vipassana monk

Làm một nhà sư

0thai
Một cuộc phỏng vấn với Tỳ kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff)

Vài năm trước đây, trong lúc tôi đang chuẩn bị cho một chuyến đi đến Đông Nam Á- một phần của chuyến đi là để tìm hiểu về Phật giáo – một người bạn đề nghị tôi trước hết nên liên hệ với Tỳ kheo Thanissaro, viện chủ tu viện Metta Forest ở phía Bắc San Diego . Mặc dù tên được đặt theo cách của người Thái, vị sư này thực ra đã lớn lên ở vùng nông thôn New York và Virginia dưới một cái tên Mỹ chính cống, Geoffrey Furguson DeGraff.

Là một sinh viên của Oberlin[1], Geoff được giới thiệu về thiền tập trong một hội thảo vào mùa đông năm 1969. Ông tốt nghiệp vào năm 1971, và sau đó phục vụ với tư cách là một đại diện của Oberlin ở Thái Lan trong hai năm. Sau khi quay trở lại đó vào năm 1976, ông thọ giới làm một nhà sư và dành 15 năm tiếp theo khép mình tu tập trong một thiền viện trong rừng theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy. Sư trở về Hoa Kỳ vào năm 1991 để thành lập thiền viện Metta Forest, một thiền viện tại Hoa Kỳ tu tập giống như những thiền viện trong rừng của Thái.

Được biết đến dưới cái tên thân mật là “Than Geoff,” Tỳ kheo Thanissaro đã viết một số sách về Phật giáo và Vipassana (thiền nội quán). Thông thạo tiếng Thái và tiếng Pali ( Pali là thứ ngôn ngữ được sử dụng làm chữ viết của Phật giáo thuở ban đầu), sư đã chuyển ngữ những bài viết của hai vị trụ trì nổi tiếng người Thái và bốn quyển Kinh Pali. Nói tóm lại, sư là người hiểu biết về Phật giáo, tôn giáo của mình.

Mặc dù tôi rất nóng lòng trong suốt cuộc điện đàm đầu tiên giữa chúng tôi, Than Geoff lại tỏ ra thoải mái và thân thiện. Sư bắt đầu đưa tôi vào một cuộc nghiên cứu về Phật giáo, tôn giáo mà tôi đã quy ngưỡng nhưng đồng thời cố gắng tránh né hầu như mỗi ngày kể từ đó. Trong những năm qua, chúng tôi đã có cuộc chuyện trò hầu như về tất cả mọi thứ. Nhưng tôi vẫn có vô số câu hỏi dành cho sư – những câu hỏi cá nhân mà tôi đoán rằng những người khác cũng muốn tìm hiểu về một nhà sư. Khi tôi đề nghị một cuộc phỏng vấn, Geoff trả lời ngay lập tức, “Nghe vui đấy.” Vài tháng sau, vào một buổi chiều tháng chín ấm áp tại thiền viện của sư, Than Geoff và tôi bắt đầu cuộc nói chuyện.

Sư là sinh viên năm nhất của Oberlin vào năm 1967. Con nghĩ rằng sư đã chọn Oberlin bởi vì sư biết việc Oberlin cung cấp sự đào tạo tốt nhất cho một sinh viên chưa tốt nghiệp để trở thành một tu sĩ Phật giáo là nằm trong khả năng của nó.

Sư chẳng ưu tư gì mấy về sự lựa chọn đó. Khi còn là một học sing trung học, sư đọc lịch sử Hoa Kỳ, sư thấy Oberlin đã là một trong những trường cao đẳng có hình thức giáo dục hội nhập dành cho cả nam lẫn nữ trên toàn quốc như thế nào và điều đó làm sư thích thú. Sư cũng thích vì nó có dạy nhạc cổ điển. Sư là một tín đồ của nhạc cổ điển

Sư tiếp xúc lần đầu tiên với Phật giáo khi học tại Oberlin?

Không. Trong thời gian sư đang học trung học, sư là sinh viên tham gia American Friends Service (AFS) (tạm dịch tổ chức Hỗ trợ bạn bè Hoa Kỳ) tại Philippines. Trên chuyến bay trở về nhà, sư gặp hai người đã từng đến Thái Lan và được xuất gia thọ giới Sa di. Họ giải thích về Tứ Diệu Đế, lời dạy căn bản nhất của Đức Phật. Việc đó hết sức có ý nghĩa đối với sư. Ngoài ra, cha bạn gái của sư là một quân nhân đã từng đóng quân tại Thái Lan. Cô ta kể cho sư nghe nhiều câu chuyện về Thái Lan. Sư thấy nó hấp dẫn.

Mối quan tâm của sư lớn dần khi học tại Oberlin?

Trong năm học thứ hai, ngay vào học kỳ mùa đông đầu tiên tại Oberlin, Don Swearer, một giáo sư dạy về tôn giáo, đưa một nhà sư từ Nhật Bản và một nhà sư từ Thái Lan vào lớp để dạy thiền. Sư đăng ký học ngay lập tức. Sư nhớ mình đã nghĩ, “Thiền tập là kỹ năng thực sự tuyệt. vời đây. Bạn ngồi xuống và hít thở, và một giờ sau đó bạn trở thành một người tốt hơn.” Đó là những gì ngay từ đầu sư thích về thiền tập: Học cách để kiểm soát tâm của bạn và tìm thấy hạnh phúc bên trong.

Vậy sư đã tự thấy mình như một người bất hạnh sao?

Sư nghĩ mọi người ở trong trường cao đẳng đều thấy mình bất hạnh.

Việc trở thành nhà sư, đó là quyết định mà sư bất chợt nghĩ ra trong học kỳ mùa đông năm đó? Sư đột nhiên quyết định “ Mình sẽ trở thành một nhà sư!” phải không?

Sư muốn đến Thái Lan với Peace Corps ( tạm dịch Tổ chức Hòa bình). Sư đi theo chương trình Shansi với ý nghĩ rằng mình sẽ tìm một thiền sư và học một số kỹ năng cơ bản. Vào cuối học kỳ, Sư gặp Ajaan Fuang, một vị sư của truyền thống tu tập trong rừng, người đã trở thành thầy của sư. Sư định ở Thái thêm một thời gian nhưng sư bị sốt rét. Vì vậy, sư xả y và trở về.

Sư dự định lấy bằng tốt nghiệp về tôn giáo và đi dạy Phật giáo. Sư đã đến tham dự một hội nghị tôn giáo (American Academy of Religion conference) tại Chicago, ba vị có tên tuổi lớn trong Phật giáo Thái Lan đã thuyết trình trong hội nghị. Khoảng 10 người có mặt. Và chẳng có cuộc đối thoại nào diễn ra cả. Sư nghĩ, “Đời mình không thể mãi như vầy.” Sư suy nghĩ mãi về Ajaan Fuang trên sườn đồi của ngài, không nổi tiếng – nhưng hoàn toàn hạnh phúc.

Vì vậy sư trở lại Thái Lan. Sư có ý định trở thành một nhà sư không?

Bạn thực sự nên làm một nhà sư để có cơ hội dành toàn bộ thời gian cho thiền tập. Bạn sẽ có cả ngày để tự quán chiếu tham, sân, và si. Dường như đây là một sự lý tưởng.

Sư đã ở với Ajaan Fuang thêm 10 năm nữa. Sư đã trở thành thị giả của ngài, thị giả là người chăm sóc cho ngài khi ngài ốm đau. Trước khi ngài qua đời vào năm 1986, ngài tuyên bố rằng ngài muốn sư tiếp quản ngôi tự viện ở Thái, nhưng ở đây không có tiền lệ nào cho phép một người phương Tây tiếp quản một ngôi chùa đã được xây dựng bởi các nhà sư Thái và cũng để dành cho các nhà sư Thái, vì vậy gây ra khá nhiều tranh cãi.

Cũng trong thời gian sư được đề nghị làm trụ trì ở đó, có quá nhiều điều trói buộc sư về mặt trách nhiệm nhưng về mặt thẩm quyền thì lại không có. Đó cũng là lúc Ajaan Suwat tìm sư yêu cầu sư để giúp cho ngài một tay tại đây, ở California.

Ajaan Suwat là một nhà sư người Thái, người đã sáng lập thiền viện Phật giáo theo truyền thống tu tập trong rừng tại ngoại ô của quận Cam, California?

Họ cố gắng duy trì truyền thống của một thiền viện tu tập trong rừng. Họ trồng rất nhiều cây để tạo màu xanh, một dạng trồng cây gây rừng. Nhưng môi trường đô thị đã lấn át hết cả. Ajaan Suwat bắt đầu tìm kiếm một nơi mới trong một khu rừng và đã xác định được vị trí này, gần San Diego. Một vị thí chủ trẻ tuổi vừa mới thừa hưởng gia sản đã cúng dường đề mua miếng đất. Ajaan Suwat hỏi sư: “Con sẽ đến giúp ta việc này chứ? Nếu không, ta không thể nhận tiền. Bởi vì ta không thể coi ngó, trông nom hai tu viện cùng một lúc.”

Không chần chừ, sư đáp , “Vâng.”

Một ngày tiêu biểu của sư ra sao? Vào 8 giờ sáng, và đồng hồ reo …

Sư dậy vào lúc 4 giờ sáng.

Sư vặn đồng hồ báo thức lúc 4 giờ sáng?!

Đến giờ này thì sư hầu như đã thức giấc rồi. Nếu tối hôm trước sư đi ngủ muộn, sư có thể dậy vào lúc 5g. Rồi sư rời khỏi giừơng và hành thiền khoảng hai giờ.

Sư ngồi thiền một mình hay ngồi chung với một nhóm?

Sư ngồi một mình.

Có ngày nào sư cảm thấy khó khăn khi phải tự kéo mình ra khỏi giưòng không?

Có những lần sư nhủ, “Mình nghĩ mình sẽ hành thiền nằm.”

Hành thiền như vậy thì tuyệt thật!

Nằm cũng là một tư thế để hành thiền. Sư luôn có ý nghĩ trong đầu rằng nếu sư không ngồi dậy và hành thiền ngay, sư sẽ mất cơ hội. Bên ngoài trời vẫn còn lạnh. Không gian thật yên tĩnh.

Sư hành thiền cho đến bình minh, và rồi sư đến đây [ khu vực sinh hoạt chung gần chánh điện] để cùng các nhà sư khác quét dọn, làm vệ sinh.

Có đánh kẻng không, hay sư tự biết đã đến giờ ngưng hành thiền?

Sư biết. Và sư cũng có một cái đồng hồ đeo tay điện tử [2]

Ở Thái Lan, các nhà sư đi khất thực mỗi buổi sáng để nhận thức ăn, rời tu viện ôm theo bát để Phật tử đặt thức ăn vào đó. Còn ở San Diego thì sao? Sư có nhảy vào một chiếc ô tô loại thể thao rồi lái nó qua những vùng ngoại ô tại địa phương?

Chúng tôi ôm bát của mình đến nhà của các thí chủ. Mọi người chuẩn bị thức ăn trong nhà bếp.

Ở đó là những ai?

Những người đang đến viếng thăm tu viện và những người đang thực hành thiền, những người đang xin xuất gia (giới tử). Một thanh niên làm việc trong vườn cây ăn trái đôi khi cũng đến đó. Cũng có những người Thái và Lào đến chỉ để cúng dường thức ăn.

Sư chỉ thọ thực mỗi ngày một bữa. Liệu sư có ăn đủ chất xơ (rau, quả) và đủ đạm không?

So với lúc sư tốt nghiệp tại Oberlin thì sư nặng thêm khoảng 30 pounds (gần 15 ký.)

Sư không thấy đói sao?

Năm đầu tiên ở Thái Lan là năm khó khăn đối với sư, vì cơ thể của sư phải điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi về chế độ ăn uống và sự chuyển hóa. Sư tu theo hạnh đầu đà, vì thế sư không quan tâm đến việc mình trở nên gầy đi. Một phần vì sư ngán và chán nước Mỹ. Sư muốn đến một nơi có lối sống thiên nhiên, tiền hiện đại. Thái Lan hầu như được xem là nơi tiền hiện đại mà bạn có thể đến.

Một buổi sáng, khi sư đang đi khất thực, sư có ấn tượng rằng mình đang sống theo thời săn bắt hái lượm. Chúng tôi không được phép tích trữ thức ăn; chúng tôi không trồng trọt mùa màng. Chúng tôi ăn những gì nhận được trong ngày, chỉ vậy thôi. Mỗi ngày dành một giờ cho việc kiếm ăn, và rồi bạn tự do suốt thời gian còn lại trong ngày.

Sư làm việc gì sau buổi ăn sáng?

Chúng tôi dọn dẹp, và mọi người trở về căn lều của mình. Chúng tôi lại gặp nhau vào lúc 5 giờ chiều.

Còn suốt ngày thì sao?

Hầu hết chúng tôi hành thiền. Một số vị đọc sách. Sư tự cho phép mình sử dụng 2 giờ để viết lách.

Trong căn lều của sư không có giường, chỉ có tấm nệm sư trải ra mỗi đêm. Cũng có máy vi tính và máy in. Sư có nhận e-mail chứ?

Không, nhưng một trong những người hỗ trợ lập cho chúng tôi một website.
“””
Sư nói rằng mọi người ở đây cùng tập hợp lại vào lúc 5 giờ chiều. Đó có phải là “giờ vàng” (happy hours) dành cho mọi người không?

Đó là giờ để cho khách tham quan đặt câu hỏi và được trả lời. Mọi người được tự do cho đến 8 giờ thì chúng tôi tụng kinh khoảng 20 phút. Sau đó là một giờ dành cho việc thiền theo nhóm và thường thường có một bài pháp thoại.

Sư có dành thời gian trong khi hành thiền để suy ngẫm về những gì mà mình sẽ nói?

Rất ít. Truyền thống tu tập trong rừng nhấn mạnh vào thực hành để huân tập định, gom tâm vào một đối tượng. Phần lớn thời gian sư thực hành như vậy . Và tất nhiên, nếu bạn ngồi trong một thời gian dài, đau sẽ sinh khởi. Và rồi tâm phản ứng với cái đau bằng cách tạo ra các vấn đề. Đối phó với nó là chân lý đầu tiên mà Đức Phật giảng dạy: Có đau trong cuộc sống. Có khổ đau trong cuộc sống. Sư nghĩ lý do Đức Phật tập trung vào đó là vì nếu bạn ngồi với cái đau và khổ của mình, nếu bạn có các công cụ là định và chánh niệm, bạn bắt đầu thấy những vấn đề này trong tâm của bạn.

Nó (hành thiền giúp thoát khổ, chấm dứt đau như vậy) khác với sự trị liệu như thế nào?

Mục đích của trị liệu, theo Freud, thì để chữa cho những người bị loạn thần kinh và giúp cho họ trở về với sự bất hạnh ở mức độ thông thường. Mục đích của thiền tập là đưa bạn thoát khỏi sự bất hạnh ở mức độ thông thường ấy đến một nơi mà không còn bất hạnh và khổ.

Những người đến đây có mang hành trang tâm lý theo với họ không?

Các nhà sư ở đây là một nhóm hầu như có thể tự lực. Chính khách đến thiền viện mới là những người có những vết thương tâm lý sâu sắc hơn.

Thế khách tham quan thường hỏi sư những câu hỏi gì?

Ồ, đủ mọi thứ, từ những câu hỏi về thiền tập đến các câu hỏi về mối quan hệ. Làm thế nào để đối phó với lũ trẻ, đối xử với cha mẹ? Làm thế nào để thoát ra một tình huống không lành mạnh. Làm thế nào để giữ sự cam kết trong một tình huống khó khăn. “ Tôi có nên kiếm thêm tiền hay nên dành thêm thời gian để hành thiền?” Sư thường trả lời, “Hãy dành thêm thời gian để hành thiền. Bạn không cần nhiều tiền như vậy.”

Gần 30 năm trước, sư dấn thân vào một con đường và nó đã đưa sư rời xa khỏi chốn đông người. Sư không đi làm, sư không có một công việc làm từ 9g sáng đền 5g chiều, sư không có thẻ tín dụng, và sư không có gia đình. Con đường sư chọn có giới hạn khả năng của sư trong việc đối phó với những vấn đề mà con người phải đối mặt?

Sư đặt trong tâm vào những gì sư có thể dâng hiến cho đời bằng cách đứng bên ngoài những cuộc đua tranh. Trong tất cả những năm ở Thái Lan, sư thấy mình thật khỏe khi quanh mình không có những người bị mắc chứng loạn thần kinh điển hình của Mỹ. Bạn có thể nhìn thấy thần kinh của bạn rất rõ vì bạn là người duy nhất ở nơi mình sống bị chứng đó. Cho đến khi bạn nhận ra và nói: “Điều này thực sự quả là ngu ngốc.”

Sư đi ngủ vào lúc mấy giờ?

Thường là vào khoảng 11 hoặc 12 g

Sư chỉ ngủ 4 hoặc 5 giờ?!

Vậy là đủ. Hành thiền nên không cần phải ngủ nhiều.

Sư có ngã lưng một chút vào ban ngày không?

Có, vào lúc xế chiều.

Người xem Phật giáo là chống lại sự khoái lạc: Không uống rượu, không hút thuốc, không chơi bời trụy lạc. Đây là một vài trong số những thứ mà con yêu thích. Sư có bao giờ nhớ chúng không?

Sự mất mát lớn nhất của sư là nhạc cổ điển. Sư rất thích nhạc cổ điển. Sư đã ngất ngây khi nghe loại nhạc này trong những năm đã qua, và sư cho rằng đó là một thời gian đẹp (của đời mình).

Khi mới hành thiền, sư bắt đầu đi vào trong những trạng thái mê ly hệt như khi đang xem một buổi trình diễn nhạc cổ điển thật hay. Sư nghĩ, “Trời ạ, mình có thể có được cảm giác ấy chỉ bằng cách ngồi đây và thở”. Trong quá khứ, Sư phải lo nghĩ về dàn âm thanh nổi cũng như lo những đĩa nhạc của mình có bị trầy xước hay không. Sư cần tất cả những thứ đó để có được mỗi một sự mê đắm từ cái thứ gây nghiện này.

Sư có bao giờ nghe nhạc cổ điển không?

Việc này phạm giới. Khi sư về nhà, ba sư nghe nhạc suốt ngày, vì vậy sư cũng nghe. Đôi khi Brahms hay Mahler đi vào đầu của sư. Nhưng nó đập vào tai nên sư không thể không nghe được.

Phim cuối cùng mà sư xem là phim gì?

Sư xem phần đầu của bộ phim Lord of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) trên một chuyến bay đến Thái Lan, nhưng sư không nghe âm thanh. Có một giới quy định không được xem múa, hát; bạn có bổn phận phải quay vào bên trong.

Sư có được cho phép thưởng thức một loại giải trí nào không?

Đối với chúng tôi, giải trí có nghĩa là đi đến một nơi hoang dã. Ngồi trên bờ của hẽm núi lớn (Grand Canyon) và hành thiền, thỉnh thoảng mở mắt ra nhìn Grand Canyon, và lại tiếp tục thiền. Chúng tôi cũng đi thiền hành nhiều; thiền hành thực sự được nhấn mạnh trong truyền này. Khi sư có cơ hội hoặc khi ở trong tu viện quá lâu, sư thường đi dã ngoại bên ngoài một lát.

Các nhà sư còn làm gì khác để rèn luyện thân thể?

Chúng tôi quét dọn nhiều lắm. Một số nhà sư Tây Phương và nhà sư Thái hiện đại tập yoga trong phòng của mình.

Nhưng sư không thể nói, “ Này, tôi đã thành thiền suốt ngày rồi, tôi muốn chơi bóng đá”, phải không?

Đúng vậy

Sư có được phép đọc sách cho vui không?

Bạn tu tập cốt ý để bạn không còn thích những chuyện hư cấu nữa. Tiều thuyết duy nhất mà sư đọc hiện nay là của Jeanne Larsen [ bạn cùng khóa năm 1971], tác giả ba bộ tiểu thuyết lịch sử về Trung Quốc và Harry Potter.

Tại sao lại là Harry Potter?

Sư nghĩ rằng bộ truyện đó dạy những bài học hay về lòng trung thành, tính chính trực, và những phẩm chất đại loại như thế.

Tại sao Harry Potter thì được mà Robert Ludlam thì không?

Sư phải đánh giá. Những thứ mà sư đang đọc có gây chướng ngại cho việc hành thiền của sư không? Nếu sư hình dung mình nhắm mắt lại và thấy những ảo ảnh không lợi ích gì cho mình cả, thì tất nhiên đó là cái mà sư không nên đọc.

Sư có bắt kịp tình hình thế giới không?

Chỉ một hay hai năm sau này. Sư đọc báo the Nation và tuần báo the Guardian. Sư thực sự thích những năm sống ở Thái Lan khi sư không nhận được bất kỳ tin tức nào cả. Trong tám năm đầu của sư ở đó, tin tức quốc tế đến tới thiền viện là “ Elvis Presley đã qua đời” và “Tàu vũ trụ Skylab đang rơi”.

Sư có bao giờ cảm thấy mình khao khát dục vọng không?

Không.

Không bao giờ ư?

Bạn hành thiền để chú ý đến nó. Ngay khi ham muốn sinh khởi trong tâm, bạn phải chú ý quan sát nó.

Sư có mất nhiều thời gian để thích nghi với lối sống độc thân?

Chướng ngại đầu tiên bạn phải đối mặt đó là không muốn quan âm đến nó – sự quyến rũ của dục vọng. Nhưng một thời gian sau sư bắt đầu thấy rằng sư đang đau khổ vì điều này. Và khi sư chú tâm quan sát dục vọng chứ không phải đối tượng của dục vọng, sư bắt đầu hiểu rõ rằng dục vọng không phải là một điều tốt để giữ nó trong tâm.

Sư nói nghe có vẻ giáo điều quá!

Rất giáo điều. Đó là một trong những bài học mà sư học từ Ajaan Fuang: Hãy vượt qua cảm xúc và ngồi xuống làm việc. Sư nhớ lần đầu tiên ngài nói với sư, “Được rồi, chúng ta sẽ hành thiền suốt đêm nay”. Sư nói “ Trời ạ, con không thể hành thiền được đâu. Con đã làm việc cực nhọc suốt cả ngày!” Ngài nói, “ Nó có giết con không?”

  • “Không”.
  • “Vậy thì con có thể làm được.”

Còn những ham muốn đơn giản được đụng chạm thì sao? Những người ngoài đời có thể chạm vào sư không?

Phụ nữ thì không. Với đàn ông, nó tùy thuộc họ chạm vào sư như thế nào? Không được phép có những xúc chạm do sự ham muốn.

Một số người cho rằng các nhà sư đã vượt qua được những cảm xúc của con người và không bao giờ có những cảm xúc “tiêu cực” như tham lam, sân hận. Sư có bao giờ bị ai đó làm cho bực mình không?

Thỉnh thoảng cũng có những chuyện làm sư phát cáu. Một người phụ nữ theo học với sư tin rằng sư đang gửi cho cô ta những thông điệp ngầm. Cô ấy nghĩ rằng sư muốn bỏ thiền viện để cưới cô ấy. Sư cố gắng làm rõ là sư không có ý ấy, nhưng cô ấy cứ khăng khăng là sư có tình ý với cô ta. Sư nói, “Xem nào, cô không còn là học trò của sư nữa. Sư xin lỗi. Việc này không đi tới đâu hết.” Cô ấy nghĩ rằng sư nói như vậy bởi vì có nhiều người xung quanh. Vì vậy cô bắt đầu cãi lại. Sư phải thừa nhận là sư rất bực mình. Nhưng cuối cùng thì cô ta cũng hiểu ra.

Còn những yếu điểm nhỏ hơn thì sao? Sư có tự phụ không? Có bao giờ sư thấy mình dành quá nhiều thời gian để sừa sang y áo cho tề chỉnh không?

Bộ y này thì khá đơn giản. Sư chẳng tốn công gì để đắp nó.

Vậy còn lòng kiêu hãnh thì sao?

Một chút thôi. Khi sư đang biên tập các bài pháp thoại của mình, thỉnh thoảng sư gặp một câu hay ho và nghĩ “ cũng được đấy chứ!”

Sư có sợ không?

Sư không muốn chết trước khi nơi này xây dựng xong.

Sư có bao giờ bị mất ngủ không?

Đêm mất ngủ gần đây nhất của sư là khi một trong những vị sư trong thiền viện xả y. Sư cứ suy nghĩ hoài “ Mình đã làm gì sai chứ?” Sư nghĩ về nó và nằm xuống một lát, và rồi sư lại ngồi dậy và đi loanh quanh một hồi. Rồi sư lại ngồi xuống.

Đến lúc đó sư hiểu ra, “Thật buồn cười. Mình sẽ không tìm ra câu trả lời. Vậy mình cũng nên ngừng câu hỏi lại ở đây thôi.” Đó là một trong những thiện xảo bạn học được qua thiền tập. Nếu bạn đặt những câu hỏi và không tìm được câu trả lời, chỉ việc ngưng không hỏi nữa. Chưa đến lúc có được câu trả lời.

Sư có bao giờ cảm thấy tội lỗi không?

Không.

Có phải nó là cái cảm xúc khó gạt bỏ nhất?

Vâng, có lẽ đó là một khó khăn lớn. Nhưng ở Thái, không có tội lỗi. Ở đó chỉ có nền văn hóa biết hổ thẹn mà thôi ( “ Đừng làm điều đó, nó làm chúng ta mắc cỡ với hàng xóm”, nhưng trong một nền văn hóa tội lỗi (“ Đừng làm việc đó, nó là tôi tổn thương khi bạn làm như vậy”). Cảm giác tội lỗi khởi đầu cho một thứ cảm xúc thực sự, thực sự xuẩn ngốc. Con người vẫn sinh hoạt tốt và sống một cuộc sống hoàn toàn bình thường mà không cần có nó.

Có phải sư muốn dùng hổ thẹn để thay cho tội lỗi?

Nếu sư làm một việc gì mà sự thực sự biết rằng lẽ ra sư không nên làm, sư sẽ cảm thấy hổ thẹn.

Sư làm cách nào đối phó với sự hỗ thẹn khi cảm thấy nó?

Ajaan Fuang dạy chúng tôi rằng chúng tôi không thể phí thời gian ngồi đó mà bối rối. Ý ngài muốn nói: Bạn nhận ra bạn phạm lỗi và đừng lập lại việc đó. Đó là điều tốt đẹp nhất có thể yêu cầu con người để họ làm.

Sư cũng tin vào sự chuộc lỗi?

Bạn xin sự tha thứ từ người mà bạn làm đã làm điều không đúng với họ.

Trong ngôn ngữ Thái, các nhà sư không được xem như những con người bình thuòng mà là những “báu vật thiêng liêng”. Sư có tự xem mình như là một báu vật thiêng liêng không?

Không.

Sự tự xem mình như thế nào?

Như một con người. Mặc dù tấm y này có khác thường, nhưng bên trong nó là một con người.

Có những điểm (khía cạnh) nào trong đạo Phật vẫn còn bí ẩn đối với sư?

Sư muốn biết sự giác ngộ hoàn toàn là như thế nào.

Sư có bao giờ nghĩ đến việc xả y?

Bea Camp (khóa năm 1972) có lần đến thăm tsư tại Thái Lan. Bà và chồng là David Summers (khóa năm 1971) đang làm việc cho cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ tại Bangkok. Họ cho sư biết tất cả tin tức về những người bạn một thời chung của chúng tôi – sự nghiệp hóa ra không đúng như họ hoạch định, rồi ly dị, ly thân, và thất vọng. David hỏi tôi, “Có bao giờ tiếc đã trở thành nhà sư không?”. Và sư trả lời, “Ý nghĩ đó chẳng bao nảy sinh trong đầu sư, nhất là bây giờ”.

Một câu hỏi cuối. Khi sư ở Thái Lan, có phải có một khoảng khắc “Tôi đã tìm ra!” (“Eureka!”) khi sư nghĩ, “ Mình đã đến bờ rồi”, phải không?

Các nhà sư không thể nói về kinh nghiệm chứng ngộ của mình.

Ngay cả con năn nỉ sư cũng không được sao?

(Bật cười)

Chú thích:

[1] Trường cao đẳng Oberlin, bang Ohio, là một ngôi trường đặc biệt với sự kết hợp của học viện nghệ thuật tự do và viện âm nhạc nổi tiếng thế giới Conservatory of Music. Được thành lập vào năm 1833, là trường đầu tiên liên kết giáo dục để cấp bằng cử nhân cho phụ nữ và là trường đầu tiên nhận sinh viên da đen trên cơ sở bình đẳng với các sinh viên da trắng. (Theo vietnamnet.vn)

[2] Loại đồng hồ đeo tay điện tử, kêu “bíp, bíp” khi báo thức

Theo: Being a monk- An interview with Thanissaro Bikkhu (Geoffrey DeGraff)

Chuyển ngữ: Supanna Thiện Trí

Nguồn: Oberlin.edu

Visits: 883