
Pháp hành Tứ niệm xứ liên quan đến sự tồn vong của chánh pháp
Pháp hành Tứ niệm xứ liên quan đến sự tồn vong của chánh pháp
Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇṇika gần thành Sāvatthi. Khi ấy, có một Bà la môn đến hầu Ðức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài xong, Bà la môn ngồi một bên hợp lẽ, rồi bạch rằng:
“Kính bạch Ðức Thế Tôn, do nhân nào, duyên nào làm cho chánh pháp của Ðức Thế Tôn không được tồn tại, sau khi Ðức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn? Và do nhân nào, duyên nào làm cho chánh pháp của Ðức Thế Tôn được tồn tại, sau khi Ðức Thế Tôn tịch diệt Niết Bàn?
Ðức Thế Tôn bèn dạy:
Này Bà la môn, bởi vì các hàng đệ tử của Như Lai không tiến hành Tứ niệm xứ; đó là nhân, là duyên làm cho chánh pháp không được tồn tại, sau khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn. Và do các hàng đệ tử của Như Lai tinh tấn tiến hành Tứ niệm xứ; đó là nhân, là duyên làm cho chánh pháp được tồn tại, sau khi tịch diệt Niết Bàn.
Tứ niệm xứ là thế nào?
Tỳ khưu hay hành giả trong Phật giáo này:
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “thân trong thân” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “thọ trong thọ” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “tâm trong tâm” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “pháp trong pháp” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này….
Này Bà la môn, bởi vì các hàng đệ tử của Như Lai không tiến hành Tứ niệm xứ; đó là nhân, là duyên làm cho chánh pháp không được tồn tại, sau khi Như Lai tịch diệt Niết Bàn. Và do các hàng đệ tử của Như Lai tinh tấn tiến hành Tứ niệm xứ; đó là nhân, là duyên làm cho chánh pháp được tồn tại, sau khi tịch diệt Niết Bàn”. [24]
Qua đoạn kinh trên cho chúng ta biết, pháp hành Tứ niệm xứ đóng vai trò rất quan trọng trong sự tồn vong chánh pháp của Ðức Phật.
Pháp hành Tứ niệm xứ là nơi nương nhờ thật sự của chính mình
Một thuở nọ, Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Veḷuvana gần thành Vesāli, lúc bấy giờ, Ngài lâm bệnh nặng tưởng chừng như gần tịch diệt Niết Bàn. Khi ấy, Ðức Thế Tôn có đầy đủ chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác, nhờ nhập Arahán Quả Ðịnh, nên qua khỏi.
Sau khi Ðức Thế Tôn khỏi bệnh, Ngài ngự ra nơi giảng đường, Ðại Ðức Ānanda đến hầu Ðức Thế Tôn, đảnh lể Ngài rồi ngồi nơi hợp lẽ. Ðại Ðức Ānanda bạch rằng:
“Kính bạch Ðức Thế Tôn, con thấy Ðức Thế Tôn lâm bệnh nặng, tâm của con cảm thấy tối tăm mờ mịt, không còn nhận biết phương hướng. Dầu pháp hành Tứ niệm xứ không còn hiện rõ trong tâm con, bởi căn bệnh trầm trọng của Ðức Thế Tôn, nhưng con tự an ủi rằng: “Chưa có lời di chúc đến chư Tỳ khưu Tăng, thì có lẽ Ðức Thế Tôn chưa tịch diệt Niết Bàn”.
Ðức Thế Tôn dạy rằng:
Này Ānanda, bây giờ chư Tỳ khưu Tăng còn hy vọng gì nơi Như Lai nữa? Chánh pháp Như Lai đã thuyết giảng không còn cất giấu lại một pháp nào cả. Như Lai không phân biệt pháp này, đối với người thân tín bên trong, cũng không phân biệt pháp kia, đối với người lạ bên ngoài.
Ðối với vị thầy khác, thường cất giấu pháp quan trọng, đến khi gần chết mới truyền cho người học trò tín cẩn. Ðiều ấy không hề có nơi Như Lai. Vị Thầy nào nghĩ rằng: “Ta là người lãnh đạo nhóm Tỳ khưu Tăng, hay nhóm Tỳ khưu Tăng nương nhờ ở nơi ta, thì Vị Thầy ấy mới có lời di chúc đến Tỳ khưu Tăng”.
Này Ānanda, Như Lai không nghĩ rằng: “Như Lai là người lãnh đạo nhóm Tỳ khưu Tăng, hay nhóm Tỳ khưu Tăng nương nhờ nơi Như Lai”.
Như vậy, tại sao Như Lai lại có lời di chúc đến Tỳ khưu Tăng?
Bây giờ Như Lai đã già rồi, quá thời, tuổi cao, đến 80 tuổi rồi. Ví như chiếc xe cũ, dùng được là nhờ sửa chữa như thế nào, thân của Như Lai cũng như thế ấy, luôn luôn cần được sửa chữa bằng cách nhập Arahán Quả Ðịnh.
Này Ānanda, khi nào Như Lai nhập Arahán Quả Ðịnh có Vô Hiện Tượng Niết Bàn làm đối tượng, diệt được các pháp trong tam giới, thọ hưởng sự an lạc Niết Bàn siêu tam giới, khi ấy Như Lai mới thật sự được an lạc.
Cho nên, các con nên sống có ta [22] làm hòn đảo (trong biển khổ), có ta làm nơi nương nhờ, không nên sống có nơi nương nhờ nào khác. Nghĩa là có chánh pháp làm hòn đảo, có chánh pháp làm nơi nương nhờ, không nên sống có nơi nương nhờ nào khác.
Này Ānanda, Thế nào gọi Tỳ khưu là người sống có ta làm hòn đảo, có ta làm nơi nương nhờ, không nên sống có nơi nương nhờ nào khác. Nghĩa là Tỳ khưu sống có chánh pháp làm hòn đảo, có chánh pháp làm nơi nương nhờ, không nên sống có nơi nương nhờ nào khác.
Tỳ khưu trong Phật giáo này:
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “thân trong thân” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “thọ trong thọ” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “tâm trong tâm” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này.
Là người có tâm tinh tấn không ngừng, có chánh niệm trực nhận, có trí tuệ tỉnh giác trực giác thấy rõ biết rõ “pháp trong pháp” để diệt tham tâm, hài lòng, và sân tâm, không hài lòng trong ngũ uẩn chấp thủ này….
Này Ānanda, Như vậy gọi là Tỳ khưu sống có ta làm hòn đảo, có ta làm nơi nương nhờ, không sống có nơi nương nhờ nào khác. Nghĩa là Tỳ khưu sống có chánh pháp làm hòn đảo, có chánh pháp làm nơi nương nhờ, không sống có nơi nương nhờ nào khác.
Nhóm Tỳ khưu nào hài lòng thỏa thích trong pháp hành, nhóm Tỳ khưu ấy chỉ nên tiến hành Tứ niệm xứ, sẽ là người cao quý”. [23]
Qua đoạn kinh trên, chúng ta thấy rõ được tính ưu việt của Ðức Phật và giáo pháp vô ngã của Ngài.
Trích từ: Tìm hiểu PHÁP HÀNH THIỀN TUỆ ( Tỳ khưu HỘ PHÁP)
Nguồn: http://www.budsas.org/uni/u-thientue/53.htm
You must be logged in to post a comment.