
Phương thức giảng pháp
Thuyết giảng Phật ngôn là một nghệ thuật, phải tùy thời tùy đối tượng.
Là pháp tốt nhưng khi giảng không đúng đối tượng sẽ bị phản tác dụng, chẳng những không thu phục được người, trái lại còn bị người xa lánh.
Đức Phật có dạy:
“Này các Tỷ kheo! Nói về tín với người không tin là ác thuyết.
Nói về giới với người ác giới là ác thuyết.
Nói về nghe nhiều với người ít nghe là ác thuyết.
Nói về Bố thí với người xan tham là ác thuyết.
Nói về trí tuệ với người ác tuệ là ác thuyết”.
(Tăng chi kinh 2- 181)
Như thế rõ ràng giảng pháp không đơn giản chút nào cả, giảng sư phải nhạy bén nắm bắt thực tại, đôi khi chỉ một lời nói đúng thời mang lại kết quả tốt đẹp, không cần phải dông dài vô ích.
Chúng sanh đa dạng nên trong hội chúng có nhiều thành phần: giới trí thức cũng có, giới bình dân cũng có, thương nhân, công chức…. Làm thế nào người nghe hòa hợp với nhau, trí thức nghe không chán, người bình dân dễ lãnh hội; quả thật là một nghệ thuật và Đức Phật đã chỉ ra năm chi phần của vị giảng sư.
a. Thuyết pháp tuần tự: là thuyết theo thứ tự lý kinh, không bỏ sót lý kinh, không đi lạc đề.
b. Thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp: là dùng những lý lẽ giúp dễ hiểu, dễ nhận thức, để giúp người nghe lãnh hội được pháp.
c. Thuyết pháp vì lòng từ mẫn: là có tâm bác ái, giúp cho người nghe có được sự lợi ích.
d. Thuyết pháp không phải vì tài vật: là không chú tâm đến lợi lộc, chỉ mong cho người nghe được thoát khổ.
e. Không làm thương tổn đến mình và người khác: là không khen tặng mình chê bai người khác.
(Tăng chi 3. 184)
Năm chi phần trên xem như khuôn mẫu của vị giảng pháp.
Thuyết giảng pháp không cần phải tìm những từ ngữ cầu kỳ, văn hoa bóng bẩy, càng cầu kỳ, văn hoa bóng bẩy bao nhiêu càng xa lìa Phật pháp bấy nhiêu. Giảng pháp bằng ngọn lửa pháp trong tâm, bằng sự thành thật mong đại chúng lãnh hội được pháp, đại chúng hiểu pháp sẽ hành pháp. Có hành pháp sẽ nhận thức được lợi ích, người ấy sẽ trở thành một cận sự Pháp bảo vững chắc và vị giảng sư mỉm cười mãn nguyện.
“Ai thuyết pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Ai nghe pháp cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Ai thuyết pháp và ai nghe pháp, cả hai cần phải liễu giải nghĩa và cần phải liễu giải pháp.
Cả ba trường hợp này, này các Tỷ kheo là một cuộc pháp thoại được diễn tiến có lợi ích.”(Tăng chi kinh 1- 151).
Tỳ kheo Chánh Minh
Trích: Nội San CHUYỂN PHÁP LUÂN, 01-2004, GHPGVN.
You must be logged in to post a comment.