I love me

Mình yêu mình quá

”Mình yêu mình quá” là câu nói theo cách nói hài ước hiện nay nhưng ít ai để ý nó gần giống câu nói: “Duy ngã độc tôn” của Đức Bồ Tát thái tử Tất Đạt Đa khi vừa đản sinh. Duy ngã độc tôn nghĩa là chỉ cái tôi là tôn quý nhất. Câu nói này được bao hàm ba ý. Ý thứ nhất là trong thế gian này bị chi phối bởi cái tôi, cái ta, và chính cái tôi, cái của tôi mới tạo ra thế gian này. Ý nghĩa thứ hai là nếu muốn thoát khỏi thé gian này thì cũng đồng nghĩa với việc thoát khỏi cái tôi, cái của tôi. Với ba cảnh dục giới , sắc giới, vô sắc giới tái sinh kiểu gì cũng vì nguyên nhân cái tôi và của tôi. Ý nghĩa thứ ba là người nào chỉ ra, phát hiện ra con đường thoát khỏi cái tôi và của tôi, đồng thời tự mình thực hành, tự mình thành tựu con đường thì đó là người duy nhất không bị trói buộc bởi cái tôi, cái của tôi và là người thoát ra khỏi cảnh luân hồi trong thế gian này.

Ý nghĩa thứ nhất được áp dụng cho đa số phàm phu sống trong thế gian.
Ý nghĩa thứ hai được áp dụng cho đa số các vị hữu học đang mong mỏi tầm cầu con đường để thoát ra mọi khổ ách của thế gian.
Ý nghĩa thứ ba được áp dụng cho vị Phật Toàn Giác, người đã phát hiện ra con đường, thực hành con đường, thành tựu con đường và chỉ dạy lại cho người khác con đường thoát khỏi thế gian.

Đọc thêm bài Duy Ngã Độc Tôn

I love me 2

Trở lại câu “mình yêu mình quá” hay “mình yêu mình nhất” chính là theo ý nghĩa thứ nhất được áp dụng cho đa số phàm phu sống trong thế gian. Cái mà phàm phu chúng ta đang sống, đang bồi đắp thêm kiên cố về cái thành trì tôi và của tôi vững chắc này. Về sắc pháp từ ngoại sắc bao gồm nhà cửa, xe cộ, tài sản, vợ con, người thân, bạn bè,…luôn có cái tôi và của tôi đính kèm. Về nội sắc như thân thể như dáng đi, dáng đứng, sắc đẹp bản thân, âm thanh giọng nói, ánh mắt… cũng luôn đính kèm cái tôi và của tôi. Về danh pháp như các trạng thái cảm thọ yêu ghét, vui buồn,…đến các tưởng tượng trong quá khứ, vị lai hay hiện tại đều có cái tôi và của tôi. Rồi đến cái ý thức, trình độ, bằng cấp, chứng chỉ, chức vụ,…cũng đính kèm cái tôi của tôi. Bất cứ cái gì, hành động gì cũng trên nền tảng cán bản cái tôi và của tôi và đây chính là nên tảng căn bản để các lực hấp dẫn mang tên tham, sân, si xuất hiện lôi cuốn, níu giữ chúng ta trong vòng luân hồi. Nếu bất cứ thứ gì mà ta không khoác cho nó cái áo tôi và của tôi thì cái đó ta sẽ không có tham, không có sân, không có si với cái đó. Khi tâm ta có tham, sân, si hướng đến đối tượng ta tưởng rằng chính đối tượng là tham, sân, si nhưng thực chất chính là cái tôi và của tôi được thỏa mãn mà thôi chứ đối tượng của ta chẳng dính mắc gì. Dù biết sự thật là như vậy, pháp học là như vậy nhưng do pháp hành của ta chưa thành tựu nên cái tôi và của tôi luôn bị phản ứng ở 3 cấp độ hạ, trung, thượng tức là mức độ từ thô đén vi tế. Vì thế trong pháp hành Tứ Niệm  Xứ, Đức Phật dạy các tỳ kheo vào thời đó phải thực hành miên mật từ 7 ngày đến 7 năm mới có thể thành tựu. Theo lý 12 Nhân Duyên thì khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần là do cảm Thọ phát sinh trên thân và tâm (xúc duyên thọ). Ngay khi có xúc là có thọ, thọ này theo pháp hành mình sát chỉ là một duyên sinh lên rồi diệt đi để thay thế bởi thọ khác ngay trong từng sát na. Nhưng do có chấp Thủ vào cái Thọ này là tôi, là của tôi (cảm giác vui hay buồn này là tôi hay của tôi) nên ta không thể nhận diện được sự diệt đi của cảm Thọ vừa sinh lến đó. Nó dẫn ta đến các phản ứng với Thọ vừa sinh lên đó mà không phát hiện rằng nó đã bị diệt rồi. Vì thế do cái tôi và của tôi (tư ngã) mà ta bị trói buộc trong các cảm thọ yêu và ghét, chấp thủ các duyên sinh như là ta và của ta, rồi đi tìm hỷ lạc nơi này nơi khác trong suốt cuộc đời. Có anh bạn suốt ngày ngồi lý luận Uẩn hay Thủ uẩn là nguyên nhân gây khổ mà không biết rằng chính cái tôi và của tôi dính vào cái lý luận về Uẩn này hay Thủ Uẩn này mới gây phiên não cho anh ta. Cho dù ai cũng biết Ngũ Uẩn hay Uẩn (sắc, thọ tưởng, hành, thức) là Khổ đế và chấp Thủ vào Ngủ Uẩn là tôi hay của tôi là Thủ Uẩn hay là Tập đế đều là phiền não. Năm uẩn bản thân nó là khổ, nhưng chấp thủ vào năm uẩn lại là Khổ Khổ tức là khổ chồng lên khổ.

Vì thế, Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta khi khởi phát tâm tham, tâm sân, tâm si lên đối tượng thì luôn phải chánh niệm, tỉnh giác rằng: “cái này không phải là tôi, cái này không phải là của tôi”. Nhờ đó tâm tham, sân, si được tiêu trừ. việc dính mắc vào đối tượng là người hay cảnh, chủ thể hay khách thể được đoạn giảm, phiền não hay nhiệt não được giảm trừ, sự bình an sẽ có mặt sau đó. Như vậy với câu: “. Cái này không phải là tôi, cái này không phải của tôi”, chúng ta có thể tự nhắc mình là “mình yêu mình quá”  như một câu niệm thầm giúp ta chánh niệm, tỉnh giác khi tiếp xúc với các hoàn cảnh như ý muốn hoặc không như ý muốn trong đời, để có sự bình an hiện diện trong tâm mỗi chúng ta.

viết bởi Thấy và Biết.