
Sự khác biệt giữa sơ thiền đến tứ thiền sắc giới và vô sắc giới với sơ thiền đến tứ thiền lấy Niết bàn làm đối tượng
Hỏi: Trong kinh Đại Bát Niết Bàn nói rằng Đức Phật nhập xuôi và ngược từ sơ thiền đến tứ thiền rồi mới nhập Niết Bàn. Vậy sơ thiền dến tứ thiền này khác với sơ thiền đến tứ thiền sắc giới và vô sắc giới như thế nào?
Đáp: Các đề mục có tính sinh diệt trong thiền thì thiền đó được gọi là thiền Tuệ (Vipassana). Các đề mục có tính không sinh diệt thì gọi là thiền Định (samatha). Tất cả các đề mục tục đế khái niệm thì không có tính sinh diệt nên gọi là thiền định. Niết bàn là pháp chân đế vô vi nên cũng không sinh diệt. Cho nên khi lấy Niết bàn làm đối tượng hay đề mục thì hành giả cũng gọi là nhập định từ sơ thiền đến tứ thiền với Niết bàn. Việc lấy Niết bàn làm đối tượng chỉ có được với hành giả đã đạt tới một trong 4 Thánh đạo và Thánh quả (đã chứng Niết bàn).
Một số người hiểu lầm giữa sơ thiền đến tứ thiền sắc giới và vô sắc giới với sơ thiền đến tứ thiền lấy Niết bàn làm đối tượng trong kinh Đại Bát Niết Bàn. Vì quả của sơ thiến đến tứ thiền sắc giới và vô sắc giới cho tái sinh chư thiên sắc giới và vô sắc giới. Còn quả của việc nhập sơ thiền đến tứ thiền lấy Niết bàn làm đối tượng là Vô dư Niết bàn.
Để một hành giả có thể nhập sơ thiền đến tứ thiền với Niết bàn làm đối tượng bắt buộc vị ấy phải thực hành thiền Tuệ hay thiền Tứ Niệm Xứ để thấy được Niết bàn (chứng một trong bốn Thánh quả là Dự lưu, Nhất lai, Bất lai, A La Hán). Sau đó vị ấy dễ dàng nhập định ở mức thấp nhất là sơ thiền với Niết bàn làm đối tượng. Đó là lý do Đức Phật nhấn mạnh Tứ Niệm Xứ là con đường độc nhất để thấy Niết bàn chứ không có con đường thứ hai
Một số cách giải thích khác trong chú giải về “con đường độc nhất” là: con đường phải đi một mình, con đường trực tiếp, con đường thanh lọc phiền não trực tiếp, con đường chỉ duy Đức Phật thuyết…chúng ta chỉ nên tham khảo mà thôi. Đừng để các điều đó che khuất Tứ Niệm Xứ bằng một con đường nào khác, một cách nói nào khác. Vì không lời nói nào bằng lời nói của một vị Phật là Đức Phật của chúng ta.
(Thấy Biết)
You must be logged in to post a comment.