image6

Sayagyi U Ba Khin

image

Một người như Sayagyi sẽ không bao giờ chết.

Có thể bạn không thấy người, nhưng lời dạy của người còn sống mãi.

— Hòa thượng Webu Sayadaw

Sayagyi U Ba Khin sinh ngày 02 tháng 6 năm 1899 tại Yangon, thủ đô Myanma. Ngài là con út trong hai người con của một gia đình nghèo sống trong một khu dân cư lao động. Myanma hồi đó sống dưới sự cai trị của nước Anh cho tới sau Thế chiến II. Vì thế người ta rất cần học tiếng Anh. Thực vậy, muốn kiếm được việc làm kha khá, người ta cần phải thông thạo tiếng Anh.

U Ba Khin may mắn được một người đứng tuổi của một nhà máy ở gần nhà giúp cậu vào một trường trung học của giáo phái Methodist khi cậu lên 8 tuổi. Cậu tỏ ra là một học sinh có năng khiếu bẩm sinh. Cậu có thể học thuộc lòng các bài học, thuộc lòng quyển văn phạm tiếng Anh từ đầu đến cuối. Năm nào cậu cũng đứng nhất lớp và nhận được một học bổng trung học. Một giáo viên người Miến đã giúp cậu vào học Trường Thánh Phaolô, ở đó năm nào cậu cũng lại đứng đầu lớp. Tháng 3 năm 1917, cậu đậu phổ thông trung học, nhận một giải huy chương vàng và một học bổng đại học. Nhưng hoàn cảnh gia đình quá khó khăn đã buộc cậu thôi học để đi làm kiếm sống.

Ban đầu, cậu đi làm cho một tờ báo Miến Ðiện tên là “Ánh Dương,” nhưng sau một thời gian ngắn, cậu bỏ công việc này để làm nhân viên kế toán cho phòng tài chánh của Miến Ðiện. Có rất ít người Miến làm việc trong văn phòng này, vì hầu hết các công chức thời đó đều là người Anh hay Ấn Ðộ. Năm 1926 U Ba Khin thi đậu cuộc thi ngành kế toán do chính quyền địa phương của Ấn Ðộ tổ chức. Năm 1937, khi Myanma tách khỏi Ấn Ðộ, ông được bổ nhiệm chức Chánh Văn phòng đặc biệt.

U Ba Khin tiếp tục phục vụ trong chính phủ thêm 26 năm nữa. Ông trở thành Kế toán trưởng ngày 4 tháng 1 năm 1948, là ngày Myanma giành được độc lập từ tay nước Anh. Trong hai thập kỉ tiếp theo, ông được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ khác nhau trong chính phủ, thường ông kiêm nhiệm hai chức vụ một lúc, và luôn luôn là chức đầu ngành. Có lần ông đứng đầu cùng một lúc ba ngành khác nhau trong suốt ba năm, và một lần khác ông đứng đầu cùng một lúc bốn ngành trong một năm. Khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng thị trường nông nghiệp nhà nước năm 1956, nhà nước Myanma đã trao tặng ông tước hiệu “Thray Sithu,” một tước hiệu rất cao quí của nước này. Chỉ trong 4 năm cuối đời, ông mới dành tất cả thời giờ của mình để chỉ chuyên chú vào việc giảng dạy thiền. Phần thời gian còn lại, ông hoạt động một cách hài hòa trong các công việc thiền niệm, phục vụ đất nước với tất cả sự tận tuỵ, và vì là gia trưởng của một gia đình với vơ,ï năm cô con gái và một cậu con trai, ông còn phải gánh những trách nhiệm nặng nề của gia đình mình.

Lần đầu tiên ông thử hành thiền là vào ngày 1 tháng 1 năm 1937. Một học trò của thiền sư Saya Thetgyi — một nông gia giàu có và là một thiền sư — đến thăm ông và giảng giải cho ông phương pháp niệm hơi thở ànàpàna. Khi ông luyện thử, ông cảm nghiệm được sự tập trung rất tốt, và điều này gây ấn tượng mãnh liệt đối với ông khiến ông quyết định theo dự một khóa trọn vẹn. Sau khi quyết định, ông xin phép nghỉ việc mười ngày, và chỉ một tuần sau khi thửànàpàna, ông đã bắt đầu lên đường đi đến trung tâm của thiền sư Saya Thetgyi ở Pyawbwegyi. Một con người đầy tinh thần trách nhiệm như U Ba Khin mà sẵn sàng gác bỏ công việc ở nhiệm sở của mình một cách mau chóng như thế chứng tỏ quyết tâm học thiền của ông mãnh liệt như thế nào.

Do các nhiệm vụ công chức của ông đòi hỏi quá nhiều thời gian, thiền sư chỉ có thể dạy cho một số ít học trò. Năm 1950 ông lập Hội Thiền quán của Văn phòng kế toán nhà nước để cho những người thường, chủ yếu là các nhân viên của văn phòng, có thể học Thiền quán. Nhiều học trò người Miến Ðiện của ông cũng làm việc chung với ông trong chính quyền. Năm 1952, Trung tâm Thiền học quốc tế (I.M.C) khai trương ở Yangon, cách xa ngôi chùa nổi tiếng Shwedgon hai dặm về phía bắc. Tại đây nhiều học trò người Miến và người nước ngoài đã có may mắn đón nhận những lời giảng về Giáo pháp của Thiền sư. Các học trò người nước ngoài của thiền sư thì ít nhưng thuộc nhiều thành phần khác nhau, bao gồm những Phật tử hàng đầu của phương Tây, những học giả, và thành phần ngoại giao ở Yangon. Nhiều học trò người Ấn Ðộ được Goenkaji giới thiệu. Thỉnh thoảng thiền sư được mời đi thuyết trình cho các thính giả nước ngoài ở Myanma về đề tài Giáo pháp.

Khi giảng dạy cho con số thiền sinh ngày càng gia tăng đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, thiền sư xác tín rằng đã đến giờ để những lời dạy của Ðức Phật lan rộng vượt ra khỏi biên giới ảnh hưởng vốn có xưa nay. Ông ý thức về sự thịnh vượng vật chất và trình độ kỹ thuật của các quốc gia khác, nhưng ông cũng ý thức về sự mê muội về tinh thần nơi những quốc gia ấy và sự đau khổ vô bờ phát sinh từ sự mê muội ấy. Ông hiểu rằng đây là thời điểm để cho lời dạy của Ðức Phật lan rộng tới những cư dân của những vùng đất ấy. Xuất phát từ tình yêu và thương cảm, thiền sư ao ước được đi ra nước ngoài để truyền bá phương pháp này. Tuy chính sách của nhà nước Myanma không cho phép ông rời bỏ quê hương, nhưng quyết tâm của ông luôn luôn tồn tại. Trước khi qua đời, ông đã chỉ định một số vị giảng dạy thuộc nhiều quốc gia khác nhau để thay ông mang thiền định đến khắp thế giới. Sayagyi hiểu rằng những lời giảng dạy sẽ vượt ra ngoài biên cương Myanma và châu Á, và không chỉ lý thuyết mà thôi, nhưng cả việc thực hành những lời dạy của Ðức Phật sẽ đâm rễ sâu trên khắp thế giới.

Sayagyi đã hoạt động tích cực để chuẩn bị cho Ðại hội Phật giáo lần thứ sáu với tên gọi Chaỉỉha Sangayana (Ðại hội kết tập kinh điển lần thứ IV) diễn ra tại Yangon năm 1954-1956. Năm 1950 Sayagyi là thành viên sáng lập của hai tổ chức sau này sáp nhập chung thành Hội đồng Sasana Phật giáo Miến Ðiện (U.B.S.C.), là cơ quan kế hoạch chính của Ðại hội đồng. Ông là một thành viên điều hành của U.B.S.C, và là chủ tịch uỷ ban thực hành thiền niệmpatipatti. Ông cũng là uỷ viên kiểm toán danh dự của Hội đồng và trong cương vị này ông chịu trách nhiệm trông coi sổ sách kế toán về mọi tặng vật dâng cúng (dàna) và mọi khoản chi tiêu của Ðại hội.

Người ta đã có một kế hoạch xây dựng lớn cho Ðại hội Phật giáo lần thứ 6. Trên một khu đất rộng hơn 170 mẫu, người ta dự định xây cất nhà cửa, nhà bếp và khu vực ẩm thực, một bệnh viện, thư viện, viện bảo tàng, bốn khách sạn và các toà nhà hành chánh. Ðiểm tập trung của toàn bộ công trình này là Ðại sảnh Mahà Pàsànaguhà, một hội trường khổng lồ có thể chứa khoảng ba ngàn vị sư từ các nước Myanma, Sri Lanka, Thái Lan, Ấn Ðộ, Campuchia và Lào qui tụ lại để đọc, xác định nguồn gốc, biên tập, và xuất bản Tam Tạng- TipiỉakaCác tu sĩ này làm việc theo các tổ, soạn các kinh văn Pàli để in và xuất bản, đối chiếu các ấn bản Miến Ðiện, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia và ấn bản bằng mẫu tự La-tinh của Hội Pàli ở Luân Ðôn.

Thiền sư tiếp tục hoạt động tích cực trong Hội Ðồng U.B.S.C, trong những chức vụ khác nhau cho tới năm 1967. Khi hoạt động như thế, ông đã kết hợp những trách nhiệm và tài năng của một con người tại gia và một viên chức chính phủ với sự quyết tâm to lớn của ông cho Phật pháp để truyền bá giáo huấn của Ðức Phật cho thế giới. Ngoài việc tận tâm chu toàn việc phục vụ đất nước của mình, ông còn tiếp tục giảng dạy thường xuyên về Thiền Quán tại trung tâm của ông. Một số người phương Tây đến dự Ðại hội Phật giáo lần thứ 6 đã được giới thiệu đến với Sayagyi để được ông chỉ dạy về pháp hành, vì vào thời đó không có thiền sư nào khác nói thạo tiếng Anh.

Cuối cùng, năm 1967, thiền sư đã rời bỏ sự nghiệp lỗi lạc của mình trong guồng máy chính quyền để về sống tại trung tâm thiền I.M.C. của ông và giảng dạy phương pháp Thiền Quán tại đó, cho tới lúc ông qua đời năm 1971.

nguồn: budasa.org