kinh pháp môn căn bản 1

Sơ đồ tóm tắt kinh Pháp Môn Căn Bản

Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

1. Kinh Pháp Môn Căn Bản
(Mùlapariyàya sutta)

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú tại (tụ lạc) Ukkattha, trong rừng Subhaga (rừng Hạnh phúc), dưới gốc cây Sa-la vương. Tại chỗ ấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo!”. – “Bạch Thế Tôn”, những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói: “Này các Tỷ-kheo. Ta sẽ giảng cho các Người “Pháp môn căn bản tất cả pháp”. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói”. – “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”, những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

(Phàm phu)

— Này các Tỷ-kheo, ở đây, có kẻ phàm phu ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân, tưởng tri địa đại là địa đại. Vì tưởng tri địa đại là địa đại, người ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, người ấy nghĩ: “Ðịa đại là của ta” – dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri địa đại.

kinh phap mon can ban

 

Người ấy tưởng tri thủy đại là thủy đại. Vì tưởng tri thủy đại là thủy đại, người ấy nghĩ đến thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với thủy đại, nghĩ đến (tự ngã) như là thủy đại, người ấy nghĩ: “Thủy đại là của ta” – dục hỷ thủy đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri thủy đại.

Người ấy tưởng tri hỏa đại là hỏa đại. Vì tưởng tri hỏa đại là hỏa đại, người ấy nghĩ đến hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với hỏa đại, nghĩ đến (tự ngã) như là hỏa đại, người ấy nghĩ: “Hỏa đại là của ta”- dục hỷ hỏa đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri hỏa đại.

Người ấy tưởng tri phong đại là phong đại. Vì tưởng tri phong đại là phong đại, người ấy nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với phong đại, nghĩ đến (tự ngã) như là phong đại, người ấy nghĩ: “Phong đại là của ta”- dục hỷ phong đại. Vì sao vậy? Ta nói người ấy không liễu tri phong đại.

Người ấy tưởng tri Sanh vật là Sanh vật… Người ấy tưởng tri chư Thiên là chư Thiên… Người ấy tưởng tri Sanh chủ là Sanh chủ… Người ấy tưởng tri Phạm thiên là Phạm thiên… Người ấy tưởng tri Quang âm thiên là Quang âm thiên… Người ấy tưởng tri Biến tịnh thiên là Biến tịnh thiên… Người ấy tưởng tri Quảng quả thiên là Quảng quả thiên… Người ấy tưởng tri Abhibhù (Thắng Giả) là Abhibhù…

Người ấy tưởng tri Không vô biên xứ là Không vô biên xứ… Người ấy tưởng tri Thức vô biên xứ là Thức vô biên xứ… Người ấy tưởng tri Vô sở hữu xứ là Vô sở hữu xứ… Người ấy tưởng tri Phi tưởng phi phi tưởng xứ là Phi tưởng phi phi tưởng xứ…

Người ấy tưởng tri sở kiến là sở kiến… Người ấy tưởng tri sở văn là sở văn… Người ấy tưởng tri sở tư niệm là sở tư niệm… Người ấy tưởng tri sở tri là sở tri…

Người ấy tưởng tri đồng nhất là đồng nhất… Người ấy tưởng tri sai biệt là sai biệt… Người ấy tưởng tri tất cả là tất cả…

Người ấy tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì tưởng tri Niết-bàn là Niết-bàn, người ấy nghĩ đến Niết-bàn, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn. Nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, người ấy nghĩ: “Niết-bàn là của ta” – dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói: Người ấy không liễu tri Niết-bàn.


(Vị hữu học)

Này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo, hữu học tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi khổ ách. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy đã không nghĩ đến địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, đã không nghĩ (tự ngã) như là địa đại, đã không nghĩ: “Ðịa đại là của ta”, – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri địa đại.

kinh phap mon can ban 2

 

Vị ấy thắng tri thủy đại… hỏa đại… phong đại… Sanh vật… chư Thiên… Sanh chủ… Phạm thiên… Quang âm thiên… Biến tịnh thiên… Quảng quả thiên… Abhibhù (Thắng Giả)… Không vô biên xứ… Thức vô biên xứ… Vô sở hữu xứ… Phi tưởng phi phi tưởng xứ… sở kiến… sở văn… sở tư niệm… sở tri… đồng nhất… sai biệt… tất cả…

Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn; vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy đã không nghĩ đến Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, đã không nghĩ (tự ngã) như là Niết-bàn, đã không nghĩ: “Niết-bàn là của ta” – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy có thể liễu tri Niết-bàn.


(Bậc A-la-hán – I)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: “Ðịa đại là của ta” – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri địa đại.

kinh pháp môn căn bản 3

Vị ấy thắng tri thủy đại… hỏa đại… phong đại… sanh vật… chư Thiên… Sanh chủ… Phạm thiên… Quang âm thiên… Biến tịnh thiên… Quảng quả thiên… Abhibhù (Thắng Giả)… Không vô biên xứ… Thức vô biên xứ… Vô sở hữu xứ… Phi tưởng phi phi tưởng xứ… sở kiến… sở văn… sở tư niệm… sở tri… đồng nhất… sai biệt… tất cả… Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta” – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vị ấy đã liễu tri Niết-bàn”.


(Bậc A-la-hán – II)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng trí địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: “Ðịa đại là của ta” – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ.

 

kinh pháp môn căn bản 4

Vị ấy thắng tri thủy đại… hỏa đại… Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta” – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có tham dục, nhờ tham dục đã được đoạn trừ.


(Bậc A-la-hán – III)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: “Ðịa đại là của ta” – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ.

 

kinh pháp môn căn bản 5Vị ấy thắng tri thủy đại… hỏa đại… Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta” – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có sân hận, nhờ sân hận đã được đoạn trừ.


(Bậc A-la-hán – IV)

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, có Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát. Vị ấy thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng trí địa đại là địa đại, vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: “Ðịa đại là của ta” – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ.

kinh pháp môn căn bản 6

Vị ấy thắng tri thủy đại… hỏa đại… Vị ấy thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, vị ấy không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta” – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì vị ấy không có si mê, nhờ si mê đã được đoạn trừ.


(Ðấng Như Lai – I)

Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Ngài không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: “Ðịa đại là của ta” – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri địa đại.

kinh pháp môn căn bản 7

Như Lai thắng tri thủy đại… hỏa đại… Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của ta” – không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Ta nói vì Như Lai đã liễu tri Niết-bàn.


(Ðấng Như Lai – II)

Này các Tỷ-kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, thắng tri địa đại là địa đại. Vì thắng tri địa đại là địa đại, Như Lai không nghĩ đến địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến (tự ngã) như là địa đại, không nghĩ: “Ðịa đại là của ta” – không dục hỷ địa đại. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: “Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già và chết đến với loài sinh vật”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói vì Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự từ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.

kinh pháp môn căn bản 8

Như Lai thắng tri thủy đại… hỏa đại… Như Lai thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn. Vì thắng tri Niết-bàn là Niết-bàn, Như Lai không nghĩ đến Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với Niết-bàn, không nghĩ đến (tự ngã) như là Niết-bàn, không nghĩ: “Niết-bàn là của Ta” — không dục hỷ Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai biết rằng: “Dục hỷ là căn bản của đau khổ, từ hữu, sanh khởi lên, và già chết đến với loài sinh vật”. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói vì Như Lai, với sự diệt trừ hoàn toàn các ái, sự ly tham, sự đoạn diệt, sự xả ly, sự trừ bỏ hoàn toàn các ái, đã chơn chánh giác ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Như vậy, Thế Tôn thuyết giảng. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Thế Tôn. [*]


* Các ”đối tượng” trong các sơ đồ trên của bài kinh bao gồm toàn thể từ tứ đại (đất, nước, gió lửa), chư thiên dục giới, chư thiên sắc giới, vô sắc giới, …niết bàn.

* Các sơ đồ phụ lục về các ”đối tượng” của bài kinh:

+ Sơ đồ pháp của bậc Thánh nhân và Chân nhân: 37 Phẩm trợ đạo

+ Sơ đồ tứ đại dưới dạng sắc pháp của pháp Chân đế, là đối tượng của thiền Minh Sát, Tứ Niệm Xứ

+ Sơ đồ chư thiên Dục giới, Sắc giới, Vô Sắc giới

+ Sơ đồ Niết bàn là một thực tại (có 4 thực tại tối hậu là sắc pháp, tâm, tâm sở và Niết bàn).

kinh pháp môn căn bản 9 kinh pháp môn căn bản 10 kinh pháp môn căn bản 11 kinh pháp môn căn bản 12 kinh pháp môn căn bản 13 kinh pháp môn căn bản 14

 * Giảng giải về TƯỞNG TRI, THỨC TRI VÀ TUỆ TRI trong Thanh Tịnh Đạo:

Giả sử có ba người, một đứa trẻ không biết gì, một người nhà quê, và một người đổi tiền, cùng thấy một đồng tiền kim loại nằm trên quày của người đổi tiền. Ðứa trẻ chỉ biết đồng tiền là có hình vẽ, trang trí, hình dài, vuông hay tròn, song nó không biết những đồng tiền ấy được xem là có giá trị cho con người sử dụng, hưởng thụ. Người nhà quê thì biết chúng có hình, có trang trí, có giá trị cho người hưởng dụng, nhưng không biết phân biệt đồng này thật, đồng này giả, đồng này bằng nửa giá trị, vv. Còn người đổi tiền thì biết tất cả những điều trên bằng cách nhìn đồng tiền, nghe tiếng kêu của nó khi gõ, ngửi, nếm, thử trọng lượng nó trong lòng tay, và biết nó được chế tạo tại làng nào, thành phố, đô thị nào, trên đỉnh núi hay bên bờ sông, do bậc thầy nào làm ra.

Tưởng tri là giống như đứa trẻ không biết gì khi trông thấy đồng tiền, vì nó chỉ thấy cái tướng của đối tượng như màu xanh, vv.

Thức tri là như người nhà quê trông thấy đồng tiền biết được nó màu gì, và còn đi xa hơn, thấu hiểu những đặc tính của nó.

Tuệ tri là như người đổi tiền thấy đồng tiền biết được màu sắc, vv. mà còn đi xa hơn, đạt đến sự thể hiện đạo lộ.

Như vậy theo Thanh Tịnh Đạo giải thích thì Tưởng tri không phải là là tưởng tượng hay không có thật. Trong ví dụ trên thì đồng tiền là thật có, màu sắc và hình dáng của đồng tiền là thật có y chang như đứa trẻ nhìn thấy, đứa trẻ không cần phải tưởng tượng. Vì chỉ biết hình dáng và màu sắc bên ngoài mà không hiểu biết giá trị của đồng tiền nên đứa trẻ tưởng tri về đồng tiền. Còn người nhà quê hiểu đúng giá trị của đồng tiền nên gọi là thức tri về đồng tiền, và người đổi tiền biết cấu tạo, cấu trúc của đồng tiền nên gọi là tuệ tri về đồng tiền.

 (Các sơ đồ và chữ in nghiêng được biên soạn bởi thayvabiet.com)