ngã và vô ngã abc

Ngã và Vô Ngã

ngã và vô ngã ab

Các pháp không ngoài thực tại, mà thực tại chỉ bao gồm sắc pháp, tâm, tâm sở và Niết bàn. Sắc pháp, tâm, tâm sở thuộc pháp hữu vi nên vị vô thường sinh diệt chi phối. Vì vô thường nên mới gọi là vô ngã. Vô thường thuộc về hiện tướng là có đó rồi mất đó. Vô ngã thuộc về tánh hay bản chất nên nó còn có tên khác là không cốt lõi, không tự tánh. Vô thường thuộc về tướng, vô ngã thuộc về tánh. Vì tánh không có hình tướng nên phải dựa vào tướng của vô thường là có đó mất đó (sinh lên và diệt đi) mà biết được có tánh vô ngã tồn tại tức là bản chất chất hay tánh không cốt lõi, trống rỗng, vô chủ của vạn pháp.

Như vậy trong thực tại của vạn pháp, vì các pháp bị sinh lên rồi diệt đi theo thời gian nên trong khoảnh khắc sinh lên và diệt đi (sinh trụ dị diệt) người ta đặt cho nó một cái tên gọi gọi là danh hay danh pháp. Ví dụ như các hình tướng người vừa sinh ra gọi là trẻ sơ sinh, sau vài tuần gọi là em bé, sau vài năm gọi là trẻ em, lớn chút nữa gọi là thiếu nhi rồi thanh niên, trung niên, người già, rồi tử thi để diễn tả trạng thái hiện tướng từng giai đoạn hình tướng con người. Khi đặt tên danh từ chung như vậy là đã trang bị cho các hình tướng đó một khái niệm còn gọi là đặc tính hay cái “ngã” của hình tướng đó. Vì dụ tính nết chung của trẻ nhỏ, sức khỏe của ngừoi già…là nói lên cái “ngã” chung của một nhóm các hình tướng người trong từng giai đoạn hiện hữu. Tiếp theo là cái ngã riêng khi ta đặt tên là Nguyễn Văn A, Trần Văn B,…để xác định cái ngã riêng ra cho người ấy như tính cách, gia đình, dòng họ, hình tướng riêng,…

Như vậy pháp hữu vi (sinh diệt) còn gọi là thế gian pháp hay là các pháp có khái niệm, tên gọi hay gọi là “ngã”, còn vô ngã thuộc về tánh không cốt lõi, không tự tánh của các pháp. Nhờ tánh vô ngã này mà đứa bé sơ sinh mới trở thành thanh niên rồi ông già….Nếu không có vô ngã tánh thì thế gian pháp không hiện khởi, vì các vật không thể chuyển hoá qua lại với nhau ví như nước bốc hơi thành khí hay làm lạnh thành đá. Nếu không có vô thường hay sự sinh lên và chấm dứt của mỗi hiện tướng thì không có sự chuyển hoá hay luân chuyển trong thế gian. Gọi tên hay khái niệm hoá hay quy ước một hay nhiều hiện tượng sinh diệt được gọi là “ngã” mỗi hiện tượng đó. Ví dụ gọi hiện tướng cái bánh xe là “bánh xe” ta đã khái niệm cho nó cái “ngã” của bánh xe, tức là “bánh xe” làm bằng gì, hình thù ra sao, dùng để làm gì…. Cũng vậy khi ta gọi tâm là “tâm” ta cũng đã khái niệm cho nó một cái “ngã” rồi. Vì thế sống trong thế gian, tâm hướng tới cái ngã (tôi và của tôi) là bị giam trong khái niệm, trong cảnh hiện tướng sinh diệt gọi là luân hồi. Nếu tâm hướng tới vô ngã thì gọi là giải thoát khỏi khái niệm, hiện tượng sinh diệt lúc này gọi là tâm hướng Niết Bàn (pháp vô vi, không sinh không diệt).

Bản chất tâm cũng là pháp hữu vi sinh lên và diệt đi nhưng nó có đặc tính nối tiếp sóng trước xô sóng sau nên nó sẽ thu nạp tiếp năng lượng của tâm trước nó truyền lại. Với năng lượng bất thiện nó tạo quả bất thiện. Với năng lượng thiện nó tạo quả thiện

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo

Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình.

(Kinh Pháp Cú)

Như vậy ý (tâm) ở đây được Đức Phật gọi tên ra như một “cái ngã” hay ý nghiệp mà “cái ngã” đó hoàn toàn quyết định hiện tướng của nó sẽ đi về nơi khổ đau hay an lạc bởi chính những hành động (thân nghiệp), hay lời nói (khẩu nghiệp) đi kèm với nó. Đức Phật giảng dạy pháp thế gian (xem 38 pháp hạnh phúc) để cho người sống trong thế gian được an lạc hạnh phúc với lời dạy không gì khác ngoài tâm nào cảnh đó. Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ tâm tạo. Chính ta là chủ nhân là kẻ thựa tự nghiệp của ta. Mà nghiệp của ta cũng xuất phát từ ý (tâm) nghiệp mà ra.

Tâm ta đi cùng khắp
Tất cả mọi phương trời
Cũng không tìm thấy được
Ai thân hơn tự ngã
Tự ngã đối mọi người
Quá thân ái như vậy
Vậy ai yêu tự ngã
Chớ hại tự ngã người

(Tương Ưng Bộ Kinh)

Bây giờ cũng với cái tâm sinh diệt đó nhờ pháp hành Tứ Niệm Xứ nó thấy bản chất của nó lại gồm 4 loại tâm là cảm xúc yêu, ghét, trung tính ( các cảm thọ), các tưởng tượng về 3 thời quá khứ, hiện tại vị lai ( tâm Tưởng). các phản ứng của Tâm (tâm Hành), các tư duy ý thức học được (tâm Thức). Bốn tâm này thay nhau phản ứng lên các cảnh có hình tướng (sắc pháp), không hình tướng (các thọ, tưởng, hành, thức). Còn gọi là tâm trú nơi cảnh (sắc pháp) và tâm trú nơi tâm (danh pháp). Để nhận ra tâm trú nơi Sắc pháp thì Đức Phật dạy thực hành Thân quán niệm xứ. Để nhận ra Tâm trú nơi tâm thì Đức Phật dạy Thọ quán niệm xứ và Tâm quán niệm xứ. Để nhận ra Tâm sinh diện liên tục trên cả Sắc pháp và Danh pháp thì Đức Phật dạy Pháp quán niệm xứ. Nhờ thực hành miên mật đúng pháp mà hành giả nhận ra sự thật sinh diệt ( vô thường), tính không cốt lõi ( vô ngã) của Tâm. Lúc này không có pháp nào cao thượng hơn pháp hành Tứ Niệm Xứ mà hành giả đã được nếm trải.

Tất cả hành vô thường
Với Tuệ, quán thấy vậy
Ðau khổ được nhàm chán:
Chính con đường thanh tịnh

Tất cả hành khổ đau
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán:
Chính con đường thanh tịnh.

Tất cả pháp vô ngã,
Với Tuệ, quán thấy vậy,
Ðau khổ được nhàm chán:
Chính con đường thanh tịnh

(Kinh Pháp Cú)

Lúc này pháp Vô Ngã mới được nói lên cho hành giả hành Tứ Niệm Xứ đế hướng về Niết Bàn, xuối về Niết Bàn (vô ngã là Niết Bàn). Vô ngã không phải là một lý thuyết, một trạng thái hay bât cứ thứ gì có hình tướng để ta có thể cảm nhận. Phải thông qua các hiện tượng sinh diệt hay các trạng thái tồn tại hay các “ngã” được chia nhỏ mà ta mới biết đến vô ngã. Giống như một bánh xe, ta biết nó có tánh vô ngã nhờ chia nhỏ vành xe, trục xe, căm xe mà không có cốt lõi nào cho cái bánh xe cả, nhờ đó ta biêt cái bánh xe có tánh vô ngã hay vô ngã. Cũng vậy thông qua việc chia thân thể làm 32 thể trược, bốn oai nghi chính, các oai nghi phụ,…mà ta biết được tánh vô ngã của thân thể. Nhờ đó do thấy và biết sự sinh diệt của thân và tâm (danh và sắc pháp, hay còn gọi là ngũ uẩn) mà hành giả nhàm chán và xả lỵ các pháp hữu vi sinh diệt có đó rồi mất đó.

Như vậy Ngã và Vô Ngã không phải là đối chọi hay phủ định nhau. Mà vô ngã là một bản chất không cốt lõi, trống rỗng và là một thực tại xuyên suốt vạn pháp. Còn ngã là một khái niệm thuộc về danh pháp, nó được khái niệm, quy ước hay gán tên cho hiện tượng sinh diệt (vô thường) của cảnh (có hình tướng) và của tâm (không hình tướng) nên nó còn gọi là thế gian pháp hay pháp khái niệm chứ không phải là thực tại. Ví dụ một người tên là A thì sắc pháp, thân thể người đó là thực tại, nhưng tên A không phải là một thực tại vì không phải ai tên A cũng giống y chang như anh tên A này từ tính cách, nghề nghiệp, gia đình, bạn bè, nơi sống,…

ngã và vô ngã

Ngay như hai giọt nước nhỏ nối tiếp nhau cùng gọi tên hay cùng khái niệm là “giọt nước” nhưng cũng đã không giống nhau về thời gian, kích thước, về nhiệt độ, độ trong suốt…. Trong khi hiện tượng sinh lên và diệt đi (vô thường) của các pháp là một thực tại, cũng giống như vô ngã (bản chất không cốt lõi, không tự tánh, vô chủ) là một thực tại. Vì nhận lầm “ngã” là tôi hay của tôi mà không biết rằng nó chỉ là khái niệm hay tên gọi cho hoàn cảnh, tâm hay vật sinh lên rồi diệt đi nên nên gọi là vô minh. Thấy và biết rằng “ngã” chỉ là khái niệm hay tên gọi cho các hiện tượng, cảnh hay vật sinh lên và diệt đi gọi là minh hay thấy và biết vô thường, nhờ thấy và biết vô thường mà thấy và biết vô ngã. Vậy “ngã” là khái niệm, còn vô ngã là thực tại và là bản chất không cốt lõi, không tự tánh các pháp (hữu vi và vô vi). Lấy vô ngã bỏ ngã hay lấy ngã bỏ vô ngã đều rơi vào biên kiến nghiêng lệch, không phải là trung đạo. Chấp chỉ có vô ngã rơi vào chấp không, chấp chỉ có ngã rơi vào thường kiến hay đoạn kiến. Hành giả Tứ Niệm Xứ an trú, chánh niệm, tỉnh giác trên các pháp sinh lên rồi diệt đi, để các gánh nặng trên thân và tâm được đặt xuống, như chim giữa hư không, dấu chúng bay khó tìm.

Nguồn: thayvabiet.com