Sự Phục Hồi Của Hội chúng Tỳ Khưu Ni Trong Truyền Thống Nguyên Thủy

Sự Phục Hồi Của Hội chúng Tỳ Khưu Ni Trong Truyền Thống Nguyên Thủy

 

Lễ thọ giới Tỳ khưu ni được công nhận một cách hợp pháp đã biến mất trong truyền thống Nguyên thủy (NT = Nam Tông = Theravāda) những thế kỷ trước. Chứng tích cuối cùng về sự tồn tại của Hội chúng ni Nguyên thủy trong một đất nước theo truyền thống Phật giáo Theravāda được ghi nhận ở Sri Lanka là vào thế kỷ thứ 11. Đầu những năm 1990, tuy nhiên, sự phục hồi của lễ thọ giới Tỳ khưu ni được vận động và tiến triển trong thế giới Nguyên thủy, mà mũi dẫn đầu là chư Tăng – Ni người Tích Lan (SL). Với sự ủng hộ của một số vị Tăng có học vấn cao[i], phụ nữ SL đã tìm cách tái tạo lại một truyền thống tốt đẹp đã mất lâu đời, đó là Hội chúng Tỳ khưu ni, không chỉ như một di sản quốc gia, mà là đời sống tôn giáo không thể thiếu của Đạo phật Nguyên thủy quốc tế.

xuatgia_18

Lễ thọ giới đầu tiên để phục hồi Hội chúng ni trong thời gian này được tổ chức ở Sanath, Ấn độ, vào tháng 12 năm 1996, khi đó 10 phụ nữ Sri Lanka được (chọn lựa từ các nữ tu Phật theo 10 giới thịnh hành tại SL trong Thế kỷ 20) thọ giới Cụ Túc (Upasampadā hay Vuṭṭhappana) do các Tỳ khưu của hội Mahabodhi với sự trợ giúp của các Tỳ khưu ni Đại hàn. Sự kiện này được tiếp nối bởi một lễ Đại giới đàn mang tính quốc tế tại Bodhgaya, vào Tháng 2 năm 1998, truyền giới cho nhiều phụ nữ từ nhiều quốc gia khác nhau. Nó được tổ chức dưới sự đỡ đầu của tổ chức Phật Quang Sơn có trụ sở tại Cao Hùng, Đài loan, với sự tham dự, chứng minh của các Tăng – Ni từ nhiều quốc gia Nguyên thủy cũng như Đại thừa (Mahāyana). Từ năm 1998 trở đi, lễ truyền giới Tỳ khưu ni được tổ chức hằng năm tại Dambulla, Sri Lanka, và hiện tại có hơn 500 Tỳ khưu ni sống và tu ở Sri Lanka. Nhưng trong lúc nhiều người, cả tăng lẫn tục, ủng hộ và tán thán sự phục hồi của Hội chúng Tỳ khưu ni, cho đến nay, sự kiện này vẫn chưa được công nhận chính thức bởi nhà nước Sri lanka, hay các bậc Đại trưởng lão, những người được chỉ định là lãnh đạo tối cao của Tăng đoàn. Trong một số quốc gia Nguyên thủy khác như Myanmar và Thái Lan, sự chống đối việc thành lập Hội chúng Tỳ Khưu ni vẫn còn mạnh mẽ. Trong các quốc gia đó, các vị trưởng lão cho rằng việc phục hồi Hội chúng ni là trái với Vinaya (Luật) và thậm chí cho rằng đó là một yếu tố khiến cho sự tồn tại lâu dài của Đạo Phật bị đe dọa.

Trong bài viết này tôi (Bhikkhu Bodhi) có ý định tập trung vào các vấn đề hợp pháp và đạo đức liên hệ đến sự phục hồi Tỳ khưu ni Nguyên thủy. Bài viết này được chia ra làm ba phần. Trong phần thứ nhất, tôi sẽ trình bày lại những tranh cãi của các vị bảo thủ trong truyền thống Nguyên thủy, những người xem rằng đây là một hành động không thể nào hợp pháp. Trong phần hai, tôi sẽ dẫn chứng Kinh điển và những suy xét có tính đạo đức mà chúng hỗ trợ sự công nhận rằng việc phục hồi Tỳ khưu ni là đáng làm và cần làm. Và cuối cùng, trong phần ba, tôi sẽ trả lời thích đáng những tranh cãi đưa ra bởi những người theo truyền thống (bảo thủ) và tôi cũng tóm tắt suy xét làm sao để sự phục hồi này có thể theo đúng luật (và phù hợp với điều kiện hiện tại).

I.      Lập Luận Chống Lại Việc Tái Lập Lễ Truyền Thọ Giới Tỳ Khưu Ni Nguyên Thủy

Trong lúc sự truyền thụ giới pháp xuất gia chưa bao giờ là một yêu cầu tối hậu cho sự thực hành tâm linh và chứng đạt trong Đạo phật, qua nhiều thế kỷ, huyết mạch của truyền thống Phật giáo vẫn chảy đều thông qua hệ thống chùa chiền và thiền viện. Ngay cả ngày nay trong thời đại điện tử và kỹ thuật cao, niềm mong mỏi một đời sống giản dị thanh lương dưới mái chùa vẫn khơi dậy trong nhiều người cả nam giới lẫn phụ nữ. Vậy mà trong hầu hết các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, phụ nữ chỉ được phép xuất gia với một vị trí rất khiêm tốn và lệ thuộc. Họ bị từ chối vào Giáo hội được thừa kế với giới pháp xuất gia một cách đầy đủ và hợp lệ như đã được qui định (trong tạng Luật).

Để trở thành Tỳ Khưu Ni cần phải đi qua 3 giai đoạn: (1) Pabbajjā, Thế phát hay lễ xuất gia 10 giới, trở thành Sa di ni; (2) Sikkhamāna (Thời kỳ Thức xoa ma na) là để chuẩn bị cho thọ giới Cụ Túc; và (3) Upasampadā, thọ giới đầy đủ trở thành Tỳ khưu ni. Những người bảo thủ trong truyền thống Nguyên thủy giỏi về Luật đặt rào cản ở cả ba giai đoạn. Tôi sẽ thảo luận mỗi giai đoạn theo thứ tự.

(1)        Pabbajjā. Xuất gia là bước đầu tiên để bước vào đời sống không nhà, lễ thọ giới biến một phụ nữ mong ước được xuất gia thành một Sa di ni (Sāmanerī). Trong Tạng Luật không có chỗ nào nói rõ ai là người nên đứng ra làm lễ này, nhưng trong truyền thống Nguyên thủy lại cho rằng một Tỳ khưu ni phải là người làm lễ truyền giới xuất gia cho người nữ giới tử. Tất nhiên là trong thời kỳ đầu tiên của Giáo đoàn Tỳ khưu ni thì việc này phải được làm theo một cách khác. Theo như thông tin ghi lại trong Cūlavagga (Vin.II, 255), Đức Phật tự ngài truyền giới cho Di mẫu Ma ha Ba Xà bà đề (Mahāpajāpatī Gotami) bằng cách đưa ra Bát Kỉnh Pháp, và cho phép Tỳ khưu làm lễ xuất gia cho nữ giới tử. Theo đó, chư Tỳ khưu làm lễ xuất gia cụ túc (cho trở thành Tỳ khưu ni) cho tất cả 500 nữ Sakya (quyến thuộc của Đức Phật) ngay. Điều này cho thấy hình như trong giai đoạn này, sự khác biệt giữa lễ xuất gia (pabbajjā) và lễ cụ túc (Upasampadā) chưa phát sinh. Nhưng sau đó thì việc cho giới tử nữ xuất gia lại là bổn phận của vị Tỳ khưu ni, người sẽ huấn luyện và dạy dỗ đệ tử vừa mới xuất gia cho đến lúc người này đủ điều kiện xuất gia đầy đủ (Cụ túc giới = upasampadā).

Một khi Hội chúng ni đã hình thành, người ta không thấy trong kinh văn Pāḷi hay Chú giải một ví dụ nào về việc Tỳ khưu cho nữ giới tử xuất gia. Tuy nhiên, chúng ta nên đặt vấn đề là nếu một vị Tỳ khưu làm lễ xuất gia cho nữ giới thì có phạm luật không. Mặc dù không có một giới luật nào ngăn cấm việc này, những người bảo thủ trong truyền thống Nguyên thủy lại khăng khăng cho rằng nó phải được làm bởi Tỳ khưu ni. Họ chứng minh rằng mỗi lần có nữ giới xin xuất gia, Đức Phật không tự mình cho người nữ xuất gia, cũng không gửi người đó đến một vị Tỳ khưu lớn hạ, mà ngài bảo người đó hãy đến nơi các Tỳ khưu ni để được xuất gia. Điển tích thời kỳ sau, không phải là Kinh tạng, cũng không phải là chú giải, ghi rõ ràng rằng giới luật không cho phép một vị Tỳ khưu làm lễ xuất gia cho nữ giới tử. Như vậy Đại sử ký (Mahāvamsa) của Sri Lanka, thuật lại câu chuyện về Trưởng lão Mahinda đến Sri Lanka truyền đạo đã làm cho hoàng gia nước này tin theo Phật pháp.

Lúc đó hoàng hậu Anulā đến cùng với 500 phụ nữ hoàng tộc chào đón các đại trưởng lão, (họ) đã đạt đến quả vị Nhất lai (từng thánh thứ hai trong ĐP), và hoàng hậu Anulā cùng với đông đảo phụ nữ hoàng gia nói với vua: “Tâu đại vương, chúng tôi muốn được xuất gia”. Nhà vua nói với các vị trưởng lão: “Hãy cho họ xuất gia!” Nhưng trưởng lão trả lời vua rằng: “chúng tôi không được phép cho họ xuất gia, tâu đại vương. Nhưng ở thành Hoa Thị (Pāṭaliputta) có một vị Tỳ khưu ni có tên là Saṅghamittā, là em gái của bần tăng. Cô ấy chín chắn và đã có nhiều kinh nghiệm, sẽ sang đây mang theo một nhánh Bồ đề phía nam mà dưới gốc cây ấy Đức Phật đã giác ngộ. Cùng đi với cô ấy còn có những Tỳ khưu ni khác đều giỏi giang và thánh thiện. Để làm được việc này, hãy gửi một thông điệp yêu cầu đến Đại vương Asoka là cha của bần tăng. Khi đến đây rồi, trưởng lão ni sẽ làm lễ xuất gia cho các phụ nữ này. (Mahāvamsa, XV, 18-23. Wilhelm Geiger: The Mahāvamsa hay Đại sử ký của Tích lan, London PTS 1912, p. 98. Bhikkhu Bodhi đã sửa lại bản Tiếng Anh cổ điển và dịch thêm những chữ Pāḷi bị bỏ sót trong bản Anh ngữ)

Trong lúc chờ đợi Tỳ khưu ni Saṅghamittā đến, hoàng hậu Anulā cùng các phụ nữ hoàng cung đã nhận 10 giới và mặc y màu vàng cam. Điều này chứng tỏ họ đã giữ 10 giới như người xuất gia Sa di ni và mặc y của người xuất gia, (nhưng có lẽ là không cắt ra từng mảnh nhỏ rồi may lại như y của Tỳ khưu hay Tỳ khưu ni), mặc dù họ chưa nhận lễ xuất gia một cách hợp lệ. Ngày nay các mẹ 10 giới (dasasilamātā) của Sri Lanka cũng mặc y như vậy. Họ rời cung điện và đến sống trong một tu viện đẹp đẽ do nhà vua xây cho họ trong khu vực thành phố. Chỉ sau khi Trưởng lão ni Saṅghamittā đến từ Ấn độ, họ mới được chính thức xuất gia.

(2)    Thời kỳ thọ giới Thức xoa (sikkhamāna). Đây là thời kỳ khó khăn, theo như các vị bảo thủ giỏi giới luật nói, là phải giữ 6 giới trọng. Giới luật ghi rõ rằng để đủ tiêu chuẩn cho thọ giới đầy đủ (upasampadā), giới tử nữ phải học tập và huấn luyện hai năm trong sáu giới trọng. Lễ truyền giới Thức xoa (sikkhamāna) phải có tuyên bố giữa ni chúng (Saṅghakamma). Lễ này phải được làm bởi các Tỳ khưu ni trong Hội chúng ni[ii], không phải là bởi các Tỳ khưu trong Tăng đoàn, do đó khi không có Hội chúng ni thì việc trở thành Thức xoa ma na là không thành tựu. Không thể trở thành Thức xoa ma na và qua thời gian huấn luyện, thì cũng không thể nào thọ đầy đủ giới pháp của Tỳ khưu ni. Hơn nữa, sau khi đã đủ 2 năm tập sự như một Thức xoa mana, giới tử phải được sự chấp thuận (sammati) của Hội chúng ni[iii] để trở thành Tỳ khưu ni. Như vậy, hai thủ tục đó là (1) sự chấp thuận cho trở thành Thức xoa ma na với 6 giới trọng, và (2) sự chấp thuận cho trở thành Tỳ khưu ni sau 2 năm tu Thức xoa đều cần thiết sự hợp nhất ý kiến của Hội chúng ni đang tồn tại. Nay, như sự tranh luận của các vị thiện xảo trong Luật tạng, cho rằng trong sự vắng bóng của Tỳ khưu ni Nguyên thủy, hai thủ tục này không thể nào được thỏa mãn, và vì không đi qua hai thủ tục này, giới tử không hợp pháp trở thành Tỳ khưu ni.

Quyển sách cuối cùng của Tạng Luật (Vinaya Pitaka) được biết dưới tên Parivāra, là một quyển hướng dẫn các thuật ngữ (và) giải thích những điểm tế nhị trong việc giữ giới. Một phần của tác phẩm này có tên là Kammavagga (Vin. V 220-23), chú trọng vào  những trường hợp hợp lệ trong Tăng sự, kiểm điểm các điều kiện để biết như thế nào là hợp lệ và như thế nào là không hợp lệ (vipajjanti)[iv]. Giữa những điều khoản của Parivāna, một lễ truyền thụ Đại giới (Upasampadā) có thể không hợp lệ từ phía giới tử (vatthuto), từ sự đề nghị (ñattito), từ sự thông bạch (anussāvannato), từ kiết giới (sīmāto), và từ phía hội chúng tham dự (parisato). Áp dụng những điều kiện này vào trường hợp của nữ giới tử cho đại giới hoàn mãn, những nhà bảo thủ giỏi về giới luật đôi khi tranh luận rằng giới tử nữ chưa đi qua giai đoạn huấn luyện như Thức xoa ma na (sikkhāmna) thì không được xem là giới tử hợp lệ, và như vậy việc thọ đại giới là không hợp lệ.

(3)        Upasampadā, thọ giới đầy đủ trở thành Tỳ khưu ni. Trong mắt của những nhà bảo thủ giỏi về giới luật thì trở ngại kinh khủng nhất cho việc phục hồi Hội chúng ni Nguyên thủy chính là Upasampadā, thọ giới đầy đủ trở thành Tỳ khưu ni. Trong trường hợp của vị tỳ khưu, lễ thọ đại giới được điều hành với việc đề nghị như là mục thứ bốn (ñatticatuttha-kammāpasampadā). Đầu tiên, người tuyên bố (A xà lê) cho Tăng già trịnh trọng đề nghị (ñatti) Tăng già truyền giới cho giới tử có tên như vậy, dưới sự hướng dẫn của Giáo thọ sư tên như vậy. Sau đó, người tuyên bố thông bạch (anussāvanna) 3 lần rằng Tăng già truyền giới cho giới tử với vị như vậy là Giáo thọ sư; bất cứ thành viên nào của Tăng già không đồng ý, xin mời nói ra. Nếu không có vị nào phản đối, vị A xà lê đi đến kết luận là Tăng già đã truyền thụ đại giới cho giới tử với vị như vậy là Giáo thọ sư.

Khi Hội chúng ni lần đầu tiên được hình thành, phương thức truyền giới cũng tương tự như của Tăng để kết nạp Tỳ khưu ni. Sau khi Hội chúng ni đã trưởng thành, tuy nhiên, phương pháp này đã bị thay thế bởi một phương pháp khác, điều mà việc truyền thụ đại giới cho ni liên hệ đến hai bên: Hội chúng tăng và Hội chúng ni. Cả hai truyền thụ giới pháp cho giới tử trong những trình tự tách biệt xẩy ra khá gần nhau, mỗi lễ xẩy ra với một sự đề nghị và ba lần thông bạch. Lễ thọ giới như vậy được gọi là tám lần tuyên bố (aṭṭhavācikūpasampadā). Giới trọng thứ sáu trong tám giới trọng mà Ma ha Ba xà bà đề được nói là đã chấp nhận như một điều kiện để trở thành tỳ khưu ni đã nói rõ sau thời kỳ huấn luyện trong 6 giới Thức xoa ma na đủ 2 năm, giới tử nên xin thọ đại giới với lưỡng Hội chúng tăng –ni[v]. Cũng với nguyên tắc như vậy được qui định đầy đủ hơn trong Cūlavagga trong phần giải thích về nghi lễ truyền thọ giới pháp, nơi mà giới tử phải đến thọ giới với Tỳ khưu ni Saṅgha trước, rồi đến thọ giới với Tỳ khưu Saṅgha sau, mỗi bên đều làm theo thể thức là một đề nghị, ba thông bạch và xác nhận[vi].

Sự phản đối chính mang tính giới pháp của những nhà bảo thủ giỏi về giới luật nêu ra để phản đối việc tái lập lại Hội chúng ni là lễ truyền thọ đại giới cho ni phải được một Hội chúng ni đang tồn tại, và để nó hoàn toàn thanh tịnh là Nguyên thủy, Hội chúng ni đó phải là Hội chúng ni Nguyên thủy. Điều này dẫn tới một câu hỏi hắc búa, vì trong sự vắng mặt của một Hội chúng ni Nguyên thủy, việc truyền thọ giới pháp Tỳ khưu ni không thể đạt được. Lễ truyền thọ giới pháp không thể tự sinh ra, mà phải là một sự tiếp nối từ một truyền thống có sẵn. Do đó, những người bảo thủ cho rằng, khi truyền thống đó đã bị gián đoạn, nó không thể được xây dựng lại ngay cả với tất cả thiện chí trên thế giới. Đối với những vị Tỳ khưu quyết tâm tái tạo lại Hội chúng Tỳ khưu ni Nguyên thủy, họ cho rằng, những người đó tự cho mình cái quyền của một vị Phật toàn giác, mà thực sự thì không ai có quyền đó trừ sự xuất hiện của một vị Phật đương lai.

Những người có thiện ý khôi phục lễ truyền thụ giới pháp Tỳ khưu ni đưa ra một sự khẳng định cho phép của Đức Phật trong Cūlavagga như sau: “Tỳ khưu, Ta đồng ý cho các con làm lễ truyền thụ giới pháp Tỳ khưu ni,”[vii] đúng đắn chỉ ra rằng Đức Phật chưa bao giờ rút lại lời tuyên bố đó. Tuy nhiên, nó là không hoàn toàn đúng khi nói rằng Đức Phật đã cho phép tỳ khưu được vĩnh viễn tự mình làm lễ xuất gia đại giới cho Tỳ khưu ni. Chừng nào mà chưa có Tỳ khưu ni tồn tại, đó là thủa ban đầu của giáo pháp, thì đó là điều tự nhiên cho Đức Phật đưa ra giải pháp thích hợp là cho phép Tỳ khưu truyền thọ giới pháp cho Tỳ khưu ni, điều này được áp dụng như vậy, vì không có cách nào khác tốt đẹp hơn. Do đó, sự cho phép được tiếp tục, nhưng không có nghĩa là tự các Tỳ khưu có thể truyền thụ giới pháp cho Tỳ khưu ni. Đức Phật đã không rút lại sự cho phép vì nó là cần thiết cho giới đàn sau khi lễ truyền thụ theo nghi thức hai phía đã được đặt ra. Nếu Đức Phật đã rút lại sự cho phép thì sau khi giới tử nữ đã thọ giới với Tỳ khưu ni Saṅgha, họ đã không phải thọ giới lần nữa với Tỳ khưu Saṅgha. Tuy nhiên, các Tỳ khưu được đặc quyền này, trừ khi nó trở thành một phần của hai giai đoạn trong lễ truyền thụ đại giới cho ni. Khi nghi thức mới đã hình thành, với sự truyền giới từ phía Tỳ khưu ni trước, sự cho phép Tỳ khưu làm tiếp giai đoạn hai của lễ truyền thụ giới pháp tỳ khưu ni là hợp lệ. Do đó, sự cho phép vẫn giữ nguyên hiệu lực, chỉ có điều là Chư Tăng không còn làm lễ truyền giới một mình. Sự truyền thụ giới pháp mà chư Tỳ khưu làm là sau khi chư Tỳ khưu ni đã truyền thụ đại giới cho nữ giới tử.

Điều kiện phải có hai lễ thọ giới trở nên cần thiết trong khái niệm về Tỳ khưu ni của truyền thống Nguyên thủy. Trong Tạng Luận Pāli, chúng ta bắt gặp một đoạn miêu tả chuẩn mực về Tỳ khưu ni như sau:

“Bhikkhunī: là người (nữ) khất sĩ; người tu hạnh khất thực; người mặc y làm bằng những mảnh vải may lại từ vải đã cắt rời; người có tước hiệu là một tỳ khưu ni; người tuyên bố là một tỳ khưu ni; một người “hãy đến, Tỳ khưu ni”; một tỳ khưu ni do được giới pháp khi qui y Tam bảo; một tỳ khưu ni ưu tú; một tỳ khưu ni bởi thực chất; một Tỳ khưu ni hữu học (3 bậc thánh đầu); một tỳ khưu ni vô học (vị nữ thánh Arahant); một tỳ khưu ni do được truyền thụ giới pháp trong hai lễ thọ giới hợp lệ, thông qua một đạo luật không thể bị thách thức, bao gồm một lần đề nghị (ñatti) và 3 lần thông bạch (anussāvanna). Giữa những định nghĩa này, người được nói đến ở đây là loại tỳ khưu ni do được truyền thụ giới pháp trong hai lễ thọ giới hợp lệ, thông qua một đạo luật không thể bị thách thức, bao gồm một lần đề nghị (ñatti) và 3 lần thông bạch (anussāvanna)[viii].

Kể từ khi Hội chúng ni trưởng thành cho đến khi tàn lụi, trong các nước theo truyền thống Phật giáo NT, lễ thọ giới Tỳ khưu ni phải làm 2 lần được xem như điều bắt buộc. Đôi khi chúng ta thấy trong Tạng Luật đề cập đến eko-upasampannā- “vị được thọ giới từ một phía”, và chúng ta có thể nghĩ rằng điều này có nghĩa là các Tỳ khưu ni tiếp tục được thọ giới từ Chư tăng mà thôi. Tuy nhiên, đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc. “Vị được thọ giới từ một phía” là để chỉ vị ni đã được truyền thọ giới từ Chư Ni nhưng chưa lãnh thọ giới từ Chư Tăng. Nó ám chỉ người giới tử trong thời gian chờ đợi lễ thọ giới thứ hai từ Tăng đoàn Tỳ khưu như là cánh thứ hai của lễ thọ đại giới. Tạng Luật trong ngôn ngữ Pāḷi rất cẩn trọng và nhất quán trong việc dùng từ “Tỳ khưu ni’ để chỉ người phụ nữ đã qua hai lễ thọ giới pháp từ hai phái Tăng-Ni. Trong phần Suttavibhaṅga của Tạng Luật, bất cứ khi nào kinh điển đề cập đến từ Tỳ khưu ni, luôn luôn có định nghĩa đi kèm, khẳng định là: “Một tỳ khưu ni là người đã thọ giới pháp từ hai bên Hội chúng Tăng và Ni: (Bhikkhunī nāma ubhato sanghe upasampannā).

Như vậy, dưới chuẩn mực của Parivāra, những người tuân thủ Vinaya tranh luận rằng khi mà giới luật cho việc thọ đại giới đòi hỏi phải có sự truyền thọ giới pháp từ hai bên Hội chúng Tăng và Ni, và khi mà một tỳ khưu ni được định nghĩa như trên, nếu chỉ có một phía là Tăng đoàn truyền thọ giới pháp thì đó là một khiếm khuyết từ phía truyền giới, vì lễ thọ giới yêu cầu phải có sự tham gia của cả hai phía Hội chúng Tăng và Ni. Lời đề nghị và lời thông bạch cũng khiếm khuyết, vì chỉ có một lần đề nghị và ba lần thông bạch được đọc ra, trong lúc đó một lễ truyền thọ giới pháp cho ni cần có 2 lần đề nghị và 6 lần thông bạch được tụng đọc trong cả hai lễ truyền thọ giới pháp. Bắt đầu từ những lập luận như vậy, bởi lẽ một Hội chúng ni Nguyên thủy không còn tồn tại, những vị trung thành với giới luật đi đến kết luận rằng rõ ràng là không thể tái lập một Hội chúng ni Nguyên thủy. Lễ truyền thọ giới pháp Tỳ khưu ni sẽ mãi mãi là một điều không thể thực hiện suốt thời kỳ còn lại của giáo pháp chân truyền của vị Phật hiện tại.

61_552x399

II.    Lập Luận Cho Việc Tái Lập Lễ Truyền Thọ Giới Tỳ Khưu Ni Nguyên Thủy

Bây giờ, sau khi tôi đã tóm lược những lập luận do các nhà giỏi luật và bảo thủ có thẩm quyền đưa ra để chống lại việc tái lập Hội chúng ni theo truyền thống Nguyên thủy, tôi muốn nhìn vào một số yếu tố, có tính kinh điển và đạo đức, mà chúng tạo cơ hội cho việc tái lập Hội chúng ni NT. Những yếu tố mà tôi sắp cân nhắc sẽ được sắp xếp vào hai nhóm: một có thể gọi là sự ủy nhiệm thời xưa; và điều thứ hai, tình thế bắt buộc trong hiện tại.

Sự ủy nhiệm thời xưa đầu tiên là quyết định của chính Đức Phật tạo ra một Hội chúng ni tương ứng với Tăng đoàn. Chúng ta phải thấy rằng khi 500 phụ nữ Sakya dẫn đầu bởi Di mẫu Mahāpajāpatī Gotamī đến xin yết kiến Phật, đầu họ đã cạo, mặc y vàng, họ không xin Phật thành lập một Hội chúng ni, mà chỉ xin ngài cho họ cơ hội được sống đời phạm hạnh của người xuất gia dưới sự hướng dẫn của Pháp và Luật mà Đức Phật đã dạy[ix]. Mặc dù, theo như một số kinh điển ghi chép, đầu tiên Đức Phật từ chối lời yêu cầu này, nhưng sau đó lại nhượng bộ. Trong sự nhượng bộ, ngài không chỉ đơn giản đồng ý cho phép phụ nữ xuất gia trong địa vị thứ hai, ví dụ như là tu nữ 10 giới; mà ngài quả thật đã cho họ giới pháp đầy đủ của Tỳ khưu ni, một địa vị cho người nữ tương đương với chư Tỳ khưu. Hơn nữa, ngài đã thiết lập một Hội chúng ni độc lập của những người phụ nữ xuất gia dưới những điều luật và giới pháp của nó. Mặc dù ngài đặt Hội chúng ni dưới Tăng đoàn trong một số chức năng, nhưng ngài vẫn để nó có quyền tự trị trong phần lớn vấn đề.

Trong kinh điển ghi lại đức Phật đã cho một lời phán quyết kinh khủng về kết quả của việc thành lập Hội chúng ni liên quan đến đời sống phạm hành (Brahmacariya) tuổi thọ của giáo pháp chơn truyền (saddhamma). Rằng vì nay người phụ nữ đã được xuất gia, giáo pháp không thể tồn tại 1000 năm như lẽ ra dự định, nay nó giảm xuống chỉ còn 500 năm[x]. Điều tiên đoán này là một trở ngại lớn nhất trong các chướng ngại mà các vị bảo thủ đưa ra để chống lại sự tái lập Hội chúng ni nguyên thủy. Ở đây, nó nằm ngoài mục đích của tôi trong việc xem lời phán quyến trên là đáng tin cậy hay không, nhưng không kể đến giá trị chân thật của câu chuyện này, chúng ta vẫn nên chú ý đến một sự kiện có ý nghĩa về phiên bản đã được lưu truyền trong kinh điển Pāḷi (và tôi tin rằng trong hầu hết các phiên bản khác, trừ phiên bản trong Mahīśāsakas): cụ thể là Đức Phật được nói là chỉ phán quyết như vậy sau khi đã cho phép phụ nữ xuất gia. Nếu Đức Phật thật sự muốn ngăn chặn việc cho phụ nữ xuất gia, ngài có thể đã nói lời tiên liệu ngay trong khi Ananda đang thuyết phục ngài cho 500 nữ nhân Sakya xuất gia. Trong trường hợp đó Ananda đã không nỗ lực thương thuyết, và Hội chúng ni có lẽ đã không bao giờ có mặt.

Có rất ít chứng cớ về sự cho phép phụ nữ xuất gia đóng góp vào việc giảm tuổi thọ của giáo pháp, và khoảng thời gian được nói đến trong kinh điển cũng khó mà hòa hợp với sự thật về lịch sử của Đạo phật như chúng ta có thể xác định. Đoạn kinh đó thể là gợi ý rằng lý do để Phật lưỡng lự là liên hệ đến sự gần gũi tiếp xúc giữa bhikkhus và bhikkhunī có thể đóng góp vào việc những tình cảm thân mật nảy sinh giữa hai bên, và điều này sẽ dẫn đến sự kiện là nhiều người muốn xả y, hoặc có thể sẽ phát sinh tình trạng tu sĩ có gia đình như ở Nhật đã xẩy ra. Nhưng lịch sử ghi nhận rằng điều này đã không xẩy ra trong thời kỳ Phật giáo tồn tại tại Ấn độ –chắc chắn là không vào khoảng thời gian tiên đoán điều xấu (thế kỷ thứ nhất sau công nguyên). Một số kinh điển khác nói về những nguyên nhân khác nhau dẫn đến “sự thoái hóa và tận diệt của giáo pháp chân truyền”, và những điều đó đối với tôi có vẻ nói lên những yếu tố mà chúng có thể đóng vai trò lớn lao hơn trong việc làm suy thoái giáo pháp hơn là việc cho phụ nữ xuất gia. Ví dụ như một bài kinh trong Tăng chi bộ nói rằng giáo pháp chân chính sẽ suy thoái khi 4 hội chúng (Chư tăng, Chư ni, Nam cư sĩ, Nữ cư sĩ) sống mà không có sự kính tín đối với Tam Bảo, với học giới, với thiền định và với sự tinh cần trong thiện pháp[xi]. Chúng ta nên ghi nhận rằng trong sự tiên đoán này Hội chúng ni vẫn còn đó khi giáo pháp chân chính suy thoái và biến mất, điều này chứng tỏ rằng Đức Phật không muốn Hội chúng ni bị tan rã trước khi Tăng đoàn biến hoại.

Có một cách hiểu sự lưỡng lự của Đức Phật khi cho phép phụ nữ xuất gia là (chúng ta) hãy thấy nó như một phương tiện của việc nhấn mạnh đặc biệt vào sự cần thiết phải thận trọng trong quan hệ giữa Tăng và Ni. Cân nhắc đến một điều tương tự: Không bao lâu sau khi ngài giác ngộ, Đức Phật suy tư về việc có nên giảng dạy giáo pháp đến thế gian không. Theo ngữ cảnh đó, đầu tiên ngài quyết định không giảng dạy giáo lý, giữ im lặng và hành thiền định[xii]. Một vị Phạm thiên đã phải rời cõi trời để thuyết phục Phật giảng dạy giáo lý đến thế gian. Có thể nào chúng ta thực sự tin rằng Đấng Đại Bi Toàn Giác lại quyết định từ chối giảng dạy, giữ im lặng và sống quảng đời còn lại trong rừng? Điều này có vẻ khó nhận thức được trong ánh sáng của một số kinh điển khác gợi ý rằng sự nghiệp của Ngài là làm Thầy của thế gian là một điều đã được lựa chọn và quyết định trước[xiii]. Nhưng kịch cảnh này có thể thấy như một cách làm nổi bật là thật khó để Đức Phật đi đến quyết định giảng dạy giáo lý, và một thông điệp chuyển đến chúng ta rằng chúng ta phải kính tín giáo pháp như một điều quí báu. Tương tự như vậy, bởi vì Đức Phật đã lưỡng lự khi cho phép người nữ xuất gia, vì sợ rằng tuổi thọ của giáo pháp có thể bị ngắn lại, từ đây chúng ta phải biết là Tỳ khưu và Tỳ khưu ni phải cẩn trọng trong cách cư xử với nhau, đừng vui thú trong việc kết bạn tầm phào. Đức Phật cũng có thể là đã không nhất quyết vì việc tạo ra một Hội chúng ni có thể sẽ đặt một gánh nặng lên Chư Tăng vì khiến họ phải giáo dục, bảo vệ và chịu trách nhiệm về Ni giới, điều mà có thể trở thành chướng ngại cho sự tiến bộ tâm linh của bản thân họ.

Những sự khẳng định khả quan cho việc hỗ trợ cho sự tồn tại của Hội chúng ni có thể được thâu lượm từ Tạng Kinh. Tôi sẽ tóm tắt đề cập đến ba (thông điệp).

1)     Sự khẳng định nổi tiếng đầu tiên là trong Kinh Đại Niết bàn (Mahāparinibbāna sutta, DN 16), trong đó Đức phật được nói là đã đối thoại với Ma vương khi kẻ này xúi dục Phật nhập Niết bàn ngay sau khi ngài giác ngộ, đừng giảng dạy giáo pháp đến người khác:

“Ác ma, Như lai sẽ không nhập Niết bàn chừng nào Như Lai chưa có những đệ tử Tỳ khưu ni là những người thành thạo, khéo được huấn luyện, tự tin, học rộng, người gìn giữ chánh pháp, người thực hành đúng pháp, hành động đúng đắn, giới hạnh trang nghiêm, người đã học giáo lý của vị thầy và có thể giải thích, giảng dạy, miêu tả, thiết lập, mở rộng, phân tích, giảng giải nó, và có khả năng cự tuyệt tà giáo một cách có lý trí, có thể truyền giảng giáo pháp có sức thuyết phục.[xiv]

Theo bối cảnh này, lúc đó Đức Phật đã quán xét rằng những đệ tử Tỳ khưu ni khéo huấn luyện là một trong các cột trụ của chánh pháp.

2)     Một đoạn Kinh khác, ít nổi tiếng hơn, đến từ Mahāvacchagotta Sutta (MN 73). Trong bài kinh này, du sĩ Vacchagotta hỏi Phật rằng có phải chỉ có ngài mới đạt đến giác ngộ giải thoát hay các hàng đệ tử của ngài cũng đạt đến sự giác ngộ chân lý. Vị du sĩ tìm hiểu lần lượt các hàng đệ tử: Chư Tăng, Chư Ni, nam cư sĩ độc thân, nam cư sĩ có gia đình, nữ cư sĩ độc thân, nữ cư sĩ có gia đình. Đối với mỗi hàng đệ tử, Đức Phật khẳng định rằng ngài không chỉ có một mà có hàng ngàn vạn đệ tử là những người đã chứng đạt cao nhất tương ứng với địa vị đặc biệt. Khi đã hỏi xong, Vacchagotta kêu lên (những lời tán thán) mà chắc là Đức Phật đã đồng thuận: “Nếu ngài Gotama (Phật Cồ Đàm) đã thành công trong giáo pháp này, và có các Tỳ khưu cũng thành công trong giáo pháp, nhưng không có Tỳ khưu ni chứng đạt, thì con đường tâm linh này sẽ là không hoàn hảo liên quan đến yếu tố này. Nhưng vì bên cạnh ngài và chư Tỳ khưu đệ tử, còn có các Tỳ khưu ni cũng chứng đạt chân lý cao thượng, đời sống tâm linh này là hoàn hảo trong yếu tố này.”[xv] Đối với các Tỳ khưu ni sự chứng đạt cao nhất là quả vị A La hán, giống như các Tỳ khưu.

3)     Hội chúng Tăng- Ni được biết như là “ruộng phước cho thế gian”, và trong khi thuộc tính này được áp dụng cho Thánh Tăng (ariyan Saṅgha), nó cũng được mở rộng cho các vị xuất gia như là đại diện dễ thấy cho hàng Thánh Tăng (Ni) trên thế gian. Do đó trong bài kinh Dakkhiṇāvibhaṅga Sutta (MN 142), Đức Phật thảo luận về 7 loại cúng dường mà có thể gieo phước cho hàng Tăng (Ni) chúng, và hầu hết đều có tính đến Tỳ khưu ni trong những người nhận đồ cúng dường. Đó là:

  1. Cúng dường đến hai hội chúng (Tăng và Ni) có Đức Phật dẫn đầu;
  2. Cúng dường đến hai hội chúng sau khi Phật đã nhập Niết bàn;

  3. Cúng dường đến một số vị Tăng và Ni đã lựa chọn làm đại diện;

  4. Cúng dường đặc biệt đến hội chúng Tỳ khưu ni;

  5. Cúng dường đến một số Tỳ khưu ni lựa chọn như là đại diện cho Saṅgha.

Chỉ có 2 loại cúng dường là chỉ dành riêng cho Hội chúng tăng và một số Tăng được lựa chọn đại diện cho Saṅgha. Vậy mà ngày nay trong các quốc gia theo truyền thống Nguyên thủy, chỉ có hai loại sau này là có thể; 4 loại nói trước là vắng mặt vì không có Hội chúng ni sống sót.

Bên cạnh những đoạn trên, Tăng chi bộ kinh, Ekanipāta, có một số các bài kinh mà trong đó nói rằng Đức Phật chỉ định một số Tỳ khưu ni vào vị trí “nổi bật nhất” trong các lãnh vực của đời sống phát triển tâm linh; cho ví dụ tỳ khưu ni Khema là người nổi bật trong trí tuệ, Uppalanaṇṇā thì nổi bật trong thần thông, Bhaddakaccānā thì nổi bật trong sự thấu đạt tâm linh[xvi]. Các vị thống kê kinh điển Pāli cũng sưu tập một số lớn kệ thơ của các trưởng lão ni trong tác phẩm “Therīgathā,  Trưởng lão ni kệ”. Tác phẩm này cho chúng ta thấy một cái nhìn sâu sắc vào hạnh nguyện, nỗ lực và chứng đạt của các thế hệ sớm nhất của phụ nữ xuất gia trong Đạo Phật.

0013729e431911019e4312_510101026

Xa hơn một số kinh điển đặc biệt, một sự phản biện còn mạnh mẽ hơn dựa trên tiền lệ cổ xưa có lẽ có tính thuyết phục tinh thần của giáo pháp tự nó, điều mà bởi bản chất tự nhiên của nó là cố ý mở ra con đường dẫn đến giải thoát mọi khổ đau cho tất cả loài người. Đầu tiên khi Đức Phật đồng ý giảng pháp, ngài tuyên bố: “Mở những cánh cửa bất tử đến họ: hãy để cho ai có tai giải phóng niềm tin.[xvii]” Rõ ràng là ngài không có ý định rằng lời mời này chỉ được áp dụng cho đàn ông mà thôi, nhưng mà cho tất cả những ai sẵn sàng lắng nghe thông điệp giải phóng khỏi khổ đau. Ngài so sánh pháp như một cỗ xe, và nói rằng: “người có một phương tiện như vậy, dù là phụ nữ hay nam giới, có cỗ xe đưa dần đến Niết bàn.[xviii]” Nhà thơ tu sĩ Vaṅgisa khẳng định rằng sự giác ngộ của Đức Phật là có ý định cho cả Chư Tỳ khưu ni và Chư Tỳ khưu:

“Quả thật, vì điều tốt đẹp cho nhiều người

Bậc đại ẩn sĩ đạt giác ngộ

Cho Tỳ khưu và Tỳ khưu ni

Người đã đến và thấy giáo pháp”[xix]

Trong Kinh điển chúng ta thường thấy Đức Phật tính cả Tỳ khưu ni vào số nhận lãnh giáo pháp của ngài. Khi ngài so sánh mình với một nông dân đang canh tác những mảnh ruộng khác nhau, ngài nói Tỳ khưu và Tỳ khưu ni là những mảnh ruộng tốt nhất để hạt giống giáo pháp tăng trưởng.[xx] Trong ẩn dụ về một thành phố cổ, ngài nói rằng sau khi theo Bát Thánh Đạo và xuyên thấu vào những mắt xích nhân duyên, “Như lai giảng dạy giáo pháp này đến chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ, vì lẽ đó, đời sống tâm linh này trở nên thành công, thịnh vượng, truyền bá rộng rãi, phổ cập và phát triển nhanh chóng, khéo được tuyên bố giữa chư thiên và nhân loại.[xxi]”  Khi tôn giả Xá Lợi Phất sáng chế ra một cách dạy làm sáng tỏ con đường mà tất cả chư Phật đều đi qua để đạt đến sự giác ngộ, Đức Phật thúc dục Tôn giả giảng bày cách dạy đó đến chư Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, nam nữ tín thí.[xxii]

Mặc dù nhiều người không đủ chín chắn để đi theo con đừơng này đến tận cùng, trong nguyên tắc, không có ai đáng bị ngăn cản làm điều này chỉ vì giới tính của họ. Vậy mà điều này chính xác là những gì đang được làm khi phụ nữ bị ngăn cản không được thọ giới pháp đầy đủ. Khi những người bảo vệ cho hệ thống hiện tại nói rằng phụ nữ vẫn có thể tiến bộ trên con đường tâm linh nhiều bằng một hình thức thay thế cho việc xuất gia (như tu nữ 8 giới, 10 giới) cũng như là nếu họ trở thành Tỳ khưu ni. Sự kiện đơn giản là các hình thức thọ giới cấp thấp đó không thỏa mãn niềm khát khao phát triển tâm linh của nhiều phụ nữ, nó cũng không cho họ cơ hội được huấn luyện và học tập như giáo pháp được trao truyền bởi Đức Từ Phụ. Đức Phật cũng chưa bao giờ đặt ra các hình thức xuất gia bậc thấp như Tu nữ 8 giới (Maechee- từ gọi của người Thái Lan) hay 10 giới (dasasilmātā), hay người có giới (thīlashin – từ gọi của người Myanmar), những người mà theo thuật ngữ Phật học vẫn chỉ trong bậc Upasikās (nữ tín thí). Chỉ có một vị trí mà Đức Phật đã có ý định tạo ra cho người nữ xuất gia đó là trở thành Tỳ khưu ni, người thọ lãnh giới pháp đầy đủ, và nếu ai đó thật sự trung thành với lời dạy của Đức Phật thì họ phải cho người nữ xuất gia với giới pháp mà Phật đã có ý định trước cho họ. Hơn nữa, trong các nước theo Phật giáo ở Châu Á, những nữ tu theo cách thọ giới (bậc thấp) thay thế đó thường không được các hàng tín thí kính trọng như là các Tỳ khưu ni có thể tạo ra. Như vậy, họ rất hiếm khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, hay hướng dẫn các chức năng tôn giáo, giảng dạy giáo lý và tham gia vào các hoạt động xã hội, mà họ chỉ bám níu vào một vị trí ‘bên lề’, thường nhút nhát và không tự tin.

Cách suy nghĩ này trực tiếp dẫn đến sự phán xét trên các điều kiện thực tế hiện thời hỗ trợ cho việc làm tỉnh lại việc truyền thọ giới pháp Tỳ khưu ni. Tôi sẽ lưu ý đến hai điều kiện như vậy.

1)          Bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ thứ 20, Phật giáo nguyên thủy nhận ra rằng họ không phải chỉ là những phật tử duy nhất đã duy trì một hệ thống tu hành được hướng dẫn bởi Luật lệ được đặt ra từ những ngày đầu hình thành Tăng đoàn. Điều này quả là một lực đẩy đối với những người theo truyền thống Nguyên thủy. Qua sự thông tin tiến bộ đã nối kết các phần khác nhau của thế giới Đạo Phật, những người Trưởng lão bộ có hiểu biết hơn (đặc biệt là ở Sri Lanka) đã thấy rằng chư tăng- Ni ở các nước Đông Á – như Đài Loan, Trung Quốc, Việt nam, Đại hàn (trừ Nhật ra) –trong khi theo giáo lý Đại thừa, vẫn duy trì và thực hành theo luật lệ xuất gia được đặt ra trong Tạng Luật mà các điều luật trong đó phần lớn là giống như giới luật được ghi trong kinh điển Pāli. Bộ luật này của hệ phái Dharmaguptaka, là cực kỳ giống bộ luật trong ngôn ngữ Pāli. Hệ phái Tây Tạng cũng theo một Tạng luật có nguồn gốc khá cổ xưa, Mūlasarvāstivādins. Trong những năm gần đây, một số Lamas có tiếng tăm khuyến khích nữ đệ tử của họ thọ giới Tỳ khưu ni ở các nước Á Đông, và hiện tại họ đang dần tiến đến chỗ chính thức có một Hội chúng ni trong truyền thống Tây Tạng. Như vậy khi các truyền thống phật giáo khác có Hội chúng ni, ở các nứơc Nam Á theo truyền thống Nguyên thủy không công nhận Hội chúng ni là một khoảng trống rõ ràng và nhức nhối. Những người có học thức khắp nơi trên thế giới, và ngay cả những trí thức là tín đồ Nguyên thủy cũng thấy rất khó thông cảm với sự từ chối không cho phụ nữ xuất gia với đầy đủ giới pháp, và sẽ thấy truyền thống Nguyên thủy kém tốt đẹp so sánh với các truyền thống phật giáo khác.

2)          Một thái độ không chấp nhận như vậy có thể gặp sự không bằng lòng của đám đông vì ngày nay có sự khác biệt to lớn giữa nhận thức xã hội và văn hóa so với thời kỳ thế kỷ thứ 5 trước công lịch ở Ấn độ khi mà Đức Phật đã sống và giảng pháp. Thời đại của chúng ta được tạo hình bởi những ý tưởng của thời kỳ giác ngộ, một sự vận động đã khẳng định phẩm giá vốn có trong mỗi con người, đưa đến sự sinh khởi của dân chủ, đánh dấu sự khởi đầu trong các khái niệm như là nhân quyền và quyền bỏ phiếu, và đưa đến sự đòi hỏi bình đẳng trong chính trị, công bằng cho tất cả mọi người dưới pháp luật. Trong thế giới ngày nay, mọi sự phân biệt có cơ sở trên chủng tộc, giới tính, màu da, tôn giáo đều được xem là không công bằng và không thể biện minh, những tàn dư của các định kiến sơ đẳng mà chúng ta có trách nhiệm phải lột bỏ trong sự giác ngộ rằng tất cả mọi nguời, bởi giá trị làm người của họ, là xứng đáng bình quyền bình đẳng mà chúng ta thừa nhận cho chính mình, trong đó có quyền được thỏa mãn niềm tin tôn giáo cao nhất. Dự án lớn của thế giới hiện đại, chúng ta có thể nói, chính là sự phá bỏ mọi quyền ưu tiên: không có một lý do chính đáng, không ai được đặt mình lên một quyền lợi ưu đãi mà từ chối đến người khác.

Một trong những nền tảng căn bản nhất cho sự phân biệt một số người vào ưu đãi và bị tước quyền, những người bề trên và những thuộc cấp, là giới tính, với đàn ông là những người được ưu đãi phụ nữ trong vị trí thấp hơn, bị từ chối những ưu đãi mà đàn ông có quyền hưởng thụ. Từ giữa thế kỷ thứ 19 trở đi, sự phân biệt vì giới tính đã bị xem là chuyên quyền và bất công, một hệ thống mà nó đã được đặt lên xã hội đơn giản chỉ vì vai trò nổi trội mà đàn ông đã thể hiện trong các lĩnh vực khi mà sự ổn định của xã hội dựa trên sức mạnh thể lực và lực lượng nhà binh. Như vậy phụ nữ đã tuyên bố quyền được làm việc tại những nghề nghiệp có tính chuyên môn, quyền được bầu cử, quyền có mức lương tương đương, quyền được nhập ngũ và quyền được giữ vị trí cao nhất trong đất nước mình. Từ năm 1869, John Stuart Mill đã viết trong bài tiểu luận của ông có tựa đề: Về sự bị khuất phục của phụ nữ (On the Subjection of Women): “Một ý kiến mà tôi đã ôm giữ từ thời kỳ rất sớm khi tôi mới bắt đầu có những ý tưởng về những vấn đề xã hội và chính trị… là rằng các nguyên tắc qui định sự tồn tại của các mối quan hệ xã hội giữa hai giới tính  – việc làm cho lệ thuộc có tính hợp pháp giữa một phái với phái kia – thì tự nó là sai trái, và bây giờ, một trong những ngăn cản hàng đầu cho sự tiến bộ của loài người; và điều đó cần phải được thay thế bởi một nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng, không thừa nhận một quyền lực hay ưu đãi nào của một phía, cũng không cho phép sự tước quyền của một phái khác.”[xxiii] 130 năm đã trôi qua kể từ khi những lời đó được viết ra và được chứng kiến, trong những đất nước tiến bộ ở Tây phương, nỗ lực đã và đang được duy trì để chuyển những lời trên thành hiện thực trong nhiều lãnh vực hoạt động, cả riêng tư lẫn ngoài xã hội.

Bây giờ sự phân biệt dựa trên giới tính đã bị thách thức hầu như khắp mọi nơi trong các lĩnh vực thuộc thế tục, đã đến lúc vai trò của nó trong đời sống tôn giáo cần được suy xét một cách nghiêm túc. Trong tôn giáo, thật đáng tiếc, nó vẫn còn là một sự bảo thủ mãnh liệt, và Đạo phật thì không phải là một ngoại lệ. Nó là một sự thật rằng Giới luật làm cho Ni thấp hơn Tăng, và Hội chúng ni thấp hơn Tăng đoàn, nhưng chúng ta phải nhớ rằng Đức Phật sống và tuyên dạy giáp pháp ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ năm trước công nguyên và ngài phải tuân theo những chuẩn mực xã hội thời bấy giờ. Trong khi một số pháp hành có tính qui ước mặc định có thể cần được đánh giá lại trong ánh sáng của điều kiện văn hóa –xã hội đã thay đổi, chừng nào mà chúng không động chạm đến nền tảng của giới luật giành cho người tu sĩ. Trong bài khảo luận này, tôi không quan tâm đến các giới luật qui định mối quan hệ giữa Tăng và Ni, mà chỉ chú trọng vào vấn đề thọ giới – xuất gia. Khi chúng ta dự tính làm cách nào để thích hợp nhất cho việc này, chúng ta không nên hỏi Đức phật đã làm gì 2500 trước, mà nên nghĩ ngài muốn chúng ta làm gì trong điều kiện hiện tại của chúng ta. Nếu người ta thấy Đạo phật Nguyên Thủy là một tôn giáo chỉ tính phái nam xuất gia mà lại loại bỏ phụ nữ khỏi việc xuất gia với giới pháp đầy đủ, họ sẽ nghĩ rằng có cái gì đó xiên lệch một cách căn bản. Và những phản biện mang tính tự vệ dựa trên sự kêu gọi những nguyên tắc bí mật trong giới luật của tu sĩ sẽ không có tác dụng mấy để phá vỡ sự thiếu tin tưởng.  Đây sẽ là một ví dụ  của lọai phản ứng mà chúng ta thường thấy nêu ra trong Luật Tạng “Những người không có đức tin sẽ không sinh khởi niềm tin, những người đã có tín tâm sẽ trở nên chán nản và nghi ngờ.”[xxiv]

Mặt khác, nếu họ chứng tỏ là có thể khôi phục lại việc cho nữ giới được thọ giới pháp đầy đủ để họ được thực hành theo đời sống xuất gia như vị trí mà Đức Phật đã thiết lập cho họ, đó là, bằng cách phục hồi lại Hội chúng ni, các trưởng lão thuộc truyền thống Nguyên thủy sẽ tạo điều kiện cho tông phái này được giữ vững trong nền văn minh hiện đại, chắc chắn và đáng tự hào, trong lúc vẫn giữ vững một con đường không bị qui định bởi thời gian và không bị chi phối bởi thói đỏng đảnh của mốt thời đại. Bắt đầu một bước đi như thế này không có nghĩa là, như một số lo sợ, rằng chúng ta “can thiệp vào” Giáo pháp và Giới luật chỉ để thỏa mãn sự trông đợi của thế gian; chân lý của giáo pháp, những nguyên lý của Đạo và nguyên tắc chỉ đạo của Luật vẫn nguyên vẹn. Nhưng nó chỉ nói lên rằng chúng ta biết áp dụng giáo pháp và giới luật như thế nào cho thích hợp với thời gian và hoàn cảnh, và cũng là trong một cách nhân ái và cảm thông hơn là cứng nhắc và từ chối.

axuatgia2

III.  Đối Thoại Với Sự Thách Thức Của Những Người Tuân Thủ Luật

Tuy nhiên, trong lúc có thể có những căn cứ về kinh điển và đạo đức ủng hộ việc tái lập lại Hội chúng ni Nguyên thủy, một bước đi như vậy có thể sẽ không thực hiện được trừ khi những chống đối mang tính luật lệ đối với một cuộc vận động như vậy có thể được đối thoại. Những người tuân thủ luật chống đối việc tái thiết việc truyền thọ giới Tỳ khưu ni, không phải là vì quá định kiến với phụ nữ (mặc dù một số người có định kiến như vậy), nhưng bởi vì họ thấy điều đó như một điều có tính luật lệ không thể nào thực hiện được. Để phục hồi lại Hội chúng ni Nguyên thủy, có ba thách thức được đưa ra bởi nhưng người tuân thủ luật theo truyền thống Nguyên thủy cần phải được khắc phục. Đó là những thách thức dựa trên:

  1. Vấn đề của việc xuất gia – pabbajjā (Sa di ni);
  2. Vấn đề của việc thọ giới Thức xoa ma na và huấn luyện; và
  3. Vấn đề của việc truyền thọ đầy đủ giới pháp (Upasampadā).

Trước khi tôi giải quyết những vấn đề này một cách riêng rẽ, tuy nhiên, trước hết tôi muốn ghi chú rằng những nhà luật học Nguyên thủy thường đặt điều kiện trên các vấn đề mang tính luật lệ mà chúng có nguồn gốc từ nguyên văn Luật Tạng, Chú giải và phụ chú giải với cách giảng giải các điều kiện đó đã trở nên phổ biến thành truyền thống trong nhiều thế kỷ. Tôi không muốn hạ thấp giá trị của truyền thống, vì nó đại diện cho ý kiến của giới chuyên môn về giới luật đã được tích lũy từ nhiều thế hệ, và những ý kiến của giới chuyên môn thì nên được kính trọng và chú ý đến khi quyết định làm thế nào để giới luật nên được áp dụng trong những hoàn cảnh mới. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng truyền thống không nên được đặt lên trên nguyên lý trong Kinh và Luật, ngay cả với những thẩm quyền thứ yếu như Chú giải và phụ chú giải. Những nguồn tài liệu khác nhau nên được định luợng/ đánh giá về mặt thẩm quyền theo nguồn gốc khác nhau của chúng. Khi sự hiểu biết của chúng ta về giới luật quá bám sâu vào truyền thống, có thể, mặc dù không nhận ra nó chúng ta bị dính vào một mạng lưới chằng giả định có tính truyền thống mà nó khiến chúng ta không thể phân biệt đâu là từ nguyên văn Luật Tạng, đâu là sự diễn giải của truyền thống. Đôi khi chỉ đơn giản thay đổi các giả định có thể viết lại những nguyên lý của giới luật trong ánh sáng hoàn toàn mới mẻ.

Tôi sẽ minh họa điểm này với phép loại suy từ hình học. Một đường thẳng được vẽ ra giữa một điểm. Khi đường thẳng này được kéo dài, khoảng cách giữa hai đầu của nó được mở rộng. Nó có vẻ rõ ràng rằng hai điểm cuối đó không bao giờ gặp nhau. Và nếu như có ai bày tỏ sự nghi ngờ về điều này, tôi gần như có thể đặt câu hỏi về khả năng lý trí của người đó. Nhưng điều này là như vậy vì tôi suy nghĩ từ góc độ của truyền thống hình học phẳng. Hình học O-clit vốn có thế lực đối với các lĩnh vực toán học cho đến thế kỷ 20. Tuy nhiên, khi chúng ta nhìn từ góc độ của hình học cầu, chúng ta có thể thấy một đường vạch từ một điểm, nếu kéo dài ra đến một lúc nào đó nó gặp điểm khởi đầu của nó. Lại nữa, trong truyền thống hình học phẳng, chúng ta được dạy rằng giữa ba điểm chỉ có thể có một góc vuông, và tổng số góc của cả ba là 180 độ, và điều này có thể được chứng minh là cực kỳ chính xác. Nhưng nó là như vậy chỉ trong hình học O-clip (phẳng). Hãy cho tôi một khoảng không, và chúng ta có thể tạo ra một tam giác với ba góc vuông làm thành tổng số 270 độ. Như vậy, nếu tôi phá vỡ (khung nhận thức) của những giả định đã quen, một dãy các triển vọng hoàn toàn mới đột nhiên mở ra trong tầm nhận thức của tôi.

Giống như vậy áp dụng cho việc nhận thức về giới luật, và tôi viết từ kinh nghiệm cá nhân. Suốt trong những năm tôi sống ở Sri Lanka, tôi chia sẻ quan điểm bảo thủ truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy về triển vọng của việc thọ giới tỳ khưu ni. Điều này là bởi vì những nhà sư mà tôi cố vấn đến trên vấn đề này là những người bảo thủ giới luật. Suy nghĩ rằng câu hỏi cho vấn đề thọ giới tỳ khưu ni quá khó hiểu đối với bản thân tôi, tôi hỏi họ và đơn giản làm theo sự phán xét của họ. Khi tôi cuối cùng quyết định kiểm tra lại các nguồn tài liệu thuộc Luật Tạng và Chú giải của chúng trên vấn đề này, tôi đã không tìm thấy bất cứ điều gì phản chứng lại những lời của họ. Họ là những người hiểu biết khá rộng về Luật, và như vậy tôi đã thấy rằng họ đang nói về đường thẳng và tam giác, không nói về đường cong và hình lục giác. Nhưng những gì tôi phát hiện ra là rằng họ đã đóng khung những phán xét của họ dựa trên nền tảng của những giả định có tính truyền thống; họ đã đặt đường thẳng và tam giác trong hình thức luật lệ một chiều của không gian O-clip. Và điều được bàn đến xuất hiện với tôi là:

  • Nó có cần thiết phải đóng khung những đường vạch và tam điểm trong không gian o-clip không?
  • Điều gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta chuyển chúng vào một bản luật của không gian cong?
  • Điều gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta tách rời lời tuyên bố chính thức của giới luật khỏi nền móng của các giả thuyết có tính truyền thống và nhìn chúng từ ý định nguyên sơ của Phật như là sự hướng dẫn?
  • Điều gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta công nhận rằng Tạng Luật như nó đã truyền đến chúng ta đã không lường trước sự phân chia Saṅgha nguyên thủy thành tông phái khác nhau, với mỗi tông phái một dòng thọ giới pháp riêng biệt, và sự biến mất của Hội chúng ni trong một truyền thống nào đó?
  • Điều gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta công nhận rằng nó không cho chúng ta một sự hướng dẫn rõ ràng nào về việc phải làm gì trong một trường hợp như vậy?
  • Đã thế, nếu chúng ta tự dẫn dắt mình bởi câu hỏi: Đức Phật muốn chúng ta làm gì trong tình thế như chúng ta đang lâm vào hiện nay?

Khi chúng ta đặt ra những câu hỏi như vậy, chúng ta có thể thấy rằng trình tự tiến hành lễ truyền thọ giới pháp tỳ khưu ni được đặt ra trong Tạng luật không bao giờ có tác ý là để ngăn cản việc khả thi cho sự phục hồi lại Hội chúng ni. Chúng chỉ đơn giản là đưa ra như thể lệ để tiến hành một lễ truyền thọ giới pháp khi mà Hội chúng ni đã có mặt. Khi sự hiểu biết này được rút ra, bây giờ chúng ta đi vào một không gian mới, một khuôn khổ mới mà nó có thể chứa đựng những khả năng mới mẻ chưa từng được tưởng tượng trong mạng suy nghĩ của những giả định mang tính truyền thống.

Đối với lý thuyết bảo thủ, những giả định căn bản là:

i) Rằng lễ thọ giới kép là có tác ý áp dụng cho tất cả mọi hoàn cảnh và không cho phép bất cứ một ngoại lệ hay sửa đổi nào theo với các điều kiện.

ii) Rằng chỉ có Đạo Phật Nguyên thủy là giữ được Tạng luật đúng truyền thống.

Đối với những ai có thiện chí với việc phục hồi lại Hội chúng ni Nguyên thủy, điểm khởi đầu căn bản là sự quyết định của Đức Phật để tạo ra Hội chúng ni. Mặc dù Đức Phật có thể đã do dự làm bước đầu tiên này, và chỉ làm như vậy sau khi Tôn giả Ananda thuyết phục (Theo Tiểu Phẩm), Ngài cuối cùng đã thành lập một Hội chúng ni và toàn tâm ủng hộ nó. Thể lệ của lễ thọ giới chỉ là hợp thức có tính máy móc để bổ sung vào quyết định đó. Từ quan điểm này ngăn chặn việc bổ sung của quyết định đó chỉ vì kỹ thuật hợp thức chính là ngăn trở sự thực hiện ý định của chính Đức Phật. Đây là chưa nói rằng cách thích hợp để thi hành ý định của ngài nên vi phạm nguyên tắc chỉ đạo của Luật. Nhưng trong phạm vi của những nguyên tắc hướng dẫn rộng rãi đó hai giả định của phái tuân thủ giới luật triệt để có thể bị phá hỏng bởi nắm giữ một hoặc hai như sau:

i) Trong những hoàn cảnh riêng biệt, Tăng đoàn có quyền trở lại làm lễ thọ giới đơn cho tỳ khưu ni; và

ii) Để giữ thể lệ thọ giới kép, các tỳ khưu Nguyên thủy có thể phối hợp với các Tỳ khưu ni thuộc các nước Đông Á theo truyền thống Pháp Tạng (Dharmaguptaka Vinaya).

Cách tiếp cận này đối với lễ truyền thọ giới pháp có thể không thỏa mãn hầu hết các đòi hỏi khắc nghiệt của những người bảo thủ Luật ở trong truyền thống Nguyên thủy, cụ thể là nó phải được thực hiện với các tỳ khưu và tỳ khưu ni nguyên thủy, những người đã được thọ giới trong truỳên thống Theravāda theo đúng dòng không bị gián đoạn. Nhưng đặt ra yêu cầu không khả thi đó như một luật lệ không thỏa hiệp cho việc phục hồi lại Hội chúng ni Nguyên thủy có vẻ như một sự khó khăn không hợp lý. Phải công nhận rằng, đối với những người một mực đòi hỏi lễ thọ giới kép làm như vậy không phải vì họ thích làm cho sự việc trở nên khó khăn, mà vì họ kính ngưỡng những gì mà họ thấy là tốt cho sự (trong sạch) hoàn toàn của giới luật.  Tuy nhiên, cách hiểu giới luật trong sự nghiêm khắc nhất của nó có thể không phải là cách có hiệu lực cần thiết duy nhất, và nó cũng có thể không phải là cách tốt nhất để thể hiện dụng ý của Phật trong xã hội hiện đại. Trong quan điểm của nhiều vị sư có học thức, chủ yếu là ở Sri Lanka, chấp nhận một trong hai cách đưa ra trên là thích hợp. Và đó là điều đáng làm vì nó cho nữ Phật tử, một nửa các tính đồ Phật giáo, có cơ hội được thực hành đời sống phạm hạnh với đầy đủ giới pháp trong hình thức của một tỳ khưu ni.

Bây giờ tôi sẽ quay lại 3 rào cản đã được đặt ra tại điểm khởi đầu của phần này – Pabbajjā, Sikkhāmāna và Upasampadā – mỗi cái riêng rẽ. Bởi lẽ một Hội chúng ni đã hoạt động và đang tồn tại, những sự thảo luận đó là phần nào lỗi thời, nhưng tôi nghĩ là vẫn nên đưa nó ra nói (vì) đó là điều lo lắng của các nhà tuân thủ luật triệt để. Do vậy tôi sẽ nói, không phải là sự giải thích làm thế nào để tái thiết lễ truyền thọ giới pháp Tỳ khưu ni, mà là sự chứng minh cho tiến trình hành lễ đã và đang được tiến hành là đúng. Tôi sẽ bắt đầu từ lễ Upasampadā, vì đây là bước quyết định nhất trong toàn bộ tiến trình xuất gia. Tôi sẽ tiếp tục đi ngược lại qua Thức xoa ma na rồi đến Pabbajjā.

Upasampadā

Trong Tạng luật của Kinh điển Pāli, Upasampadā cho tỳ khưu ni được qui định là một tiến trình gồm hai bước (lễ thọ giới kép), đầu tiên thực hiện bởi Hội chúng ni rồi sau đó đến Chư Tăng. Để tái phục lại một Hội chúng ni đã biến mất có hai phương pháp đã được đề xướng. Một là cho phép Chư Tăng Nguyên thủy cho phụ nữ xuất gia Tỳ khưu ni cho đến lúc một Hội chúng ni đi vào hoạt động và có thể tham gia vào lễ truyền thọ giới kép. Phương cách này là trở lại với sự đồng ý đầu tiên của Đức Phật cho phép Chư Tăng được làm lễ xuất gia tỳ khưu ni cho nữ giới vào thời kỳ đầu của lịch sử Tỳ khưu ni. Cách này có thể đã được sử dụng trong một thời gian trước khi lễ thọ giới kép được chế ra, ngay sau đó nó đã bị gián đoạn để thay thế bằng lễ truyền thọ giới pháp hai lần (kép). Tuy nhiên, vì sự cho phép của Đức phật đến Tỳ khưu rằng họ được phép cho xuất gia tỳ khưu ni vẫn chưa bị hủy bỏ, chủ trương theo phương pháp này cho rằng nó có thể tiến hành thêm một lần nữa khi mà Tỳ khưu ni không còn tồn tại. Trên quan điểm này, trình tự chư tỳ khưu tiến hành lễ truyền thọ giới pháp cho ni, như lời chỉ dạy của Phật, đã tạo ra một Hội chúng ni hoạt động và phát triển độc lập cho sự phục hồi lại Hội chúng ni đã chết. Sự thừa nhận ban đầu có thể được xem như một tiền lệ có hiệu lực: cũng như, trong quá khứ, sự thừa nhận đó đã được chấp nhận như một phương tiện để hoàn thành ý nguyện của Đức Phật trong việc tạo ra một Hội chúng ni, vậy trong hiện tại sự thừa nhận đó lại một lần nữa được dùng để làm mới lại di sản tỳ khưu ni sau khi nó đã bị gián đoạn một thời gian khá dài.

Con đường khác để tái lập lại Hội chúng ni Nguyên thủy là tiến hành lễ thọ giới kép bằng cách phối hợp giữa chư Tăng Theravāda và chư Ni từ các nước Á Đông. Phương pháp này là cách đã được ưng thuận, có thể được kết hợp với một Tăng đoàn Nguyên thủy trong 2 bước liên tiếp. Đây là tiến trình của lễ truyền thọ giới pháp hoành tráng diễn ra tại Bồ Đề Đạo Tràng vào tháng Hai năm 1998, được tổ chức dưới sự đỡ đầu của Phật Quang Sơn, và nó có những thuận lợi đáng kể.

Hội chúng tỳ kheo ni

Lễ truyền thọ giới pháp hoành tráng này tập hợp Chư Tăng từ nhiều truyền thống khác nhau – Đại thừa của Trung quốc, Nguyên thủy và Tây tạng – cùng với các Tỳ khưu ni Đài loan và Tây phương để tạo ra lễ thọ giới kép theo truyền thống Trung quốc. Những người phụ nữ được thọ giới bao gồm các cô 10 giới từ Sri Lanka, Nepal, và một số người Tây phương theo Đạo Phật Tây tạng. Người ta có thể nghĩ rằng đây là một lễ Đại thừa mà nó làm cho các cô ni đó trở thành Chư Ni đại thừa, nhưng đây là một sự hiểu lầm. Trong lúc Chư Tăng và Ni của Đại thừa thực hành theo truyền thống phát triển nhưng họ vẫn tuân theo một bộ luật mà nó có nguồn gốc rất sớm, một chi nhánh của phái truyền thừa Dharmaguptakas rất gần với Nguyên Thủy hay Nam truyền vì cùng xuất phát từ phái Vibhajjavāda. Họ thực sự là chi nhánh Tây – Bắc của Ấn độ, một bản sao của Theravāda, với một hệ thống kinh điển, và Luận (Abhidharma), đặc biệt Tạng Luật phần lớn là giống nhau[xxv]. Như vậy Lễ Đại giới (Upasampadā) được truyền bởi Chư Tăng Trung quốc tại Bồ Đề Đạo Tràng trao cho các cô ni giới pháp theo tông phái Pháp Tạng, và theo thuật ngữ luật học, họ là các Tỳ kheo ni của phái Pháp tạng[xxvi].

Tuy nhiên, các Tỳ khưu ni từ Sri Lanka muốn trở thành những người thừa kế chính thống của truyền thống giới luật của Theravāda và có thể được chấp nhận bởi chư Tăng ở Sri Lanka. Những vị Tăng ủng hộ lễ thọ giới của họ cũng hiểu rằng nếu các vị Ni đó trở lại Sri Lanka chỉ với giới pháp thọ nhận từ các vị thầy truyền giới Đại Hàn hay Đài Loan, những người thực hành pháp Nguyên thủy ở Sri Lanka sẽ không chấp nhận họ vì nghĩ rằng lễ thọ giới của họ là của truyền thống Đại thừa. Để ngăn ngừa điều này, không lâu sau lễ thọ giới ở Bồ Đề Đạo Tràng, các vị ni đó đã đến Sarnath (vườn Lộc uyển, nơi Phật lần đầu tiên thuyết pháp đến 5 vị tu khổ hạnh), nơi họ được Chư Tăng Sri Lanka truyền giới (Upasampadā) lại theo truyền thống Nguyên thủy bằng ngôn ngữ Pāli. Lễ thọ giới này không phủ nhận lễ thọ giới kép trước đó bởi các Tăng- Ni người Tàu, mà nó mở ra một hướng đi mới. Trong lúc vẫn công nhận lễ thọ giới trước từ chư Tăng –Ni các truyền thống khác, chư tăng Sri Lanka chấp nhận họ vào Tăng đoàn Nguyên thủy và trao truyền cho họ sự chấp thuận rằng họ được thực hành theo giới luật Nguyên thủy và được tham dự Tăng sự (Saṅhakamma), những thủ tục đúng luật của tăng đoàn, với các vị huynh đệ của họ ở Sri Lanka.

Trong khi lễ truyền thọ giới kép nên được thịnh hành bất cứ lúc nào điều kiện cho phép, một trường hợp- phải công nhận là, yếu thế — vẫn có thể được làm cho hợp lý bởi chỉ có Tăng đoàn Nguyên thủy truyền giới. Mặc dù chúng ta nói đến “Tăng đoàn” và “Hội chúng ni”, khi một giới tử tìm đến giáo pháp, người đó chỉ thực sự muốn được chấp nhận vào trong Hội chúng (Saṅgha). Đây là lý do vì sao, suốt thời kỳ lịch sử sớm nhất của Hội chúng ni (Bhikkhuni Saṅgha), Đức Phật đã có thể cho phép Tăng đoàn truyền giới cho giới tử ni. Bằng việc cho họ thọ lãnh đầy đủ giới pháp, việc mà Chư Tăng làm là chấp nhận họ vào trong Hội chúng. Bởi lý do họ là là phụ nữ, do đó họ trở nên thành viên của Hội chúng ni.

Theo Tiểu Phẩm (Cūlavagga), lễ thọ giới thứ nhất bởi Hội chúng ni sở dĩ có là vì giới tử cần được hướng dẫn và trả lời những câu hỏi liên quan đến những chướng ngại cho việc xuất gia tỳ khưu ni, trong đó có những vấn đề liên quan đến giới tính. Khi Chư Tăng hỏi nữ giới tử về những vấn đề đó, họ cảm thấy quá xấu hổ để trả lời. Để tránh sự bế tắc này, Đức Phật đã đề nghị nên có một lễ thọ giới thứ nhất do chư Ni phụ trách, họ là những người nên hỏi những câu hỏi về giới tính, bệnh liên quan đến phụ nữ, v.v, làm minh bạch về cô ta, cho cô ta được thọ giới lần thứ nhất, và đưa cô ta đến Chư Tăng để được thọ giới lại một lần nữa[xxvii]. Trong sự sắp xếp này, nó vẫn là Tăng đoàn – phía có quyền quyết định tối hậu về sự hợp thức của lễ thọ giới. Yếu tố thống nhất đằng sau mọi Bát kỉnh pháp là sự cho phép Tăng đoàn có quyền ưu tiên chính thức trong những công việc hội chúng (Saṅgha) cho Tỳ khưu, và chúng ta có thể suy luận rằng tiêu điểm của Bát kỉnh pháp thứ sáu, nguyên tắc một Thức xoa ma na phải thọ giới pháp để trở thành tỳ khưu ni từ hai hội chúng, là bảo đảm rằng cô ta phải đạt đuợc nó từ Tăng chúng.

Do vậy chúng ta có thể tuyên bố rằng có cơ sở để diễn dịch rằng điều luật thứ sáu của Bát kỉnh pháp hàm ý rằng trong những hoàn cảnh đặc biệt, Upasampadā truyền thọ từ Tăng đoàn mà thôi (cũng) là hiệu lực. Chúng ta cũng sẵn sàng suy ra rằng trong những hoàn cảnh ngoại lệ khi mà một Ni đoàn Nguyên thủy đã biến mất, Chư Tăng Nguyên thủy được phép lấy quyền đầu tiên như trường hợp ban đầu khi mà chưa có hội chúng ni, và làm hồi sinh sự cho phép của Phật rằng tự họ có quyền cho phụ nữ xuất gia với đầy đủ giới pháp. Tôi phải nhấn mạnh rằng đây là một cách lý giải giới luật, một cách lý giải thông thoáng, và nó còn lâu mới là điều bắt buộc. Nhưng trong lúc các nhà tuân thủ luật triệt để có thể e dè về cách diễn dịch nguyên văn như kiểu này, chúng ta nên hỏi họ hãy suy tư xem có phải quan điểm của họ là có gốc rễ trong nguyên văn kinh điển hay là cách diễn dịch theo truyền thống. Nếu thái độ của chúng ta là cởi mở và mềm dẻo, có vẻ như không có lý do gì để từ chối rằng dưới những điều kiện bức xúc, một lễ thọ giới tỳ khưu ni do chỉ Chư tỳ khưu truyền giới, được dùng như là để hòa hợp với ý định của Phật, là đáng làm, có thể đưa người phụ nữ lên địa vị một Tỳ khưu ni.

Hơn nữa, nếu chúng ta chú ý sâu hơn vào cách dùng từ của Tạng Luật liên quan đến lễ truyền thọ giới pháp Tỳ khưu ni,[xxviii] chúng ta có thể thấy rằng nguyên văn Luật tạng không khóa (và) đóng dấu nghi lễ này trong một hình thức không thể chuyển đổi với các lệnh không thể phá vỡ: “Ngươi phải làm như thế này, và không bao giờ được làm cách khác”. Trong thực tế, tính theo ngữ pháp, kinh văn Pāli sử dụng, không phải là thể mệnh lệnh độc đoán, mà là thể động danh từ mềm mỏng hay động tính từ thể mong mỏi, “Nó nên được làm như vầy”. Nhưng đặt qua một bên ngữ pháp, kinh văn chỉ đơn giản mô tả cách bình thường và tự nhiên nhất để tiến hành một lễ truyền thọ giới pháp khi đang có tất cả các điều kiện cần thiết. Không có điểm nào trong chính kinh văn, hoặc một nơi nào khác trong Luật Tạng Pāli đặt ra một điều luật khẳng định rõ ràng rằng, trong trường hợp Ni đoàn Tỳ khưu ni bị diệt vong, Chư Tăng bị cấm không được trở lại tiến hành làm lễ xuất gia cho phụ nữ và truyền giới đầy đủ cho ni để phục hồi lại Ni đoàn.

Đối với tôi đây có vẻ là một điểm then chốt: nếu như chỉ có một sự ngăn ngừa rõ ràng như vậy chúng ta có thể chính đáng nói rằng Chư Tăng đã bước quá giới hạn của pháp luật trong việc tiến hành một lễ truyền thọ giới như vậy. Trong khi không có một sắc lệnh như vậy trong kinh văn của Tạng luật và chú giải của nó, sự phán quyết rằng một lễ thọ giới cho Ni bởi chư Tăng là phạm luật thì chỉ là một sự diễn giải. Tại thời điểm hiện tại, nó có thể là một sự diễn giải có ưu thế; nó có thể là một sự diễn giải bị đè nặng bởi truyền thống.  Nhưng vẫn chỉ là một sự diễn giải, và chúng ta có thể đánh dấu hỏi là liệu nó có phải là một thước đo không cần phải kiểm nghiệm hay không. Chính tôi muốn hỏi có phải nó là sự diễn giải thể hiện đúng ý định của Bậc giác ngộ cho các tỳ khưu rằng họ nên hành động như thế nào trong bối cảnh đặc biệt như thời đại của chúng ta ngày nay khi mà quyền bình đẳng nam nữ đóng một vai trò rất lớn trong đời sống thế tục, và nó cũng là một giá trị mà người ta mong mỏi trong đời sống tôn giáo. Tôi muốn hỏi rằng nó là sự diễn giải mà chúng ta nên giữ hay không khi làm như vậy nó sẽ: “làm cho những ai không có tín tâm không thể sinh khởi tín tâm, những ai đã có tín tâm nghi ngờ niềm tin của mình”. Có lẽ, thay vì đầu hàng vô điều kiện rằng Tỳ khưu ni Nguyên Thủy đã vĩnh viễn biến mất, chúng ta nên thừa nhận rằng Chư Tăng Nguyên Thủy có quyền, ngay cả trách nhiệm, diễn dịch giới luật qui định việc truyền thọ giới pháp cho ni theo cách mềm mỏng và không thành kiến cần thiết để đưa đoàn thể chị em (Ni đoàn) trở lại đời sống.

Đức Phật chưa bao giờ xem giới luật như một hệ thống gắn chặt bất di bất dịch trong đá, dứt khoát từ chối các hình thức giải thích để phù hợp hơn với nhu cầu hiện tại. Trước khi nhập Niết bàn, ngài dạy chư tăng bốn nguyên tắc để giải quyết các trường hợp mới mẻ chưa được đề cập đến trong giới luật mà chư tăng có thể gặp sau khi ngài nhập niết bàn. Chúng được gọi là bốn sự chỉ dẫn lớn (mahāpadesā),[xxix] cụ thể là:

  1. Nếu điều gì đó chưa bị khước từ bởi Như Lai bằng lời nói “Đây là điều không cho phép”, nếu nó phù hợp với những gì đã được và nằm ngoài những gì đã được, điều đó là không được đối với các ông.
  • Nếu điều gì đó chưa bị khước từ bởi Như Lai bằng lời nói “Đây là điều không cho phép”, nếu nó phù hợp với những gì đã được và nằm ngoài những gì đã không được, điều đó là được đối với các ông.

  • Nếu điều gì đó chưa được phê chuẩn bởi Như Lai bằng lời nói “Đây là điều cho phép”, nếu nó phù hợp với những gì đã không được và nằm ngoài những gì đã được, điều đó là không được cho phép đối với các ông.

  • Nếu điều gì đó chưa được phê chuẩn bởi Như Lai bằng lời nói “Đây là điều cho phép”, nếu nó phù hợp với những gì đã được và nằm ngoài những gì đã không được, điều đó là được cho phép đối với các ông.[xxx]

  • Áp dụng những nguyên tắc hướng dẫn trên đối với vấn đề Chư Tăng có quyền phục hồi lại Ni đoàn hay không (một trong hai cách đã thảo luận hay sự kết hợp cả hai), chúng ta có thể thấy rằng làm như vậy là “theo với những gì đã được cho phép” và không nằm ngoài bất cứ điều gì khác đã được cho phép. Như vậy đây là điều rõ ràng nằm trong điều khoản (2) và (4).

    Nó có thể là một điều đáng ngạc nhiên để biết rằng sự phục hồi của Ni đoàn đã được chủ trương hơn nửa thế kỷ trước bởi một quyền lực đặc sắc trong một quốc gia bảo thủ nhất của Phật giáo Nguyên thủy là Burma (Myanmar). Người mà tôi nói đến đây chính là Mingun Jetavan Sayadaw, vị thiền sư là thầy của các vị nổi tiếng Mahāsi Sayadaw và Taugpulu Sayadaw. Ngài Jetavan Sayadaw đã viết, trong ngôn ngữ Pāli, một cuốn chú giải cho Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha) trong đó ngài đưa ra những ý kiến ủng hộ cho việc phục hồi lại Ni đoàn. Tôi đã dịch phần này ra Tiếng Anh và cho vào đây như phần phụ lục[xxxi] của bài khảo luận này. Viết trên trái tim của mảnh đất bảo tồn truyền thống Nguyên thủy vào năm 1949, Jetavan Sayadaw không chút sợ hãi xác nhận rằng Chư Tăng có quyền khôi phục lại một ni đoàn đã bị triệt tiêu. Ngài cho rằng hình thức lễ thọ giới kép đã được đặt ra là có ý định áp dụng cho chỉ khi có một Ni đoàn đang tồn tại và sự cho phép của Đức Phật đối với Tỳ khưu rằng họ được phép truyền giới cho Ni hữu dụng trở lại bất cứ lúc nào trong lịch Phật giáo mà Ni đoàn bị diệt vong. Tôi thì không hoàn toàn đồng ý với luận ý của Sayadaw, cụ thể là với luận điểm rằng Đức Phật đã thấy trước bằng trí tuệ toàn giác rằng trong tương lai Ni đoàn sẽ bị diệt vong và có tác ý với sự cho phép tỳ khưu truyền giới cho ni như một phương cách cứu vãn. Tôi thấy sự cho phép của Phật trong bối cảnh lịch sử như một cách xử lý được tạo ra để đáp ứng với vấn đề vừa sinh khởi trong thời gian Phật còn tại thế; nhưng tôi cũng xem nó là một phương sách mà chúng ta có thể sử dụng trở lại như một thủ tục để hợp thức cho việc giải quyết vấn đề của chúng ta ngày nay. Tuy nhiên tôi tin rằng bài khảo luận của Jetavan Sayadaw là một sự nhắc nhở làm tỉnh thức rằng một dòng chảy của tư tưởng đồng cảm đối với việc phục hồi lại Hội chúng Tỳ khưu ni đã có thể xuyên suốt trong thế giới Đạo Phật Nguyên thủy ngay cả 60 năm về trước. Hơn nữa chúng ta có thể thấy vấn đề phục hồi Ni đoàn đã là một đề mục thảo luận nóng hổi vào thời của Sayadaw, và nó cũng gần như rằng một thái độ tích cực đối với vấn đề này đã được chia sẻ bởi một mảng khá lớn của Tăng đoàn Miến Điện (Burma).

    Tuy rằng bây giờ Ni đoàn nguyên thủy đã có mặt ở Sri Lanka, câu hỏi làm thế nào để phục hồi nó thì không cần thiết nữa. Bất cứ phụ nữ nào muốn xuất gia Tỳ khưu ni trong truyền thống Nguyên thủy đều có thể đến Sri Lanka để thọ lãnh đầy đủ giới pháp. Tất nhiên, người đó đầu tiên phải có đầy đủ các điều kiện cần thiết, và trong quan điểm của tôi, nó là cần thiết khôi phục lại giai đoạn huấn luyện Thức xoa (Sikkhamānā) như một điều kiện cần cho việc thọ giới Tỳ khưu ni.

    Sikkhamānā

    Kế tiếp tôi bàn về giai đoạn huấn luyện Thức xoa (Sikkhamānā). Trong phần đầu của bài này tôi đã đưa ra một tranh luận đôi khi được đặt ra bởi các vị lý luận theo luật truyền thống. Tóm tắt lại: giai đoạn huấn luyện Thức xoa là một điều kiện không thể thiếu cho sự hợp pháp thọ giới tỳ khưu ni. Sự cho phép thực hành giai đoạn huấn luyện này, và sự khẳng định rằng giới tử đã hoàn thành nó, cả hai đều phải được hội ý bởi Hội chúng Tỳ khưu ni. Trong sự vắng bóng của một Ni đoàn Nguyên thủy, giai đoạn này không thể được cho phép và được khẳng định là đã hoàn thành. Sự truyền thọ giới pháp đầy đủ cho một phụ nữ chưa qua giai đoạn này là không thành tựu. Do vậy, không có tỳ khưu ni đúng pháp, và sự phục hồi ni đoàn là điều không thể.

    Tôi muốn xem vấn đề này một cách gần hơn, vì nếu luận điểm này là đúng, điều này có nghĩa rằng tất cả Upasampadā cho các phụ nữ trong mọi truyền thống mà giới tử chưa qua giai đoạn huấn luyện Thức xoa đều không hợp lệ. Vấn đề mà chúng ta đang bàn đến là như sau: Có phải việc đặt ra địa vị Thức xoa là điều kiện tối cần thiết cho một sự hợp thức Upasampadā? Lễ truyền thụ đầy đủ giới pháp cho một Sa di ni người chưa qua giai đoạn huấn luyện Thức xoa một cách đúng lễ nghi có ổn không? Nó là hợp pháp hay không hợp pháp?

    Đầu tiên chúng ta hãy thấy rõ rằng giới luật đòi hỏi nữ giới tử phải thực hành giai đoạn huấn luyện Thức xoa trước khi thọ đại giới. Đây là một trong 8 Bát Kỉnh Pháp. Chính dựa vào căn cứ này, các nhà lập luận tuân thủ luật duy trì rằng lễ truyền thụ đại giới chỉ thành tựu khi giới tử đã qua hai năm huấn luyện thức xoa. Tuy nhiên, ở đây chúng ta bàn đến không phải là chế định đặt ra trong nguyên tác, mà là với câu hỏi của sự nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ.

    Những trường hợp khác nhau được liệt kê trong phần chế định luật đi kèm với Luật Tạng trong phần giới Ưng sám hối 63-64 (Pacittiya) cho thấy rằng các giới tử thọ đại giới chưa qua huấn luyện Thức xoa, mặc dù đi ngược với tác ý của Luật lệ, vẫn thành tựu. Theo các luật lệ đó, người thầy truyền giới cho trường hợp như vậy bị phạm một tội Ưng sám hối, còn các vị khác chứng minh giới đàn phạm tội tác ác (dukaṭa), nhưng lễ truyền thọ giới vẫn thành tựu và giới tử vẫn trở thành Tỳ khưu ni. Giới Ưng sám hối 63 của Tỳ khưu ni viết: “Nếu một Tỳ khưu ni truyền đại giới cho một giới tử – người chưa qua 2 năm học tập trong sáu pháp, vị dó phạm vào tội Ưng sám hối.”[xxxii] Phần các trường hợp khác nhau đề cập đến:

    Khi vụ việc là hợp pháp, vị Ni truyền giới nghĩ rằng đó là hợp lệ: phạm một tội Ưng sám hối. Khi vụ việc là hợp pháp, vị Ni truyền giới nghi ngờ (không biết nó có đúng luật không): phạm một tội Ưng sám hối. Khi vụ việc là hợp pháp, vị Ni truyền giới nghĩ rằng nó là không hợp pháp: phạm một tội Ưng sám hối.[xxxiii]

    Theo sự tuyên bố này, vị giáo thọ sư phạm một tội Ưng sám hối (Pācittiya) nếu vị đó truyền giới cho giới tử chưa qua hai năm học tập sáu pháp của Thức xoa khi tiến trình là hợp pháp: vị đó nghĩ nó là hợp pháp, …có nghi ngờ, …nghĩ nó là không hợp pháp. Nếu, tiến trình là không hợp pháp, vị đó chỉ phạm tội tác ác, ngay cả khi vị đó nghĩ nó là không hợp lệ. Thật thú vị, trong việc miêu tả các trường hợp bất hợp pháp đó, luật tạng bỏ quên từ vuṭṭhāpeti (được nâng lên, khiến cho trưởng thành), chú thích nó bằng ngôn từ trong chú giải là upasampādeti, “lãnh giới pháp đầy đủ”; trong những trường hợp này, mặc dù các vị tham dự “đi qua các thông bạch” của việc truyền giới pháp đầy đủ, một cách kỹ thuật không có một tiến trình của việc thọ giới được thực hiện.

    Đến đây, bởi vì trong ba trường hợp sai biệt, tiến trình được miêu tả như ‘hợp pháp’ (dhammakamma), điều này hàm ý rằng trong quan điểm của những nhà kết tập Luật Tạng thì lễ đại giới tự nó có giá trị và giới tử thì đã được thọ giới đúng pháp. Bởi vì Bát Kỉnh Pháp thứ sáu và Ưng sám hối (Pācittiya 63), là buộc vào cho giáo thọ sư vì vị này đã không tuân thủ luật; nhưng không tuân thủ, nó có vẻ như không phủ nhận tính hợp pháp của lễ thọ giới. Chúng ta cũng thấy các trường hợp sai biệt giống như vậy tại bhikkhuni pācittiya 64, điều qui định rằng vị Tỳ khưu ni nào truyền giới cho giới tử – người chưa được sự chấp nhận của Ni chúng thì phạm một tội Ưng đối trị; hàm ý là tương tự. Phải công nhận rằng ở đây có một sự căng thẳng bên trong giữa (i) sự qui định rằng giới tử phải qua 2 năm học pháp Thức xoa và có được sự đồng ý của hội chúng ni trước khi cô ta được hợp pháp nhận upasampadā, và (ii) sự kiện rằng lễ thọ giới vẫn được xem là một ‘hành động đúng pháp’ (dhammakamma) khi nó được truyền cho một giới tử không có đủ các tiêu chuẩn trên. Nhưng xem ra rằng không qua hai năm học pháp không làm cho lễ thọ đại giới bị mất hiệu lực. Trong lúc đó, ngược lại, Bhikkhuni pācittiya 65 lại đặt ra một tội Ưng sám hối đến giáo thọ sư người làm lễ xuất gia đại giới cho nữ giới tử gihigatā, một phụ nữ trẻ dưới 12 tuổi đã từng có chồng (vì ở Ấn độ có phong tục tảo hôn -ND) không có những sự dị biệt trong danh nghĩa của ‘đúng pháp’, vv kèm theo nó. Tương tự như vậy cho Bhikkhuni pācittiya 71, điều qui định giống như lễ thọ giới cho kumāribhūtā, một trinh nữ đưới 20 tuổi. Trong trường hợp này cũng vậy, không có các trường hợp dị biệt được bày tỏ trong thuật ngữ của ‘hành động đúng pháp’ được nhận thức hay không hay ngi ngờ, vì lễ thọ đại giới cho một thiếu nữ dưới 20 tuổi là không có giá trị.

    Tôi đưa ra những trường hợp trên vì chúng cho thấy rằng luật không xem một lễ thọ đại giới mà không tuân thủ hoàn toàn các thể lệ đặt ra trong Bát Kỉnh Pháp và ngay cả trong sườn của Phân tích kinh văn (Suttavibhaṅga) –  đó là giới tử người được nhận lãnh giới pháp đầy đủ mà không qua giai đoạn học pháp Thức Xoa vẫn thành tựu chừng nào mà các tiêu chuẩn thiết yếu khác được thỏa mãn. Làm sao để điều này là có thể dưới một hệ thống truyền thống đào tạo Tỳ khưu ni thì khó mà tưởng tượng được, nhưng trên mặt lý thuyết sự khả thi là có thể thấy được. Khác hơn việc tuyên bố lễ thọ giới như vậy là không hiệu lực và vô nghĩa, phần phân tích kinh văn cho phép nó đứng vững, trong lúc đặt ra một qui chế phạm tội cho vị thầy truyền giới và các vị tham gia giới đàn.

    Đây là một ví dụ có thể lấy ra như là tương tự với trường hợp lễ thọ giới kép mà trong đó các tỳ khưu ni giáo thọ sư là từ một truyền thống khác cộng tác với Theravāda tỳ khưu truyền giới. Mặc dù giới đàn không thỏa mãn đầy đủ mọi tiêu chuẩn hoàn hảo đúng pháp, người ta nên bằng lòng rằng bởi vì nó thuận với các chuẩn mực căn bản qui định trong kinh văn, nó nên được công nhận là có hiệu lực.

    Chúng ta hãy trở lại với vấn đề chính. Bởi lẽ sự đồng ý cho phép thực hành học pháp Thức xoa là từ Hội chúng (Saṅgha), trong sự vắng mặt của Hội chúng ni, người ta có thể nghĩ rằng phận sự này nên được hoàn thành bởi Hội chúng tăng. Điều này có vẻ kỳ cục, nhưng trong chính Luật tạng chúng ta tìm thấy đoạn kinh văn mà nó gợi ý rằng có lúc nào đó khi mà Luật vẫn đang trong giai đoạn hình thành, rời xa tiêu chuẩn thực hành Thức xoa là được công nhận. Trong Mahāvagga’s Vasūpanāyikakkhandha, Chương nói về “Việc nhập Hạ”, có một đoạn nói rằng Đức Phật cho phép vị tỳ khưu rời nơi nhập hạ theo yêu cầu của một vị Sa di ni –người muốn được thọ học pháp Thức xoa. Đoạn kinh văn đó như sau:

    Nhưng tại đây, chư tỳ khưu, có một Sa di ni muốn được học tập pháp (của Thức xoa). Nếu cô ta gửi lời yêu cầu đến Chư tăng nói rằng: “Con muốn được thọ giới Thức xoa. Mong quí thầy hãy đến. Con kính thỉnh quí thầy hoan hỉ đến (truyền giới),” các ông nên đi, tỳ khưu, đối với một vấn đề có thể làm trong vòng 7 ngày ngay cả khi không được mời, càng phải làm nếu được thỉnh mời, suy nghĩ: “Tôi sẽ nhiệt tình giúp cô ta trong việc thực hành giới pháp” (trở thành vị Thức xoa). Các ông nên trở lại trú xứ trước 7 ngày.[xxxiv]

    Chú giải của Tạng Luật, Sanantapāsādikā, giải nghĩa nói đến các trường hợp một vị tỳ khưu có thể rời trú xá trong mùa An Cư vì những lý do chính đáng khác nhau. Với lý do trích dẫn trên đây, Chú giải viết:

    Một vị tỳ khưu có thể đi thăm một Sa di ni, với ý định truyền giới thức xoa (sikkhāpadaṃ dātukāmo) cho cô ta. Cùng với những lý do khác (nghĩa là cô ta bệnh, muốn hoàn tục, đang có chuyện lo lắng bất an, đang mang tà kiến), đó là 5 lý do (với mục đích để một tỳ khưu có thể rời nơi an cư trong mùa kiết hạ)[xxxv].

    Chú giải có vẻ như “làm bình thường’ đoạn kinh văn bằng cách chỉ định vị tỳ khưu trách nhiệm sách tấn Sa di ni trong giới pháp mà họ đang huấn luyện, nhưng nguyên văn kinh điển, ngược lại, có vẻ như qui định cho vị tỳ khưu trách nhiệm truyền giới Thức xoa cho Sa di ni, một công việc mà thông thường được chỉ định cho Hội chúng ni mà thôi. Có thể nào chúng ta không thấy trong đoạn kinh văn này một sự gợi ý nhẹ nhàng rằng dưới những hoàn cảnh không bình thường, quả thật Hội chúng tăng có thể truyền giới Thức xoa cho Sa di ni – người mong muốn trở thành Tỳ khưu ni? Nó có thể là một Đại trưởng lão đủ tư cách để ban “Đạo từ” (Ovāda) cho các Tỳ khưu ni –những người được xem như thích hợp để giữ vai trò giáo thọ sư cho một Thức xoa. Dẫu vậy, cách tốt nhất đối với giới tử ni vẫn là tìm một cơ hội nơi cô ta có thể thọ nhận học pháp với sự cho phép được huấn luyện như một Thức xoa từ Hội chúng ni và thực sự học tập dưới sự hướng dẫn của họ đúng 2 năm, cho đến khi cô ta đủ tiêu chuẩn để thọ nhận giới pháp đầy đủ.

    Pabbajjā

    Cuối cùng chúng ta trở lại với vấn đề Xuất gia. Những vị bảo thủ cho rằng chỉ có Tỳ khưu ni mới được cho phép phụ nữ muốn xuất gia được xuất gia Sa di ni. Tuy nhiên, chúng ta nên ghi nhận rằng không có điều kiện nào trong Luật tạng thẳng thắn ngăn cản một Tỳ khưu cho phụ nữ xuất gia. Làm điều đó chắc chắn là ngược lại với điều đã được thiết lập từ trước, nhưng chúng ta phải rất cẩn thận để không chuyển điều đã được thiết lập từ trước thành ra một thông lệ không thể bị phá vỡ, điều mà, có lẽ là đã và đang xẩy ra ở các nước theo Phật giáo Nguyên Thủy hiện nay. Khi Đại sử ký (Mahāvamsa) đặt ra là trưởng lão Mahinda tuyên bố với vua Devanampiyatisa, “Chúng tôi không được phép, thưa Đại vương, làm lễ xuất gia cho phụ nữ,” chúng ta nên nhớ rằng trưởng lão Mahinda nói như vậy dưới một hoàn cảnh bình thường, khi mà một Hội chúng ni đang tồn tại. Do đó trưởng lão đã yêu cầu nhà vua mời em gái mình là trưởng lão ni Saṅghamitta đến Sri lanka để làm lễ xuất gia cho những phụ nữ trong hoàng cung. Lời nói của trưởng lão không nên xem như một luật lệ bắt buộc trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta cũng nên nhớ rằng Mahāvamsa thì không phải là kinh điển, cũng không phải là chú giải của Luật tạng, nó chỉ là cuốn sử ký có phần nào huyền sử của Phật giáo Sri Lanka. Không có chỗ nào trong kinh văn Luật tạng cũng như trong chú giải được thừa nhận của Luật tạng nói rõ là không cho phép một Tỳ khưu làm lễ xuất gia cho phụ nữ. Làm như vậy chắc là một sự lựa chọn kém mong muốn hơn, nhưng trong vị thế giả định khi mà một Hội chúng ni Nguyên thủy không tồn tại hay chỉ tồn tại trong những nơi xa xôi nào đó, điều này có vẻ là biện hộ được cho một trường hợp ra khỏi luật lệ thông thường.

    Điều cuối cùng phải đối diện mà tôi chỉ có thể động chạm đến, liên quan đến phương sách thực hiện đầy đủ một sự phục hồi Hội chúng ni. Nói riêng, chúng ta phải giải quyết câu hỏi: “Một hội chúng riêng rẽ có nên bắt đầu cho phụ nữ xuất gia Tỳ khưu ni một cách độc lập, hay họ nên cố gắng xin phép sự ưng thuận của các bậc trưởng thượng trong hệ thống Tăng già trước?” Đây là một câu hỏi cực kỳ tế nhị mà nó có thể đưa thẳng đến tâm điểm của đời sống cộng đồng tu hành. Nó cũng là một câu hỏi mà phần nào lỗi thời vì lễ thọ giới tỳ khưu ni đã được tiến hành (trong những năm qua). Nhưng tôi vẫn nghĩ là nó hữu ích để chúng ta nghĩ lại trên sự suy tư này để chắc chắn rằng một một Hội chúng ni sẽ phát triển lành mạnh và hài hòa thống nhất với Hội chúng tăng.

    Chính câu hỏi này làm sinh ra các câu hỏi khác, hầu như không thể trả lời được, về việc chính xác từ đâu trong truyền thống Tăng già Nguyên thủy quyền lực bắt đầu và nó hữu hiệu đến chừng mực nào. Cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách đạt được sự đồng thuận giữa Chư tăng khắp nơi trên thế giới nguyên thủy quả là bất khả thi, và nó cũng không thể nào tổ chức một cuộc bầu cử quốc tế giữa các Tỳ khưu Theravāda. Một hội nghị của các vị trưởng lão nổi bật từ các nước Theravāda dẫn đầu có thể gần như chắc chắn là đại diện cho quan điểm mà tôi cho là tuân thủ luật một cách bảo thủ, và họ có thể lại đưa ra quyết định rằng lễ truyền thọ giới Tỳ khưu ni là không thể nào đạt được. Bởi vì họ thì không phải là quyền lực được chính thức ủy nhiệm, nó sẽ trở thành một câu hỏi mở là nên hay không toàn bộ Tăng già Nguyên thủy cần phải tuân thủ sắc lệnh của họ, đặc biệt là nếu họ ra quyết định mà không cho phép những người đề xướng việc tái lập Ni đoàn một cơ hội nào để bày tỏ ý kiến của mình. Trong ý kiến của tôi, những vị tỳ khưu – người thuộc về một hệ thống tăng viện hay hệ phái nên cố gắng đạt được sự đồng thuận trên vấn đề này trong cộng đồng của họ. Thực ra chỉ sau khi một nỗ lực nghiêm túc và lâu dài để thuyết phục bị thất bại thì các vị muốn tái thiết Ni đoàn mới nên tính đến việc tổ chức lễ truyền thọ giới pháp tỳ khưu ni mà không cần sự đồng thuận đó.

    Mặc dù có thể không có tổ chức nào được gọi là Tăng Đoàn Quốc tế Thống nhất Nguyên thủy, tôi cho rằng mỗi một nhà sư có trách nhiệm hành động đúng với lương tâm như là có một Tăng đoàn thống nhất như vậy; các quyết định và hành động của mỗi nhà sư nên được hướng dẫn bởi lý tưởng vì sự phát triển tốt đẹp của một Tăng đoàn thống nhất, cho dù tăng đoàn này chỉ tồn tại trong tâm tưởng. Trên nền tảng này, tôi sẽ phải nói rằng khi một nhóm tỳ khưu quyết định rằng sẽ truyền giới tỳ khưu ni mà không có sự đồng ý của người lãnh đạo Tăng đoàn mà họ tùy thuộc vào, hay không nhận được sự nhất trí của phần lớn các tỳ khưu huynh đệ, họ mạo hiểm tạo ra một sự chia rẽ trong tăng đoàn. Trong lúc họ chắc chắn là không cố ý một cách độc ác tạo ra sự chia rẽ tăng chúng, họ vẫn khiến cho có sự chia đôi Tăng đoàn mà các quan điểm không thể dung hòa trong vấn đề cực kỳ quan trọng là những người thuộc loại đặc biệt như vậy – cụ thể là các nữ giới tử đã qua lễ thọ giới pháp đầy đủ (Upasampadā) – có được xem là một người có địa vị xuất gia tròn đủ hay không?  Và điều này thì chắc chắn là một câu hỏi rất nghiêm trọng. Tóm lại, trên nguyên tắc, tôi tin rằng có cơ sở pháp lý cho việc truyền thụ lại lễ xuất gia đầy đủ cho ni giới trong truyền thống nguyên thủy và tôi mạnh mẽ ủng hộ việc phục hồi lại Hội chúng ni Nguyên thủy, tôi cũng cảm thấy rằng việc này nên làm một cách cẩn trọng để nó đem đến sự bền vững thống nhất của Tăng đoàn hơn là chia rẽ nó ra hai phần, một phần lớn hơn giữ lập trường rằng Ni đoàn Nguyên thủy không thể phục hồi được, và một phần nhỏ hơn công nhận sự tồn tại hợp pháp của Hội chúng Tỳ khưu ni.  Nhưng sự quan tâm này cũng nên được cân bằng với sự quan tâm rằng một cơ chế cũ được xem là để bảo vệ địa vị của người xuất gia lại cố tình ngăn cản mọi đề nghị phục hồi lại Ni đoàn, như vậy làm nản lòng mọi cố gắng để chuyển hóa. Trong trường hợp như vậy, tôi sẽ muốn có ý kiến rằng những ai muốn phục hồi lại Ni đoàn thà hành động theo lương tâm của họ hơn là tuân theo quyết định của những người có địa vị cao hơn trong Tăng đoàn. Nhưng trong khi làm như vậy họ cũng có thể cố gắng lôi kéo những người sư huynh của họ vào trong tiến trình (chuyển đổi). Ở Sri lanka, ít nhất là, thái độ của các vị trưởng lão đã thay đổi không ngờ trong suốt hơn 10 năm qua. Như vậy những người ủng hộ cho việc cho Ni thọ giới pháp đầy đủ (trở thành Tỳ khưu ni) có thể ngồi cùng các vị trưởng lão lãnh đạo tăng đoàn và kiên nhẫn hướng sự chú ý của họ vào trong tiến trình này trong một cách khiến họ ủng hộ nó mà vẫn cho phép họ giữ tư cách của mình.

    Kết Luận

    Sự biến mất của Hội chúng ni Nguyên thủy đã đưa chúng ta vào một tình thế mà giới luật không có một câu trả lời rõ ràng và như vậy một trong những vấn đề mà không có một phương cách rõ ràng. Khi chúng ta phải đối diện với một sự kiện xảy ra bất ngờ, một cách tự nhiên, những người có thẩm quyền trong giới luật có những ý kiến khác nhau về việc tiến hành như thế nào, và tất cả đều tuyên bố là theo đúng dụng ý của Luật tạng. Như tôi thấy nó, Luật tạng không thể được xem trong bất cứ một cách bó buộc nào hoặc như là một sự cho phép không điều kiện hoặc ngăn cấm sự phục hồi Ni đoàn. Nó cho những kết luận như vậy như là kết quả của sự diễn dịch mà thôi, mà sự diễn dịch lại thường thể hiện thái độ của người diễn dịch và cái khung của những giả định mà trong đó nó vận hành – là điều có ảnh hưởng nhiều như lời nói thực sự của chính văn mà họ đang diễn dịch.

    Giữa những phạm vi của những ý kiến có thể lên tiếng, hai loại diễn dịch chính là của những người thuộc bảo thủ và của những người tiến bộ. Đối với những người thuộc bảo thủ, lễ truyền thọ giới pháp tỳ khưu ni nhất thiết phải là lễ thọ giới kép và thành phần tham dự phải là Ni đoàn Nguyên thủy; bởi vì không có một ni đoàn như vậy đang tồn tại, và theo họ thì các Ni sư không phải là theo truyền thống Theravāda không thể làm phận sự đó. Ni đoàn theo truyền thống Nguyên thủy đã bị đứt đoạn không thể nào hàn gắn và không bao giờ có thể được phục hồi. Đối với những người tiến bộ thì Ni đoàn theo truyền thống Nguyên thủy có thể được phục hồi, hoặc là theo phương cách cho phép các vị Ni sư truyền giới từ các tông phái khác tham dự giới đàn với tư cách giáo thọ sư trong lễ truyền giới kép, hoặc là công nhận rằng chư tỳ khưu có quyền cho phụ nữ xuất gia tỳ khưu ni cho đến khi Ni đoàn Nguyên thủy có thể tự hoạt động được.

    Trong ý kiến của tôi, để quyết định giữa hai chủ ý trên về vấn đề của tỳ khưu ni, câu hỏi có ý nghĩa nhất trong tâm chúng ta phải là: “Đức Phật muốn các vị trưởng tử của ngài làm gì trong bối cảnh của thế kỷ 21?” Nếu Đức Từ Phụ thấy được những suy tư của chúng ta ngày hôm nay, có thể chăng ngài muốn chúng ta áp dụng luật lệ trong cách khiến cho phụ nữ bị từ chối không được thọ giới pháp đầy đủ của người xuất gia, và vì thế chúng ta cho thế giới thấy rằng đây là một tôn giáo mà chỉ có đàn ông mới được xuất gia đúng pháp? Hay là ngài muốn chúng ta áp dụng giới luật trong cách thể hiện được tính nhân ái, từ bi và cởi mở bao dung, từ đó cho người đời thấy rằng đây là một tôn giáo thực sự mang trong mình nguyên lý của công bằng và không phân biệt?

    Các câu trả lời cho những câu hỏi đó thì không có trong bất cứ kinh văn nào hay trong truyền thống nào, nhưng tôi cũng không nghĩ rằng chúng ta bị bỏ mặc cho các ý kiến chủ quan hoàn toàn. Từ kinh văn, chúng ta có thể thấy làm thế nào, trong việc lựa chọn lớn, Đức phật thể hiện cả lòng từ bi và sự nghiêm khắc trong luật lệ; chúng ta có thể thấy làm thế nào, trong việc qui định các nguyên tắc xử thế của Tăng đoàn, ngài quan tâm đến những mong đợi có tính xã hội và văn hóa đương thời. Trong việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề của chúng ta hôm nay, chúng ta có hai nguyên tắc chỉ đạo để theo. Một là theo đúng với tinh thần của giáo pháp – theo đúng nghĩa của từ ngữ và của tinh thần, nhưng cao hơn hết là tinh thần. Điều nữa là đáp ứng với tầm nhận thức xã hội và hiểu biết về văn hóa của loài người trong thời kỳ đặc biệt mà chúng ta đang sống, thời kỳ mà chúng ta tiến lên vận mệnh tương lai và vận mệnh của Đạo Phật trong tương lai. Nhìn vấn đề trong ánh sáng này, sự phục hồi Ni đoàn tỳ khưu ni là một điều căn bản tốt theo đúng với tinh thần cốt yếu nhất của giáo pháp. Nó giúp cho sự thực hiện hoàn mãn chính ý tưởng của Đức Phật trong thông điệp “mở cánh cửa bất tử” đến tất cả lòai nguời, phụ nữ cũng như nam giới. Cùng lúc, nhìn nó từ khung cảnh của tầm hiểu biết hiện tại, sự tồn tại của một Ni đoàn có thể hoạt động như một công cụ tốt. Nó sẽ cho phép phụ nữ đóng góp một cách có ý nghĩa và thực tiễn cho Đạo Phật trong nhiều cách như chư tăng đã làm – như pháp sư, như học giả, như thiền sư, như nhà giáo dục hay cố vấn xã hội và như người chủ lễ – và có lẽ trong một cách đặc biệt nào đó sẽ là điển hình của nữ Sa môn, ví dụ như làm cố vấn cho các vấn đề của phụ nữ và hướng dẫn nữ phật tử. Một Hội chúng ni cũng có thể đem đến cho Đạo Phật một sự kính trọng giữa những thành phần có tri thức cao của xã hội – những người xem sự không phân biệt giới tính như một dấu hiệu của một tôn giáo đáng kính hài hòa với sự hướng thượng của nền văn minh hiện tại.

    Chấm dứt bài nói chuyện của Bhikkhu Bodhi tại Hội nghị về vấn đề Vai Trò của Phụ Nữ Phật Giáo, Hamburg, Germany 2007.

     

    Tỳ kheo Bhikkhu Bodhi (PhD, Buddhology)

    Người dịch: Tỳ khưu ni Pháp Hỷ-Dhammanandā

    nguồn:http://khemarama.com

    Visits: 2246