
HIỆU LỰC CỦA LỜI CẦU NGUYỆN
Hỏi: Tại sao người thì đi được, người thì không đi được trên con đường Tứ Niệm Xứ?
Đáp: Đây là gọi là nhân quá khứ, quả hiện tại. Nếu trong quá khứ khi người nào làm các việc phước thiện (tích luỹ Minh và Hạnh) với lời nguyện cầu: “Xin cho sự phước báu mà chúng con đã trong sạch làm đây, hãy là món duyên lành, để dứt khỏi những điều ô nhiễm, ngủ ngầm nơi tâm trong ngày vị lai” (Idaṃ vata me puññaṃ āsava-kkhayāv’ahaṃ hotu anāgate.). Thì trong các kiếp sau, khi người đó thực hành thiền Tứ Niệm Xứ sẽ được thuận lợi, tốt đẹp.
Ví dụ khi người đó đang thực hành Tứ Niệm Xứ gặp cơn bạo bệnh, với năng lực của lời ước nguyện khi làm các việc phước trong quá khứ về việc thực hành Tứ Niệm Xứ, cơn bạo bệnh có thể thuyên giảm và sẽ qua đi để người đó tiếp tục thực hành Tứ Niệm Xứ. Tất nhiên nếu người đó bỏ thực hành Tứ Niệm Xứ thì cơn bệnh có thể quay trở lại vì không đúng với lời ước nguyện trước kia.
Hỏi: Lời nguyện cầu như vậy có phải là mê tín không?
Đáp: Đức Phật dạy tằng: “Tác ý là nghiệp”. Đã là nghiệp túc là có năng lực cho quả. Nguyện cầu là sự tác ý, nên cũng có năng lực cho quả. Nhưng năng lực này chỉ mạnh mẽ khi đi kèm trợ duyên cho nó là các phước thiện. Nếu thiếu phưỡc thiện làm trợ duyên, khả năng cho quả là rất yếu. Vì vậy tác ý khi làm các việc phước thiện là rất quan trọng giúp cho chúng ta có đủ Tam Tư (ba tác ý ở đoạn đầu, giữa và cuối của việc làm phước thiện).Hiểu biết này rất trí tuệ, không phải là mê tín. Tuệ này thuộc về tuệ Nhân Quả hay Nhân Duyên trong 16 tuệ Minh Sát. Tức là sự có mặt của danh và sắc nương tựa vào nhau làm nhân duyên cho nhau, cùng sinh cùng diệt. Tiến trình này không có ai cả. Chỉ là tiến trình Nhân Duyên nối tiếp nhau không ngừng. Cho nên mõi khi bạn làm các phước thiện (bố thí, trì giới, hành thiền,…), bạn cần rải tâm từ, hồi hướng và ước nguyện, đó là các duyên được tạo ra. Trong các ước nguyện thì ước nguyện quan trọng nhất là ước nguyện “dứt khỏi những điều ô nhiễm, ngủ ngầm nơi tâm trong ngày vị lai”. Nhờ đó bạn sẽ gặp pháp hành Tứ Niệm Xứ. Đây cũng là cách bạn biết tạo “bảo hiểm” cho chính mình không bị lạc mất pháp hành Tứ Niệm Xứ trong nhiều kiếp luân hồi trước khi đắc Đạo và Quả.
Hỏi: Làm thế nào để biết mình đang đi trên con đường Tứ Niệm Xứ?
Đáp: Tứ Niệm Xứ là Pháp Bảo. Tứ Niệm Xứ mất thì cỗt lõi Phật giáo mất. Gọi là Pháp Bảo bởi vì Tứ Niệm Xứ giúp bạn chuyển hoá từ phàm sang Thánh. Điều này được Đức Phật dạy trong kinh Đại Niệm Xứ, nói rõ về số thời gian tu tập, bạn sẽ có kết quả gì. Khi trở thành Thánh nhân không phải là bạn bay lượn trên đầu người khác. Mà là bạn không còn bị các phiền não chi phối, không còn làm khổ mình và khổ người nữa.
Con đường Tứ Niệm Xứ là con đường không có lối rẽ. Bởi vì một khi bạn bước đi trên con đường này bạn sẽ không muốn rẽ sang một con đường nào khác nữa. Bởi thế nó là con đường độc nhất, duy nhất một khi bạn đã đi đúng con đường. Vì đây là lựa chọn tối thượng trong vô số kiếp luân hồi, cho dù bạn là ai, là tu sĩ hay cư sĩ. Nếu bạn còn thấy có lỗi rẽ, nghĩa là bạn chưa đi đúng vào con đường Tứ Niệm Xứ.
(Thấy Biết)
You must be logged in to post a comment.