp, tuy rằng không được đầy đủ trọn vẹn như trong kinh điển.

2-Hỏi: Thế nào là pháp thiện làm duyên sinh pháp bất thiện?

Đáp: Do pháp thiện bị nắm giữ và trở nên trói buộc, gây đau khổ cho mình và người nên làm duyên sinh pháp bất thiện. Chúng ta có thể kể ra vài ví dụ sau đây:

· Người hiểu pháp và luật (pháp thiện) nhưng tự hào (ngã mạn) do sự hiểu biết của mình mà nói: “Ngươi không biết pháp và luật này, tôi biết pháp và luật này. Sao ngươi có thể biết pháp và luật này? Ngươi đã phạm vào tà kiến, tôi mới thật đúng chánh kiến; lời nói của tôi mới tương ưng, lời nói của ngươi không tương ưng; lời nói của ngươi không tương ưng…” (Kinh Phạm Võng)

• Khi nhớ về những việc thiện mình đã làm như bố thí, trì giới, cung kính và tự hào về chúng, đó là biểu hiện của "ngã mạn".

• Hoặc khi cảm thấy không hài lòng bởi những việc lành đã làm vẫn chưa đủ, đó là biểu hiện của Sân sinh khởi.

• Hoặc khi cảm thấy thích thú với những việc lành đã làm, đó là biểu hiện của "tham sinh khởi".

• Hoặc khi phân vân không chắc chắn liệu những việc lành đã làm có thực sự là thiện hay không, đó là biểu hiện của "nghi sinh khởi".

• Hoặc khi cảm thấy mê mải suy nghĩ khi nhớ lại những việc thiện đã làm, đó là biểu hiện của "phóng dật sinh khởi".

• Hoặc khi người tu tập thiền định, sau khi thoát khỏi trạng thái thiền, nhớ lại và vui mừng về trạng thái đắc thiền đó, phát sinh ngã mạn và tà kiến.

· Hoặc người đi chùa không hài lòng với cảnh chùa ví dụ như chùa này đất có hợp pháp không?(có hợp luật về xây dựng và sở hữu không?, có kết giới sima không?, Có người hộ tăng không?, vv….), nếu không được giống như trong kinh điển thì sân sinh khởi.

· Hoặc đồng hành với bạn đạo, nghi bạn đạo có thật sự là “thiện tri thức” không thì nghi sinh khởi.

3-Hỏi: Nhân duyên gì sinh pháp thiện hay pháp bất thiện?

Đáp: Do không quan sát thân tâm mình mà hướng ra bên ngoài, do hướng bên ngoài mà sinh ra các so sánh, đối chiếu (ngã mãn) sinh lên, hoặc nghi ngờ sinh lên, hoặc tham sinh lên khi vừa lòng, sân sinh lên khi không hài lòng. Đó là nhân duyên sinh pháp bất thiện và ngược lại khi quan sát thân tâm (Tứ Niệm Xứ) thì sẽ là nhân duyên sinh thiện pháp.

Thiền sư Goenka đã từng trả lời câu hỏi nổi tiếng của một thiền sinh là: Làm thế nào một người sống đúng pháp thực sự có thể đương đầu trong thế gian phi pháp?

Ngài đã trả lời rằng: Đừng cố gắng thay đổi thế gian phi pháp (adhammic world). Hãy cố gắng thay đổi cái phi pháp trong chính bạn, cái cách mà bạn đang phản ứng và tự làm cho mình đau khổ ấy.

Như vậy, khi đau khổ sinh lên, bạn cần quan sát tâm mình để thấy tâm tham có mặt với cảnh hài lòng, tâm sân có mặt với cảnh bất toại nguyện, vv…. Cảnh tốt và cảnh xấu đều bình đẳng vì chúng đều cho chúng ta thấy tâm thiện hay bất thiện của mình khi thấy cảnh. Khi thấy tâm mình thì mình làm chủ hoàn cảnh, khi không thấy tâm thì cảnh làm chủ tâm mình, tức mình làm nô lệ cho cảnh, bị cảnh sai khiến, dù cảnh đó là thiện hay bất thiện.

Ngài Ajahn Chah đã từng dạy: "Rõ ràng, bạn biết bạn đang làm gì, muốn gì, nghĩ gì, tâm bạn biết tất cả". Đây là pháp quán Tâm giản dị nhưng rất hiệu quả. Giúp tất cả các pháp bất thiện bị diệt trừ và pháp thiện sinh khởi. Đau khổ sẽ được nhàm chán bằng cách quán sát như vậy, và con đường thanh tịnh sẽ được sinh khởi.

TÌM THẦY TRONG KHUNG

Câu chuyện 1:

Có một người quyết định “bỏ lại mọi thứ tài sản” và đi theo Dhamma (Pháp). Ông bán nhà và những tài sản khác, buộc gia đình phải xuất gia cùng ông. Họ hành hương sang Ấn Độ, và rồi quay trở lại Thái Lan để tìm một sư phụ, học cách tu hành.

Ajahn Mun là một trong những người thầy nổi tiếng nhất Thái Lan, vì vậy, họ quyết định đi đến chùa của ông. Trước khi đến đó, họ thấy ông đang ngồi với những đồ đệ của mình và cười đùa nhai hạt cau với lá trầu không. Họ thất vọng vì như vậy không khớp với khái niệm về hình ảnh một người thầy nổi tiếng như: Phải suy nghĩ về những bài kinh, nơi người ta nói Đức Phật không bao giờ cười lớn, mà chỉ mỉm cười nhẹ không để lộ răng. Ông và gia đình từ bỏ Ajahn Mun, trở về cuộc sống thế tục. (Trích từ: Trong vòng sinh diệt.Ajahn Chah)

Câu chuyện 2:

Có anh hoạ sĩ vẽ một cô gái đẹp và ao ước được sống với cô gái trong bức tranh đó. Mọi người biết vậy liền nói: Ồ! anh có bị điên khùng không vậy. Sau đó anh hoạ sĩ vẽ bức tranh con quỷ và nói ôi tôi sợ con quỷ này lắm. Mọi người lại nói: Ồ! Anh có bị khùng điên không vậy. (Trích từ pháp thoại của ngài S.N.Goenka.).

Câu chuyện 3:

Cha tôi nói với tôi, ông đã tôn trọng vị thiền sư (Ajahn Sao) này như thế nào. Đó là lần đầu tiên ông nhìn thấy một nhà sư ăn sạch bát hóa duyên của mình. Ông trộn tất cả vào với nhau trong bình bát khất thực gồm cả cơm, cari, cá, bánh kẹo,…mọi thứ. Điều này khiến cha tôi tự hỏi ông là loại sư gì. Rồi ông nói ông đã được nghe những bài thuyết pháp từ Ajahn Sao. Đó không phải là cách giảng kinh thông thường. Ngài chỉ nói và giảng những gì xuất hiện trong đầu Ngài. (Trích từ: Trong vòng sinh diệt.Ajahn Chah)

Visits: 1387