Thanh Tịnh Đạo

Hãy trực tiếp trải nghiệm, đừng vội tin mà bỏ lỡ Chánh pháp

Hỏi: Gần đây có vị trụ trì ngôi chùa Phật Giáo Nguyên Thủy có tiếng ở Việt Nam nói rằng ngài Phật Âm (Buddhagosa) và tác phẩm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) là của Bà La Môn, là ngoại đạo. Điều này là đúng hay sai?

Đáp: Thay vì dựa vào câu nói và sự có tiếng của một vị trụ trì để kết luận đúng sai thì chúng ta nên đọc trực tiếp vào tác phẩm Thanh Tịnh Đạo bản dịch của ni sư Trí Hải,, tác phẩm Thanh Tịnh Đạo Luận Toản Yếu của sư Thích Phước Sơn. Nếu có khả năng Anh ngữ thì xem bản dịch The Path of Purification của ngài trưởng lão Nanamoli, và bản Pali gốc Visuddhimagga do đại hội tập kết kinh điển lần thứ 6 tại Myanmar xếp vào các bộ Chú giải quan trọng của Phật giáo Theravada. Phật tử các nước Phật giáo Nguyên thủy luôn coi bộ Thanh Tịnh Đạo như quyển cẩm nang cho người tu tập Giới, Định, Tuệ.

Thanh Tịnh Đạo Khi đọc xong tác phẩm, thậm chí chỉ cần đọc đến 1/3 tác phẩm thì chắc bạn sẽ không còn quan tâm đến việc ai nói đúng hay sai về tác phẩm này nữa. Việc này giống như việc người mù được chữa sáng mắt thì tự thấy ánh sáng mà không cần phải người khác mô tả về ánh sáng lúc còn bị mù. Và nếu ai nói ánh sáng chỉ là là các màu xanh, đỏ, tím vàng thì người đó cũng không còn muốn tranh luận điều đó đúng sai nữa. Để làm ví dụ, chúng ta cùng trích đoạn nhỏ ngay phần đầu tác phẩm Thanh Tịnh Đạo để thấy được trí tuệ thâm sâu của ngài Phật Âm (Buddhagosa) trong luận giải từ câu kệ của Đức Phật:

“Người trú giới có trí.

Tu tập tâm và tuệ.

Nhiệt tâm và thận trọng.

Tỷ kheo ấy thoát triền. (S., i, 13)

Do duyên gì bài kệ trên đây được nói? Khi đức Thế tôn ở Xá vệ, một vị trời đi đến hoặc, vị ấy đã đặt câu hỏi này:

Nội triền và ngoại triền.

Chúng sinh bị triền phược.

Con hỏi Gotama:

Ai thoát khỏi triền này? (S. i, 13) 

Ðây là ý nghĩa tóm tắt. Triền là lưới tham. Vì đó là một trói buộc theo nghĩa đan mắc vào nhau, như những cành cây chằng chịt như mạng lưới trong các khu rừng tre v.v…. Tham cứ tiếp tục khởi qua lại giữa những đối tượng của tâm, từ sắc pháp đến tâm pháp và trái lại. Tham được gọi là nội triền và ngoại triền, vì nó khởi lên dưới hình thức khát ái đối với vật dụng của mình và đối với vật dụng của người, đối với tự ngã của mình và tự ngã của một người khác, đối với nội xứ và ngoại xứ. Vì tham khởi theo cách ấy, nên chúng sinh bị triền phược. Như những cây tre bị vướng mắc bởi bụi tre, thế gian này cũng vậy, nói cách khác, tất cả chúng sinh này đều bị vướng mắc vì mạng lưới chằng chịt của dục vọng. Con hỏi Gotama: Và bởi vì thế gian bị trói buộc như thế, cho nên con muốn hỏi điều này. Vị trời xưng hô với đức Thế tôn bằng tộc tánh của Ngài là Gotama. Ai thoát khỏi triền này: Ai có thể giải toả, tháo gỡ trói buộc này, cái mớ bòng bong làm cho chúng sinh trong tam giới đều bị quấn quít như thế? Ðiều vị trời ấy hỏi là: ai có khả năng tháo gỡ triền phược?” (Hết phần trích dẫn).

Phần giải thích các câu kệ trên còn dài, bạn nên tiếp tục đọc trực tiếp từ tác phẩm vĩ đại và trí tuệ này nhé.

(Tuniemxu.org)