sợ hãi và bất mãn

Sợ hãi và bất mãn

sợ hãi và bất mãn

NỖI SỢ KHÔNG RỜI

Phần đông chúng ta khao khát có được một địa vị cao trong xã hội bởi vì chúng ta sợ phải là một kẻ vô danh tiểu tốt. Xã hội đã hun đúc những con người sống trong đó có thói quá tôn trọng người ở địa vị cao trong xã hội và nếu là kẻ vô danh tiểu tốt thì lại bị đá lên đá xuống!  Cho nên, mọi người trên thế giới đều muốn có địa vị, ở ngoài xã hội, ở trong gia đình, hay là ở trong lòng bàn tay của Thượng Ðế, và cái địa vị đó phải được mọi người thừa nhận, nếu không thì sẽ chẳng còn có nghĩa gì nữa . Chúng ta phải luôn luôn được ngồi trên một cái bệ! Nhưng thầm kín trong đáy lòng, chúng ta luôn luôn bị xáo trộn với những nỗi phiền muộn, khổ tâm, vì thế, nếu ra ngoài xã hội mà được trọng vọng, đối với chúng ta đã là một khích lệ lớn lao rồi . Sự thèm khát địa vị, danh vọng, uy quyền, được xã hội suy tôn, về một khía cạnh nào đó, là cái khát vọng muốn chi phối người khác. Cái khát vọng muốn chi phối người khác này chính là một hình thức xâm lấn. Bậc thánh mà muốn được tôn sùng vì cái vị trí thánh của mình thì cũng chẳng khác gì con gà năng nổ kiếm ăn ở ngoài sân cỏ mà thôi.

Vậy thì, lý do nào đã khiến cho người ta phải năng nổ, ham hố như vậy? Phải chăng là vì sợ hãi?

Sợ hãi là một trong những vấn đề lớn nhất trong đời sống. Một tâm hồn đã bị ám ảnh vì sợ hãi luôn luôn sống trong nỗi bất an, mâu thuẫn, dễ bị khích động và gây hấn. Sự sợ hãi làm cho con người không dám thay đổi lối suy nghĩ, và sinh ra thói đạo đức giả.

Chỉ cho tới khi nào chúng ta thoát ly ra khỏi nỗi sợ hãi, nếu không, dù chúng ta vượt qua được ngọn núi cao nhất, sáng tạo ra đủ loại Thần Thánh, chúng ta vẫn chỉ lầm lũi đi trong bóng tối mà thôi.

(Krishnamurti – ”Freedom from the Known” )

SỢ  LÀ  GÌ ?

Đầu tiên chúng ta hãy tự hỏi “sợ là gì” và “nỗi sợ hãi nổi lên như thế nào”?

Đối với chúng ta, bản thân từ ngữ “sợ” nghĩa là gì? Tôi đang tự hỏi “sợ là cái gì”, chứ không phải là “tôi sợ cái gì”.

Tôi sống theo một mẫu mực nào đó; tôi suy nghĩ theo một khuôn khổ nào đó; tôi có trong lòng những niềm tin và những giáo điều nào đó và tôi không muốn những lề lối sống đó bị xáo trộn, vì cuộc đời tôi đã gắn bó chằng chịt với chúng rồi. Tôi không muốn chúng bị xáo trộn, bởi lẽ sự xáo trộn sẽ nẩy sinh ra trạng thái mù mịt mơ hồ mà tôi không thích. Nếu tôi bị bứt ra khỏi những gì tôi đã biết và đã tin thì tôi cũng muốn có sự chắc chắn một cách tương đối về tình trạng tương lai của tôi. Nhưng khi bộ não đã tạo ra những khuôn mẫu rồi thì nó từ chối sự sản sinh những khuôn mẫu mới khác, mà có thể là bấp bênh. “Sự di chuyển từ trạng thái chắc chắn sang trạng thái bấp bênh là cái mà tôi gọi là sợ”.

Terrified woman

Hiện tại, ngay lúc tôi đang ngồi đây, tôi không sợ. Lúc này tôi không sợ, chẳng có chuyện gì xẩy ra cho tôi, chẳng ai đe dọa hoặc lấy cái gì của tôi. Nhưng ngoài cái thời gian đang hiện hữu này, trong tâm thức tôi còn có một lớp sâu hơn, đó là vùng ý thức hoặc vô thức, đâu đó, manh nha tới điều gì đó có thể xảy ra cho tôi trong tương lai, hoặc e ngại về một cái gì đó từ thời quá khứ đột nhiên ụp xuống đầu tôi. Cho nên tôi sợ cả quá khứ  lẫn tương lai. Thế là tôi đã chia thời gian ra thành quá khứ và tương lai. Đến đây thì sự suy nghĩ nhẩy vào lên giọng: “Coi chừng, sẽ không gặp được điều đó một lần nữa đâu”, hoặc “Sửa soạn sẵn cho tương lai đi. Tương lai anh có thể sẽ nguy khốn. Bây giờ tuy là anh đã có chút đỉnh, nhưng rồi ra có thể là anh sẽ bị mất hết. Biết đâu chừng ngày mai anh sẽ chết, vợ anh có thể bỏ anh, có thể anh sẽ mất công ăn việc làm. Anh có thể chẳng bao giờ trở thành người có danh vọng. Có thể anh sẽ cô đơn… “

Bây giờ chúng ta hãy thử  xét tới cái dạng sợ hãi của chính bạn. Nhìn coi. Quan sát kỹ phản ứng của bạn đi. Bạn có thể nhìn nỗi sợ hãi đó mà không nhấp nhổm muốn bỏ chạy, không nẩy ra chút ý muốn bào chữa, kết án hoặc kiềm chế chăng? Bạn có thể trực diện nỗi sợ đó mà không có trong tâm cái  từ ngữ đã làm thức dậy nỗi sợ chăng? Bạn có thể trực diện sự chết, thí dụ thế, mà không có từ ngữ đã đánh thức nỗi sợ chết chăng? Bản thân từ ngữ đã đem tới sự chấn động, cũng như từ ngữ “yêu” có sự rung động của chính nó, có ấn tượng của chính nó, phải vậy không?

Bây giờ hãy coi có phải là những hình ảnh trong tâm trí bạn về sự chết, ký ức về biết bao nhiêu cái chết mà bạn đã nhìn thấy, cùng với sự bạn tự liên tưởng chính bản thân với những chuyện đã xẩy ra còn giữ trong tiềm thức đó, — phải chăng đó chính là hình ảnh đã tạo ra sự sợ hãi trong lòng bạn? Hay là quả thật bạn sợ sự chết sẽ đến chứ không phải là bạn sợ những hình tượng trong tâm đã tạo ra sự chết. Có phải là từ ngữ “chết” làm cho bạn sợ hay là sự chết thật? Nếu chỉ là từ ngữ hoặc ký ức là lý do để bạn sợ thì chẳng có gì đáng sợ hết ráo.

Giả dụ như hai năm trước bạn bị bệnh, ký ức về sự đau đớn, về cơn bệnh vẫn còn tồn tại trong trí nhớ, nay nó trỗi dậy nhắc nhở  “Coi chừng, đừng để  bị bệnh lại như lần trước nữa đấy nhé”. Thế rồi ký ức cùng với bè đảng của nó là guồng máy suy tư bèn tạo nên sự sợ hãi, mà thật ra thì chẳng có cái gì đáng để mà sợ hết ráo, vì lẽ lúc đó bạn đang rất là khoẻ mạnh.

Tư tưởng, vốn là cái luôn luôn cũ mèm, bởi vì tư tưởng thoát thai từ ký ức, mà ký ức thì dĩ nhiên là luôn luôn cũ mèm — tư tưởng, vào lúc đó, tạo ra cái cảm giác là bạn đang sợ hãi, nhưng đó chỉ là cảm giác, không có trong thực tế. Thực tế là bạn đang khỏe mạnh. Nhưng cái kinh nghiệm về sự đau ốm, vốn đã khắc ghi trong tâm trí, trỗi lên nỗi sợ “Cẩn thận, đừng để bị bệnh lại nữa đấy nhé!”

Như thế chúng ta thấy rằng chính suy nghĩ gây ra một loại sợ hãi.

(Krishnamurti — On Fear)

NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ SỢ HÃI

Để hiểu sợ hãi, ta phải nói về sự so sánh trước. Tại sao ta so sánh? Về mặt kỹ thuật, so sánh phát hiện sự tiến triển, tương quan với nhau. Năm chục năm trước chưa có bom nguyên tử, chưa có máy bay siêu âm, bây giờ chúng ta co những cái đó, và trong tương lai năm chục năm nữa, chúng ta sẽ có những cái mà hiện nay chúng ta không có. Cái đó được gọi là sự tiến bộ, luôn luôn so sánh, tương quan, và tâm trí chúng ta bị vướng mắc vào cái lối suy nghĩ kiểu đó. Không phải chỉ từ ngoại cảnh, mà ngay từ trong nội tâm, trong cái cấu trúc về tâm lý của chúng ta, chúng ta suy nghĩ theo kiểu so sánh. Chúng ta nói :” Tôi thế này, trước kia tôi thế này, và tôi sẽ khá hơn trong tương lai”. Cái lối suy nghĩ kiểu so sánh như vậy, chúng ta gọi là sự tiến bộ, sự phát triển, và cuộc đời chúng ta, từ phẩm hạnh, đạo đức, tôn giáo cho dến làm ăn buôn bán, giao dịch trong xã hội, chúng ta đều dựa trên nền tảng đó. Chúng ta quan sát bản thân chúng ta một cách so sánh với cái xã hội vốn dĩ cũng thoát thai từ một sự phấn đấu trong so sánh như chính chúng ta.

So sánh sản sinh ra sợ hãi, bạn hãy tự quan sát sẽ thấy. Tôi muốn trở thành nhà văn viết hay hơn, hoặc trở thành người đẹp và thông minh hơn. Tôi muốn có nhiều kiến thức hơn mọi người. Tôi muốn thành công, muốn trở thành nhân vật quan trọng, muốn có danh tiếng trên thế giới. Thành công và danh tiếng là những điều so sánh rất căn bản về mặt tâm lý, mà do đó, chúng ta liên tục sản sinh ra sự lo sợ. Và sự so sánh cũng làm tăng thêm những mâu thuẫn, phấn đấu vốn được coi như những điều quan trọng.

Bạn nói rằng bạn phải cạnh tranh để sinh tồn trong cái thế giới này, do đó bạn so sánh và thi đua trong công việc làm ăn, trong gia đình và cái-gọi-là nội dung có tính cách tôn giáo. Bạn phải vào được thiên đường và ngồi ngay bên cạnh Chúa, hoặc một đấng cứu độ đặc biệt nào đó của bạn. Sự so sánh về tâm linh phản ảnh trong sự vị linh mục muốn trở thành giám mục, hoặc hồng y, hay cuối cùng tiến lên tới giáo hoàng. Suốt đời, chúng ta mài miệt trau giồi cái loại tâm linh đó một cách siêng năng, cần mẫn, phấn đấu để khá hơn, hoặc đạt được vị trí cao hơn người khác. Cấu trúc của đời sống xã hội và đạo đức của chúng ta đặt nền tảng trên những cái đó.

Cho nên trong cuộc đời chúng ta, cái tình trạng so sánh, cạnh tranh và sự phấn đấu không ngừng nghỉ để trở thành một nhân vật hay trở thành người vô danh, thì cũng vậy. Tôi cảm thấy rằng chính cái đó là cội rễ của toàn bộ sự sợ hãi, bởi vì chính nó đã sản sinh ra lòng thèm muốn, tật đố kị, thói ghen tị, căm thù. Ở đâu có sự căm thù thì ở đó chắc chắn là không có tình thương yêu và sẽ càng ngày càng tăng thêm sự sợ hãi.

(Trích On Fear)

sợ hãi và bất mãn

Nguyên nhân căn bản của sợ hãi

Để thấu triệt cái vấn đề sợ này, bạn phải tiến vào nơi sâu thẳm nhất của nó, bởi vì sự sợ hãi không phải chỉ là một vấn đề hời hợt ở bề ngoài của suy tư.  Sợ hãi không chỉ có nghĩa là e ngại người láng giềng, hoặc sợ bị mất việc làm; nó thâm sâu hơn rất nhiều và vì thế muốn hiểu thấu cần phải thăm dò tới tận đáy tâm hồn.

Muốn tìm hiểu sâu xa, bạn cần một khối óc bén nhậy; và khối óc ấy không được mài cho bén do tranh cãi hoặc lẩn tránh. Người ta phải tìm hiểu vấn đề từng bước một, và do đó sự thấu hiểu toàn bộ cái quá trình đặt tên này là điều rất quan trọng. Khi bạn đặt cho cả một nhóm người cái tên là Hồi giáo, hoặc là cái gì đó tùy ý bạn, tức là bạn đã loại họ ra, không còn phải coi họ như những cá thể, thành ra cái tên gọi, cái từ ngữ , đã ngăn cản không để cho bạn còn đứng trên cương vị một cá nhân, một con người, trong mối liên hệ với những cá nhân, những con người khác. Cùng một cách đó, khi bạn đặt cho cảm giác một cái tên tức là bạn không còn thẩm thấu vào chính cảm giác, bạn không hội nhập trọn vẹn vào cảm giác.

Có rất nhiều cách để trốn tránh sự sợ hãi; nhưng nếu bạn trốn tránh, bỏ chạy, sự sợ hãi sẽ mãi mãi theo bén gót bạn. Muốn chấm dứt sợ hãi một cách triệt để, bạn phải thấu triệt cái quá trình đặt tên này và nhận ra rằng ngôn từ không bao giờ là sự kiện. Cái tâm phải có khả năng tách rời ngôn từ ra khỏi cảm giác, và không được để cho ngôn từ  làm ngăn trở sự trực tiếp nhận thức cảm giác, vốn là chính sự kiện.

Khi bạn đã đi xa tới mức đó, thẩm thấu sâu tới mức đó, bạn sẽ phát hiện ra rằng chìm trong cõi vô thức, trong cõi u minh thầm kín của tâm hồn, có một cảm giác về nỗi niềm hoàn toàn cô đơn,  hiu quạnh, đó chính là nguyên do căn bản của sự sợ hãi. Lại nữa, nếu bạn lẩn tránh nó, nếu bạn muốn thoát khỏi nó, nói rằng nó đáng sợ quá, nếu bạn không đào sâu vào chính nó đồng thời không đặt một cái tên cho no, thì sẽ không bao giờ bạn vượt qua được nỗi sợ hãi. Cái tâm phải trực diện với nỗi niềm hoàn toàn trống vắng, cô đơn, hiu quạnh trong nội tâm, và không tự cho phép làm gì để trốn tránh sự thực.

Điều đặc biệt được gọi là sự cô độc đó chính là điều rất cốt tủy của bản ngã, cái “tôi”, với tất cả mánh lới, sự xảo trá, sự  đảo điên của nó, mạng lưới của nó, khiến cho tâm trí bị mắc vào bẫy. Chỉ khi nào cái tâm có khả năng vượt qua được sự cô đơn, hiu quạnh tối hậu ấy thì mới có tự do — sự tự do tuyệt đối giải phóng hoàn toàn khỏi nỗi sợ hãi. Và chỉ khi đó bạn mới tự  thấy được thế nào là thực tại, là cái sức sống vô lượng, vô biên, vô thủy, vô chung. Khi mà tư tưởng còn nẩy sinh ra những sự sợ hãi dưới dạng chuyển biến theo thời gian thì nó không có khả năng hiểu được thế nào là phi thời gian.

Krishnamurti — Reflections on the Self

sợ hãi và bất mãn

BẤT MÃN 

Có bao giờ bạn lấy làm thắc mắc về cái sự kiện là khi người ta càng nhiều tuổi,  trở nên già hơn, thì dường như người ta cũng mất luôn niềm vui trong cuộc đời, mất luôn niềm hứng khởi về những điều gì đó tiềm ẩn, vượt ra ngoài những vụn vặt đời thường, nhưng có nhiều ý nghĩa hơn.

Tại sao có quá nhiều người trong chúng ta, khi bước vào ” cái-gọi-là”  tuổi trưởng thành thì lại trở nên ù lì, dửng dưng trước niềm vui, trước vẻ đẹp, trước cảnh mênh mông bao la tuyệt diệu của trời đất?

Bạn ạ, nếu có ai tự hỏi câu này thì sẽ nẩy ra trong óc vô số lời giải thích. Tại vì chúng ta quá bận tâm về bản thân, đó là một lời giải thích. Chúng ta vật lộn với đời để  trở thành nhân vật quan trọng, để chiếm được và giữ vững một địa vị nào đó; chúng ta có con cái  và nhiều bổn phận khác nữa, và chúng ta còn phải kiếm tiền.

Tất cả những vấn đề bề ngoài này chẳng mấy chốc đã đè nặng trĩu chúng ta xuống, làm cho chúng ta mất đi cái niềm vui của đời sống.

Nhìn nét mặt của những người nhiều tuổi hơn ở chung quanh, bạn sẽ thấy phần đông là những vẻ mặt xiết bao buồn bã, ưu tư, tiều tụy, những gương mặt xa cách, lãnh đạm, ủ ê, đôi khi trông như  người mất hồn, không có lấy một nụ cười.

Bạn không tự hỏi lý do gì mà đến nông nỗi ấy sao? Nhưng ngay như chúng ta có hỏi tại sao thì phần lớn chúng ta dường như cũng chỉ cần có vài lời giải thích đơn giản là đã lấy làm thỏa mãn rồi.

Chiều hôm qua tôi trông thấy một chiếc thuyền đang trôi ngược dòng sông với cánh buồm căng phồng do luồng gió tây đẩy tới. Đó là một chiếc thuyền lớn, nặng trĩu củi để chở về thành phố . Chiếc thuyền in bóng trong cảnh mặt trời chiều đang xuống dần; nó lặng lẽ trôi theo chiều gió mà không có sự gắng sức nào. Cũng tương tự, nếu mỗi người trong chúng ta có thể thâm hiểu được cái vấn đề rắc rối của đấu tranh giành giật và mâu thuẫn, như thế thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sống một cách nhẹ nhàng thoải mái, một cách hạnh phúc, với nụ cười trên gương mặt chúng ta.

sợ hãi và bất mãn

Tôi cho là chính sự  gắng sức phấn đấu trong cuộc đời đã tàn phá chúng ta, sự đấu tranh này đã khiến cho chúng ta tiêu hủy hầu hết những giây phút trong đời sống. Nếu bạn để ý quan sát những người nhiều tuổi hơn chung quanh bạn, bạn sẽ thấy rằng đối với phần lớn những người đó, đời là một chuỗi những cuộc tranh đấu giữa họ với chính nội tâm của họ, tranh đấu với vợ hoặc chồng họ, với hàng xóm của họ, với xã hội . . ., vàø chính những cuộc xung đột liên miên này đã tiêu hủy sức sống của họ.

Người sống một cuộc đời vui vẻ, thật là hạnh phúc, thì không bị kẹt vào chuyện gắng sức để phấn đấu, để tranh chấp, để quyết liệt ăn thua. Không gắng sức không có nghĩa là trì trệ, vì như thế là mụ mẫm, u tối, ngu đần; ngược lại, chỉ có người sáng suốt, đặc biệt thông minh, mới thật là người biết giải thoát mình ra khỏi sự gắng sức, ra khỏi trường tranh đấu, giành giật của kiếp người.

Krishnamurti — Reflections on the Self

Danny Việt dịch