
Hòn đá có khổ không ?
HÒN ĐÁ CÓ KHỔ KHÔNG?
Kinh Vô Ngã Tướng nói rõ VÔ THƯỜNG LÀ KHỔ. Trong Chú Giải làm rõ 10 phương cách để thấy biết VÔ THƯỜNG:
- Aniccato: vô thường
- Palokato: phân tán
- Calato: hay thay đổi
- Pabbanguto: dễ hư hoại
- Addhuvato: không bền
- Vipariṇāmadhammato: phải chịu biến hoại
- Asā rako: không có cốt lõi
- Vibhavato: phải chịu diệt vong
- Maraṇadhammato: phải chịu chết
- Sankhatato: hữu vi.
Hòn đá đã có 9 yếu tố trong 10 yếu tố ở trên (trừ yếu tố số 9) của sự vô thường rồi. Nếu chúng sinh có tâm thì thêm yếu tố thứ 9 (phải chịu chết) là đủ cả 10 yếu tố. Còn hòn đá không có tâm thì chịu 9 yếu tố của vô thường. Mà chỉ cần có 1 yếu tố về vô thường (trong 10 yếu tố) là Khổ rồi.
Trong bài kinh Khổ Ngoại (Chương 35: Tương Ưng Sáu Xứ I: Phẩm Vô Thường), Đức Phật dạy:
—Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Các tiếng … Các hương … Các vị … Các xúc …
Các pháp là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy … ” … không còn trở lui trạng thái nầy nữa”.
Bài kinh này nói trực diện, trực tiếp các sắc, các tiếng, các hương, vị, xúc, pháp là Khổ, Không nói vòng qua tính chất “Vô thường là Khổ” nữa. Tóm lại tất cả các pháp hữu vi có tâm và không tâm đều là Khổ (Dukkha).
Bài viết bổ xung (rút gọn năm 2018) bởi Thấy Biết)
—————————
Bài viết năm 2014
Trước hết chúng ta sẽ xem lại cho xác đáng trong giáo pháp (dhamma) của Đức Phật đã dạy khổ là gì và hòn đá là gì nhé ?
1. Trước hết chúng ta sẽ đi về sự Khổ. Đạo Phật ra đời được đánh dấu bằng 2 bài kinh liên tiếp của Đức Phật khi tuyên bố về sự KHỔ đó là kinh Chuyển Pháp Luân và kinh Vô Ngã Tướng.
Bài kinh Chuyển Pháp Luân chỉ độ được 5 anh em ngài Kiều Trần Như chứng Thánh Dự Lưu, mỗi ngày có một ngài chứng Thánh Dự Lưu và lâu nhất là ngài Assaji đến ngày thứ 5 mới chứng Thánh Dự Lưu. Tức là bài Chuyển Pháp Luân được thuyết từ ngày 15/6 đến ngày 19/6, mỗi ngày một ngài đắc Thánh Dự Lưu với Khổ Đế được tuyên thuyết như sau:
”Hỡi này các Tỳ Khưu, bây giờ, đây là Chơn Lý Cao Thượng về Sự Khổ : Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa người thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ, tóm lại chính thân ngủ uẩn là khổ ”
Với Khổ Đế này người ta thường gọi là Bát Khổ (4 khổ về thân: sinh-già-bệnh-chết và 4 khổ về tâm: oán tắng hội khổ-ái biệt ly khổ-cầu bất đắc khổ-ngũ ấm xí thạnh khổ). Bài kinh này được gọi là PHÁP HIỆP THẾ.
Bài thứ 2 là kinh Vô Ngã Tướng được thuyết vào ngày 20/6 để độ tiếp cả 5 ông cùng lúc chứng đạo quả A La Hán mới việc Đức Phật tuyên thuyết 5 uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Bài kinh này gọi là PHÁP SIÊU THẾ như sau:
”Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
— Là vô thường, bạch Thế Tôn!
— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
— Là khổ, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
Tất cả các sắc, dầu ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, ở bên trong hay ở ngoại cảnh, thô kịch hay vi tế, thấp hèn hay cao thượng, xa hay gần, phải được nhận thức theo thực tướng của nó —- Cái này không phải của tôi, đây không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi.”
*Ghi chú: Đến đây cũng có thể hiểu ngay rằng HÒN ĐÁ LÀ SẮC, NÓ LÀ SẮC NGOẠI CẢNH, NÓ VÔ THƯỜNG, BIẾN HOẠI NÊN NÓ KHỔ, NÓ KHỔ NÊN NÓ CHẲNG LIÊN QUAN GÌ ĐẾN TÔI HAY CỦA TÔI CẢ.
Như vậy ở 2 bài kinh diễn ra từ thấp đến cao. Ở bài kinh đầu tiên Đức Phật dùng khái niệm tục đế để phá sự chấp thủ có một cái TÔI hiện hữu thông qua cái CỦA TÔI (thân) có sinh-già-bệnh-chết với các phiền não (tâm) cũng CỦA TÔI đi kèm là oán hận, ái biệt ly, cầu mong, ngũ uẩn thủ). Vì nếu có cái tôi thật sự thì cái tôi đó hẳn không để nó phải sinh, già, bệnh, chết, sầu bi, khổ ưu, não.
Các bạn lưu ý là Đức Phật nói trong bối cảnh 5 anh em ngài Kiều Trần Như đang chìm sâu trong thiền định với một cái tâm sâu lắng trải nghiệm sự chứng đắc thiền. Với tâm thiền nhu nhuyễn dễ sử dụng, KHỔ ĐẾ này dễ dàng nhận ra và được các ngài thấy biết ngay lập tức. Sự chấp thủ vào CÁI TÔI và CÁI CỦA TÔI lập tức tan rã, không còn sự bám víu nào vào cái tôi thật sự đã xảy ra trong tâm của mỗi ngài từ thô đến vi tế. Tại sao nó thô đến vi tế vì có có ngài chứng Dự Lưu ngay lập tức như ngài Kiều Trần Như, còn 4 ngài kia lần lượt mỗi ngài sau 1 ngày mới chứng Thánh Dự Lưu. Bài kinh Chuyển Pháp Luân được gọi là bài kinh phá NGÃ CHẤP, tức là chấp thủ một cái tôi hiện hữu thì đồng nghĩa sinh-già-bệnh-chết và phiền não sẽ có mặt. Còn buông bỏ, xả bỏ cái tôi thì đồng nghĩa sự vắng mặt của sinh-già-bệnh-chết và các phiền não. Kiết sử THÂN KIẾN được đoạn trừ ngay lúc này cùng với 2 pháp đồng sinh với nó là Giới cấm thủ và Hoài nghi.
NHƯNG TẠI SAO VỚI BÀI PHÁP NÀY 5 THÁNH DỰ LƯU ĐẦU TIÊN CỦA ĐẠO PHẬT KHÔNG THẾ ĐẮC A LA HÁN CHO DÙ 5 NGÀY ĐÃ TRẢI QUA ?. Đó là vì các ngài còn thấy có cái cách thức, phương pháp để đoạn trừ THÂN KIẾN, tức là còn PHÁP CHẤP.
Đức Phật liền thuyết tiếp bài kinh thứ 2 là Kinh Vô Ngã Tướng phá nốt chấp PHÁP bằng việc đưa ra rằng ngay cái gọi là PHÁP hay phương pháp, cách thức phá cái tôi ấy cũng là KHỔ để các ông buông xả nốt. Nếu bám vào cái cách thức và phương pháp đoạn trừ NGÃ hay THÂN KIẾN thì cũng gây ra KHỔ ĐAU. Sự buông xả của các Thánh Dự Lưu này đến cùng tột, các ngài liền chứng đạo quả A La Hán.
Đến đây, chúng ta có thể thấy KHỔ ĐẾ thật sự là gì rồi. Bài kinh 1 Chuyển Pháp Luân là Đức Phật nói đến sự chấp thủ về cái tôi hiện hữu trong các chúng sinh hữu tình thì sẽ có sinh, già, bệnh, chết…. Bài thứ 2 kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật mở rộng KHỔ ĐẾ ra cho tất cả các trạng thái hiện hữu có cấu tạo và do duyên sinh (pháp hữu vi, có cấu tạo và do duyên sinh có tâm hay không tâm) hữu tình đến vô tình, tức là có sự hiện hữu dù nhỏ như vi trần cho đến vô số thế giới).
2. Trở lại với câu hỏi Hòn đá có khổ không ? Hòn đá là sắc nên nó biến đổi sinh diệt (gọi là vô thường), vì biến đổi sinh diệt nên khi đã sinh lên nó sẽ có sự diệt nên gọi là khổ, và nó cứ như vậy không điều kiển được nên nó là vô ngã (không theo ý muốn của ai)
Cho dễ hiểu, bây giờ tôi lấy ví dụ cái bình gốm . Trước khi ra lò thì bình gốm là đất, khi ra lò gọi là cái bình (đi theo hình dáng và công năng của nó gọi là THÂN KIẾN hay còn gọi là sắc bên ngoài thân), khi tan vỡ thì nó là mảnh sành, rồi lâu dần nó lại là đất. Vậy cái bình gốm hiện hữu (sắc) nó đã chứa đựng sự DIỆT tiềm ẩn sẵn trong nó rồi. Người dùng nó luôn phải tạo cho nó nhưng duyên sinh tương ưng để gìn giữ THÂN KIẾN của nó. Nếu lỡ rơi vỡ hay để bên đường bị đá vỡ thì cái duyên để có cái bình ko còn nữa mà là duyên DIỆT cái bình đã xuất hiện.
Cái thân chúng ta cũng vậy. Khi ở trong bụng mẹ gọi là bào thai. Khi ra khỏi bụng mẹ là em bé. Khi lớn lên là người và chết gọi là tử thi. Khi hình thành mỗi thân kiến trong từng giai đoạn này thì luôn luôn phải có các DUYÊN để gìn giữ nó không bị DIỆT nhưng thực ra DIỆT luôn tiềm ẩn và chờ sẵn khi cái THÂN của chúng ta có mặt trong đời. Sự DIỆT trở nên bức bách làm chúng ta KHỔ và nó luôn thường trú trên thân và tâm của chúng ta. Ví như khi thở hít vào (Sinh-Diệt)) là sự bức bách của Diệt khiến chúng ta phải thở ra, rồi sự thở ra (Sinh-Diệt) lại bức bách chúng ta hít vào, Vì nó sinh lên rồi phải diệt là bản chất của các pháp hữu vi. Dạ dày ta trông rỗng, nó bức bách chúng ta đưa thức ăn vào (SINH). Thức ăn vào nó lại bức bách đẩy ra (DIỆT) khỏi dạ dày. Nên chúng ta ăn sáng rồi lại bị bức bách phải ăn trưa. Trong đi, đứng, nằm, ngồi, chớp mắt mở mắt đều bị bức bách như vậy mà chúng ta không thể ra lệnh và không thể làm chủ nó được nên chúng ta KHỔ.
Hòn đá cũng vậy. Vì nó hiện hữu (SINH) nên nó cũng bị áp lực để DIỆT. Khi duyên diệt đến nó sẽ bị tan hoại. Như vậy cái KHỔ của hòn đá là cái KHỔ của CHÂN ĐẾ do vô thường gây ra, là cái KHỔ của các pháp hữu vi vì Sinh lên nên sẽ đến lúc phải Diệt. Sự áp lực DIỆT được gọi là KHỔ ĐÊ. Cái khổ này không phải cái khổ của CẢM THỌ trong ngũ uẩn vì cảm thọ này cũng là pháp hữu vi nên cũng bị Sinh-Diệt. Nếu chấp thủ vào cảm Thọ của ngũ uẩn để tuyên bố về KHỔ đế thì hết sức nhầm lẫn vì nó không phải là điều Đức Phật tuyên bố về Khổ đế, nghĩa là đang tu cái không phải là đạo Phật. Chínnh vì vậy Đức Phật đã từng nhắc nhở: ”Này các tỳ kheo ! Khổ đế cần phải được nhận ra, Tập đế phải nhận ra thì con đường đưa đến Khổ Diệt, Tập diệt mới được nhận ra.”
Cái Gì Khổ
(Chương 22: Tương Ưng Uẩn II: Phẩm Vô Thường)
Nhân duyên tại Sāvatthi …
—Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
https://suttacentral.net/vn/sn22.16
——————————-
Khổ Ngoại
(Chương 35: Tương Ưng Sáu Xứ I: Phẩm Vô Thường)
—Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Các tiếng … Các hương … Các vị … Các xúc …
Các pháp là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy … ” … không còn trở lui trạng thái nầy nữa”.
https://suttacentral.net/vn/sn35.5
——————————
Ba Thời Là Khổ
(Chương 22: Tương Ưng Uẩn I: Phẩm Nakulapitā)
Nhân duyên ở Sāvatthi …
—Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, đối với sắc quá khứ không tiếc nuối, đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham đoạn diệt.
Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử đối với thức quá khứ không tiếc nuối, đối với thức vị lai không hoan hỷ, đối với thức hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.
https://suttacentral.net/vn/sn22.10
“Chỉ có Khổ sanh
Khổ tồn tại, Khổ diệt
Ngoài Khổ, không gì sanh
Ngoài Khổ, không gì diệt.”
(Tương Ưng Bộ Kinh S. i, 135)
———————————————————————-
1. Hỏi: Sự ” bức bách” từ đâu mà có? phải chăng cũng do cái trí của chúng ta nó khởi tạo ý niệm. Nói bức bách là nói đến đối tượng, vậy hòn đá có bị “cảm thấy” bức bách không khi tự thân nó không có cảm thọ. Rốt ráo cũng là chấp cái Ta là thật mới có “Khổ”? Bạn nói một phần đúng, bài kinh đầu để phá được cái thân kiến, nhưng vẫn chưa từ bỏ được cái biết “Ta đã trừ bỏ được thân kiến”.
Trả lời: Nói đến hòn đá là sắc pháp nên nó luôn bị quấy nhiễu bởi sức nóng, sự va chạm…Tương tự chúng ta có thể thấy không chỉ hòn đá (thổ) mà các sắc pháp khác luôn bị quấy nhiễu thay đổi liên tục bởi vô thường. Ví dụ như ngọn lửa là do sức nóng của các dòng khí nối tiếp nhau sanh diệt không ngừng. Dòng khí bức bách nhau để sinh-diệt liên tiếp. Nói thô hơn nữa là các hiện tương thiên nhiên như động đất, sóng thần, núi lửa đều rơi vào trạng thái bức bách vốn chỉ để diệt.
Để gần gũi hơn, ta lấy ví dụ tay ta cầm cái ly. Ta cầm lâu và tiếp tục cầm ta sẽ thấy mỏi tay. Trang thái mỏi tay này là trạng thái bức bách đòi ta phải đặt cái ly xuống bàn (diệt trang thái cầm ly). Bây giờ cái ly trên mặt bàn, nó tiếp tục bức bách trạng thái diệt nên cái bàn làm nhiệm vụ thay cái tay của ta. Bản thân cái bàn cũng bức bách trạng thái diệt của nó. Giả sử cái bàn bị kênh, ai đó di ngang qua va phải cái bàn, cái bàn nghiêng lệch (diệt so với trang thái chưa nghiêng lệch) và cái ly bị rơi trên mặt đất vỡ tan (cái ly bị diệt).
Ngay như thân chúng ta khi đi, đứng, nằm, ngồi cũng luôn tìm trạng thái duyên sinh để giữ cho trạng thái cái thân này nguyên vẹn mà không bị diệt, một chỗ trú, một chỗ nghỉ chân, một chỗ nằm để thân này không đau mỏi, bệnh tật (là trạng thái diệt của trạng thái khỏe mạnh, không bệnh tật). Như vậy phàm cái gì có hình tướng thì phải có chỗ trú cho nó, nếu không có chỗ trú cho trạng thái sinh lên hình tướng đó thì nó sẽ bị diệt. Trạng thái gìn giữ cho hình tướng đó xuất hiện gọi là duyên sinh. Trạng thái không gìn giữ cho hình tướng đó tồn tại nữa gọi là duyên diệt. Tất cả các duyên sinh diệt này không phụ thuộc vào cái gì gọi là ta hay tâm cả.
2. Hỏi: Cái bình hay hòn đá nó có thân kiến không ?
1/Hiểu theo Chân đế: Trở lại với câu hỏi Hòn đá có khổ không ?Hòn đá là sắc nên nó biến đổi sinh diệt (gọi là vô thường), vì biến đổi sinh diệt nên khi đã sinh lên nó sẽ có sự diệt nên gọi là khổ, nó trống rỗng và không cốt lõi nên gọi là vô ngã. Đến đây xong phần nói hòn đá là khổ
2/ Hiểu theo Tục Đế: Ví dụ cái bình gốm . Trước khi ra lò thì bình gốm là đất, khi ra lò gọi là cái bình (đi theo hình dáng và công năng của nó gọi là THÂN KIẾN hay còn gọi là sắc bên ngoài thân), khi tan vỡ thì nó là mảnh sành, rồi lâu dần nó lại là đất. Vậy cái bình gốm hiện hữu (sắc) nó đã chứa đựng sự DIỆT tiềm ẩn sẵn trong nó rồi. Người dùng nó luôn phải tạo cho nó nhưng duyên sinh tương ưng để gìn giữ THÂN KIẾN của nó. Nếu lỡ rơi vỡ hay để bên đường bị đá vỡ thì cái duyên để có cái bình ko còn nữa mà là duyên DIỆT cái bình đã xuất hiện. Đoạn này giúp đọc giả phá ảo tưởng bình gốm là bình gốm, hòn đá là hòn đá. Còn bạn hỏi này đang hiểu nhầm là tôi nói Hòn đá có Thân Kiến
Bất cứ sắc nào gọi ra tên đều rơi vào Thân Kiến vì Danh đã được thiết lập. Trong Chân Đế như ở trên, hòn đá vốn chỉ là sắc nhưng vì gọi là hòn đá nên chúng ta liền rơi vào Thân Kiến. Cái nhìn một vật có thực thể và cốt lõi nên gọi là THÂN KIẾN. Để tiếp tục giúp để bạn nhìn ra cái Thân Kiến nó biến chuyển, sinh diệt ra sao và tên gọi bị thay đổi như thế nào nên phải lấy cái quan sát ví dụ từ cái bình. Ở đây ví dụ cái bình thay cho hòn đá cho dễ hiểu từ khi nó chuyển các hình tướng từ sinh đến diệt (trong lò – ra lò – tan hoại). Sắc lúc này gọi là ngoại sắc. Bất cứ cái gì nhìn thấy bên ngoài thân ta đều là ngoại sắc và khi ta đặt tên cho nó và chấp thủ vào tên gọi đó thì rơi vào Thân Kiến. Cái sắc ấy bị chấp thủ như một vật có ngoài ta nhưng thực ra không phải như vậy vì nó còn đang biến đổi sinh diệt. Chỗ này là chỗ Lão Tử đã từng nói: ”Tên mà đặt được tên chẳng thật là tên”. Chính vì thế Kinh Vô Ngã Tướng , Đức Phật không gọi bất cứ vật gì mà gọi là sắc trong và sắc ngoài, sắc thô và sắc vi tế, sắc xa và gần…
Khi gọi tên hòn đá là hòn đá đã là chấp có hòn đá, chấp có một cái gì đó cố định trong hòn đá, có cốt lõi và có tên cho nó rồi.
3. Hỏi: Biết hòn đá khổ vậy làm sao để nó hết khổ ? Thế huynh, bạn & chúng ta đều khổ vậy làm sao để hết khổ ? Làm sao để diệt khổ ?
Trả lời: Xin trao đổi với bạn như sau:
Bước 1: Bản chất pháp hữu vi là khổ vì thế đất, nước, gió, lửa là sắc pháp (hữu vi) nên khổ.
Bước 2: Đất, nước, gió, lửa được nhào nặn ra cái bình gốm, ta cho nó một cái tên khái niệm là ”bình gốm”, trong tâm thức ta bắt đầu có ý niệm về cái bình gồm, cái bình trở thành VẬT THẬT, CÓ CỐT LÕI trong ta.
Bước 3: Ta sử dụng cái ”bình gồm” và yêu quý nó nhưng không hề biết SỰ KHỔ đã tiềm ẩn trong cái bình gốm này rồi. Vì nó là pháp hũu vi, nó bị áp lực để diệt khi duyên diệt đến.
Bước 4: Khi duyên diệt đến nó vỡ vì bất cứ nguyên nhân gì, ta đau khổ với nó. Nếu bình gốm đó là bình cổ giá trị càng lớn thì ta càng khổ hay là vật kỷ niệm của người thân thì ta cũng khổ. Sự KHỔ của ta được gia tăng hay cộng thêm vào cái gọi là ”Bình Gốm” mà bản chất của nó cũng là sự Diệt tiềm ẩn mà thôi.
Bước 5-Kết luận: Bình Gốm (Khổ) + Ái Thủ Hữu (Khổ Tập) với Bình Gồm = Khổ Tâm vì Bình Gốm.
* Bạn có thể thay thí dụ bình gốm bằng bất cứ thứ gì mà ta yêu nhất thì sẽ thấy sự nổi bật trong thân và tâm lúc này, khi đọc bài này.
Cổ nhân nói ta khổ là vì ta quên mình theo vật. Khi vật sinh diệt mà ta cứ lao theo. Ta lao theo vì ta bị nhận lầm nó là một vật có có lõi, bên chắc và là của ta. Sự nhận lầm này gây ra mọi tai họa nên gọi là Vô Minh. Không thất biết Khổ Đế nên gọi là Vô Minh. Do Vô Minh nên Ái, Thủ, Hữu sự hiện hữu (Khổ Đế-pháp hữu vi đang sinh diệt) nên có Tập Đế (tham ái). Tức là không sáng suốt để nhận ra sự thật về Khổ Đế và diệt Tập Đế.
CÁC PHÁP HỮU VI (KHỔ ĐẾ) + ÁI THỦ HỮU (TẬP ĐẾ) = NỖI KHỔ CỦA CON NGƯỜI.
* Pháp Hữu Vi có Danh và Sắc.
Sắc bên ngoài là vạn vật quanh ta. Sắc bên trong là thân ta và các bộ phận trên cơ thể.
Danh bao gồm Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng có bên ngoài và bên trong ta.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức có từ bên ngoài là tư tưởng, tình cảm, yêu ghét, sự chấp trước…từ người khác (cái này vô hình tướng nhưng cảm nhận được).
Thọ, Tưởng, Hành, Thức có bên trong là tư tưởng, tình cảm, yêu ghét, sự chấp trước…của chính ta.
Như vậy các pháp hữu vi như hòn đá thì không thể hết Khổ được vì nó sinh diệt liên tục (bị đất, nước, gió, lửa quấy nhiễu) không lúc nào ngừng khi nào nó còn hiện hữu.
Thân của chúng ta cũng là Sắc Pháp cũng là pháp hữu vi nên nó cũng KHỔ. Cái KHổ này thường trú và nằm ngoài ý muốn của ta. Khổ này chỉ chấm dứt khi THÂN này chấm dứt.
Tâm của ta có 2 loại tâm: Tâm Vương và Tâm Sở. Tâm Vương là cái Thấy Biết không bị khái niệm hay bị thân kiến. Tâm Sở là Tâm khái niệm và bị thân kiến nặng nề. Chính Tâm này mới tạo Ái, Thủ, Hữu, tạo ra sự nhận lầm Thân là thật và là của ta để khi chết nó lại đi tìm một duyên sinh mới là một thân mới để ghá vào. Tâm Sở này là pháp đồng sanh với Tâm Vương (sự thấy biết suông) và Sắc Pháp. Tức là khi bắt lấy sắc pháp qua năm căn môn thì nó liền lập tức sinh ra và suy đạc sắc pháp ấy là loại gì, ra sao…
Thực hành bằng thiền Tứ Niệm Xứ với việc loại trừ ảo tưởng về một vật hay một người có cốt lõi bằng việc hành thiền lấy thân, thọ, tâm, pháp làm đối tượng thiền.Khi đi qua các tầng Tuệ Minh Sát, hành giả sẽ thấy sự thật về Danh và Sắc và chán nản không muốn nắm bắt bất vật gì hiện hữu trong hay ngoài thân nữa. Trong kinh nói vị ấy không nương tựa, không chấp trước vật gì trên đời. Vì lúc này hành giả đã thấy được sự thật bằng sự Thấy và Biết rõ ràng , ở đây và bây giờ, trên thân và tâm. Lúc này tâm sẽ nhàm chán pháp hữu vi (sinh diệt) và hướng tới pháp vô vi (không sinh diệt) hay còn gọi là Niết bàn. Tâm chánh niệm và trí tuệ xuất hiện không còn nhận lầm Danh và Sắc là ta hay của ta nữa, nên nó không nhận Luân Hồi hay bất cứ cảnh giới nào hiện hữu để tìm đến nữa. Vì thế khi hỏi về trạng thái của Niết Bàn, Đức Phật không trả lời.
4. Hỏi: Hòn đá từ đâu mà có ?
Trả lời: Tận cùng vô thủy vô chung thì hòn đá chỉ là đất nước gió lửa qua lại với nhau mà thành gọi chung là sắc pháp. Sắc pháp (đất, nước, gió, lửa qua lại với nhau liên tục) tự nó biến đổi liên tục không lúc nào ngừng. Khi chúng ta chia cẻ phân tích đây là hòn đá, kia là hòn gạch tức là chúng ta cho nó một khái niệm, một quy ước, một định nghĩa, một hệ quy chiếu. Cái này gọi là TƯỞNG trong Ngũ Uẩn. Khi tưởng được thiết lập thì Thân Kiến được thiết lập và Luân Hồi được thiết lập. Chúng ta sinh ra và chết đi trong khái niệm mà không biết sự thật sinh diệt tan hoạt của khái niệm bản chất cũng đã chứa Khổ trong đó. Tranh chấp hòn đá, rồi tranh chấp tư TƯỞNG… tất cả đều do không nhận thấy sự thật Sinh-Diệt và bức bách diệt (Khổ) của bất cứ cái gì hiện hữu. Tức là không nhìn thấy Khổ Đế và Tập Đế.
Vậy hòn đá từ đâu mà ra ? Từ Vô Minh mà ra. Vô Minh là gì ? Là do không thấy sự thật về Khổ Đế và Tập Đế. Thế nào là Khổ Đế ? Các pháp hữu vi bị sinh diệt tan hoại nên Khổ. Bản chất thật chân đế của hòn đá chỉ là tính cứng mềm, nóng lạnh, và luôn sinh diệt thay đổi không ngừng. Do không biết sự thật Khổ Đế này (gọi là Vô Minh) nên ưa thích nó (tham ái) nên gọi là Tập Đế.
Làm sao loại trừ được Khổ Đế và Tập Đế ?. Phải thực hành Bát Chánh Đạo mà cụ thể là pháp hành Thiền Tứ Niệm Xứ vì khi hành thiền Tứ Niệm Xứ thì đã đầy đủ cả 8 chi phần trong Bát Chánh Đạo với 3 nhóm cơ bản là Giới- Định -Tuệ.
5. Hỏi: Hòn đá có Khổ, vậy Khổ Tập của hòn đá từ đâu mà ra ?
Trả lời: Hòn đá không có Khổ Tập mà nó chỉ có Khổ vì nó là sắc pháp.
Chúng ta dễ bị hiểu nhầm là đi tìm gốc rễ của vũ trụ. Gốc rễ của vũ trụ là vô thủy vô chung (ko có bắt đầu và ko có kết thúc). Vì hòn đá là sắc pháp nên nó khổ và không bao giờ hết khổ, bởi nó bị đất nước gió lửa quấy nhiễu qua lại biến đổi, sinh diệt không ngừng từ trạng thái này sang trạng thái khác.
Bản chất các pháp hữu vi hay hiện hữu là Khổ. Bây giờ con người cứ lao vào nó bởi không biết nó đang sinh diệt, nó khổ, nên đặt tên nó là hòn đá, hòn gạch rồi ái luyến nó , đau khổ khi nó mất…Đây là TẬP ĐẾ.
Ví như một đứa trẻ nhỏ, nó nhìn hòn đá, hòn gạch, kim cương, vàng là như nhau. Với nó chỉ là đồ chơi. Lớn lên khái niệm hình thành đây là hòn đá quý, kìa là hòn gạch thường. Lúc này TẬP ĐẾ xuất hiện và tên gọi là hòn đá , hòn gạch xuất hiện, từ đó mà ra.
6. Kết luận:
Bài kinh 1 Chuyển Pháp Luân: Nói lên con người là khổ và sự khổ là do có chấp thủ cái tôi, cái của tôi hay nói cách khác sự Tham ái (Tập đế) cái tôi và của tôi sẽ có sinh già bệnh chết…. Bài này sau này được Đức Phật giảng kỹ hơn bằng vòng 12 Nhân Duyên ở đoạn Ái-Thủ-Hữu là nguyên nhân đi tái sinh trong luân hồi.
Bài kinh 2 Vô Ngã Tướng: Chủ thể hay đối tượng (vật chất và tâm hay sắc pháp và danh pháp) là pháp hữu vi nên bị vô thường hoạt diệt nên khổ. Khổ này do Vô Thường đưa đến, không phải cái Khổ của sự ham muốn (Tham ái hay Tập đế). Đức Phật đã dạy thiền Tứ Niệm Xứ để thấy và biết rõ các đối tượng Danh và Sắc sinh diệt ra sao khi đang hành thiền.
Khi chúng ta đặt câu hỏi: Hòn đá có khổ không ? Nghĩa là tập trung đi sâu vào bài kinh số 2 Vô Ngã Tướng, vì bài kinh này có Pháp Hành Thiền để đi sâu bóc tách và phá vở ảo tưởng phơi bày sự thật của tất cả các pháp hữu vi đều là KHỔ. Sau khi nghe bài kinh này mà 5 anh em ngài Kiều Trần Như mới đăc đạo quả A La Hán.
Bài kinh 2 làm rõ ràng từng phần trong vòng 12 Nhân Duyên mà căn bản nhất là Vô Minh. Chúng ta đã biết ”Cổ nhân nói ta khổ là vì ta quên mình theo vật. Khi vật sinh diệt mà ta cứ lao theo. Ta lao theo vì ta bị nhận lầm nó là một vật có có lõi, bên chắc và là của ta.” Sự nhận lầm này gây ra mọi tai họa nên gọi là Vô Minh. Tức là không sáng suốt để nhận ra sự thật về Khổ Đế và Tập Đế.”.
Khi nhận ra được các pháp hữu vi là khổ tức là bất cứ đối tượng nào hiện hữu đều chứa đựng sự Diệt tiềm ẩn sẵn có. Nhưng ta bị vô minh và thân kiến nên cái nhìn đã bị che khuất sự Diệt tiềm ẩn hay sự Khổ của nó. Ta ưa thích nó, chấp thủ nó, muốn nó là ta hay của ta (Ái, Thủ, Hữu) nên tạo ra động lực để đi trong luân hồi: Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức.
Vô Minh là do không nhận ra được Khổ Đế và Tập Đế. Khổ Đế tận gốc của nó là các pháp hữu vi. Tập đế là sự Tham Ái đối tượng là các pháp hữu vi. Nói đến Khổ chỉ thấy con người hay hữu tình là khổ nghĩa là chưa thấy được tận gốc, chưa thấy được tận gốc của Vô Minh. Điều này rất dễ hiểu vì chúng ta có 10 kiết sử để níu giữ chúng ta trong luân hồi mà THÂN KIẾN là căn bản. THÂN KIẾN là cái nhìn bị che khuất bởi NGHIỆP (vì sinh ra đã nhìn như vậy). Mọi người và vật sinh diệt liên tục nhưng tưởng thường còn. Mọi người và vật trống rỗng không có cốt lõi nhưng tưởng có cốt lõi. Mọi người và vật đều khổ bởi áp lực bức bách của sự Diệt nên Khổ.
Nhiều khi sự Khổ được nói là sự bất toạn nguyện nên sau này rất nhiều người khắc ghi vào tâm là chỉ có vật hữu tình là bất toại nguyện, còn cho là vật vô tình thì không. Bất toại nguyện là KHỔ TÂM. Chỉ có hữu tình mới có. Còn KHỔ THÂN vì bị bức bách sinh diệt thì bất cứ vật hữu tình hay vô tình đều KHỔ. Do chúng ta bị THÂN KIẾN thêm KIẾN THỦ tức là cái thấy biết theo kinh nghiệm của con người nên cho rằng phải có TÂM mới có Khổ. Điều này lại rơi vào bài kinh số 1 Chuyển Pháp Luân. Nên bài kinh số 1 gọi là Pháp Tục Đế, còn bài kinh số 2 là Pháp Chân Đế (cội nguồn của vạn pháp). Cái KHỔ của bài kinh số 2 là cái KHỔ của sự Sinh-Diệt (Vô Thường) mà bất cứ cái gì có hiện hữu thì sẽ khổ bởi Duyên Diệt trong nó. Khổ trong bài kinh số 2 Đức Phật nói không phải là cái Khổ của cảm thọ con người. Cái Khổ của cảm thọ con người được nói đến trong bài kinh số 1 nhưng đến bài kinh số 2 nó cũng bị Sinh-Diệt nên Khổ Thọ hay Lạc Thọ cũng bị Sinh-Diệt nên cũng là Khổ Đế. Lấy cái cảm thọ này mà tu tập thì sẽ sai lạc với giáo huấn của Đức Phật. Chúng ta nên biết rằng Đức Phật không tán thán về sự hiện hữu cho dù chỉ trong thời gian như búng móng tay.
‘‘Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít nước tiểu có mùi hôi thúi… một ít nước miếng có mùi hôi thúi…. một ít mủ có mùi hôi thúi… một ít máu có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về HIỆN HỮU dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay. (Tăng Chi Bộ Kinh, phẩm Một pháp, 14-17)”
Chỉ có Khổ sanh
Khổ tồn tại, Khổ diệt
Ngoài Khổ, không gì sanh
Ngoài Khổ, không gì diệt.
(Tương Ưng Bộ S. i, 135)
Cái Gì Khổ
(Chương 22: Tương Ưng Uẩn II: Phẩm Vô Thường)
Nhân duyên tại Sāvatthi …
—Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.
https://suttacentral.net/vn/sn22.16
——————————-
Khổ Ngoại
(Chương 35: Tương Ưng Sáu Xứ I: Phẩm Vô Thường)
—Các sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Các tiếng … Các hương … Các vị … Các xúc …
Các pháp là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
Thấy vậy … ” … không còn trở lui trạng thái nầy nữa”.
https://suttacentral.net/vn/sn35.5
——————————
Ba Thời Là Khổ
(Chương 22: Tương Ưng Uẩn I: Phẩm Nakulapitā)
Nhân duyên ở Sāvatthi …
—Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử, đối với sắc quá khứ không tiếc nuối, đối với sắc vị lai không hoan hỷ, đối với sắc hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham đoạn diệt.
Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ …
Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ, quá khứ, vị lai, còn nói gì đến hiện tại. Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử đối với thức quá khứ không tiếc nuối, đối với thức vị lai không hoan hỷ, đối với thức hiện tại hướng đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt.
https://suttacentral.net/vn/sn22.10
Sưu tầm và viết bởi thayvabiet.com
Xem thêm các bài liên quan:
Phân biệt khổ do vô thường và khổ do tâm
————————————————-
KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN
II. Phẩm Chuyển Pháp Luân
11. I. Như Lai Thuyết (1) (S.v,420)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, chỗ Vườn Nai.
2) Tại đấy, Thế Tôn bảo chúng năm Tỷ-kheo:
— Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai?
3) Một là đắm say trong các dục (kàmesu), hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, là con đường Trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
4) Và thế nào là con đường Trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn? Chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là: chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là con đường trung đạo, này các Tỷ-kheo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
5) Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo. Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.
6) Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
7) Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là ly tham, đoạn diệt, không có dư tàn khát ái ấy, sự quăng bỏ, từ bỏ, giải thoát, không có chấp trước.
8) Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, chính là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến… chánh định.
9) Ðây là Thánh đế về Khổ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ cần phải liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp, từ trước Ta chưa từng nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ đã được liễu tri, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
10) Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ tập cần phải đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ tập đã được đoạn tận, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh.
11) Ðây là Thánh đế về Khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt cần phải chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Khổ diệt đã được chứng ngộ, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh.
12) Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến khổ diệt, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt cần phải tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp… quang sanh. Ðây là Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt đã được tu tập, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh.
13) Cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đế này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật không khéo thanh tịnh ở nơi Ta; thời này các Tỷ-kheo, cho đến khi ấy, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta không chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác.
14) Và cho đến khi nào, này các Tỷ-kheo, trong bốn Thánh đến này, với ba chuyển và mười hai hành tướng như vậy, tri kiến như thật đã được khéo thanh tịnh ở nơi Ta; cho đến khi ấy, này các Tỷ-kheo, trong thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta mới chứng tri đã chánh giác vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tri kiến khởi lên nơi Ta: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.
15) Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Chúng năm Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Phật dạy. Trong khi lời dạy này được tuyên bố, Tôn giả Kondanna khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế như sau: “Phàm vật gì được tập khởi, tất cả pháp ấy cũng bị đoạn diệt”.
16) Và khi Pháp luân này được Thế Tôn chuyển vận như vậy, chư Thiên cõi đất này lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời”.
17) Sau khi được nghe tiếng chư Thiên ở cõi đất, Tứ đại Thiên vương thiên lên tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận một Pháp luân chưa từng được ai chuyển vận, Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên hay bất cứ một ai ở đời”.
18) Sau khi được nghe tiếng của chư Thiên ở Tứ đại Thiên vương thiên, thời chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba… chư Thiên Yàmà… chư Thiên Tusità… chư Hóa lạc thiên… chư Tha hóa tự tại thiên… chư Thiên ở Phạm thiên giới lớn tiếng nói lên: “Nay vô thượng Pháp luân này được Thế Tôn ở Ba-la-nại, chỗ chư Tiên đọa xứ, tại Vườn Nai, chuyển vận… bất cứ một ai ở đời”.
19) Như vậy, trong sát-na ấy, trong khoảnh khắc ấy, trong giây phút ấy, tiếng ấy lên đến Phạm thiên giới. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và một hào quang vô lượng, quảng đại phát chiếu ra ở đời, vượt quá uy lực chư Thiên.
20) Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng sau đây: “Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna (Kiều-trần-như)! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna!”
Như vậy Tôn giả Kondanna được tên là Annàta Kondanna (A-nhã Kiều-trần-như).
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-56a.htm
KINH VÔ NGÃ TƯỚNG
1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.
2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Thưa vâng bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) — Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: “Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”
4) Và này các Tỷ-kheo, vì sắc là vô ngã. Do vậy sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: “Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!”
5) Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Này các Tỷ-kheo, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được các thọ như sau: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”
6) Và này các Tỷ-kheo, vì thọ là vô ngã. Do vậy, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: “Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!”
7) Tưởng là vô ngã…
8) Các hành là vô ngã, này các Tỷ-kheo, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các hành như sau: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế này!”
9) Và này các Tỷ-kheo, vì các hành là vô ngã. Do vậy, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành: “Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế này!”
10) Thức là vô ngã, này các Tỷ-kheo, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được các thức như sau: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”
11) Và này các Tỷ-kheo, vì thức là vô ngã. Do vậy, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: “Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!”
12) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
— Là vô thường, bạch Thế Tôn!
— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
— Là khổ, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: ” Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
13-15) — Thọ… Tưởng… Các hành…
16) Thức là thường hay vô thường?
— Là vô thường, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
— Là khổ, bạch Thế Tôn.
— Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
— Thưa không, bạch Thế Tôn.
17) — Do vậy, này các Tỷ-kheo, phàm sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
18) Phàm thọ gì…
19) Phàm tưởng gì…
20) Phàm các hành gì…
21) Phàm thức gì quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.
22) Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm y đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.
23) Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỷ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỷ-kheo được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
You must be logged in to post a comment.