
Ngày thế gian tan hoại theo Kinh tạng Pāli
Thời gian gần đây, trên báo chí và trang web thường xuất hiện những bài viết, video clip tiên đoán về ngày tận thế, phần lớn cho rằng cái ngày định mệnh đó của toàn thể nhân loại đã sắp đến.
Trong Kinh tạng Pāli, Đức Phật cũng nói đến ngày tận thế, ngày mà quả địa cầu này sẽ bị hủy diệt, nhưng ngày đó là một ngày còn rất xa.
thienvienphuocson.net mời quý đọc giả cùng đọc phần trích của bài Kinh “Dây trói buộc” trong đó Đức Phật nói đến ngày thế gian này sẽ bị tiêu hoại. Bài này được trích trong tác phẩm “Vận hành của nghiệp” viết bởi ngài Pa Auk Sayadaw, Tỳ kheo Pháp Thông dịch.
Sẽ đến một thời, này các tỳ kheo, đại dương khô cạn, biến mất, không còn hiện hữu nữa.
Trong tương lai xa thế gian sẽ bị tiêu hoại theo một trong ba cách : Tiêu hoại bằng lửa, tiêu hoại bằng nước, hay tiêu hoại bằng gió. Ở đây Đức Phật mô tả những gì xảy ra khi thế gian bị tiêu hoại bằng lửa .
Đầu tiên hết, một trăm ngàn năm trước khi tận thế, một số chư Thiên trên trời sẽ xuất hiện với đầu bù tóc rối, mặt đầy thương cảm, vừa đi vừa lấy tay quẹt nước mắt . Họ sẽ thông báo ngày tận thế, và thúc giục mọi người nên tu tập bốn phạm trú (cattāro brahma-vihārā): từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (Upekkhā) cho đắc các bậc thiền (jhāna). Và họ còn khuyên mọi người nên săn sóc cha mẹ, tôn kính các bậc huynh trưởng.
Hầu hết mọi người sẽ ghi nhớ điều này trong tâm và thực hành tâm từ đối với nhau. Họ cũng cố gắng hoàn thành các thiện nghiệp bằng nhiều cách khác nhau, ai có khả năng đắc thiền thì sẽ đắc thiền. Đối với những ai không có khả năng phát triển các bậc thiền (jhāna) thì nhờ các thiện nghiệp quá khứ, họ sẽ được tái sanh thiên giới như các vị chư Thiên và ở đó tu tập thiền. Nương vô minh và tham ái, nghiệp lực (kamma satti) của thiền mà các chúng sinh này tạo sẽ khiến cho họ được tái sanh lên Phạm Thiên Giới [1].
Sau một thời gian dài, một đám mây vĩ đại xuất hiện, và một trận mưa như trút nước đổ xuống khắp một trăm ngàn triệu cõi thế gian (koṭi-sata-sahassa-cakka-vāḷa; mười muôn triệu thế giới Sa-bà). Người ta đem gieo các vụ mùa, nhưng khi cây trồng mọc lên cao vừa đủ cho một con bò gặm, trời dứt mưa . Do không còn mưa nữa, tất cả cây cối đều khô héo, tiêu rụi, và chẳng bao lâu nạn đói xuất hiện. Con người chết, chư Thiên cư ngụ trên địa cầu (bhumma-devā) cũng chết, vì họ sống nhờ vào các loại hoa qủa trên địa cầu. Do thiện nghiệp quá khứ, họ được tái sanh vào cõi chư Thiên, và ở đó họ tu tập thiền kasiṇa. Một lần nữa, nương vô minh và tham ái, nghiệp lực thiền của họ khiến cho họ được tái sanh trong Phạm Thiên Giới.
Sau một thời gian dài nữa, nước trên thế gian bắt đầu khô cạn, cá, rùa và các sinh vật khác sống trong nước chết. Do thiện nghiệp quá khứ, những sinh vật này cũng tái sanh lên thiên giới, ở đây chúng, như các vị chư Thiên, tu tập thiền định. Nương vô minh và tham ái, nghiệp lực thiền của họ khiến cho họ được tái sanh lên Phạm Thiên giới.
Theo quy luật tự nhiên, những chúng sinh trong địa ngục cũng được thoát khỏi địa ngục và tái sanh cõi nhân loại. [2}. Ở đây họ sẽ tu tập tâm từ và được tái sanh lên thiên giới, tại thiên giới họ, lúc này là những chư Thiên, sẽ phát triển các bậc thiền (jhāna). Nương vô minh và tham ái, nghiệp lực thiền của họ sẽ khiến cho họ được tái sanh Phạm thiên giới.
Nhưng đối với những chúng sinh tái sanh địa ngục do tà kiến cố định (niyata-micchā-diṭṭhi) [3] thì không thoát khỏi (địa ngục). Nương vô minh và tham ái, nghiệp lực chấp tà kiến cố định của họ sẽ khiến cho họ phải tái sanh vào địa ngục vô gián (lok-anta-rika-niraya), một trong những địa ngục nằm trong hư không giữa các hệ thống thế gian. Như vậy, cho dù có tận thế, việc lưu chuyển và luân hồi của các chúng sinh cũng không chấm dứt. Đức Phật giải thích:
Ngay cả như thế, này các Tỳ kheo, cái khổ của các chúng sinh bị vô minh che đậy, bị tham ái trói buộc (phải lưu chuyển và luân hồi) cũng không chấm dứt, Như lai tuyên bố.
Sau một thời gian dài không mưa, khi mà tất cả các chúng sinh đã được tái sanh ở nơi khác, một mặt trời thứ hai xuất hiện . Và, khi mặt trời này lặn, mặt trời kia sẽ mọc, vì thế không có sự phân biệt giữa đêm với ngày nữa; thế gian cứ liên tục bị đốt cháy bởi sức nóng của hai mặt trời. Những con suối và sông nhỏ bắt đầu khô cạn.
Rồi sau một thời gian rất dài nữa khác, mặt trời thứ ba xuất hiện, và lúc này các con sông lớn bắt đầu khô cạn [4]. Sau một thời gian rất dài nữa, mặt trời thứ tư xuất hiện, và các hồ lớn được xem là nguồn của những con sông lớn cũng khô cạn [5]. Sau một thời gian dài khác, mặt trời thứ năm xuất hiện, và các biển cả khô cạn đến mức nước không còn đủ để làm ướt một đốt ngón tay [6]. Rồi, sau một thời gian dài khác, mặt trời thứ sáu xuất hiện, và bây giờ núi chúa Tu-di (Sineru) [7] và ngay chính mặt đất cũng bắt đầu bốc cháy, phun lên những đám mây khói dầy đặc. Cuối cùng, sau một thời gian dài khác, mặt trời thứ bảy xuất hiện, và lúc này mọi thứ đều bốc lửa, tạo thành một bức màn lửa. Núi chúa Tu-di và địa cầu cháy rụi và tan rã, một trận cuồng phong cuộn đám lửa đó lên cao đến các cõi Phạm thiên. Và giống như bơ hay dầu cháy không để lại tro như thế nào, núi chúa Tu-di và địa cầu cháy cũng không để lại tro như thế ấy [8].
Ngay cả như vậy, Đức Phật giải thích, cũng không có sự chấm dứt lưu chuyển và luân hồi đối với những chúng sanh bị vô minh che đậy và tham ái trói buộc.
Một thời sẽ đến, này các Tỳ kheo, khi Núi Chúa Tu-di, Vua trong các quả núi, bị thiêu đốt, huỷ diệt, và không còn nữa. Ngay cả như thế, cái khổ của những chúng sanh bị vô minh che đậy và tham ái trói buộc (phải lưu chuyển, luân hồi) cũng không chấm dứt, Như Lai tuyên bố.
Rồi sẽ đến một thời, này các Tỳ kheo, khi đất lớn, bị thiêu đốt, huỷ diệt, và không còn nữa. Ngay cả như thế, cái khổ của những chúng sanh bị vô minh che đậy và tham ái trói buộc (phải lưu chuyển, luân hồi) cũng không chấm dứt, Như Lai tuyên bố.
Sau khi đã giải thích việc các chúng sanh phải tiếp tục lưu chuyển và chạy quanh trong vòng luân hồi như thế nào, kế đến Đức Phật nói về việc tại sao họ phải bị như vậy.
Chú thích:
[1] Một số chư Thiên trên trời, ở đây muốn nói đến chư Thiên ở cõi dục giới (kāmāvacara devā). Tuy nhiên, một vài vị giáo tọ sư khác thì bảo rằng đó là các vị Phạm Thiên (Brahma) thuộc cõi Tịnh Cư Thiên (suddh-āvāsa –cõi dành cho các vị Thánh Bất lai cư trú trong kiếp chót), có năng lực thần thông có thể nhìn thấy rất xa trong tương lai, nhờ vậy họ thấy được sự tiêu hoại của thế gian trong tương lai, và yêu cầu các vị chư Thiên đi thông báo điều này cho nhân loại biết (VsMṬ)
[2] VsM.xiii. 405 Pubbe- Nivās- Ānussati – Ñāṇa-Kathā (Luận về Túc Mệnh Tùy Niệm Trí) PP.xiii. 33 nói rằng theo một số các vị giáo thọ sư khác, điều này chỉ xảy ra khi mặt trời thứ bảy xuất hiện
[3] Đây là nghiệp nặng nhất trong sáu trọng nghiệp: giết cha, giết mẹ, làm thân Phật chảy máu, giết một bậc A la hán, phá hòa hợp Tăng và chấp giữ tà kiến cố định.
[4] Các con sông lớn: Ở đây Đức Phật liệt kê năm con sông: Sông Hằng (Ganges), sông Yamunā, sông Aciravatī, sông Sarabhū và sông Mahā (ibid.)
[5] Hồ lớn: Ở đây Đức Phật liệt kê bảy hồ: Hồ Anotattā, Sīhapapātā, Rathakāra, Kaṇṇamuṇdā, Kunālā, Chaddantā, và Mandākiniyā (ibid.)
[6] Đức Phật đưa ra một sự giải thích chi tiết về việc làm thế nào để nước của các biển cả lại lùi dần và càng lúc càng trở nên nông hơn, cho đến khi chỉ còn lại những vũng nước rải rác đây đó như những dấu chân bò (ibid.)
[7] Núi chúa Tu- di: Đức Phật giải thích núi này như sau: “Tu-di, này các Tỷ kheo, núi chúa của các quả núi, 84.000 lý, rộng 84.000 lý và cao 84.000 lý (leagues), nhận chìm trong đại dương. Như vậy nó cao đến 84.000 lý trên mặt nước biển (ibid.)
[8] Đức Phật kết luận bằng cách giải thích rằng chỉ có Bậc Thánh mới tin được những lời dạy của Ngài về sự vô thường của quả đất và núi Tu-di. Chú giải giải thích sở dĩ nói lời đó là chỉ vì Bậc Thánh mới có niềm tin toàn vẹn nơi Đức Phật, và đã phân biệt được duyên khởi tánh (ibid.)
nguồn: thienvienphuocson.net
You must be logged in to post a comment.