đừng tự làm khó mình thêm nữa_

Đừng tự làm khó mình thêm nữa

[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Female” buttontext=”Bấm Để Nghe Đọc”]

 

1-Hỏi: Tôi có thể nhập thiền để quán sắc là các vi hạt để không còn đối tượng nào riêng biệt để mà chấp ngã cả. Điều này có đúng không ?

Đáp: Sắc pháp hay sắc uẩn chỉ là một uẩn trong năm uẩn. Bạn có thể không chấp vào sắc pháp trong cảnh thiền nữa nhưng bạn lại rơi vào chấp danh tức là chấp vào các uẩn thuộc về tâm như thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn trong cảnh thiền sắc giới hoặc vô sắc giới. Nghĩa là bạn vẫn rơi vào ta thấy, ta là chủ thể của việc thấy các vi hạt tan rã khi nhập thiền.

Còn khi rời khỏi thiền về cảnh dục giới thì bạn không thấy sắc vi tế (nếu có) nữa, và bạn lại rơi vào chấp thủ, lại tham lam, sân hận và si mê trong cảnh dục giới. Trong cảnh dục giới với quan sát qua ngũ môn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân môn), bạn không thế thấy tóc, lông, móng, răng, ra,…phân, nước tiểu, đờm, nước dãi là vi tế, vì chúng thuộc loại sắc thô mà chỉ ở dục giới bạn mới quan sát được sắc thô này. Quan sát sắc vi tế (nếu có) là chưa đủ, bạn phải quan sát ở cảnh sắc thô nữa. Vì nếu thoát khỏi dính mắc sắc pháp ở vi tế thì lại bị dính mắc (thích hay ghét) ở cảnh sắc thô.

Hơn nữa trong kinh điển, Đức Phật không dạy quán sự tan rã của sắc pháp trong thiền định cảnh Sắc giới mà chỉ dạy sự chánh niệm tỉnh giác khi các tâm thiền (chi thiền) thay đổi tức là quán danh là các tâm cụ thể là tầm, tứ, hỷ, lạc, xả để bước vào Chánh định.

Mười một tính chất của ngũ uẩn từ thô đến vi tế, hạ liệt hay cao thượng, xa và gần, trong và ngoài, quá khứ, hiện tại và tương lai, hành giả không chỉ quán ở Sắc giới qua ý môn mà cần quán qua ngũ môn mới đủ các sắc cảnh giới trong 28 sắc pháp chân đế.. Hành giả cần quán ở cảnh Dục giới chính là cảnh qua ngũ môn mới đầy đủ các sắc pháp chân đế sinh diệt nơi ngũ môn như các đặc tính cứng, mềm nóng lạnh, nặng nhẹ (sắc tứ đại), hay sắc cảnh sắc, sắc cảnh thinh, sắc cảnh vị, sắc cảnh khí. Các sắc chân đế này trong 28 sắc chân đế chỉ quan sát được qua ngũ môn, không phải qua ý môn. Ví dụ như nếu một người điếc thì không thể biết sắc cảnh thinh là 1 trong 28 sắc pháp chân đế, cho dù người đó nhập cảnh thiền định dùng ý môn quan sát cũng không biết được cảnh thinh.

Sự giác ngộ không ở cảnh thiền sắc giới hay vô sắc giới, mà chính cảnh sinh khởi ở sáu cửa giác quan của cuộc sống đời thường này.

2-Hỏi: Khi tôi quán các vi hạt sắc pháp tan rã, là tôi đã thấy vô thường, khổ, vô ngã rồi. Tại sao lại nói tôi vẫn còn chấp thủ vào bản ngã (tôi, ta) ?

Đáp: Đức Phật dạy quán sự sinh diệt của ngũ uẩn để diệt ngũ uẩn thủ, tức là diệt cái ảo tưởng về một bản ngã bám chặt vào ngũ uẩn. Khi ngũ uẩn bị sinh diệt liên tục bên trong và bên ngoài thì không có chỗ nào cho một cái ta bám vào như “ta” thiền để “ta” thấy các vi hạt sắc pháp tan rã. Quán sắc pháp tan rã trong khi nhập định chỉ là sắc pháp sinh nơi ý môn thuộc cảnh Sắc giới. Bạn chưa thấy cảnh sắc pháp tan rã sinh diệt nơi các căn môn như nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn. Vì các sắc pháp này (sắc cảnh sắc, sắc cảnh thinh, sắc cảnh khí, sắc cảnh vị, sắc cảnh xúc của đất, lửa gió) chỉ quan sát được khi bạn đang ở cảnh Dục giới. Bạn phải xuất định, quay về tâm Dục giới để thực hành thiền Tứ Niệm Xứ như đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, duỗi tay, quay đầu, nhai, nuốt,… để bạn thấy sự sinh diệt liên tục của khối sắc pháp sinh diệt liên tục ở các căn môn. Nên tại sao Đức Phật nhấn mạnh Tứ Niệm Xứ là con đường độc nhất, không có cách nào khác bỏ qua con đường này mà thoát khỏi sự chấp thủ về thân tâm (danh sắc, ngũ uẩn).

3-Hỏi: Có người nói bản ngã (tôi, ta) là một ảo tưởng nên diệt ảo tưởng cũng là một ảo tưởng khác, tức là không cần diệt bản ngã làm gì vì pháp vốn hoàn hảo ?

Đáp: Thoạt nghe câu này có vẻ có lý theo kiểu chơi chữ, nhưng nếu thật sự câu này đúng thì chúng ta không cần chữa bệnh cho người điên nữa. Vì người điên là sự ảo tưởng của người ta với thế giới bên ngoài. Ảo tưởng của người điên không có thật nên chữa bệnh cho người điên cũng là một ảo tưởng, không cần lập bệnh viện điều trị về tâm lý và thần kinh nữa. Nhưng chúng ta đều thấy sự khổ sở và tai họa của người điên gây ra cho chính họ và thế giới bên ngoài ra sao rồi. Vì thế Đức Phật dạy “Khổ càn được phải thấy”. Chỉ có “Khổ đế” chứ không có “Lạc đế” trong Tứ Diệu Đế. Thấy “hoàn hảo” giống như thấy “Lạc đế” là che khuất “Khổ đế”, nghĩa là trong Khổ mà tưởng là lạc.

đừng tự làm khó mình thêm nữa_

Đức Phật dạy rằng Khổ đế cần phải thấy. Tập đế tức tham ái vào ngũ uẩn cần diệt trừ.

Tương tự nếu chúng ta nghĩ chúng ta không còn ảo tưởng bản ngã (là ta, của ta) nghĩa là diệt xong thân kiến là bậc Thánh nhân thì không cần diệt trừ ảo tưởng bản ngã nữa. Nhưng nếu sự thật chưa phải bậc Thánh thì chúng ta lại bị bệnh nặng hơn vì rơi vào loại điên đảo: “Trong không thanh tịnh, nghĩ là thanh tịnh, này các Tỷ-kheo, đó là tưởng điên đảo, tâm điên đảo, kiến điên đảo.” Việc này giống như người điên nghĩ mình không điên nên không cần chữa thì bệnh sẽ nặng hơn và càng khó chữa.

Vì thế pháp Học rất quan trọng. Khi một ai đó nói hay đến đâu, uy tín đến đâu, thì cũng nên đối chiếu xem người đó có nói đúng như lời Đức Phật dạy trong kinh điển không. Dù biết rằng vào thời nay là thời tượng pháp, và Đức Phật cũng đã dạy rằng người ta thích nghe và nhớ lời do các đệ tử thuyết giảng hơn là lời Đức Phật nên cũng dễ hiểu. Tam Tạng kinh điển đã online gần hết rồi, chỉ gõ vài từ khóa là ra thôi, bạn đừng tự làm khó mình thêm nữa.

WWW.TUNIEMXU.ORG