3605941227668994

Nghề nào nghiệp đó

Tỳ Kheo Giác Đẳng

CareerPlanning_a9e791

Cuộc sống của chúng ta ở mỗi người có những liên hệ mà theo ca dao tục ngữ gọi là “giây mơ rễ má”, nghĩa là có những sợi giây chằng chịt liên hệ giữa quá khứ, hiện tại, vị lai trong cái nhìn, hành động, cảnh giới và kết quả. Và nói một cách khác thì mọi sự việc không đơn thuần chỉ đến và chỉ đi mà thôi.

Nhiều người trong chúng ta không nhận ra điểm này nhất là ngày hôm nay người ta sống ở một xã hội kỹ nghệ, và sự thay đổi thường xuyên của cuộc sống khiến cho người ta cảm tưởng là mình giống như một diễn viên khi nào đóng vai nào thì mặc trang phục của vai đó và trình diễn trong vai đó rồi thôi. Chính ra thì nó ảnh hưởng rất lớn đến cả cuộc đời của chúng ta.

Những lần về thăm Tích Lan thì chúng ta được biết ở xã hội Tích Lan có những nghề người Phật tử rất ít làm, thí dụ nghề đồ tể hay mở lò sát sanh thường là những người làm nghề đó theo Hồi giáo. Hay hoặc giả là có những xứ sở đa tôn giáo đa sắc tộc thì mỗi một sắc dân có khuynh hướng làm nghề khác nhau, bên Hoa Kỳ chúng ta thấy có hiện tượng như là kinh doanh về cây xăng hay khách sạn thì người Ấn Độ làm nhiều, mở tiệm làm móng tay (nail) thì người Việt Nam làm nhiều, mở tiệm bán bánh donut thì người Cambochia làm nhiều. Những điều đó giống như một hiện tượng xã hội và khi nói hiện tượng xã hội thì chúng ta nghĩ rằng có lẽ vì quen biết nhau mà người ta kéo nhau để làm nghề đó, nó là sự liên hệ tình cờ. Thậm chí có nhiều người xem rằng chuyện sinh nhai trong đời sống hay là chọn một lối sống nào đó nó chỉ đơn giản là một giải pháp cho cuộc sống này, ví dụ như chọn làm luật sư, làm bác sĩ, làm nghề kinh doanh. Ngày xưa có lẽ chúng ta nghe câu nói “Nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ thương” là những cách để lựa chọn như ngày hôm nay chúng ta chọn nghề hay là chọn chỗ ở. Tuy vậy đối với bậc thiện trí thì quả thật sinh nhai hoặc giả là một lối sống ảnh hưởng toàn bộ đời sống chúng ta, cái ảnh hưởng toàn bộ đó nên được nhận thức, nên được thấy, và nên được biết với một hành giả tu tập.

Khi còn nhỏ chúng tôi thường thắc mắc là tại sao trong Bát Chánh Đạo lại có một thứ gọi là Chánh Mạng tức là sự sinh kế lương thiện hay là nuôi mạng chân chánh. Chúng tôi nghĩ chuyện người ta làm nghề gì hay theo đuổi lối sống nào đó để sinh nhai trong đời sống đó là chuyện riêng và chuyện tu tập là chuyện riêng, tại sao Đức Phật lại đem chuyện đó vào trong đời sống tu tập. Trong A Tỳ Đàm có 8 chi đạo được đề cập rất rõ ràng ở trong tâm đạo, tâm đạo tức là tâm đoạn tận phiền não chứng đắc Niết-bàn và tâm đạo đó chỉ là một sát na khởi lên trong một tích tắc nhưng lại đưa con người từ phàm sang thánh đưa từ bậc thánh thấp lên bậc thánh cao, nhưng trong chi đạo đó một lần nữa lại có Chánh Mạng. Chúng tôi có một bâng khuân mỗi lần đề cập đến Chánh Mạng là nuôi mạng chân chánh thì tại sao lại ảnh hưởng như vậy sau này chúng tôi lớn lên ở trong chùa nhận thấy có một điểm như vầy là nhà sư tu tập.

(Ở đây chúng tôi nói ra thì qúi Phật tử hoan hỉ là chúng tôi chỉ trình bày có tánh cách vô tư trong ý nghĩ của mình thôi chứ không có ý chỉ trích. Qúi Phật tử nên nhớ một điều nên hiểu cho chúng tôi rằng khi nói chuyện thì chúng tôi cố gắng để trình bày ý nghĩa liên hệ đến bài học chứ chúng tôi không có nhắm vào cá nhân nào hết nếu nó có sự đụng chạm thì đó là sự vô tình, qúi vị hoan hỉ hiểu cho.)

Kinh nghiệm chúng tôi sống trong chùa một khi một vị tu sĩ mà đặt nặng khuynh hướng như làm thầy địa lý, coi phong thủy, hay làm thầy bói, hay làm thầy cúng thì thường thường những việc này mang lại sự tương đối thoải mái trên phương diện đời sống như là tiền bạc tài chánh và có nhiều đàn tín ủng hộ thậm chí có thể xây dựng chùa chiền dễ dàng, cái gì cũng dễ dàng hết, qúi vị biết ở bên Hoa Kỳ những chùa nào mà đi cúng đám nhiều thì chùa đó về tài chánh dồi dào. Nhưng ngược lại có một điểm chúng tôi nhận thấy rằng thí dụ như mình là nhà sư mà đặt nặng vấn đề coi phong thủy, chữa bệnh, hay là cúng đám, thì nó không phải dừng tại đó mà hầu như nó thay đổi toàn bộ đời sống, khi một vị sư mà tối ngày bàn cái gì cũng phong thủy cứ bói toán hoài thì vị đó từ từ xem Phật Pháp là một cái phụ mà chính cái mình đang làm như là coi bói hay coi phong thủy mới là chính lâu ngày thì làm cho chúng ta đi lệch xa Phật Pháp, chúng tôi không thấy vị nào theo đuổi những chuyện đó lâu ngày mà vị đó phát huy quang đại về Phật Pháp, hễ gặp Phật tử mình cứ nói chuyện bói toán nói chuyện phong thủy hoài thì từ từ ít nói chuyện Phật Pháp, thật sự là vậy. Dĩ nhiên, có vị nói rằng đó là cái phương tiện vì những việc đó sẽ làm cho Phật tử lui tới nhờ mình có bói toán có trị bịnh nhờ có phong thủy có cúng kiếng. Nhưng hễ đi vào những nghề đó lâu ngày ở miền nam ông bà chúng ta có chữ gọi là “bị lậm” tức là mình đi vào thế giới đó nhiều quá rồi mình bị lậm tức là mình đặt nặng chuyện đó quá và những việc tu tập mình quên đi.

Do vậy đôi khi chúng tôi nhìn thấy một hình ảnh nhà sư cố gắng học Phật Pháp cố gắng đầu tư thì giờ tâm trí vào trong Phật Pháp tuy rằng vị đó sống nghèo không ai biết nhưng chúng tôi rất thương những vị đó cái thương của chúng tôi là chúng tôi nghĩ rằng vị đó có thể làm một thứ khác ví dụ như học cách coi bói hay coi phong thủy rồi Phật tử đến mình nói ra nói vô thì những chuyện đó họ vẫn thích hơn là nói pháp, có nhiều Phật tử họ không thích nghe pháp nhưng hễ nghe Chư Tăng vị nào coi phong thủy là lại thích.

Tuy vậy từ chuyện đó chúng ta mới hiểu tại sao Đức Phật nói chánh mạng và tà mạng của người xuất gia. Chánh mạng của người xuất gia là nuôi mạng một cách chân chánh. Thế nào là nuôi mạng một cách chân chánh? Thực phẩm hàng ngày mình ăn là do đàn tín cúng dường, sự cúng dường đó là do sự phát tâm trong sạch họ nghĩ rằng Chư Tăng tu tập cần có thực phẩm để sống chứ không phải là vì mình coi bói hay coi phong thủy rồi họ cúng dường. Bây giờ thì người ta hay nói đến chuyện làm kinh tế nói đến chuyện nhà sư phải có cái nghề tay trái thì mới đủ tồn tại trong cuộc đời. Thật sự có một chuyện chúng tôi rất cảm kích Ngài Tịnh Sự, Sư Trưởng là những vị Thầy hồi chúng tôi còn nhỏ sống với các Ngài, các Ngài có cái nhìn rất rõ ràng mình là nhà sư thì không làm những chuyện đó, nhà sư thì phải học Phật pháp rồi thuyết pháp rồi Phật tử họ hồi hướng phước rồi tùy theo quần chúng Phật tử hoan hỉ đến còn không hoan hỉ đến thì thôi. Nhưng đến lớn lên bây giờ cũng vậy chúng tôi cảm thấy rất là xấu hổ khi Phật tử đi chùa chỉ vì cúng kiếng thôi chứ không phải họ đi chùa vì hoan hỉ Phật Pháp.

Chúng tôi muốn nói một gợi ý ban đầu là sự sinh hoạt, lối sống của chúng ta đặc biệt là sinh kế tức là mình làm sao để có tiền bạc dư dùng, mình làm sao để có được cơm ăn ngày, hôm nay làm sao có được sự sống. Thật ra ngày hôm nay ai cũng nói đến chữ kinh tế nhưng điều đó nó ảnh hưởng như thế nào đối với nội tâm của chúng ta, đối với cuộc sống của chúng ta, và đối với tương lai của chúng ta, có thể chúng ta nghĩ rằng nó chỉ là một phần nhỏ của đời sống thôi, mình làm kế toán làm luật sư làm bác sĩ làm kinh doanh làm buôn bán v.v… hay là mình lựa chọn một cương vị nào đó thì nó chỉ là một sự dong rủi tình cờ của cuộc đời, nó không ảnh hưởng nhiều đến tương lai này. Nhưng khi chúng ta đọc được những gì Đức Phật Ngài giảng trong bài kinh này thì chúng ta thấy những điều đó ảnh hưởng một cách sâu sắc, nó ảnh hưởng sâu sắc trong ý nghĩ của chúng ta, nó ảnh hưởng sâu sắc trong cảnh giới của chúng ta, nó ảnh hưởng sâu sắc trong điểm tựa của chúng ta, nó ảnh hưởng sâu sắc trong cái nhìn về tương lai cứu cánh và chỉ chừng đó là nó ảnh hưởng gần như là toàn bộ của mình thì lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao ở trong Bát Chánh Đạo có Chánh Mạng và tại sao các bực thiện trí ngày xưa từ bỏ một nếp sống có một địa vị để đi xuất gia đi con đường khác, chúng ta hiểu chuyện đó thì chúng ta mới hiểu tại sao Đức Phật Ngài mở ra cho chúng ta một khung trời lớn. Nhưng sự tu tập có thể làm gì, có thể thành một vị xuất gia được tại vì lý do rất đơn giản là nếu chúng ta sống bằng một cái nghề nào đó thì sở hành, cảnh giới, điểm tựa và tất cả các cánh giới của chúng ta lại ảnh hưởng toàn bộ liên quan đến nghề nghiệp của mình.

Ở đây, không đơn giản chỉ nói về sinh kế thôi mà nói đến địa vị. Trong tiếng Anh có hai từ ngữ phân biệt rất hay ví dụ như họ có chữ “occupation”, chữ “carrer” và hai chữ này đặc biệt đề cập đến tay nghề của mình và việc làm mưu sinh, một người có thể nhất thời đi làm cho hãng xưởng nào đó trong cương vị nào nhưng tay nghề của người đó thí dụ như người làm về thợ kim hoàn có tay nghề thợ bạc, hay thợ mộc, hay là luật sư, hay là kế toán v.v… thì tay nghề cũng nói lên sở trường khả năng có thể làm được.

Riêng trong tiếng Việt Nam có ý niệm hơi khác hơn. Trong bài học hôm nay với tựa đề “nghề nào nghiệp đó”, dĩ nhiên là người ta hiểu nhiều cách nhưng chúng tôi cảm thấy thích thú khi chúng ta nói về nghề nghiệp. Quả thật, có nhiều thứ nghề chúng ta làm được, sinh kế chỉ là làm cho có làm thôi, ví dụ như mình thất nghiệp rồi mình đi làm tạm nghề gì đó, cái nghề tạm đó không hẳn là một sinh kế lâu dài của mình. Chúng ta hiểu chữ nghề, người ta thường nói nghề mộc, nghề hồ, nghề buôn bán. Nhưng khi chúng ta nói chữ nghiệp thì nó sâu đậm hơn ví dụ như chúng ta nói chuyên nghiệp hay nói nghiệp duyên là chỉ cho nghề tay trái. Thì chữ chuyên nghiệp có tánh cách đậm đà hơn, một cái gì đó ăn sâu vào trong cái nhìn cái suy nghĩ ở trong cái nhân sinh quan của chúng ta. Do đó chúng tôi nói “nghề nào nghiệp đó”.

Nhưng trong đạo Phật thì chữ nghiệp kamma lại nói lên hành động hay nói rõ hơn là tác ý hành động, mà chữ hành động chữ nghiệp trong đạo Phật thì không liên quan đến nghề nghiệp mà là nói đến tất cả sở hành của chúng ta nhưng lại liên quan đến hành động.

Thì ở đây chúng tôi muốn nói như vầy; cho dù chúng ta hiểu chữ nghiệp theo thường thức như nghiệp duyên hay chúng ta nói chữ nghiệp mà đúng theo danh từ Phật học nghiệp là hành động thì chúng ta cũng thấy rằng cuộc sống của chúng ta cái gì mình làm, cái gì mình suy nghĩ, nhất là cái khuynh hướng đời sống được tác động bị ảnh hưởng bị nhuộm bởi cái mà chúng ta nói chữ nghề cái địa vị hay là nếp sinh hoạt chính chúng ta là ai. Một người chuyên nghề ăn trộm, một người làm vua, một vị samon hay thậm chí ở đây Bà-la-môn Jànussoni hỏi Đức Phật về một nữ nhân bình thường, dĩ nhiên, ngày hôm nay người phụ nữ ở trong vai trò rất đa dạng không giống như thời Đức Phật còn tại thế nhưng dầu sao đi nữa thì hình ảnh của người phụ nữ thời xưa cũng có tánh cách đặc trưng về giới tánh, ở trong xã hội đã đặt để cho người phụ nữ một vị thế đứng như vậy thì người phụ nữ bắt buộc như vậy. Thì tất cả những cương vị chỗ đứng của chúng ta trong xã hội nói cách khác là cái nghiệp cái sinh kế điều đó không đơn giản là một khía cạnh một phần nhỏ của đời sống mà là ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta về đời này và đời sau.

Bài học đọc kỹ một lần để chúng ta có thể thấy được chuyện tế nhị, và chúng ta cũng phải nói rằng rất cám ơn Bà-la-môn Jànussoni đã nêu một câu hỏi tương đối dài và chẳng những nghe được một câu trả lời của Đức Phật rồi tiếp tục hỏi cho đến khi ra lẽ thì Bà-la-môn Jànussoni mới cảm thấy hoan hỉ. Trong mỗi câu hỏi như vậy thì Bà-la-môn Jànussoni đặc biệt nhắc đến nhiều khía cạnh.

“Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn: Ðối với Sát-đế-lỵ, thưa Tôn giả Gotama, vị ấy mong muốn cái gì, cận hành cái gì, điểm tựa cái gì, xu hướng cái gì, cứu cánh cái gì?

Đức Phật trả lời: – Ðối với Sát-đế-lỵ, này Bà-la-môn, tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, sức mạnh là điểm tựa, xu hướng là trái đất, cứu cánh là tự tại.

– “Mong muốn” ở đây chúng ta có thể đề cập đến cái khát vọng, chúng ta cũng đề cập đến cái gì mà làm cho con người mình thường xuyên sống với như là sự mong mỏi hoài bảo. Thì Đức Phật trả lời “tài sản là sự mong muốn”. Tài sản ở đây đối với vua hay đối với vị Sát-đế-lỵ là những người chiến sĩ tức là sự thâu góp vàng bạc châu báu tài sản của nổi của chìm, tại vì những người ở trong gia cấp Sát-đế-lỵ chúng ta tạm hiểu là giai cấp cai trị tức là có quyền hành và phải chiến đấu để bảo vệ quyền hành tài sản của chính mình.

– “Trí tuệ là cận hành”, chữ trí tuệ ở đây chúng ta nên hiểu đó là sự khôn ngoan mưu lượt. Chữ cận hành ở đây chúng ta không nên hiểu là cái thể hiện ở bên ngoài mà cận hành ở đây là chúng ta nên hiểu là cái tiềm chất, là cái khả năng, là cái ưu thế cái gì mà khiến cho chúng ta chiếm được thế thượng phong. Ví dụ như trong đời sống của chúng ta cũng thời làm việc mà có người họ có cái khéo họ có một đặc điểm một ưu điểm mà nhờ cái ưu điểm họ vượt trội qua những người khác. Thì chúng ta tạm hiểu chữ cận hành nó trong ý nghĩa như vậy. Với vị Sát-đế-lỵ thì Đức Phật nói “trí tuệ là cận hành”.

– “Sức mạnh là điểm tựa”. Sức mạnh ở đây được hiểu theo hai nghĩa là sức mạnh của thể xác, ví dụ như một vị Sát-đế-lỵ hay một người ở trong giai cấp chiến sĩ thì họ phải giỏi về thập bát quan võ nghệ, giỏi về cưỡi ngựa, giỏi dùng các loại binh khí thì đòi hỏi sức mạnh của thân, nhưng sức mạnh của vị Sát-đế-lỵ còn có một điểm nữa đó là sức mạnh của một chính thể, sức mạnh của một quốc gia, khả năng để thắng thế được người khác, cái khả năng mà nó có thể là sự mạnh mẽ làm cho có thể vượt thắng được người khác thì Đức Phật gọi “sức mạnh là điểm tựa”.

– “Xu hướng là trái đất”. Ở đây chúng ta tạm hiểu trái đất là miên địa là lãnh thổ, làm vua là người thống trị đất nước thì quan trọng là giang sơn của mình lớn bao nhiêu, đó là xu hướng, trong tiếng Việt của chúng ta thì gọi là mở mang bờ cõi tức là một vị vua thì luôn luôn nghĩ cách là bảo vệ giang sơn.

– “Cứu cánh là tự tại”. Mục đích của vị vua là một kẻ thống trị thì phải an dân trị quốc, một phần đất nào đó mà mình muốn đến thì đến muốn đi thì đi muốn làm mưa làm gió muốn làm gì thì làm thì gọi là “cứu cánh là tự tại”.

Thì ở đây, khi mình ở trong cương vị của một vị vua, một người chiến sĩ, một vị thống trị thì có những khía cạnh mà khía cạnh đó được Đức Phật giảng là “tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, sức mạnh là điểm tựa, xu hướng là biên địa là lãnh thổ, và cứu cánh là sự tự tại”.

Bây giờ đến giai cấp Bàlamôn được hiểu là giai cấp tu sĩ.

Thời Đức Phật còn tại thế có hai hạng tu sĩ giống như bên Thiên Chúa giáo ngày nay có linh mục kiều hay linh mục các giòng tu, hay ở Thái Lan có Chư Tăng Wat Pah hay Wat Pa là những vị thôn tăng và lâm tăng. Thì thời Đức Phật còn tại thế có hai hạng tu sĩ một là những vị tu sĩ gọi là Sa môn sống đời sống không gia đình và lựa đời sống thường là khắc kỷ hay là tự chế nhiều, bỏ tất cả cho chuyện tu tập, còn Bà la môn được xem là giai cấp giáo sĩ những vị này cũng chuyên về tín ngưỡng nhưng ở trong cách cúng tế, tế tự, chuyên về vấn đề nghi thức tôn giáo, những vị Bà la môn có thể là có thủ đắc những tài sản lớn là những vị tu sĩ có tánh cách gọi là tu sĩ nhập thế, chúng ta tạm hiểu như vậy. Chúng tôi lấy ví dụ như là thời Đức Phật còn tại thế có những tu sĩ Bà là môn chuyên lo chuyện cúng tế trong cung đình hay chuyện cúng tế trong nhân gian v.v… Ngày nay thỉnh thoảng chúng ta thấy một số các vị học giả nói rằng Phật giáo nếu không khéo thì sẽ mang tánh cách giống như balamon. Ở đây thì các Bà la môn ở giai cấp chuyên lo về tín ngưỡng xem tín ngưỡng là dịch vụ là một cái nghề cúng kiếng, một tôn giáo tín ngưỡng là một phương tiện phục vụ và cũng đồng thời để nuôi mạng là các vị Bà la môn điển hình thời Đức Phật còn tại thế.

Khi đề cập đến những Bà la môn này thì Đức Phật giảng: “Tài sản là mong muốn”, khi lo chuyện cúng tế lo chuyện đáp ứng nhu cầu về tôn giáo về tín ngưỡng thì để làm gì? để có được tài sản tức là mình có chịu làm người ta mới cúng tiền bạc mình mới có tiền có bạc có tài sản.

– “Trí tuệ là cận hành”. Ở đây thì trí tuệ một lần nữa chúng ta cũng hiểu là phương cách, người thông minh lanh lợi tương đối nhạy bén làm càng tốt thì càng được việc.

– “Chú thuật là điểm tựa”. Chú thuật là nói lên một năng lực đặc biệt, linh thiêng, là mình có phương tiện dùng. Thí dụ như những người mà nhờ qúi thầy lo chuyện cúng kiếng thì họ muốn qúi thầy cúng cho linh, cúng cho linh để mình ăn nên làm ra, cúng làm sao để được như ý. Đó là người ta hay dùng tới bùa chú.

– “Tế tự là xu hướng”. Là sự cúng kiếng, do cúng kiếng mới hấp dẫn quần chúng, do sự cúng kiếng thành ra mới giúp cho công việc được.

– “Cứu cánh là Phạm Thiên giới.” Nghĩa là trong chuyện thờ phượng thì phải có đấng nào đó tối cao, mà vị Phạm Thiên được xem như là đồng nghĩa với Thượng Đế, và Phạm Thiên giới tức là mình ca tụng Phạm Thiên, xưng tán Phạm Thiên, cầu nguyện Phạm Thiên, mình hướng về Phạm Thiên giới tức là trong sự thờ phượng trong sự cúng tế thì có thờ phượng trong thờ phượng thì mới hướng về đấng thiêng liêng nào đó và cuối cùng thì vị này lựa chọn cứu cánh là về với đấng thiêng liêng đó. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những khuynh hướng mà ngày nay ở trong đạo Phật cũng có giả xử như người Phật tử thường tụng niệm một danh hiệu Phật nào đó rồi cũng mong vãng sanh sanh vào cảnh giới đó thì cái đó chúng ta gọi là cứu cánh.

Rồi vị Bà la môn lại hỏi tiếp: Thưa Gotama, đối với gia chủ mong muốn là gì, cận hành là gì, điểm tựa là gì, xu hướng là gì,cứu cánh là gì?

Đức Phật cũng nói tiếp là: “đối với vị gia chủ thì cũng tương tự là tài sản là mong muốn, trí tuệ là cận hành, điểm tựa là nghề nghiệp, công việc là xu hướng, thành công là cứu cánh.”

– “Tài sản là mong muốn”. Qúi vị để ý thấy rằng từ giai cấp Sát-đế-lỵ cho đến Bà la môn cho đến gia chủ là đều đặt nặng về vấn đề tài sản làm sao để mình có thể khuấy trương được sản nghiệp.

– “Trí tuệ là cận hành”. Một lần nữa ở tại đây sự đa mưu túc trí sự giỏi dắn nghĩa là cái khéo cái hay ở trong nghề nghiệp là cận hành.

-“Điểm tựa ở đây là nghề nghiệp”. Một vị gia chủ một người sống bình thường ở bên ngoài thì phải có tay nghề giỏi, chúng ta nói là có bằng cấp hay có nghề nghiệp tay nghề đó là điểm tựa trông cậy vào đó, mình là bác sĩ mình trông cậy vào khả năng của mình, hay làm nghề buôn bán thì cũng trông cậy vào khả năng của mình

-“Công việc là cái xu hướng”.

-“Thành công trong công việc là cứu cánh”.

Là người bình thường xu hướng làm sao nó liên quan đến nghề của mình đã chọn, sống bằng nghề đó. Và cái nghề là điểm tựa của mình thì cái gì mình làm, mình nghĩ, mình nói đều liên quan đến việc đó. Chúng tôi lấy ví dụ như là bây giờ một người làm nghề buôn bán thì cái chuyện họ đi lại họ tiếp xúc họ quen biết v.v… đều đi chung quanh liên quan đến cái nghề của mình, có những người làm nghề bán vé máy bay chẳng hạn thì trong việc giao thiệp họ thường hay nhắc, họ làm quen làm sao cho người khác biết họ là ai, và họ sẽ giúp được cái gì, thì công việc luôn luôn là ưu tiên của họ. Và có thành công trong công việc là cứu cánh đây cũng là điểm rất là thú vị.

Rồi vị Bà la môn lại hỏi tiếp: – Thưa Gotama, đối với nữ nhân mong muốn là gì, cận hành là gì, điểm tựa là gì, xu hướng là gì,cứu cánh là gì ?

Đức Phật nói rằng: -“Đối với nữ nhân thì đàn ông là mong muốn”. Người nữ lớn lên thì mong tìm được người bạn đời mong tìm được chỗ nương tựa mong tìm được một nơi mà mình cảm thấy có được tương lai. Thì khi nghĩ đến đa số người nữ nhất là trong xã hội Ấn Độ lớn lên người nữ nghĩ tới tương lai là nghĩ đến người chồng nghĩ đến người nam mà người nam đó có thể khả dĩ mang lại cho mình những nhu cầu cần thiết của đời sống.

-“Trang điểm là cận hành”. Trang điểm ở đây chúng ta nói sắc đẹp hay là chăm sóc sắc đẹp.

-“Điểm tựa là con cái”. Ở đây cũng là điểm tựa thú vị trong xã hội Ấn Độ như nhiều xã hội khác con cái là lẽ sống của người nữ, nhờ có con cái thì người nữ có địa vị ở trong gia đình. Ví dụ, người phụ nữ về nhà chồng nói về chuyện lâu dài được bên chồng trọng vọng hay không là do có sanh con để nối dõi tông đường, chẳng những vậy khi có con rồi thì người phụ nữ có địa vị là mình sẽ là mẹ của người thừa kế sự nghiệp trong tương lai. Thật ra đối với người nữ thì con cái là niềm vui bền chặt mà chúng ta tạm gọi là thiên chức của người đàn bà. Trong đời sống của người nữ từ xưa đến bây giờ nhất là trong xã hội nông nghiệp chính con cái là niềm vui, ở với ông chồng thì bận rộn lo lắng cho ông chồng nhưng có con cái là niềm vui.

– “Không có thù địch là xu hướng”. Ở đây chúng ta muốn nói xu hướng của người nữ là không có người cạnh tranh với mình, người phụ nữ thì thường thường là chúng ta gọi là phái yếu, đặt tính của người nữ rất ngại là có người thứ ba xuất hiện, người thứ ba đó họ có thể lấy đi cướp đi cái gì mình đang có, đời sống của người nữ chỉ thoải mái ở nơi không có cạnh tranh không có đe dọa không có người nào mà muốn lấy đi cái mình đang có như là chồng của mình, hay là một địa vị. Cái khuynh hướng dường như là cố hữu của người nữ.

-“Tự tại là cứu cánh”. Tự tại ở đây được hiểu là làm thế nào cuộc sống cho thoải mái không bị cảm thấy đe dọa, mình có thể đến đi mặc tình được toại lòng do vậy chữ tự tại ở đây được hiểu là một cảnh giới mà ở trong đó cái gì mình có là thật sự của mình chứ mình không phải tranh dành với ai mình cũng không phải sợ ai cướp đoạt đi.

Bà-la-môn Jànussoni lại hỏi “Thưa Tôn Giả Gotama, đối với ăn trộm thì mong muốn là cái gì, cận hành là cái gì, điểm tựa là cái gì, xu hướng là cái gì, cứu cánh là cái gì?

Đức Phật Ngài nói: “Đối với người ăn trộm thì đồ lấy được là mong muốn”. Là các đồ đạt mình trộm cắp được là sự mong muốn

– “Rừng rậm là cận hành”. Địa bàn có lợi thế nhất của người ăn trộm là sự hiểm trở. Sự hiểm trở để mình có thể trốn tránh sự truy bức để có thể cất dấu tài sản ăn trộm. Nơi địa thế hiểm trở cảnh giới của những người ăn trộm nhờ như vậy họ mới có thể lòn lách chạy thoát mới cất dấu đồ đạt và nó là nơi để dung thân.

– “Đao trượng là điểm tựa”. Ở đây chúng ta hiểu là khí giới, người ăn trộm có khí giới làm điểm tựa nếu bị rượt đuổi thì họ có cái gì để tự vệ, đao trượng là điểm tựa hay khí giới là điểm tựa.

– “Tối tăm là xu hướng”. Chúng ta hiểu tối tăm là xu hướng có nghĩa là nếu trở thành người ăn trộm rồi thì không bao giờ muốn cái gì gọi là quang minh chánh đại, tức là người ăn trộm là người sống trong bóng tối, bóng tối ở đây chúng ta hiểu trong hai nghĩa đen và bóng.

– “Không nhìn thấy là cứu cánh”. Tức là họ thích là làm sao ẩn khuất để có thể qua mặt được người khác, qua mặt được pháp luật mà không bị người ta nhận diện mình.

Kế đến Bà-la-môn Jànussoni hỏi về Sa môn (những vị tu sĩ).

Ở đây Đức Phật Ngài nói đối với Sa môn thì nhẫn nhục nhu hoà là mong muốn. Nhẫn nhục nhu hoà tức là nếu ai muốn đi tu phải là người có khả năng kham nhẫn, mong muốn mình có thể kham nhẫn được. Kham nhẫn ở đây là cái khả năng để sống với thực tại, ngoài cái thực tại đó dù có những điểm trái ý nghịch lòng những điểm mình thật sự không mong muốn thì mình có thể kham nhẫn được.

-“Trí tuệ là cận hành”. Khi nói ăn trộm thì địa thế hiểm trở là cận hành nhưng đối với một vị samon thì trí tuệ là cận hành, tức là sự sáng suốt chánh niệm tỉnh giác sự thấy biết một cách chân thật, trong kinh Đức Phật gọi là Yonisomanasikaroto là khéo tác ý khéo suy nghĩ là cận hành.

-“Giới hạnh là điểm tựa”. Là người thì phải có nguyên tắc có kỷ cương có một nếp sống căn bản mà trên giới luật Đức Phật đưa ra.

-“Không có sở hữu là xu hướng”. Xu hướng chân chánh của người tu tập là bỏ bớt xả kỷ không có chấp giữ không có cưu mang không nặng nề không sở hữu.

-“Niết-bàn là cứu cánh”. Ở đây chúng ta có thể tạm hiểu là đoạn tận phiền não đoạn tận tham sân si trút đi gánh nặng của năm uẩn đó là cứu cánh.

Nếu qúi Phật tử có thì giờ đọc kỹ lại những đoạn này từ những vị như là Sát-đế-lỵ , Bà la môn, gia chủ ,rồi nữ nhân, rồi ăn trộm, rồi Sa môn, Đức Phật không phải tự nhiên mà Ngài giảng những điều này mà do câu hỏi, hỏi đến đâu Đức Phật trả lời đến đó và dĩ nhiên vị balamon hỏi là tại vì từ những con người khác nhau ở trong xã hội những con người đó họ có nghề riêng có nếp sống riêng, và từ nếp sống, nghề nghiệp đó hỏi về nhiều khía cạnh. Khía cạnh là hoài bão chúng ta gọi là sự mong muốn. Hoài bão là cái gì lợi thế nào mà có thể có được. Điểm tựa là cái gì, xu hướng là cái gì, cứu cánh là cái gì, mà những góc cạnh đó khiến chúng ta đi về hướng đi khác nhau và do vậy có câu nói “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”.

Khi chúng ta đi vào cuộc đời thì chúng ta nên biết rõ mình là ai tại vì khi biết rõ mình là ai thì mình mới thấy cái gì là sức mạnh của mình cái gì là cái lợi khí của mình cái gì là điểm tựa của mình.

Một người sống mà không biết mình muốn cái gì, không biết chỗ nào sở trường, chỗ nào sở đoản, một người sống mà không biết là tâm tư mình hướng về đâu thì rất là đáng tội nghiệp, bởi vì chúng ta đúng là một con thuyền lênh đênh không có hướng đi rõ ràng.

Thật ra, về điểm này đôi khi chúng tôi nghĩ bài học ngày hôm nay là một ít thì giờ để chúng ta chiêm nghiệm không nhất thiết là chúng ta phải nhớ hết khi lâu lâu qúi vị đọc lại những qúi vị sẽ cảm thấy trong đó có những gợi ý rất quan trọng rất thích thú mà chúng ta mới biết tại sao đối với Đức Phật khi Ngài đề cập đến đời sống các vị tu sĩ đệ tử của Ngài, Ngài khuyên là mình tu mình nên làm gì và mình nên tránh không nên làm ruộng, nhà sư không thể là một nông dân, nhà sư không phải là người buôn bán, nhà sư không phải là người cúng tế, mà vị tu sĩ phải đúng nghĩa người tu sĩ là tại vì cái nghề ảnh hưởng đến cái nghiệp, ảnh hưởng đến khuynh hướng, ảnh hưởng đến cái nhìn, ảnh hưởng đến nhân sinh quan, ảnh hưởng cách sống, ảnh hưởng đến cứu cánh, cuộc sống con người mình ảnh hưởng đến toàn bộ. Có như vậy mới thấy tại sao mình nên có định nghĩa rõ, biết rõ, thấy rõ, có sự chọn lựa rõ ràng dứt khoát ở trong đời sống là mình là ai. Chúng tôi mong qúi vị có thì giờ đọc lại đoạn kinh này bởi vì nhiều khi bài kinh có nhiều chi pháp mà chúng ta không có giờ đọc lâu được do đó có những điểm không rõ ràng Cuộc sống của chúng ta ở mỗi người có những liên hệ mà theo ca dao tục ngữ gọi là “giây mơ rễ má”, nghĩa là có những sợi giây chằng chịt liên hệ giữa quá khứ, hiện tại, vị lai trong cái nhìn, hành động, cảnh giới và kết quả. Và nói một cách khác thì mọi sự việc không đơn thuần chỉ đến và chỉ đi mà thôi. Nhiều người trong chúng ta không nhận ra điểm này nhất là ngày hôm nay người ta sống ở một xã hội kỹ nghệ, và sự thay đổi thường xuyên của cuộc sống khiến cho người ta cảm tưởng là mình giống như một diễn viên khi nào đóng vai nào thì mặc trang phục của vai đó và trình diễn trong vai đó rồi thôi. Chính ra thì nó ảnh hưởng rất lớn đến cả cuộc đời của chúng ta.

Minh Hạnh chuyển biênNguồn: phapluan.net

Visits: 1325