make your dreams reality your dreams by lucid dreaming w654

Nghiệp

Tỳ kheo Thiện Minh

IMG_0481
Nghiệp là gì?

1. Không thể nghĩ bàn: Trong cuộc sống, có một số điều ‘’ bất khả tư nghì ‘’. Không nên bàn nhiều, chỉ tin mà làm . Nhiều người do là kẻ phàm phu không biết, không hiểu nên thường tự hỏi: sao có người tốt quá mà chết sớm. Đó là do họ không biết được nhân quả của kiếp trước, kiếp sau .

Đối với Thiền định hay còn gọi là Samadhi nên làm nhiều hơn nói , nghĩa là nên thực tập thiền hơn là nói về thiền. Bởi khi thực hành thiền, con người có thể có một số khả năng như: tiếp xúc với người âm, khả năng bay v.v…Tại Thái Lan, trong một chương trình truyền hình phát sóng ghi lại hình ảnh một vị sư cô ngồi dưới hồ nước thiền định. Trong kinh Phật có câu chuyện kể về một vị sadi nhàm chán thế gian quá bèn đi xuống biển ngồi thiền. Do đó, Thiền là một lĩnh vực không thể nghĩ bàn, rất mầu nhiệm .

Kinh Phật cũng nói có những pháp tu làm cho con người đạt đến thần thông. Do đó thực tu, thực tập nhiều chứ không phải nói nhiều. Trong thực tế chẳng ai thấy con rắn 7 đầu cả nhưng đến chùa chúng ta có thấy hình ảnh con rắn 7 đầu che trên đầu tượng Phật. Trong lịch sử Phật giáo có kể rằng khi đức Phật thành đạo, có một con rắn 7 đầu đã phùng mang che cho Ngài . Có thể người ta nghĩ những gì kinh Phật nói rất khó tin , nó có vẻ như huyền thoại. Nhưng cuối năm 2010 , báo chí đưa tin ở Ấn độ xuất hiện một con rắn có 5 đầu ở Nam Ấn . Vậy nếu mình do không thấy nên không tin, không hiểu nên không tin thì hãy cứ tập tu đi. Từ từ sẽ chứng nghiệm .

2. Câu chuyện về nhân quả

Chuyện xảy ra trong thời Đức Phật còn sinh tiền. Thời đó, mỗi buổi sáng các đệ tử Phật sau khi khất thực xong thì đi vô rừng để thọ thực. Có một vị đệ tử Phật gặp một người thợ săn. Người thợ săn ngày hôm đó không bắn hạ được con thú nào nên rất buồn, rất sợ khi trở về nhà sẽ bị vợ và mẹ vợ chửi mắng . Nhà Sư an ủi người thợ săn và nói :

– Ta sẽ cho ông một câu thần chú, ông cứ đọc câu thần chú này thì sẽ không bị ai la rầy làm cho ông buồn phiền nữa. Câu chú như thế này: Buddham saranam gacchami, Dhammam saranam gacchami, Sangham Saranam Gacchami, Dutiyampi, Tatidampi.

Người thợ săn vui mừng vừa đi vừa đọc, đọc mãi các câu thần chú đó. Cho đến khi ông ta trở về nhà. Người vợ và bà mẹ vợ thấy ông ta đi săn mà không có mang về con thú nào cả còn miệng thì cứ lép nhép không ngừng nghĩ nên họ rất tức giận nói :

– Đọc chú gì đó, nhà cần gạo, cần con thú để ăn, không cần thần chú, ông hãy đem câu thần chú đó trả lại cho ông thầy tu kia, chừng nào trả xong thì mới được về nhà đây.

Người thợ săn buồn bã đi tìm nhà sư để trả lại câu thần chú. Nhưng vị Thầy nói rằng : ‘’ Ta xưa nay chỉ cho chứ không nhận lại. Có một vị sẽ nhận lại câu chú, đó là Phật tổ ở Kỳ Viên Tịnh xá , nơi đó đi phải mất 16 do tuần, xa lắm. Người thợ săn không còn cách nào khác bèn đi gặp Phật tổ. Trên đường ông ta đi, ông ta gặp 4 sự kiện sau đây :

1. Gặp 500 cô tiên nữ xinh đẹp, đặc biệt họ không mặc quần áo. Họ nhờ người thợ săn hỏi Phật tổ vì sao họ phải chịu kiếp sống lúc nào cũng trong tình trạng lõa thể như vậy.

2. Gặp một con voi ăn gai, miệng chảy máu, đau nhức nhưng vẫn ăn gai. Con voi nhờ người thợ săn hỏi Phật tổ vì sao nó phải ăn gai mà không thể ăn những thức ăn ngon khác .

3. Gặp một con trăn nằm quấn thân hình trên gò mối, nó dù ốm, dù đói cũng không bò đi nơi khác nên không có con mồi để ăn. Nó nhờ người thợ săn hỏi Phật tổ vì sao nó bị như vậy .

4. Gặp một ông vua và cô công chúa. Cứ tới mùa hè là vua và công chúa ra ngoài cánh rừng dựng lều ở trong 3 tháng . Họ nhờ người thợ săn hỏi Phật tổ vì sao họ có cung vàng điện ngọc mà phải đi ra sống nơi hoang dã như vậy trong suốt thời gian 3 tháng.

Người thợ săn sau đó tới Kỳ Viên Tịnh Xá vào buổi chiều, khi ấy Phật tổ đang thuyết pháp. Sau đó người thợ săn kể lại tất cả câu chuyện mà ông ta đã gặp trên đường đi và thưa với Phật xin trả lại câu thần chú của vị Thầy tu đã cho ông ta. Phật giải thích cho người thợ săn hiểu rằng câu chú mà ông ta thường niệm không phải là câu bùa chú gì cả mà đó là câu con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, giúp cho những ai đọc câu này có được chủng tử giác ngộ, có được duyên lành với Phật Pháp. Người thợ săn nghe vậy bèn thôi, không đòi trả câu chú nữa. Theo đề nghị người thợ săn, sau đó Phật trả lời những câu hỏi của người thợ săn về 4 trường hợp sau đây :

1. Về 500 cô tiên nữ sống giàu sang nhưng suốt đời không mặc quần áo là do biết bố thí cúng dường nhưng lại nuôi thú vật rồi bán thú, lấy tiền đó mua đồ trang sức làm đẹp, khi nuôi thú vật thì cũng có lúc đánh đập chúng nên khi trả quả là sống không mặc được quần áo, chịu cảnh lõa thân như thế .

2. Voi ăn gai là do ngày xưa voi là một vị quan tòa sống không thanh liêm, đổi trắng thay đen, do không có thiện tâm nên sanh làm voi, do nghiệp quả nên cái miệng ngày xưa nói lời gian dối, độc ác nên bây giờ phải ăn gai, miệng tóe máu, đau đớn.

3. Con trăn kiếp trước là ông bá hộ giàu có nhưng keo kiệt, không giúp đỡ người khác. Do hành động bỏn xẻn nên khi chết nhớ tiếc của cải quá bèn sanh làm con trăn suốt ngày quấn lấy cái gò mối là nơi chôn vàng của ông bá hộ xưa kia.

4. Vua và công chúa xưa kia là vợ chồng làm nghề thợ săn thường hay đốt lửa để săn bắn muông thú. Người ta thường nói : “Nhất phá sơn lâm. Nhì đâm hà bá”, làm cho chúng sanh trên rừng, dưới biển đau khổ, chết chóc hoặc làm thay đổi môi trường sống của muôn loài là tội rất lớn. Vì vậy vua và công chúa do nghiệp quả mà phải chịu sống trong rừng cô độc và thiếu thốn như vậy .

Người thợ săn ngộ được lời dạy của Phật, vui mừng ra về . Trên đường về ông ta gặp Vua kể lại câu chuyện nên được vua tặng cho một cục vàng . Gặp trăn, ông cũng kể cho trăn nghe những lời Phật dạy. Con trăn nói: Của cải này giờ đây thật vô nghĩa. Trăn cho người thợ săn tất cả vàng dưới gò mối. Còn 500 cô tiên nữ đãi người thợ săn một bữa cơm ngon và hứa với người thợ săn là sẽ cố gắng tập sống tốt hơn .

Khi người thợ săn về tới nhà thì cũng là lúc người vợ và bà mẹ vợ đã biết ăn năn vì sự đối xử hung dữ và lòng ích kỷ của họ trong thời gian qua. Họ hứa với lòng sẽ cư xử tốt hơn, đồng thời, ông kể lại chuyện đi trả lại câu chú và đem vàng và của quý ra đưa vợ và mẹ vợ, họ vui mừng khôn tả.

3. Vậy Nghiệp là gì ?

Những câu chuyện trên phản ảnh rất rõ về nhân quả trong đời sống hàng ngày. Kinh Phật dạy rằng nghiệp (nghiệp là hành động tạo tác ) có 3 loại :

a. Hiện nghiệp: Trổ quả hiện tại , thiện nghiệp hay ác nghiệp cũng có thể trổ quả ngay trong kiếp hiện tại. Chuyện kể rằng xưa có hai vợ chồng nông dân nghèo khó nhưng có lòng thành cúng dường Ngài Xá Lợi Phất ( sau khi Ngài xả thiền duyệt ) một bữa cơm trưa. Cúng dường xong hai vợ chồng đi cày ruộng thì cày tới đâu gặp được vàng tới đó. Nhà vua biết được bắt đem vàng đó sung vào công quỹ. Nhưng khi lính của Vua hốt vàng lên thì vàng biến thành đất. Chỉ có hai vợ chồng kia mới cầm được vàng đem về. Câu chuyện có thể hiểu rằng : phước ai nấy hưởng. Thời nay ai cũng biết có người mua một cái nhà hay miếng đất chừng vài ba chỉ vàng thôi nhưng nay trị giá hàng ngàn cây vàng thì rỏ ràng phước ai nấy hưởng vậy .

Có một câu chuyện khác kể rằng đứa con bất hiếu với cha mẹ, chửi mắng cha mẹ. Mỗi ngày nó đi chăn trâu mẹ nó nấu cơm canh cho nó ăn. Một hôm nó giận dữ hắt nguyên tô canh vô mặt bà mẹ. Rồi một hôm nó chăn trâu ngoài đồng bị sét đánh chết . Đám tang nó vừa xong ba ngày thì sét đánh cái mã chôn nó nứt ra làm hai . Ai cũng nên biết rằng đối với : cha mẹ, Phật tổ, những vị chân tu, những vị tu thiền có thần thông nếu bất kính quả báo sẽ trổ ngay trong hiện tại.

b. Hậu nghiệp: Trổ quả kiếp sau. Ca dao Việt Nam có câu :

” Ai ơi cố gắng làm lành

Kiếp này không được để dành kiếp sau”.

Do vậy, trong đời sống hằng ngày hãy nên biết bố thí, cúng dường để có phước báu về sau. Ví dụ: mắt mờ nên biết bố thí nhang, đèn; người có dung mạo xấu xí nên biết bố thí, cúng dường y phục; muốn an vui hãy bố thí xe, thuyền. Bố thí vật quý trọng hằng được sự quý trọng. Bố thí vật vừa lòng hằng được sự vừa lòng. Đó là do nhân quả. Nhân quả do thân, khẩu, ý mà ra

“Ta đi với nghiệp của ta

Dù cho tốt xấu tạo ra tự mình ”

Như vậy các anh chị em ngồi đây, những người đã quy y tam bảo là đã gieo một chủng tử tốt. Chủng tử đi theo mình hoài, đời nào, kiếp nào cũng không rời.

Xưa Trưởng lão Thánh tăng Assaji tu hành có tướng mạo oai nghi. Xá Lợi Phất khi gặp trưởng lão hoan hỷ và cầu xin trưởng lão Assaji nói một câu, một lời dạy nào để ngài theo đó tu tập. Ngài Assaji dạy “ Ye Dhamma hetuppabhava tesam tathagato Aha tesanca yo nirodho evam vadi mahasamano”: Tất cả pháp sanh lên đều do nguyên nhân, đấng Như Lai chỉ ra nguyên nhân đó. Nguyên nhân ấy diệt, thì pháp ấy diệt. Bậc đại Sa Môn đã dạy như vậy. Nghe xong ngài Xá Lợi Phất bừng ngộ và chứng quả vị Tu Đà Hườn. Sau này khi đã tiến xa trên con đường tu tập, ngài Xá lợi Phất luôn nhớ ơn ngài Assaji đã khai ngộ, khai thông giòng suối giác ngộ, giúp cho ngài biết được chánh Pháp .

Tục ngữ Việt Nam có câu : ‘

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây ” cũng là nhắc cho mình sống là phải có lòng biết ơn đối với người đã giúp mình.

3. Vô gián nghiệp (hay còn gọi là vô hạn nghiệp): Dù thiện hay bất thiện, những nghiệp ta đã tạo nó sẽ cứ chờ đó, chừng nào đủ duyên nó sẽ trổ quả. Nghiệp cứ đi theo hoài, không bao giờ mất mà đúng lúc thì trổ quả vậy thôi. Do đó các vị A La Hán sẽ không tạo nghiệp mới nhưng vẫn phải trả nghiệp cũ.

Có thể nói, người quy y Phật, quy y Pháp, Quy y Tăng là người quay về nương tựa nơi Đức Phật, nơi Gíao Pháp, nơi chư Tăng, là đã gieo chủng tử giác ngộ cho đời này, đời sau. Hãy luôn nhớ nhân quả là do thân, khẩu, ý sanh ra. Người quy y phải luôn giữ 5 giới. Nếu người quy y lỡ có phạm giới thì tội sẽ nhẹ hơn người chưa quy y . Vì chắc chắn người đã quy y thì tâm không cố ý phạm giới. Chỉ khi nào tâm cố ý phạm giới thì tội rất lớn.

Do vậy đã quy y rồi thì hãy luôn luôn giữ giới bằng thân, khẩu, ý để dừng gây nhân quả, đừng tạo nghiệp. Người tu phải biết sợ hành động bất thiện mình đang làm. Không sợ thành công hay thất bại, không sợ đúng hay sợ sai mà hãy biết sợ nhân quả. Biết sợ nhân quả thì sẽ không làm tổn hại đến chúng sanh, không làm những điều bất thiện vậy.

Theo: Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy số 20