khổ đế và tập đế 1

Phân biệt khổ do vô thường và khổ do tâm tham, sân, si

Có người nói chúng ta có khổ là do tâm tham, tâm sân, tâm si gây ra, nếu  tâm không có tham, không có sân, không có si thì đâu có khổ !  Điều này chỉ đúng khi nói về Tập đế là nguyên nhân gây khổ chứ chưa thấy được Khổ đế do VÔ THƯỜNG gây ra. Đó là chưa kể đến việc khi chưa đắc đạo quả bậc A La Hán thì tâm chúng ta chưa bao giờ đạt tới không có tham, sân, si nên Tập đế với chúng ta luôn là một hiện hữu mà chúng ta cần nhận diện. Bây giờ ta cùng đi vào phân biệt khổ do vô thường và khổ do tâm tham, sân, si gây ra. Khổ do vô thường gây ra gọi là Khổ Đế, tức là chân lý về sự Khổ thuộc về pháp Chân Đế. Ví dụ như ta đang đi trên đường và bị té ngã. Tâm ta đâu có tham bị té ngã, cũng không sân hay si việc bị té ngã. Và sự đau đớn trên thân khi va đập và sự sợ hãi, bực bội trong tâm ta khi bị té ngã, . Đây là Khổ do vô thường gây ra. Nếu khi té ngã mà dưới mặt đường là những mảnh chai, những cái gai nhọn thi sự khổ còn gây ra đau đớn hơn. Nguyên nhân gây ra cho việc té ngã có thể đến từ nhiều phía ví dụ như nền đường nhìn khô nhưng lại rất trơn, đường từ lở lúc ta đi qua, hoặc có người lái xe mất phanh lao vào ta, có người chạy bộ va vào ta…Đây chính là bản chất của vô thường. Chính vì vậy Đức Phật đã dạy chúng ta: Vô thường là Khổ cho dù ta có chấp nhận hay không chấp nhận sự thật này thì nó vẫn cứ đang diễn ra trong mọi thời gian, không gian và hoàn cảnh. khổ đế và tập đế 1 Rõ ràng như ví dụ bị té ngã ở trên là cái khổ của Khổ Đế không liên quan gì đến tâm tham, sân, si cả. Giống như hòn đá, cái khổ của hòn đá là cái khổ bị bào mòn, bị thay đổi (do vô thường gây ra), không liên quan gì đến cái Khổ của tâm cảm thọ (vì tâm cảm thọ cũng vô thường và khổ). Ta đâu có tham, sân hay si việc bị té ngã đâu mà vẫn bị Khổ do té ngã gây ra. Cũng vậy tâm các vị A La Hán đã không còn tham, sân, sĩ nữa nhưng khi chưa hết thọ mạng, thân ngũ uẩn vẫn còn nên các ngài vẫn bị khổ thân nhưng không bị khổ tâm. Niết bàn có có hai loại là Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Khi chứng Niết bàn  với thân ngũ uẩn gọi là chứng Hữu dư Niết bàn. Sau khi tịch diệt ngũ uẩn gọi là chứng Vô dư Niết bàn. Khi Đức Phật chứng đạo quả dưới cây Bồ đề, ngài chứng hữu dư Niết bàn tức là tâm đã đạt tới vô tham, vô sân, vô si của bậc A La Hán, nhưng ngài vẫn còn thân ngũ uẩn. Vì vẫn còn thân ngũ uẩn nên thân vẫn phải chịu khổ như đau đầu, đá lăn đè chân, kiết lỵ,… tức là việc khổ thân vẫn hiện hữu nhưng không còn khổ tâm nữa. .

Khổ do tâm tham, sân, si gây ra gồm hai phần. Phần thứ nhất (Khổ đế) bản chất tâm cũng là pháp hữu vi nên nó bị thay đổi, vô thường, sinh diệt. Bản thân nó cũng chịu khổ. Lúc này nó là đối tượng của chính luật vô thường chi phối (Khổ đế). Phần thứ hai (Tập đế) chính là tâm Tham ái và các tâm Sân, Si tập hợp dưới dạng 10 phiền não.

Mười phiền não (Kilesa) theo kinh tạng:

  1. Ái dục (Kāmarāga)
  2. Ái hữu (Bhavarāga)
  3. Ái sắc (Rūparāga)
  4. Ái vô sắc (Arūparāga)
  5. Tham (Lobha)
  6. Sân (Dosa)
  7. Si (Moha)
  8. Mạn (Māna)
  9. Tà kiến (Diṭṭhi)
  10. Hoài nghi (Vicikiccā).

Mười phiền não (Kilesa) theo vi diệu pháp:

  1. Tham (Lobha)
  2. Sân (Dosa)
  3. Si (Moha)
  4. Mạn (Māna)
  5. Tà kiến (Diṭṭhi)
  6. Hoài nghi (Vicikicchā)
  7. Hôn trầm (Thīna)
  8. Trạo cử (Uddhacca)
  9. Vô tàm (Ahirika)
  10. Vô quý (Anottappa).

Bản chất của tâm được cấu tạo bởi 4 uẩn (thọ, tưởng, hành, thức) nên nó được vận hành, kích hoạt ở ba cấp độ bị động, chủ động và tự động để làm động năng bám víu vào đối tượng các pháp hữu vi (Khổ đế)  mà nó không biết sự thật đó là Khổ do vô thường chí phối nên nó làm khổ các chúng sinh có tâm trong vòng luân hồi. Đức Phật dạy đã biết ngũ uẩn (Khổ Đế)  là khổ rồi mà cứ bám víu vào nó để trở thành ngũ uẩn thủ (Tập Đế) để làm nguyên nhân gây ra  thêm sự khổ nữa. Nhờ pháp hành Minh Sát mà hành giả Tứ Niệm Xứ có khả năng nhận ra sự sinh diệt của ngũ uẩn để nhàm chán, lìa bỏ pháp hữu vi, lìa bỏ tham ưu chấp trước ở đời  vẫn đang sống trên thân ngũ uẩn, tức là thực hành để diệt trừ Tập Đế (sự chấp thủ vào ngũ uẩn) bằng Minh Sát Tứ Niệm Xứ hay Bát Chánh Đạo (Đạo đế) Kết luận: Các pháp hữu vi không có tâm sẽ chỉ khổ ở phần sắc pháp (Khổ đế). Các pháp hữu vi có tâm (chúng sinh hữu tình) không chỉ khổ ở phần sắc pháp (Khổ đế) mà còn thêm khổ tâm (danh pháp) là tâm vừa chịu Khổ đế, vừa là Tập đế.

viết bởi Thấy và Biết xem thêm: Hòn đá có khổ không ?