ducphatvoilahaula1

Đức Phật tùy duyên thuyết Pháp, vậy Pháp tùy thời có mâu thuẫn nhau?

Con nghe có người nói rằng Pháp của Đức Phật thuyết tùy thời khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau. Điều này có đúng không?

Đáp : Vấn đề này nếu chúng ta không hiểu rõ thì chúng ta dễ dàng bị rơi vào ngụy biện kiến. Đức Phật tuyên bố rằng chân-lý chỉ có một, cứu cánh Niết-bàn chỉ có một và những gì Ngài thuyết ra chỉ nhằm mục đích đưa tới sự lợi ích, những gì không có sự lợi ích thì Ngài không thuyết – Trung Bộ Kinh

Khi Đức Phật nắm một nắm lá trong tay, Ngài day Ngài Ananda: “Những gì Như Lai hiểu nhiều như lá rừng, và những gì Như Lai nói ra như nắm lá trong bàn tay.” Vì sao? Vì những gì Ngài nói ra là để đưa tới sự lợi ích, còn những gì Ngài hiểu thì trong đó có những điều không đưa tới sự lợi ích nên Ngài không nói. Như vậy, điều này cho chúng ta thấy rằng cho dù Đức Phật có thuyết nhiều pháp môn đi chăng nữa thì cũng chỉ có một mục đích duy nhất trước sau như một là giúp chúng sanh thoát khỏi khổ.

Như một người lương y, tùy theo chứng bệnh của mỗi bệnh nhân mà bốc thuốc, bốc thuốc làm sao cho phù hợp với bệnh của từng người thì bệnh nhân mới hết bệnh. Do đó, người lương y bốc thuốc không phải lúc nào cũng giống nhau, mà tùy theo bệnh của từng người mà thuốc có khác nhau. Tương tự như vậy, Đức Phật tùy theo căn tánh của mỗi chúng sanh mà thuyết Pháp. Nhưng nên nhớ rằng Pháp của Đức Phật thuyết ra không vì lý đó mà có sự mâu thuẫn nhau, chẳng hạn lúc này Ngài nói như thế này rồi sau đó lại nói ngược trở lại – chuyện này không hề có.

poll5
Đức Phật tùy theo căn cơ chúng sanh mà thuyết Pháp là như thế nào? Chẳng hạn đối với chúng sanh có cơ trí nhiều, trí tuệ vững mạnh, Đức Phật nói ngắn gọn hoặc nói Pháp cao; đối với chúng sanh trí tuệ không nhạy bén thì Ngài nói Pháp thấp hoặc giảng giải cặn kẽ, có chúng sanh Ngài nói Pháp thuận thứ (từ thấp đến cao) với họ, lại có những chúng sanh khác xét thấy có khả năng thấy được đạo quả thì Đức Phật thuyết Pháp để đưa họ vào con đường xuất ly. Như vậy Pháp của Đức Phật thuyết, tuy có cao thấp tùy theo căn cơ của chúng sanh, nhưng trước sau vẫn như một, chứ không hề có sự mâu thuẫn nhau. Từ tạng Kinh cho đến tạng Luật , tất cả đều nhất quán với nhau, không hề có sự mâu thuẫn. Chỉ có điều là ở đoạn Kinh này Đức Phật nói ngắn, ở một đoạn Kinh khác Ngài nói rộng ra, ở một đoạn Kinh khác, Ngài lại nói thật dài. Mục đích là để tế độ cho chúng sanh, giúp cho họ sống một cuộc sống hướng thượng hoặc có thể đắc được đạo quả.

Có một câu chuyện để minh họa cho vấn đề này. Một lần nọ xảy ra một cuộc tranh cãi giữa người thợ mộc Pañcakaṅga của vua Ba Tư Nặc với Ngài Udāyi. Ngài Udāyi nói rằng tự thân mình nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng ba thọ, ông thợ mộc thì cãi rằng chính mình được nghe Đức Thế Tôn thuyết chỉ có hai thọ mà thôi. Ngài Ananda chứng kiến cuộc tranh cãi và không biết phân xử làm sao vì người nào cũng khẳng định là chính mình đã được nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Ngài Ananda về xin ý kiến của Đức Phật và Ngài nói: “Này Ananda, tùy pháp môn mà Như Lai thuyết giảng. Có khi Như Lai thuyết giảng hai thọ, có khi Như Lai thuyết giảng ba thọ, có khi Như Lai thuyết giảng năm thọ, có khi Như Lai thuyết giảng sáu thọ, có khi Như Lai thuyết giảng mười tám thọ, có khi Như Lai thuyết giảng ba mươi sáu thọ, có khi Như Lai thuyết giảng một trăm lẽ tám thọ” – (Kinh Đa Thọ, Trung Bộ Kinh). Cho nên chúng ta thấy rằng trước hay sau thì Đức Phật vẫn thuyết nhất quán không hề có mâu thuẫn, nếu có sự khác biệt trong các thời Pháp thì chẳng qua đó chỉ là do tùy duyên thuyết Pháp mà thôi.

Cho nên trong bài kinh Đại Bát Niết-Bàn Đức Phật dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, sau khi Như Lai Niết-bàn rồi có vị Tỳ khưu nào nói rằng ‘tự thân tôi nghe lời này của Đức Thế Tôn’, hay một nhóm Tỳ khưu nào nói là ‘tự thân tôi nghe từ một vị được nghe từ Đức Thế Tôn’, hay vị nào nói ‘tôi nghe nhóm chư Tỳ khưu được nghe từ Đức Thế Tôn’, hoặc một nhóm Tỳ khưu nói rằng ‘Tôi nghe từ những vị Tỳ khưu thọ trì từ Đức Thế Tôn’ thì khoan vội tin cũng như khoan vội bác bỏ mà hãy đối chiếu Pháp và Luật. Nếu Pháp và Luật tương ưng với nhau thì đó là lời dạy của Như Lai. Nếu Pháp có, Luật không có; nếu Luật có, Pháp không có, thì đó không phải là lời dạy của Như Lai.”

Do đó, xin lưu ý rằng cho dù Đức Phật có thuyết muôn 84,000 pháp uẩn đi chăng nữa thì tất cả chúng đều nhất quán với nhau, nếu các thời Pháp có khác nhau là do Ngài khéo trình bày chúng dưới nhiều khía cạnh hoặc góc độ khác nhau. Giống như một người cầm trong tay một viên kim cương, viên kim cương đó có đủ tám mặt, người này đưa viên kim cương trước mặt và nhìn viên kim cương qua mặt thứ nhất, người khác đứng ỏ một vị trí khác nên nhìn thấy viên kim cương qua mặt thứ hai. Như vậy, viên kim cương có tám mắt, tám người sẽ nhìn thấy viên kim cương đó qua tám mặt khác nhau tùy theo vị trí mà mình đứng, nhưng tựu trung vẫn chỉ là một viên kim cương duy nhất mà thôi. Pháp của Đức Phật khéo thuyết giảng là như vậy.
Tỳ kheo Chánh Minh

Chuyển biên: Minh Hạnh

Biên tập: Panna Dipa Tuệ Đăng