
Sự Đồng Hóa Tánh Không Của Pháp Hữu Vi Và Vô Vi (Niết Bàn) Là Một Trong Bát Nhã Tâm Kinh
[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]
Hỏi: Tôi đọc được bài kệ của vị trưởng lão đáng kính, nổi tiếng của Phật Giáo Nguyên Thủy, tôi rất bối rối khi hiểu cho đúng nghĩa bài kệ này khi gặp những câu trái ngược lại được cho là cùng một nghĩa, tức là đồng hóa là một với nhau. Xin được giải thích điều này cho bài kệ:
Vô thường vốn lẽ diệu thường
Tử sinh mới thấy tỏ tường vô sinh
Hữu vô như bóng với hình
Vô minh cùng với chữ minh một vần.
Đáp: Bạn nên gặp vị trưởng lão ấy để hỏi thì hợp lý hơn. Khi tôi đọc bài kệ đó tôi thấy bài kệ đó rất giống ý nghĩa của bài Bát Nhã Tâm Kinh của Phật Giáo Phát Triển khi đồng hóa pháp hữu vi và vô vi là một. Ở đây tôi chỉ xin phép được trao đổi về ý nghĩa của bài Bát Nhã Tâm Kinh thôi.
Bát Nhã Tâm Kinh là bài Kinh của Phật Giáo Phát Triển sau này bởi vì nó không có trong 6 lần tập kết Tam Tạng Kinh Điển của Phật Giáo hơn 2500 năm qua. Tuy nhiên bài kinh này thể hiện lý tưởng Bồ tát lấy tánh không trong pháp hữu vi sinh diệt để độ chúng sinh với quan niệm tánh không của hữu vi cũng chính là tánh không của vô vi Niết bàn. Thật ra tánh không trong hữu vi là pháp duyên sinh, lúc có lúc mất vì sự sinh diệt liên tục của các hữu vi. Còn tánh không của Niết bàn không do duyên sinh duyên diệt, nhưng vì nó có tánh Không (không sinh không diệt) nên chúng ta tưởng là giống nhau nhưng sự thật khác nhau một trời một vực.

Ảnh: Nguồn Internet
Chúng ta chép lại bài Kinh ở đây (nguồn thuvienhoasen.org):
1-Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
2-Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.
3-Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
4-Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức. Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
5-Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
6-Không có khổ, tập, diệt, đạo.
7-Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
8-Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
9-Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
10-Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối. Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú: Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha. (Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó!)
Câu 1 và 2 nói về tánh không của ngũ uẩn tức pháp hữu vi. Nhưng tánh không này chẳng thật không vì tánh có hay tánh hiện hữu của ngũ uẩn sau khi bị diệt về không thì lại ngũ uẩn khác liên tục sinh lên trong thế giới của ngũ uẩn này.
“Ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự tập khởi của thế giới, thì không chấp nhận là thế giới không hiện hữu! Nhưng này Kaccāna, ai thấy như thật với chánh trí tuệ sự đoạn diệt của thế giới, thì cũng không chấp nhận là thế giới có hiện hữu.” (Kinh Channa, Kinh Tương Ưng)
Một khi có sự hiện hữu của ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành , thức) dù ngay cả chúng có tánh không hay diệt về không thì cũng là khối khổ uẩn, vì chúng là pháp hữu vi gây ra sự sinh diệt liên tục. Chấp không của ngũ uẩn cũng là một cực đoan và chấp có của ngũ uẩn cũng là một cực đoan. Bởi dù không hay có thì chúng đều gây khổ:
‘Tất cả đều có ‘, này Kaccāna, là một cực đoan. ‘Tất cả đều không có’ là một cực đoan. Không chấp nhận hai cực đoan ấy, này Kaccāna, Như Lai thuyết pháp một cách trung đạo. Do duyên vô minh, nên hành khởi. Do duyên hành, nên thức khởi … Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn nên các hành diệt … Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. (Kinh Channa, Kinh Tương Ưng)
Như vậy nương tựa vào tánh không hay tánh có của ngũ uẩn để nói lên giải thoát hay cho đó là trạng thái vô vi Niết Bàn đều đưa đến sự cực đoan, nghĩa là không thoát khỏi khổ uẩn.
Câu 3 và 4 nói lên tánh không của pháp vô vi (Niết Bàn) vì chỉ trong pháp vô vi thì mới không có sự sinh diệt, không thêm không bớt. Và tất nhiên không thể có ngũ uẩn là pháp hữu vi trong pháp vô vi (Niết Bàn) nên đương nhiên sẽ “Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp….” vì chúng là hữu vi. Tuy nhiên ở đầu câu 3 cho rằng “tướng không của các pháp ấy” (hữu vi) không sinh không diệt là không đúng, vì nếu pháp nào không sinh không diệt thì nó là pháp vô vi (Niết Bàn), không phải là pháp hữu vi (ngũ uẩn). Đây là chỗ gây rắc rối và hiểu nhầm cho nhiều người khi kết nối giữa câu 2 và câu 3 về tánh không của pháp hữu vi (ngũ uẩn) và pháp vô vi (Niết bàn) là một.
Các câu 5,6,7 là các câu trộn lẫn giữa pháp hữu vi và vô vi, mà chúng ta cần tách bạch như sau:
“Không có vô minh” đó là tâm siêu thế (hữu vi) chứng ngộ Niết bàn và Niết bàn (vô vi).
“Không có hết vô minh.”: Là vòng luân hồi với ngũ uẩn (hữu vi)
“Không có già chết”: Là Niết bàn (vô vi)
“Không có hết già chết”: Là vòng luân hồi với ngũ uẩn (hữu vi)
“Không có khổ, tập, đạo”: Là Niết bàn (vô vi). Không có “diệt” đạo (Niết bàn): Là luân hồi với ngũ uẩn (hữu vi)
“Không có trí”: Là Niết bàn (vô vi)
“Không có đắc, vì không có sở đắc”: Cả hữu vi và vô vi (Niết bàn) vì các pháp là vô ngã.
Câu 8,9,10 là nói đến cách thức nương tựa vào tánh Không của hữu vi và vô vi để đạt tới Niết Bàn khi đồng hóa tánh không của ngũ uẩn (hữu vi) với tánh không của Niết bàn (vô vi) là một. Sự đồng hóa và nương tựa như vậy vào tánh Không và tánh Có của ngũ uẩn đều đưa đến cực đoan không thể giải thoát khỏi khổ uẩn (khổ của ngũ uẩn):
‘Tất cả đều có ‘, này Kaccāna, là một cực đoan. ‘Tất cả đều không có’ là một cực đoan. Không chấp nhận hai cực đoan ấy, này Kaccāna, Như Lai thuyết pháp một cách trung đạo. Do duyên vô minh, nên hành khởi. Do duyên hành, nên thức khởi … Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh không có dư tàn nên các hành diệt … Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này”. (Kinh Channa, Kinh Tương Ưng)
(Thấy Biết, tuniemxu.org)
You must be logged in to post a comment.