hành thiền

Hành thiền có bị điên không ?

Hỏi: Cách đây sáu năm có môt phật tử đi sang Myanmar hành thiền, một thời gian sau về bị điên ? Hành thiền có bị điên không ? Tại sao lại như vậy, xin được giải thích ?

Trả lời: Theo Vi Diệu Pháp thì duyên sinh sắc pháp (thân) là: nghiệp, tâm. thức ăn, thời tiết. Các duyên sinh tâm là: nghiệp, cảnh, căn, sở hữu tâm. Bệnh điên cũng là một loại bệnh có do một trong các nguyên nhân này. Điên không cứ gì hành thiền hay ở Myanmar mà ở mọi chỗ, mọi nơi. Bạn có thể vào các bệnh viện thần kinh tìm hiểu thì sẽ thấy người ta điên vì tình, vì tiền, vì oan trái, bức bách, vì tham ái, sân hận, si mê chứ vì nguyên nhân hành thiền thì không đúng, thậm chí không thể tìm thấy. Thật buồn cười khi người ta sợ hành thiền bị điên cũng giống như sợ chết đói, chết khát mà không sợ chết bởi tai nạn giao thông. Theo thống kê thì người chết vì tai nạn giao thông hàng ngày nhiều hơn rất nhiều lần người chết đói, chết khát trên thế giới. Trong khi hành thiền bản chất như ăn uống, tai nạn giao thông giống như sự vô thường của cuộc sống.

Trở lại việc cụ thể của 1 phật tử đi hành thiền ở Myanmar về bị điên có thể không đến từ nguyên nhân hành thiền vì hành thiền đúng giúp cho tâm người ta trở nên mát mẻ, thanh tịnh, giảm thiểu sân hận và si mê, trong khi bệnh điên lại đến từ nguyên nhân ngược lại. Bất thiện nghiệp của người đó lại trổ ra đúng vào lúc được thực hành giáo pháp, người đó không đủ phước báu để đạt được tới kết quả hành thiền. Vì thế Đức Phật dạy tu Tuệ thì phải cùng tu Phước (Phúc). Phước Tuệ song tu là rất quan trọng. Hành thiền thậm chí còn chữa được trầm cảm thì không thể nói rằng hành thiền bị điên được. Trong thời Đức Phật còn tại thế, cô gái điên Patàcàrà đã được Đức Phật giúp đỡ tu tập đạt tới đạo quả A La Hán. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật đã nhiều lần khẳng định có thiền thì mới có trí tuệ và không có thiền thì không có trí tuệ. Điều này đồng nghĩa với việc khẳng định không ai có thể điên khi hành thiền theo pháp hành thiền mà Đức Phật đã dạy và để lại trong hàng nghìn năm qua. Bệnh điên thuộc loại bệnh SI mê rất nặng. Có trí tuệ thì si mê biến mất, mà muốn có trí tuệ thì phải hành thiền, vì vậy không thể nói bệnh điên do hành thiền gây ra , nhất là hành thiền trong pháp hành của Đức Phật đã dạy. 

“Tu Thiền, trí tuệ sanh,
Bỏ Thiền, trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Ðưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng”. (Pháp Cú 282)

“Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết Bàn”. (Pháp Cú 372)

hành thiền

Trước khi bước vào hành thiền miên mật, tinh tấn thì cần phải có dự bị tu tập. Dự bị tu tập bao gồm hành mười việc lành để tích phước, và giảm trừ bất thiện nghiệp. Đồng thời phải học về Pháp học bao gồm các khái niệm về Giới, Định, Tuệ. Cùng với việc này là thực hành thiền hàng ngày theo thời khoá thích hợp để cho thân tâm nhu nhuyễn. Trải qua vài tháng đến vài năm thì mới hành thiền liên tục, tinh tấn, miên mật trong trường thiền hay trú xứ thích hợp. Lại tiếp tục như vậy ở cấp độ cao hơn trong những năm tiếp theo thì sẽ có kết quả như Đức Phật dạy trong kinh Tứ Niệm Xứ (từ 7 ngày đến 7 năm).

Việc thiếu giai đoạn DỰ BỊ TU TẬP này nên nhiều người bước vào hành thiền tinh tấn bị chướng ngại. Nếu người nào không vượt qua được thì trở nên chán nản thối lui, thậm chí bất mãn, xuyên tạc (tạo thêm nghiệp chướng). Còn người nào vượt qua được thì cho mình đã thành tựu, là học trò của thiền sư A, B, C nổi tiếng…rơi vào kiêu mạn và chấp thủ đây là vị thầy của tôi, đây là pháp hành cao thượng của tôi,…Chướng ngại này vi tế hơn khó vượt qua hơn rất nhiều.

dự bị tu tập

Một điều cần nói thêm trong các điều kiện về hành thiền thì có 3 thứ thiền sinh coi nhẹ khi BẮT ĐẦU hành thiền nhưng lại “tra tấn” thiền sinh nhiều nhất là: món ăn không thích hợp, thời tiết không thích hợp, trú xứ không thích hợp. Ở Myamar là việc ăn uống ngày nay (năm 2014 này) đã được cải thiện vì đã mở cửa và khách du lịch vào nhiều , nhất là các thiền sinh trên khắp thế giới đổ về, có trường thiền, các thiền sinh còn được ăn buffet hàng ngày. Trong khi chỉ cách đây 5,6 năm thì việc ăn uống rất khổ cực, có thiền sinh bị sốc khi thức ăn giống như nấu cám, và tập quán ăn bốc bằng tay của người Myanmar. Đó là chưa nói đến thời tiết và những tập quán khác mà thiền sinh nước ngoài cần tìm hiểu trước khi du nhập.

Ngài thiền sư Ajahn Chah đã từng dạy:” Hai mặt của thực tại. Bạn ăn xong bạn phải đi đại tiện, tiểu tiện. Vì quên mặt này nên khi bạn ăn quá nhiều thì bạn phải ngồi trong toilet lâu hơn và nhiều hơn”. Chúng ta chỉ nhìn vào mặt tích cực xuất thế gian (an tịnh, đoạn trừ phiền não) của hành thiền mà không nhìn thấy mặt thế gian (món ăn, trú xứ, thời tiết, ngôn ngữ, bạn đạo, vị thầy, dự bị tu tập) khi hành thiền, vì khi chưa chứng đạo hay chứng thiền thì chúng ta bị các nhân, duyên thế gian pháp chi phối mãnh liệt. Việc DỰ BỊ TU TẬP thật tốt chính là sự tập hợp các thuận duyên hay phước lành làm thành các món tư lương cho thiền sinh trên con đường giải thoát trong thế gian đầy những phiền não và hiểm nguy.

Thấy và Biết (sưu tầm)