
Nỗi Khổ Của Vị Thầy
Làm thầy là điều cao quý, làm thầy hướng dẫn tâm linh còn cao quý bội phần vì đó không phải làm một nghề nghiệp kiếm sống mà là một sứ mệnh thiêng liêng. Sứ mệnh nào cũng có vinh quang và khổ cực đi cùng. Bài viết này nói về bốn nỗi khổ của một vị thầy tâm linh, vị đạo sư trong Phật giáo.
1-Khổ vì học trò quậy: Phần lớn người học thiền học đạo, ai cũng biết câu truyện “Thế À!” của thiền sư Bạch Ẩn (Hakuin). Ngài thiền sư Bạch Ẩn được dân làng vô cùng quý trọng, tôn kính như một vị thầy, một vị Phật sống của cả làng. Và khi sư bị cô gái ở trong làng vu là có con với cô ấy và đem đứa con lên chùa trả cho sư. Sư chỉ nói: “Thế à!’. Cha mẹ cô ấy cùng dân làng đến chùa mắng nhiếc, sỉ vả sư. Bọn trẻ con trong làng thì chạy theo ném đất bẩn khi sư ôm đứa trẻ đi xin sữa dù ngày mưa hay nắng.
Vào một ngày không chịu được cảnh sư và đứa con mình bị hành hạ, mẹ đứa trẻ đã thú nhận với cha mẹ cô ấy là cha đứa trẻ thật sự là anh bán cá ở chợ. Cha mẹ cô gái cùng dân làng hoảng hốt sợ hãi chạy đến chùa cầu xin sư tha lỗi và đón đứa trẻ về. Sư cũng chỉ nói: ‘Thế à!”. Sau việc này, dân làng càng tôn kính sư hơn nữa, danh tiếng của sư ngày càng lan xa, cho dù sư cũng không quan tâm đến việc này.
Khi câu truyện này được xem xét dưới khía cạnh quan hệ thầy trò thì đây là một “tai nạn” của nghiệp làm thầy giữa thiền sư Bạch Ẩn với các học trò của mình là những người dân trong làng. Nếu sư Bạch Ẩn là một người bình thường, là anh bán cá hay chẳng là ai cả thì hẳn ngài không bị phản ứng dự dội như vậy khi nghiệp trổ quả (bị hiểu nhầm, bị vu oan). Vì ngài làm thầy, là vị đạo sư tâm linh của dân làng nên ngài phải chịu khi bị học trò mình quậy thôi. Đó cũng là một phần ít hay nhiều trong công việc của người làm thầy. Việc này Đức Phật cũng không là ngoại lệ khi đệ tử là Đề Bà Đạt Đa quậy, hay các tỳ kheo ở Kosambi cự cãi. Tất nhiên là Đức Phật đã diệt trừ hoàn toàn tham, sân, si nên Ngài không có phiền não.
Còn với thiền sư Bạch Ẩn, ngài sống tự tại trước sự đổi thay, sinh diệt của cuộc đời ngũ uẩn bên trong và bên ngoài này. Nên khi dân làng chuyển từ kính trọng sang vu oan, xúc phạm, sỉ nhục, rồi lại quý trọng, tôn kính trở lại cũng chẳng liên quan đến cái gì “là ta và là của ta” như ta là vị sư, ta là vị thầy, ta là người đức hạnh… Cho nên ngài không bị sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối.
2-Khổ vì tạo nghiệp xấu khi trả lời sai: Làm thầy là một vinh dự lớn, nhưng nếu không khéo quan sát được như ngài Bạch Ẩn sẽ là một nỗi khổ lớn lao. Không chỉ có khả năng kham nhẫn, chịu đựng, mà cần có cả trí tuệ để có thể tránh những hậu quả về nghiệp do mình tạo ra. Có câu truyện thiền nổi tiếng ẩn dụ về một vị trụ trì chỉ vì trả lời sai một câu mà phải đọa làm chồn 500 kiếp. Nếu vị ấy chỉ là một người bình thường hay không làm thầy trụ trì, thì đã không có ai tìm đến hỏi, để phải chịu hậu quả như vậy.
3-Khổ vì ảnh hưởng lớn có thể sai một ly đi ngàn dặm: Đức Phật cũng xác nhận ảnh hưởng của vị thầy, vị trưởng lão là vô cùng to lớn. Vì ảnh hưởng lớn như vậy, nên nếu lỡ vị ấy có tà kiến thì sẽ đem lại sự bất hạnh cho đa số:
“Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại bất hạnh cho đa số, đem lại không an lạc cho đa số, đem lại không lợi ích, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là năm?
Vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Các pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh, những pháp ấy, vị ấy đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ đọc nhiều lần, chuyên ý quan sát, khéo thành tựu, nhờ chánh kiến. Vị ấy có TÀ KIẾN, có tri kiến ĐIÊN ĐẢO. Vị ấy làm cho nhiều người từ bỏ diệu pháp, chấp nhận phi diệu pháp. Vì vị Tỷ-kheo Trưởng lão là bậc kỳ cựu, xuất gia đã lâu ngày, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì vị Tỷ-kheo Trưởng lão được nhiều người biết đến, có danh vọng, được một số đông người tại gia, xuất gia đoanh vây, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng, vị Tỷ-kheo Trưởng lão nhận được các vật dụng cần thiết như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy. Vì rằng vị Tỷ-kheo là bậc nghe nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe, nhiều người làm theo tri kiến vị ấy.
Thành tựu năm pháp này, vị Tỷ-kheo Trưởng lão đem lại bất hạnh cho đa số, đem lại không an lạc cho đa số, đem lại không lợi ích, bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.” (Kinh Vị Trưởng Lão, HT Thích Minh Châu dịch)
4-Khổ vì có thể bị rời bỏ khi tu hành không đúng với Kinh và Luật: “Này các Tỷ-kheo, các Ngươi không nên tán thán, không nên hủy báng lời nói của Tỷ-kheo ấy. Không tán thán, không hủy báng, mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu, cần phải được học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đem đối chiếu với Luật. Khi đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật, nếu chúng không phù hợp với Kinh, không tương ứng với Luật, thời các Ngươi có thể kết luận: “Chắc chắn những lời này không phải là lời Thế Tôn, và Tỷ-kheo ấy đã thọ giáo sai lầm”. Và này các Tỷ kheo, các Ngươi hãy từ bỏ chúng. (Kinh Đại Bát Niết Bàn, HT Thích Minh Châu dịch)
*Nguyên nhân của đau khổ: Ngài Ajahn Chahn đã từng nói: “Đừng là cái gì cả!. Làm một vị Phật là một gánh nặng. Làm một vị Phật Duyên Giác là một gánh nặng. Đừng cầu được thành cái gì. Tôi là ngài A. Tôi là sư thượng tọa. Đó là khổ, cầu muốn là khổ, tin rằng ta thành một ai đó là khổ. “Ngài A”, “thượng tọa” chỉ là quy ước. Ngay cả “tu sĩ” cũng chỉ là một danh từ quy ước.
Nếu ta cứ tin ta là cái gì đó, hoặc là ai đó, điều đó chỉ mang lại khổ. Nếu thực sự có một “ngài A”, thì khi có ai chỉ trích “ngài A” sẽ tức giận, khởi tâm sân. Đó là cách sự khổ sẽ xảy ra khi chúng ta cứ chấp lầm cái ‘ta’ hay thứ gì đó là thực, là cố hữu. “Ngài A” bị dính danh (dính tâm) và bắt đầu phản đối này nọ với lời chỉ trích. Nếu không có cái “ngài A”, chẳng có ai bị xúc phạm và phản đối. Không có “ngài A”, chuông điện thoại reo, chẳng ai trả lời điện thoại. Chẳng có ai thì chẳng có ai để trở thành bất cứ cái gì. Không có cái “ta” thì ta chẳng trở thành cái gì. Ta chẳng là ai, chẳng có ai cả, thì chẳng ai chịu khổ vì bất cứ điều gì.
Khi ta nghĩ mình là cái gì đó hay là ai đó, chúng ta luôn phản ứng lại bất cứ chuyện gì; khi nghe chuông điện thoại, ta liền bắt máy và dính líu vào đó. Làm sao chúng ta tránh khỏi điều đó?. Chúng ta phải nhìn rõ vào điều đó và phát triển trí tuệ hiểu biết về nó thì mới không còn cái “ông A” bắt nghe điện thoại. Nếu ta bắt điện thoại vì nghĩ mình là “ông A”, ta sẽ dính vào đó và bị khổ. Vì vậy hãy đừng làm “ông A”. Chỉ luôn biết rằng cái tên đó và danh xưng đó chỉ là quy ước.
Nói rõ hơn, khi có ai nói ta tốt, đừng nhận. Đừng nghĩ ta tốt. Khi có ai nói ta xấu, đừng phản ứng. Đừng nghĩ ta xấu. Đừng cố là gì cả. Biết rõ điều gì đang xảy ra. Nhưng cũng đừng dính mắc vào sự hiểu biết đó, chỉ cần nghĩ rằng: “Ta là một người nào đó biết tỉnh giác”. (Trích từ Lẽ sinh diệt, lý tu hành, Ajahn Chahn, Lê Kim Kha dịch)
Đây là cách ngài Ajahn Chahn giảng về quán ngũ uẩn thủ theo như lời Đức Phật đã dạy:
“Vị ấy không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta”. Do vị ấy không bị ám ảnh: “Sắc là ta, sắc là của ta” khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não! (Tương tự cho thọ, tưởng, hành, thức)…” (Kinh Tương Ưng Thọ, HT Thich Minh Châu dịch)
“Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo suy tư: “Ðây là sắc, đây là sắc sanh, đây là sắc diệt. Ðây là thọ, đây là thọ sanh, đây là thọ diệt. Ðây là tưởng, đây là tưởng sanh, đây là tưởng diệt. Ðây là hành, đây là hành sanh, đây là hành diệt. Ðây là thức, đây là thức sanh, đây là thức diệt”. Như vậy vị ấy sống quán pháp trên các nội pháp; hay sống quán pháp trên các ngoại pháp; hay sống quán pháp trên các nội pháp, ngoại pháp; hay sống quán tánh sanh khởi trên các pháp; hay sống quán tánh diệt tận trên các pháp; hay sống quán tánh sanh diệt trên các pháp. “Có những pháp ở đây”, vị ấy sống an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì ở trên đời. Này các Tỷ kheo, như vậy Tỷ kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Năm Thủ uẩn.” (Kinh Đại Niệm Xứ, HT Thich Minh Châu dịch)
You must be logged in to post a comment.