TÂM LÀ GÌ 1

TÂM LÀ GÌ? CÓ CHÂN TÂM VÀ VỌNG TÂM KHÔNG?,

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

 

1/ Hỏi: Tâm là gì?

Tâm là sự thấy biết cảnh. Những gì bị tâm thấy biết gọi là cảnh. Cảnh bị thấy biết qua ngũ căn (nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn) gọi là ngoại cảnh hay ngoại pháp. Cảnh bị thấy biết quá ý căn gọi là cảnh nội hay nội pháp.

Có 2 nhóm tâm trong ngũ uẩn thuộc Danh pháp gồm nhóm tâm sở (thọ, tưởng, hành) và nhóm tâm vương (thức).

TÂM LÀ GÌ 1 TÂM LÀ GÌ 2

A/ Tâm sở là nhóm tâm sinh lên để thực hiện chức năng riêng của chúng với cảnh được chia làm 3 nhóm chính trong ngũ uẩn:

1-Nhóm cảm giác với cảnh (thọ uẩn): Sinh khởi những cảm giác qua sáu giác quan (nhãn thọ, nhĩ thọ, tỷ thọ, thiệt thọ, thân thọ và ý thọ). Nhóm này còn gọi là nhóm hưởng cảnh (quả) hiện tại do nhân nghiệp cũ đã tạo. Cảm thọ vui là do nghiệp cũ đã tạo nhân thiện. Cảm thọ khổ là do nghiệp cũ đã tạo nhân bất thiện.

2-Nhóm kinh nghiệm ký ức (tưởng uẩn): Khi nhớ lại, nghĩ lại về cảnh trong quá khứ, hiện tại và tương lai…qua sáu giác quan (nhãn tưởng, nhĩ tưởng, tỷ tưởng, thiệt tưởng, thân tưởng, ý tưởng). Nhóm này còn gọi là nhóm chế định hay tục đế do tâm tạo hay kinh nghiệm.

3-Nhóm phản ứng với cảnh (hành uẩn): Thân hành, khẩu hành, ý hành khởi lên qua sáu giác quan (nhãn tư, nhĩ tư, tỷ tư, thiệt tư, thân tư, ý tư). Nhóm này còn gọi là nhóm tạo nghiệp hiện tại cho quả vị lai là thiện, bất thiện hay vô ký.

B/ Tâm hay tâm vương (tâm thức) là nhóm tâm nhận biết cảnh thuần túy qua sáu giác quan (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức). Còn thể hiện thiện hay bất thiện là do các sở hữu tâm (A) đồng sinh với tâm.

TÂM LÀ GÌ 2

1-Tâm thấy biết qua nhãn căn gọi là nhãn thức. Cảnh bị thấy biết bởi nhãn thức gọi là nhãn trần hay sắc trần.

2-Tâm thấy biết qua nhĩ căn gọi là nhĩ thức. Cảnh bị thấy biết bởi nhĩ thức gọi là nhĩ trân hay thanh trần.

3-Tâm thấy biết qua tỷ căn gọi là tỷ thức. Cảnh bị thấy biết bởi tỷ thức gọi là tỷ trần hay hương trần.

4-Tâm thấy biết qua thiệt căn gọi là thiệt thức. Cảnh bị thấy biết bởi thiệt thức gọi là thiệt trần hay vị trần.

5-Tâm thấy biết qua thân căn gọi là thân thức. Cảnh bị thấy biết bởi thân thức gọi là thân trần hay xúc trần.

6-Tâm thấy biết qua ý căn gọi là ý thức. Cảnh bị thấy biết bởi ý thức gọi là pháp trần.

Các tâm sở (A), tâm vương (B) đồng sinh, đồng diệt, đồng căn, đồng trú khi thấy biết cảnh, nghĩa là cùng duyên sinh, duyên diệt nhưng chức năng khác nhau mà thôi. Chỉ khi hành giả thực hành Tứ Niệm Xứ mới có thể thấy rõ ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) rõ rệt khi chúng sinh diệt như trong bài kinh Bàhiya, Đức Phật dạy ngài Bàhiya: “Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.” Trước khi ngài Bàhiya với năng lực chứng bát thiền thì nhầm tưởng mình là A La Hán. Với tâm chứng bát thiền (4 thiền sắc giới và 4 thiền vô sắc giới) thì hành giả vẫn nương tựa vào Thức tái sinh trong cảnh Sắc gới và Vô sắc giới. Thế giới của ngũ uẩn là thế giới sinh diệt, không có gì nương tựa cả. Nếu thấy rõ ngũ uẩn đang sinh diệt rõ ràng thì không có cái tôi nào được tồn tại cả nhờ đó vòng luân hồi theo tâm Thức tái sinh bị cắt đứt: ‘’ Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.”

2/ Hỏi: Tâm thức có phải là tâm thấy biết thuần khiết và là chân tâm hay tâm nguyên sơ ban đầu không?

Đáp: Tâm thức là tâm thấy biết thuần khiết nhưng luôn đồng sinh với tâm sở và bị tâm sở hoà vào như đường hoà vào nước tinh khiết nên khi uống nước đường không ai nhận ra nước tinh khiết trong nước đường được nữa. Khi có một cảnh hiện khởi qua nhãn căn thì nhãn thức thấy biết cảnh thuần khiết nhưng do các tâm sở như nhãn thọ, nhãn tưởng, nhãn hành (nhãn tư) đồng sinh với nhãn thức hoà vào tâm thấy biết thuần túy này. Hành giả Tứ Niệm Xứ khi quán ngũ uẩn sẽ rõ các nhóm tâm này sinh khởi và hoại diệt mà không có tâm nào là cốt lõi mà gọi là chân tâm cả.

Tâm Thức cũng sinh khởi bởi nhân duyên, là pháp do duyên sinh duyên diệt (Hành duyên Thức) nên không thể coi là chân tâm. Tâm Thức cũng lại làm duyên cho Danh Sắc (Thức duyên Danh Sắc) sinh khởi trong 12 nhân duyên đi tạo nghiệp trong luân hồi. Nếu chân tâm mà làm nhân duyên tạo nghiệp thì không phải là chân tâm.

Nếu chân tâm là tâm nguyên sơ chưa ô nhiễm ban đầu, do bị ô nhiễm mà đi luân hồi. Vậy khi được thanh lọc như tâm nguyên sơ thì khi nào nó lại bị ô nhiễm trở lại? Nghĩa là bản chất nó cũng bị ô nhiễm hay luân hồi thì không thể gọi là chân tâm được.

Như vậy tâm không ngoài 4 nhóm thọ, tưởng, hành, thức đều do duyên sinh, duyên diệt nên không có loại tâm nào tồn tại dưới khái niệm “chân tâm” cả. Đây là một sản phẩm tiểu ngã gia nhập đại ngã của Ba La Môn pha trộn vào Phật Giáo Đại Thừa. Tà kiến này rất khỏ bỏ trừ khi hành giả hành thiền Tứ Niệm Xứ đúng. Một số vị từ Phật Giáo Đại Thừa chuyển qua Phật Giáo Nguyên Thuỷ vẫn mang theo tà kiến này làm sai lạc pháp hành. Thậm trí có vị cho rằng tâm sở trí Tuệ là chân tâm. Trong khi tâm sở trí Tuệ thuộc nhóm tâm sở Hành và chỉ sinh lên cùng các cảnh là đề mục Tứ Niệm Xứ..

3/ Hỏi: Nếu không có chân tâm thì có vọng tâm không?

Đáp: Vì không có chân tâm nên cũng không có vọng tâm.. Tức là các tâm thọ, tưởng, hành, thức không có cái nào chân tâm và cũng không có cái nào là vọng tâm. Chúng chỉ sinh lên và diệt đi theo chức năng thấy biết cảnh của chúng nên chúng được gọi là THỰC TẠI chân đế của pháp hữu vi. Do chúng sinh diệt liên tục nên khi hành giả thấy biết chúng là hành giả thấy được THỰC TẠI LIÊN TỤC hay HIỆN TẠI TRÔI CHẢY. Vì thấy biết thực tại trôi chảy như vậy nên hành giả THẤY BIẾT như chân như thật không có gì có thể nắm giữ được trong và ngoài thân tâm.. Nhờ đó hành giả sống không nương tựa không chấp trước vật gì ở đời. Điều này chỉ có thể thực chứng trong pháp hành Tứ Niệm Xứ.

4/ Hỏi: Tà kiến về chân tâm khi nào sẽ bị diệt trừ?

Đáp: Tà kiến về chân tâm sẽ bị diệt khi hành giả có chánh kiến về danh sắc, tức là có tuệ phân biệt danh sắc bao gồm phân biệt các đề mục nào là danh (thọ, tưởng, hành, thức) và đề mục nào là sắc (đất, nước, gió, lửa). Khi hành giả phân biệt rõ danh sắc thì hành giả cũng sẽ phân biệt nhân duyên sinh diệt (tuệ nhân duyên) các danh sắc và thấy rõ đặc tính chung của các danh sắc hay ngũ uẩn là vô thường, khổ, vô ngã (tuệ tam tướng).

5/ Hỏi: Pháp Học về tâm có quan trọng cho pháp Hành thiền không?

Đáp: Thiền giống như sự khảo sát, chứng nghiệm của hành giả về thân tâm. Nếu không có pháp Học đúng về tâm thì giống như người bước vào phòng thí nghiệm nhưng lại không biết gì về các dụng cụ thí nghiệm hay sản phẩm thí nghiệm nên sẽ không thể thực nghiệm đúng, thậm chí mang lại những điều tai hại vì bản chất của tâm là tạo nghiệp thiện ác. Người không hiểu về tâm khi làm bất thiện mà tưởng là thiện thì rất có hại.

(Thấy Biết biên soạn)

KINH TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ

X. Cả Hai (S.iv,67)

1) …

2) — Do duyên cả hai, này các Tỷ-kheo, thức hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, thế nào là do duyên cả hai, thức hiện hữu?

3) Do duyên mắt và các sắc, khởi lên nhãn thức. Mắt là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Các sắc là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Như vậy, cả hai này là biến động, tiêu tan, vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Nhãn thức là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Do nhân nào, do duyên nào, nhãn thức khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, nhãn thức này khởi lên từ một duyên vô thường, từ đâu sẽ thành thường còn được? Này các Tỷ-kheo, sự hợp hội, tụ tập, hòa hợp của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đây gọi là nhãn xúc. Nhãn xúc cũng vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Do nhân nào, do duyên nào, nhãn xúc khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, nhãn xúc này khởi lên từ một duyên vô thường, từ đâu sẽ trở thành thường còn được? Do xúc nên có cảm thọ, do xúc nên có tư lường, do xúc nên có hay biết. Ở đây, các pháp này là biến động, tiêu tan, vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác.

4) Và do duyên tai và các tiếng khởi lên nhĩ thức…

5) Và do duyên mũi và các hương khởi lên tỷ thức…

6) Và do duyên lưỡi và các vị khởi lên thiệt thức…

7) Và do duyên thân và các xúc khởi lên thân thức…

8) Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Ý là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Các pháp là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Ở đây, cả hai cái này là biến động, tiêu tan, vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Ý thức là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho ý thức khởi lên; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, ý thức khởi lên do duyên vô thường, thời từ đâu sẽ thường còn được? Này các Tỷ-kheo, sự hợp hội, tụ tập, hòa hợp của ba pháp này, này các Tỷ-kheo, đây gọi là ý xúc. Ý xúc cũng vô thường, biến hoại, tự tánh là đổi khác. Do nhân gì, duyên gì khiến ý xúc sanh khởi; nhân ấy, duyên ấy là vô thường, biến hoại, tự tánh đổi khác. Này các Tỷ-kheo, ý xúc khởi lên do duyên vô thường, từ đâu sẽ là thường còn được? Này các Tỷ-kheo, do xúc nên có cảm thọ, do xúc nên có tư lường, do xúc nên có hay biết. Ở đây, các pháp này là biến động, tiêu tan, vô thường biến hoại, tự tánh đổi khác.

9) Như vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên cả hai, thức hiện hữu.

(Kinh Tương Ưng Sáu Xứ (HT Thích Minh Châu dịch)

Visits: 13836