
Hiểu biết về vô niệm, chánh niệm, Phật tánh, chân tâm…
Vừa qua trên mạng Intenet có các bài viết của một sốngười tu Nam Tông viết bài trên cơ sở sưu tập các quan điểm, tư tưởng của Phật giáo Nam Tông rồi đem ra so sánh đối chiếu với Phật giáo Bắc Tông, đặc biệt là Thiền Tông để phê phán những từ như: ” Phật tánh, chân tâm,…” coi đó là tà kiến vì chấp thường hằng, trong khi một thời khắc như một búng móng tay đã có vô số tâm sinh lên và diệt đi.
Đây là sự hiểu nhầm của một sốngười tu Nam Tông lẫn người tu Thiền Tông vì sự hiểu lầm này chỉ nằm trên ngôn từ mà không thấy đúng bản chất.
Khi nói đến “Phật tánh, chân tâm” là Thiền Tông nói đến tánh “vô ngã” trong vạn pháp, cả pháp hữu vi (Luân hồi) lẫn vô vi (Niết bàn). Ai thấy và biết được tánh trống rỗng, không cốt lõi (vô ngã) của các pháp thì người đó thấy được tính bình đẳng của các pháp trong Luân hồi cũng như Niết bàn. Nhờ tánh vô ngã này mà chúng sanh trong Luân Hồi mới có thể chứng ngộ Niết Bàn. Bằng cái thấy và biết này Lục Tổ Huệ Năng mới nói đâu ngờ tánh mình vốn đầy đủ từ xưa đến nay. Ngài Huyền Giác ngộ đạo trong Chứng Đạo Ca đã thốt lên “Chẳng trừ vọng tưởng, chẳng cầu chân”. ” Vô minh thật tánh tức Phật tánh”. Đây là định nghĩa Phật tánh rõ ràng nhất của Thiền Tông. Vậy thật tánh của vô minh là gì đó là tánh vô ngã của Niết bàn cũng như của Luân hồi đều như nhau. Thực tại bao gồm 4 yếu tố là Sắc pháp, Tâm, Tâm Sở, Niết bàn thì 3 yếu tố đầu có đăc tính Khổ, Vô Thường, Vô Ngã, còn yếu tố cuối Niết bàn có đặc tính Vô ngã mà không có đặc tính Khổ và Vô thường”. Vậy khi ngài Huyền Giác nói THẬT TÁNH của vô minh thì cũng như THẬT TÁNH của Niết bàn là vô ngã hay còn gọi là Phật tánh, chân tâm trong Thiền Tông.
Từ ý nghĩa Phật tánh, chân tâm này ngài Lục Tổ Huệ năng đã khai triển và hoằng dương pháp môn Vô Niệm với câu nói làm ngạc nhiện các Phật tử Nam Tông như có “Có niệm niệm thành tà. Chánh tà đều dẹp sạch. Nằm duõi hai chân ngủ.” Nền tảng của Phật giáo Nam Tông là chánh niệm và tỉnh giác. Bây giờ Thiền Tông nói vô niệm thì mới đúng còn chánh niệm thì vẫn là tà niệm như ngài Lục Tổ nói. Vậy phải hiểu thế nào ?.
Thực ra “vô niệm” của ngài Lục Tổ cũng ý chang một nghĩa như chánh niệm của Nam Tông. Vì sự thật thì chẳng thể có vô niệm. Khi nhãn thức bắt ánh sáng, nhĩ thức bắt âm thanh, tỷ thức bắt mùi, thiệt thức bắt vị, thân thức bắt xúc chạm thì đã có niệm (sự ghi nhận rồi) mà chẳng vô niệm được. Chính đây là điều mà một sốPhật tử Nam Tông không chấp nhận có vô niệm ngay cả trên ngôn từ. Chính Đức Phật cũng không đưa ra khái niệm vô niệm trong 5 bộ kinh Pali. Như vậy vô niệm của Lục Tổ chính là cách ghi nhận tánh vô ngã của các pháp trong Thiền tông. Đó chính là sự thấy và biết thuần khiết mà không bị ái, thủ, hữu dắt đi. Giống như Đức Phật dạy trong các thấy chỉ có cái thấy, trong cái nghe chỉ có cái nghe, trong cái xúc chạm chỉ có cái xúc chạm mà thôi là không tạo nghiệp, là giải thoát.
PG Nam Tông có thiền Tứ Niệm Xứ để hành giả bước từng bước từ 7 ngày đến 7 năm (theo kinh Tứ Niệm Xứ) đi đến giác ngộ giải thoát khỏi gánh nặng của Luân Hồi.
PG Thiền Tông thì tu tập để thấy tánh vô ngã các pháp gọi là Phật tánh, chân tâm để sống với cái tâm “không động, không sầu” , “đói ăn mệt ngủ” là không tạo nghiệp, nhờ đó mà giải thoát khỏi mọi khổ và gọi là Kiến Tánh. Tên gọi thì khác nhưng bản chất là một. Tại sao gọi là bản chất là một. Vì đề mục “bất lập văn tự” trong Thiền Tông chính là đối tượng pháp Chân đế. Pháp không thể diễn giải của văn tự, khái niệm (Tục đế). Pháp mà việc thực hành chỉ thẳng vào tâm người mà không được phép diễn giải, lý luận. Pháp hành này chỉ được phép qua đụng chạm, la hét, đánh mắng, khi bất lực trước những việc này thì ra đời các công án, thoại đầu để đánh đó tư duy của bộ não, làm cho bộ não và sự lý luận tiêu vong trước những câu hỏi không thể trả lời bằng tư duy. Đó là cách gián tiếp đưa hành giả trở về với pháp Chân đế (bất lập văn tự). Chính vì pháp Hành đặc thù này mà Lục Tỏ Huệ Năng mới nói pháp môn này là Kiến Tánh không dành cho người ngu (Chỉ môn Kiến Tánh ấy. Người ngu dễ thấu đâu-Vô Tướng Tụng). Ngay nay, Thiền Tông nguyên chất này không còn nữa, vì không còn người truyền thừa, không còn người khai thi pháp kiến tánh không qua văn tự. Còn việc giảng giải, suy luận về công án, thoại đầu, bản tâm, tánh không, ngũ uẩn giai không,..để tu tập hay nhận lấy tánh thì không được gọi là Thiền Tông.
Nguồn: thayvabiet.com
You must be logged in to post a comment.