
Nếu Còn Có Ngày Mai?!
[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]
Có một quán bia treo biển quảng cáo NGÀY MAI UỐNG 3 CỐC TRẢ TIỀN 1 CỐC. Hôm sau, quán rất đông khách. Khi mọi người trả tiền, được nhân viên chỉ vào biển quảng cáo và nói: NGÀY MAI mới tính như thế. Ngày hôm sau, khi thực khách tính tiền nhân viên cũng chỉ vào biển quảng cáo và nói như vậy: NGÀY MAI mới tính như thế. Nhiều ngày sau, các thực khách quen của quán bia đã hiểu ra. Khi họ uống bia, tính trả tiền bia thì luôn là ngày hôm nay. Cái ngày mai ấy không bao giớ tới, vì mãi mãi chỉ là ngày hôm nay.
Thời gian là một khái niệm, không có thực tính pháp (pháp chân đế), nên nó không phải chân đế vô vi (Niết bàn) và cũng không phải chân đế hữu vi (vật chất và tâm, sinh va diệt). Thời gian là sản phẩm của trí óc con người cho nên nó không phải là thực tại. Thời gian là tên gọi (danh khái niệm) và ý nghĩa (nghĩa khái niệm) cho cái gì tồn tại qua 3 giai đoạn: sinh- trụ-diệt. Lấy sự trụ làm hiện tại thì quá khứ là sinh và tương lai là diệt. Lấy sự diệt làm hiện tại thì sinh và trụ trở thành quá khứ. Không có thời gian thật sự tồn tại trong thực tại sinh lên, trụ lại và diệt đi của vật chất và tâm (danh và sắc). Quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là sự quy ước trong tâm trí con người. Khi chúng ta quan sát sự sinh lên của vật chất và tâm (danh và sắc), thì sự sinh lên là thực tại. Tiếp theo sự sinh lên biến mất thay thế cho sự trụ, thì sự trụ là thực tại. Tiếp theo sự trụ biến mất thay thế bằng sự diệt, thì sự diệt là thực tại. Tất cả chỉ là dòng chảy liên tục nối tiếp nhau đi từ sinh đến diệt mà thôi. Bằng sự chú tâm quan sát liên tục và trọn vẹn dòng chảy sinh diệt này, hành giả thiền Minh Sát (Vipassana) thoát khỏi sự trói buộc của thời gian khái niệm, thoát khỏi sự quy ước, thực chất là sự hư ảo của tâm, của tưởng, của tà kiến khi nhìn lầm thực tại (danh và sắc) . Đức Phật cũng đã từng nói:
“Ai sống một trăm năm
Không thấy pháp sinh diệt
Tốt hơn sống một ngày
Thấy được pháp sinh diệt”
Sống một trăm năm trong thời gian khái niệm không bằng sống một ngày trong thực tính pháp (pháp sinh diệt). Sống trong thực tại, hành giả không chỉ vượt qua được thời gian khái niệm mà còn thoát khỏi khái niệm Ta và Của Ta đã dính chặt, bám chặt trong bao nhiêu kiếp. Chỉ trong thực tại mới không có cái Ta và Của Ta nào được tạo ra, đồng nghĩa với không có Nghiệp nào được tạo ra trong khi ấy. Thực hành đến được chỗ này, hành giả Vipassana có khả năng an trú trong thực tại mọi lúc, mọi nơi. Trí tuệ Tỉnh Giác cho hành giả biết rằng Ở Đây và Bây Giờ là thực tại. Nếu bỏ lỡ thực tại trong cái đang là, Nghiệp sẽ được tạo ra trong khi ấy. Thực tại chính là Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ, hoặc là KHÔNG BAO GIỜ. Đó chính là thiền, là diệu pháp, luôn có ở mọi nơi, bất cứ chỗ nào chúng ta có mặt. Chỉ có điều chúng ta có để lỡ hay không mà thôi.
(Thấy Biết)
You must be logged in to post a comment.