rơi tro trên thân Phật

Rơi tro trên thân Phật

rơi tro trên thân Phật

Có một người đàn ông đến Trung tâm Thiền hút thuốc, Ông ta lại gần tượng Phật phà khói thuốc vào mặt Phật và khảy rơi tro trên bắp vế của ngài. Nếu bạn đứng đó, sẽ xử trí ra sao?

Người này đã hiểu rằng chả có gì là phàm thánh cả. Vạn vật trong vũ trụ đồng một thể, và Một đó là chính anh ta. Cho nên các pháp không ngăn ngại. Tro là Phật; Phật là tro. Điếu thuốc khảy. Tro rơi.

Nhưng sự hiểu biết của anh ta chỉ là một phần, chứ chưa hiểu suốt tất cả mọi vật như chúng đang là: Thánh là thánh; Phàm là phàm. Tro là tro; Phật là Phật. Anh ta bị vướng mắc về tướng “Không” với quan điểm “thấy biết” của mình. Anh ta nghĩ rằng tất cả mọi lời nói chữ nghĩa đều vô dụng.

Vì thế bạn nên giáo hóa cho anh ta bằng cách nào, không khéo anh ta sẽ đánh bạn. Nếu bạn trả đũa bằng cách đánh lại, thì với sức rất mạnh của anh ta sẽ đánh bạn nặng hơn. Bạn làm cách nào có thể trị bệnh hư vọng của anh ta ?

Bởi vì bạn là một Thiền sinh, bạn cũng phải biết dạy Thiền. Bạn đang thực hành đạo Bồ tát, mà Bồ tát thệ nguyện cứu độ chúng sanh ra khỏi biển khổ. Người này đang khổ đau từ cách “thấy biết” sai lầm.

Bạn phải giúp đỡ anh ta hiểu được lẽ thật là
“Tất cả mọi vật như chúng đang là”.
Bạn làm thế nào đây ?
Nếu bạn tìm được đáp án của vấn đề này, bạn sẽ tìm được Chánh Đạo.

thiền sư Sùng Sơn

thiền sư Sùng Sơn

Tiếng chuông lớn của một ngôi chùa được gióng lên sâu thẳm trong núi. Bạn nghe nó vang dội trong không khí ban mai, và mọi vọng tưởng điên đảo tan biến từ tâm bạn, không gì là bạn; không gì chẳng phải bạn. Chỉ có âm thanh của tiếng chuông ngập tràn vũ trụ.

Lúc xuân về. Bạn ngắm muôn hoa đua nở, những con bướm vờn bay, bạn nghe chim hót, bạn thở trong thời tiết ấm áp. Và tâm bạn chỉ có mùa xuân, ngoài ra không có gì cả.

Bạn viếng thăm Niagara và chèo thuyền đến đáy thác, nước trút xuống trước mặt, chung quanh và bên trong bạn, bỗng nhiên bạn hét lên “Yaaaaaa !”

Tất cả những sự việc này, bên ngoài và bên trong đều trở thành một. Đây là Tâm Thiền. Bản lai tự tánh không có tương đối, lời nói chữ nghĩa không cần thiết. Không suy nghĩ, tất cả mọi vật rất chính xác như chúng đang là. Chân lý tức Như thị.

Thế thì tại sao chúng ta sử dụng ngôn ngữ ? Tại sao chúng tôi làm ra sách này ?
Căn cứ theo y lý Đông phương: “Nhiệt tắc hàn chi, hàn tắc ôn chi”. Khi sốt, bạn phải uống thuốc giải nhiệt. Khi lạnh, phải uống thuốc giải hàn. Nhơn vì hầu hết người ta bị trói cột trong ngôn ngữ văn tự, do đó chúng tôi sử dụng trị liệu chứng bệnh này với môn thuốc “lời nói – và – chữ nghĩa”.

Phần lớn, người ta có tầm nhìn sai về thế giới. Họ không thấy nó như chính nó, họ không thấu đạt Chân lý. Cái gì tốt, cái gì xấu ? Ai tạo ra tốt và xấu ? Họ chấp chặt về những kiến giải của họ với tất cả sự liều lĩnh. Nhưng mọi kiến giải đều khác nhau. Làm cách nào có thể cho rằng kiến giải bạn đúng, kiến giải người khác sai ? Đó chỉ là hư vọng!

Nếu muốn hiểu chân lý, bạn phải buông bỏ vị trí, điều kiện và những kiến giải của bạn. Rồi thì tâm bạn hiện ra trước suy nghĩ. “ Trước suy nghĩ ” là tâm trong sáng. Tâm trong sáng không bên trong, không bên ngoài. Đó là “Như Thị”. “Như Thị” là chân lý.

Cổ Đức bảo :
– “Muốn vào cổng này chớ dấy khởi vọng tưởng”. Điều này có nghĩa là nếu đang suy nghĩ, bạn không thể hiểu Thiền. Nếu giữ tâm trước suy nghĩ, đây là Tâm Thiền. Vì vậy, một Thiền sư đã huấn thị :
– “Phật nói tất cả pháp. Vì độ hết thảy tâm.
Nếu không hết thảy tâm. Đâu cần tất cả pháp”.

Tâm Kinh nói: “ Sắc tức là không, không tức là sắc”. Điều này nghĩa là “ Không sắc, không không ”. Nhưng nghĩa thật của “ không sắc, không không” là “ Sắc tức là Sắc, Không tức là Không ”. Nếu khởi vọng niệm, bạn sẽ không hiểu những lời này. Bạn không suy nghĩ, “Tức Như ” là Phật tánh . Phật tánh là gì ? Tiếng chuông lớn của một ngôi chùa được gióng lên sâu thẳm trong núi. Chân lý chính là Như thị.

Trích từ tác phẩm Rơi Tro Trên Thân Phật của thiền sư Sùng Sơn.